Về thăm lại Hoa Lư - vùng đất thiêng Đế đô một thuở

Nguyễn Huy Minh |

Những này này, Ninh Bình đang nỗ lực chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018). Chúng tôi lại có dịp về thăm vùng đất thiêng Đế đô một thuở, nơi từng là đất bản bộ nuôi dưỡng và nhân lên nguồn nội lực của dân tộc trong giai đoạn đầu của thời kỳ độc lập (968 - 1010); nơi xây nền đắp móng, tạo đà để dân tộc ta bước vào kỷ nguyên phục hưng với văn minh - văn hiến Đại Việt rực rỡ và vô số võ công hiển hách(*).

Nhiều người so sánh rằng, non nước Ninh Bình giống như một Vịnh Hạ Long trên cạn, còn theo các nhà nghiên cứu, nơi đây có nhiều sơn khối đá vôi còn khá nguyên sơ. Những công trình nghiên cứu khảo cổ học gần đây tại vùng rừng núi Tam Điệp, Cúc Phương đã hé mở những lớp cư trú săn bắn hái lượm của người xưa có niên đại chắc chắn sớm nhất lên đến 30 - 40 chục ngàn năm trước, thậm chí có thể còn sớm hơn nữa. Theo TS Nguyễn Việt – GĐ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, hiện vật đỉnh cao của văn hoá Đông Sơn thi thoảng cũng xuất lộ ở Ninh Bình, đa phần có dấu hiệu cất giấu trong núi đá hơn là những khu mộ hoành tráng bên cạnh những làng xóm trù phú, tầng văn hoá dày. Hẳn rằng các quý tộc Văn Lang, Âu Lạc ít nhiều đã chọn dải núi đá vôi trùng điệp của Ninh Bình làm nơi ẩn náu và cất giữ đồ quý trước những biến động lịch sử.

Lá đại kỳ viết hai chữ “Thái Bình” trên đỉnh núi Mã Yên, nơi có lăng mộ vua Đinh. Ảnh: Sơn Tùng
Lá đại kỳ viết hai chữ “Thái Bình” trên đỉnh núi Mã Yên, nơi có lăng mộ vua Đinh. Ảnh: Sơn Tùng

1. Theo ông Trương Đình Tưởng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, Ninh Bình là vùng đất gặp gỡ giữa đồng bằng đang mở về phía biển Đông và đồi núi; vừa là vùng đất cổ, vừa là vùng đất mới. Dòng hải lưu ven bờ biển Bắc Bộ đưa hầu hết phù sa sông Hồng và đất lở các tỉnh Nam Định - Thái Bình theo hướng Bắc Nam, đến vùng biển Ninh Bình, do ảnh hưởng sự che chắn của Núi Nẹ gây lắng đọng nên có tốc độ bồi tụ lớn nhất cả nước. Hàng năm đất liền vươn dài ra biển tới trên 80m. Có được non sông tươi đẹp như hôm nay, nhân dân Ninh Bình trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm, từ buổi còn ghè cuội, đẽo đá trong hang động, tiến dần ra biển, rồi thích nghi với những trận động đất, tạo sơn, biển tiến, biển thoái, vượt qua những trận cuồng phong, bão tố, đến buổi bình minh dựng nước thời đại các vua Hùng, phất ngọn cờ lau tụ nghĩa bốn phương dựng cơ đồ Hoa Lư bừng sáng, cùng nhân dân cả nước viết nên những trang sử bất diệt.

Năm 968, anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng (924 - 979), người con quê hương Ninh Bình, dẹp yên loạn 12 sứ quân, thu non sông về một mối, xưng Hoàng đế, lập nước Đại Cồ Việt. Động Hoa Lư vốn là một thung lũng bạt ngàn hoa lau, nằm trong sơn phận núi non hiểm trở, nơi Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận thuở thiếu thời, đã trở thành căn cứ địa bất khả xâm phạm. Hoa Lư động có nghĩa là động hoa lau, nhưng kinh đô Hoa Lư lại có nghĩa là làng hoa. Một ước mơ, một viễn cảnh sán lạn được đức vua Đinh viết nên chỉ từ một sự thay đổi từ Lư (廬) là lau đến Lư (閭) là làng mà khác hẳn. Ý tưởng xây dựng quốc gia đẹp lộng lẫy như một làng hoa đã có từ ngày ấy! Việc xưng đế của Vạn Thắng Vương có ý nghĩa hết sức lớn lao, cho thấy bước tiến vượt bậc trong tư duy của đức vua Đinh, với ý thức tự cường dân tộc, ngang hàng với các hoàng đế phương Bắc chứ không phải là Tiết độ sứ hay Vương do các triều đình phương Bắc ban phong.

Ngót nửa thế kỷ tồn tại, kinh đô Hoa Lư với vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, quân sự của nước Đại Cồ Việt, đã trở thành kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền trong lịch sử dân tộc; đã bảo vệ vững chắc vương triều Đinh - Tiền Lê, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước; là nơi hoạch định kế sách và xuất phát các đạo thần binh phá Tống, bình Chiêm, lập nên võ công oanh liệt của dân tộc ta ở nửa cuối thế kỷ X. Kinh đô Hoa Lư cũng là cái nôi khai sinh ra nhà Lý và tạo tiền đề vật chất, tinh thần cho kinh đô Thăng Long tỏa sáng, đưa nước ta bước vào thời kỳ phục hưng dân tộc Đại Việt rực rỡ ở những thế kỷ sau.

Trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), vua Trần Thái Tông đã cho xây dựng hành cung Vũ Lâm (tại Ninh Hải, Ninh Thắng, Hoa Lư), dựa vào thế núi sông hiểm trở của Cố đô Hoa Lư xưa, “giữ nơi hiểm yếu” để xây dựng căn cứ địa Trường Yên, chỉ huy cuộc kháng chiến thắng lợi, “non sông ngàn thuở vững âu vàng”. Gần đây nhất, Mùa Xuân năm 1975, Binh đoàn Quyết Thắng (Quân Đoàn I) từ Tam Điệp thần tốc tiến vào Nam, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tính từ năm 982 khi vua Lê Đại Hành từ kinh đô Hoa Lư xuất đạo thần binh tiến đánh, phá tan giặc Chiêm Thành ở phía Nam, đến năm 1975 là 993 năm, gần 10 thế kỷ, lịch sử lặp lại sự kiện trọng đại: Tiến quân Nam phạt, giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

2. Ngàn năm, vạn năm, nhân dân Ninh Bình bạt núi, xẻ đồi, quai đê lấn biển, mở mang làng bản. Ninh Bình nằm ở vị trí “cuối sông đầu núi” nên nước lũ hàng năm gây lụt lội lớn. Có thể nói lịch sử chống thiên tai của nhân dân Ninh Bình là lịch sử “Áp Lãng” (Đè sóng, tên một vị Thần là Áp Lãng Chân Nhân được thờ ở Thần Phù, Yên Lâm, Yên Mô, có công đè sóng cho nhà vua và dẫn quân tiến đánh giặc phía Nam) để tiến ra biển Đông. Nhân dân Ninh Bình từ chỗ chế ngự thú dữ núi rừng đã vươn dài ra biển Đông dựng cơ đồ, tạo nên một dải quê hương núi sông, rừng biển kỳ tú. Chỉ tính từ thời Lê sơ (thế kỷ thứ XV) đến nay, người Ninh Bình đã chinh phục và mở mang cõi bờ bằng cả gần nửa diện tích của tỉnh như hiện có, bởi những con đê sừng sững như vành đai thành quách Hoa Lư, tạo nên một không gian khai hoang lấn biển vĩ đại, chiến thắng “giặc Thủy Tinh”, lập nên bao xóm làng trù phú.

“Địa linh” (đất thiêng) nên sinh hào kiệt. “Ninh Bình núi không cao mà hiểm; sông không sâu mà chảy xiết” (Nguyễn Tử Mẫn); “Núi là Thiện Dưỡng, sông là Hoàng Long. Khí thiêng chung đúc, người kiệt ra đời” (Vũ Phạm Khải). Trong sách Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biên, danh nho Nguyễn Tử Mẫn khi khảo cứu về núi non Ninh Bình, mục núi Thiện Dưỡng, ông viết “Núi Thiện Dưỡng cao chót vót mà tròn đẹp... Theo sử nhà Minh thì trong số 21 núi có tiếng ở An Nam, núi ấy là một. Đầu thời Hồng Đức, có bày đàn tế Giao (tế Trời Đất), năm thứ 3 có sai quan tế, vẽ hình thế núi đem về”. Thời Hồng Đức (1470 - 1497) có tế Nam Giao ở đây! Tế Nam Giao là lễ trọng, tế Trời Đất để cầu quốc thái dân an, thường tế ở đàn tế giao ở kinh kỳ, do nhà vua trực tiếp chủ tế. Thế mà thời kỳ này, kinh đô ở Thăng Long, có đàn tế giao, mà vua lại cho lập đàn và cử đại thần về tế Trời Đất ở đây thì đủ thấy núi này là linh sơn tráng khí, vùng này là địa linh danh tiếng chừng nào! Theo công trình khảo cứu về văn hóa của GS Nguyễn Hoàng Phương, số huyệt linh thiêng trong sách của Cao Biền, một số tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ có 632 huyệt chính, 1.517 huyệt bàng (phụ), trong đó vùng Hà Nam, Thái Bình và Ninh Bình đã có tới 132 huyệt chính, 325 huyệt bàng, đủ thấy Ninh Bình là vùng đất có nhiều “huyệt” phong thủy đại quý, xứng tầm địa linh nhân kiệt.

3. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Viện Sử học), kinh đô Hoa Lư bao gồm thành Ngoại và thành Nội. Thành Ngoại rộng khoảng 140 hecta thuộc địa phận các thôn Yên Thượng, Yên Thành, xã Trường Yên. Đây là cung điện chính mà khu vực đền Đinh, đền Lê là trung tâm và cũng chính là nơi vua Đinh Tiên Hoàng cắm cờ dựng nước. Thành Nội có diện tích tương đương thành Ngoại, thuộc thôn Chi Phong, xã Trường Yên có tên là Thư Nhi xã, nơi nuôi trẻ em và những người giúp việc trong cung đình. Hai thành này được ngăn cách với nhau bằng một lối đi tương đối hiểm trở gọi là quèn Vòng.

Kinh đô Hoa Lư do Đinh Tiên Hoàng tổ chức xây dựng là một công trình kiến trúc lớn nhất của đất nước sau ngàn năm Bắc thuộc. Từ đây, bộ máy chính quyền của nhà nước độc lập tự chủ do Đinh Tiên Hoàng đứng đầu đã củng cố và giữ vững chủ quyền của quốc gia và dân tộc. Xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu Thái Bình, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới.

Trong triều đình Hoa Lư thời Đinh, bên cạnh đội tướng lĩnh công thần từng theo Đinh Bộ Lĩnh “dẹp loạn”, thống nhất đất nước, kiến lập vương triều thì tầng lớp tăng lữ có một vai trò rất quan trọng. Đội ngũ này gần như là “cố vấn” cho Hoàng đế và triều đình trong công tác nội trị và bang giao. Năm 971, Đinh Tiên Hoàng ban hiệu Khuông Việt đại sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu, cho Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi... Dưới triều Đinh chưa có một bộ luật thành văn mà chỉ có những quy định, quy tắc buộc mọi người phải tuân thủ. Việc quy kết tội danh và các hình thức xử phạt còn thô phác, dân dã: “Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: “Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn”. Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm”.

Bàn về triều Đinh và Đinh Tiên Hoàng, sử gia Lê Văn Hưu viết: “Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ...”. Sử thần Lê Tung trong “Việt giám thông khảo tổng luận” nhận định: “Đinh Tiên Hoàng nhân khi nhà Ngô loạn lạc, dẹp được 12 sứ quân, trời cho người theo, thống nhất bờ cõi... sáng chế triều nghi, định lập quân đội. Vua chính thống của nước Việt ta thực bắt đầu từ đấy...”.

GS Vũ Minh Giang cho rằng, không chỉ là một trong những cái nôi của người Việt cổ, trong tiến trình lịch sử dân tộc với 42 năm giữ vị trí kinh đô, Hoa Lư đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Với ý nghĩa ấy, sử cũ đã đánh giá: “Trường Yên là kinh đô đầu tiên của nước ta trong khi kiến quốc” (Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập 3, Trg. 245).

4. Lễ hội Hoa Lư tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư được tổ chức trong 4 ngày (từ 24.4 – 27.4, tức 9.3 – 12.3 ÂL). Riêng Lễ mở cửa đền và Lễ dâng hương được tiến hành sớm, từ sáng và chiều ngày 23.4. Phần Lễ gồm: Lễ mở cửa đền; Lễ dâng hương; Lễ rước nước; Lễ mộc dục tức là lễ tắm thần vị (bao sái tượng vua Đinh, vua Lê); Lễ tiến phẩm, Lễ rước kiệu (từ các di tích lịch sử văn hóa liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê về Lễ hội); Tế Cửu khúc; Tế lễ cổ truyền của các đoàn nam quan, nữ quan, đồng quan (theo truyền thuyết, vua Đinh rất thích ca hát nên khi lên ngôi Hoàng đế ngài đã sử dụng nghệ thuật ca hát diễn xướng để phục vụ quân đội. Bà Phạm Thị Trân, người Hồng Châu (Hưng Yên) đã dạy hát cho quân lính, được phong chức Ưu bà và được suy tôn là Huyền nữ, về sau bà đã được mệnh danh là Bà tổ của nghề hát Chèo); Lễ cầu siêu và Lễ hội hoa đăng; Lễ tạ (rã đám, tạ ơn vua đã cho tổ chức Lễ hội truyền thống thành công). Ngoài ra là phần Hội.

Lễ hội Hoa Lư đã có từ lâu đời, được biết trước đây còn có Lễ rước lửa (toàn đội Rước lửa có mười một người, ăn vận phỏng theo phong tục những túc vệ của nhà Đinh: Mình trần, ngực đeo một tấm giả da, họa tiết như da báo, da hổ - biểu hiện sức mạnh về tinh thần thượng võ; chân quấn xà cạp xanh, đỏ, đi giầy vải) hiện đang bị thất truyền cả về mặt nội dung lẫn hình thức; Cờ lau tập trận (hay còn gọi Tục hèm, đội quân cờ lau có khoảng 60 em học sinh của xã Trường Yên, được chia thành hai toán, tượng trưng cho đội quân của thung Lau (do Đinh Bộ Lĩnh làm chủ soái) và đội quân của thung Lá, tất cả các em đều giắt bông lau bắt chéo nhau ở sau lưng, tay cầm gậy. Toán cầm gươm, đội mũ quan võ bằng lá mít hay lá dứa, gọi là “lọng nón gươm dâu”. Một em khôi ngô, tuấn tú được chọn làm vua Đinh, chủ tướng của phe thung Lau, đội mũ Bình Thiên bằng rơm, tay cầm bông lau, có “tán vàng” bằng lá chuối, “tán tía” bằng vải đỏ. Đội quân cờ lau có trống cái, chiêng, thanh la. Hai bên hát múa, đối đáp thể hiện ý chí của Bộ Lĩnh và ba quân tập trận cờ lau để làm rạng rỡ truyền thống “con Lạc cháu Hồng”). Lễ kéo chữ Thái Bình (có âm Hán - Việt là “Hoa trượng”, mỗi đội kéo có khoảng 50 - 60 người, mặc đồng phục); đồng thời còn thi bơi chải, lực lượng tham gia phụ thuộc vào các đoàn đăng ký, nên không cố định, mỗi thuyền có tám tay chèo và một tay lái, về đích trước sẽ giành được cờ Thái Bình, tưởng nhớ vị tướng coi thủy binh của vua Đinh; thi đấu vật tưởng nhớ vị tướng coi bộ binh của vua Đinh.

Ngoài ra trước đây còn có tục đánh tượng nghịch thần Đỗ Thích. Theo sử cũ, Đỗ Thích quê ở làng Đại Đê (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là một viên quan Chi hậu nội nhân thời Đinh, chuyên trông coi việc ăn uống ở trong cung. Một đêm nằm ngủ mơ thấy sao rơi vào miệng, ngờ là điềm báo sắp làm vua, bèn tìm cách hãm hại cha con vua Đinh. Trước đây, trong đền thờ vua Đinh ở xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) và ở làng Mai Phương (xã Gia Hưng - huyện Gia Viễn) có tượng Đỗ Thích đặt dưới gầm hương án. Một vị trí bị coi là xó xỉnh, điều này thể hiện thái độ coi thường và căm phẫn của nhân dân đối với kẻ vì mơ mộng hão huyền mà giết hại vua, làm ảnh hưởng đến sự bình yên của đất nước. Vì thế, đến Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, đội dân binh bảo vệ Lễ hội mang tượng Đỗ Thích ra giữa sân rồng đập 30 vồ và đánh 30 trượng. Do lâu ngày để nơi ẩm thấp, tượng bị mục và năm nào cũng bị mang ra đánh nên đã bị hỏng, nay không còn nữa và tục đánh tượng nghịch thần Đỗ Thích hiện cũng không còn.

Trên vùng đất Hoa Lư ken dầy dấu chân lịch sử, dù không còn là kinh kỳ, nơi hội tụ những tinh hoa của dân tộc nữa nhưng những giá trị văn hóa phi vật thể của Cố đô vẫn còn đó và người dân nơi đây vẫn tự hào, nhắc nhở nhau bằng câu ca tuy mang tính hoài niệm nhưng đầy tự hào: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

(*) Bài viết được thực hiện dựa trên tài liệu do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình cung cấp.

Gắn bó với mảnh đất Hoa Lư thời lập quốc có sự đóng góp không nhỏ của các vị cao tăng, trong đó số một là Đỗ Pháp Thuận, nhà nội trị - ngoại giao tài giỏi. Vẫn còn lưu truyền đến tận ngày nay bài thơ về “vận nước” của ngài. Thiền uyển tập anh chép:

“Vua Đại Hành thường hỏi sư về vận nước (quốc tộ) dài, ngắn thế nào, sư thưa:

Quốc tộ như đằng lạc,

Nam thiên lý thái bình.

Vô vi cư điện các,

Xứ xứ tức đao binh.

Dịch nghĩa:

Vận nước như dây leo quấn quýt

Ở góc trời nam mở ra cảnh thái bình

Dùng đường lối vô vi ở nơi cung điện

Thì khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.

Một bài thơ chính luận có phong vị Thiền, rất gần gũi với hình thức của những bài sấm ký đương thời, với cách trình bày ngắn gọn, cô đúc, đầy hàm ý, giàu liên tưởng, trong dạng thức của một bài ngũ ngôn tuyệt cú và hàm chứa tính chất tiên nghiệm. Hình thức ấy cũng gần gũi với những bài kệ Thiền truyền thống, loại kệ bốn câu năm chữ hoặc bảy chữ, rất phổ biến trong đời sống Phật giáo Trung Quốc và Việt Nam, mà người ta gọi là “tứ cú kệ”. Trước trăm mối lo toan, trăm ngả lựa chọn, để đạt được một nền thái bình thì đâu là khâu đột phá? Đâu là chìa khoá để mở cánh cửa cho thời đại hoà bình? Đó là nhiệm vụ số một của bậc đế vương. Pháp Thuận cho rằng nhà vua cần phải thực hành một đường lối chính trị “vô vi” trong triều đình, “thuận theo tự nhiên”, chỉ có thế mới có thể dập tắt được nạn binh đao. Không thể dùng bạo lực để dập tắt bạo lực, mà phải dùng đường lối chính trị hợp lòng người, phải dùng tình yêu thương, lòng từ bi, đức hy sinh theo tinh thần Phật giáo thì mới xây dựng được nền thái bình thịnh trị, cũng tức là mới giữ được ngôi nước dài lâu. Đây là một bài thơ nhằm khai ngộ cho nhà vua nhận thức đúng cuộc sống xã hội và cách thức xây dựng đất nước. Cao hơn hết thảy, là sự thể hiện một cách minh triết tinh thần dân tộc Việt Nam trong buổi đầu tự chủ. Pháp Thuận không chỉ là một trong những Thiền sư tiêu biểu nhất ở thế kỷ X, một nhà thơ gắn bó chặt chẽ với cuộc đời mà còn là một trong những tấm gương sáng nhất của Phật giáo Việt Nam trên hành trình dấn thân cùng dân tộc hơn nghìn năm qua, rất đáng để các thế hệ Phật tử chân chính noi theo.

Một hố khai quật khảo cổ nền móng cung điện của triều đại vua Đinh. Ảnh: Sơn Tùng
Một hố khai quật khảo cổ nền móng cung điện của triều đại vua Đinh. Ảnh: Sơn Tùng

(Theo PGS.TS Nguyễn Phạm Hùng - Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQGHN).

Nguyễn Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Gặp chủ nhân tạo hình linh vật mèo duyên dáng nhất Xuân Quý Mão

HƯNG THƠ |

Nhận làm linh vật mèo đặt ở Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) với giá 31 triệu đồng, Đinh Văn Tâm tự nguyện bỏ thêm ít tiền túi để làm tượng đẹp hơn, to hơn. Nhờ vậy, linh vật mèo dù có giá không cao, nhưng so về độ đẹp và phù hợp thì có thể nói không địa phương nào bằng.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.