Tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT: Nhiều vướng mắc trong thực tiễn được giải đáp

NHÓM PV |

Hôm nay (ngày 27.12), tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh và Báo Lao Động tổ chức Chương trình “Tư vấn, đối thoại chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế” cho gần 1.000 công nhân, lao động và cán bộ công đoàn đang làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh.

11h40: Chương trình tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT kết thúc. Sự tư vấn của chuyên gia, luật sư đã cung cấp những kiến thức bổ ích, thiết thực về chính sách BHXH, BHYT cho người lao động, cũng như chủ sử dụng lao động tại một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

11h30: Chương trình bốc thăm trúng thưởng dành cho CBCNVC, NLĐ với nhiều phần thưởng hấp dẫn bao gồm phích nước, mũ bảo hiểm và một chiếc điện thoại Samsung A7.

Công nhân Nguyễn Thị Thu Lê, Công ty TNHH Việt Nam Dragonjet tại KCN Quế Võ Bắc Ninh bốc 19 phần quà.

Đại diện BHXH Việt Nam trao tặng phần quà này cho các công nhân, người lao động may mắn.

Chương trình bốc thăm trao quà trúng thưởng. Ảnh: Trần Vương
Chương trình bốc thăm trao quà trúng thưởng. Ảnh: Trần Vương

Đặc biệt, công nhân có mã số may mắn trúng điện thoại là 258 – Đặng Thị Chiêm – Công ty TNHH Bujeon Viet Nam (Quế Võ- Bắc Ninh) đã nhận được điện thoại Samsung A7.

Ảnh: Trần Vương
Ảnh: Trần Vương
 
Ảnh: Trần Vương
Công nhân nhận được phần thưởng đặc biệt từ chương trình. Ảnh: Trần Vương
Công nhân nhận được phần thưởng đặc biệt từ chương trình. Ảnh: Trần Vương

11h10: Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình - Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự cho biết: Trong thực tế triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, hiện còn có trường hợp DN cố tình “lách” luật, không ký Hợp đồng lao động cho người lao động để trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động, hoặc ký hợp đồng vụ việc để trì hoãn việc tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, làm ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chính sách an sinh thiết thân của người lao động.

Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình chia sẻ tại hội trường. Ảnh Trần Vương
Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình chia sẻ tại hội trường. Ảnh Trần Vương

Nhiều lao động gặp phải tình trạng này, nhưng không phải ai cũng dám đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho mình, do lo sợ chủ sử dụng lao động đuổi việc hoặc tước một số quyền lợi.

Về phần pháp lý, Luật sư Bình nhận thấy tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng BHYT, BHXH, BHTN làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước cũng như ảnh hưởng quyền lợi về các chế độ hưởng trợ cấp BH của người lao động. Bởi, khi mà cơ quan BH không thu được các khoản tiền về BHYT, BHXH, BHTN thì người lao động rất thiệt thòi, không được hưởng các chế độ như chế độ hưởng thai sản, tử tuất, trợ cấp mất việc làm...

Vừa rồi, công ty luật có giải quyết chanh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động ở Công ty Đông Chèm. Hiện nay, công ty này nợ BHXH hơn 11 tỉ liên quan đến quyền lợi của 407 người suốt từ 2014 đến nay. Việc này dẫn đến chế độ của người LĐ từ năm đó đến nay không được chi trả, làm mất an ninh trật tự xã hội. Phía BHXH cũng đã khởi kiện dân sự công ty này để giải quyết việc công ty này không thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động. Hiện nay tòa án đã thụ lý và quyết định yêu cầu phía công ty này phải hoàn trả số tiền đó cho phía bảo hiểm.

10h30: Không khí sân khấu trở nên nóng hơn bởi tiểu phẩm “Tiếc đĩa bỏ mâm” do Công đoàn khối các cơ quan tỉnh Hưng Yên biểu diễn.

Tiểu phẩm “Tiếc đĩa, bỏ mâm“. Ảnh: Trần Vương
Tiểu phẩm “Tiếc đĩa, bỏ mâm“. Ảnh: Trần Vương

10h15: Phía bên ngoài hội trường, các luật sư của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội và các chuyên gia của BHXH Việt Nam đang tư vấn cho người lao động.

Ghi nhận của PV Lao Động, rất nhiều thắc mắc của NLĐ liên quan tới chế độ, chính sách và các tình huống phát sinh trong thực tế liên quan tới BHXH, BHYT được các chuyên gia tư vấn, giải đáp nhiệt tình.

- NLĐ hỏi: Trong quyền lợi tham gia BHYT, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được sử dụng BHYT để tham gia khám chữa bệnh, xin hỏi trường hợp này, NLĐ phải xuất trình những giấy tờ gì? Thủ tục gì? Vì trường hợp này người lao động không còn thẻ BHYT nữa.

Chuyên gia trả lời: Bắt đầu kể từ 1.1.2018, người tham gia BHXH sẽ được nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng BHXH theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn, ở mức là 700 nghìn đồng. Đối với hộ nghèo tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ 30% mức đóng, cận nghèo được 20%, đối tượng khác được 10%. Tuy nhiên, mức đóng BHXH là 22% nhưng tính trên chuẩn hộ nghèo 22% của 700 nghìn là 154 nghìn, do đó là tính 30%, 25%, 10% đó là tính trên mức 154 nghìn đồng.

Ảnh: Trần Vương
Ảnh: Trần Vương

- NLĐ hỏi: Trong trường hợp điều trị nội trú, thẻ hết hạn, trong luật có quy định tối đa 15 ngày phải nhận được thẻ mới. Nếu trường hợp sau 15 ngày không nhận được thẻ mới, NLĐ có phải chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh đấy không?

Chuyên gia trả lời: Thủ tục đi khám chữa bệnh là phải có thẻ BHYT thì mới được hưởng quyền lợi. Có nghĩa trong thời gian chuẩn bị hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải làm thủ tục đổi thẻ BHYT vì lúc đấy mã thẻ không phải mã của người lao động nữa mà chuyển sang mã của đối tượng thất nghiệp, cơ quan BHXH sẽ cấp cho người lao động 1 thẻ BHYT mới để đi khám chữa bệnh.

- Trong trường hợp thẻ hết hạn, cơ quan BHXH sẽ phải phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh để cấp thẻ lại nối tiếp với thẻ cũ. Còn trong trường hợp chưa cấp được thẻ mới thì người lao động sẽ phải tự chi trả.

 

- NLĐ hỏi: Bà A đóng BHXH đủ 20 năm, đến năm 40 tuổi nghỉ công tác thì trong thời gian 45-55 tuổi là thời gian hưởng lương hưu, bà có được tiền hưu hay trợ cấp hay không? Nếu có thì mức chi trả như thế nào?

Chuyên gia trả lời: Để hưởng lương hưu phải thỏa mãn 2 điều kiện: Một là thời gian đóng BHXH, phải đóng đủ 20 năm mới đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, nhưng tuổi 45 thì chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, như vậy phải chờ đến năm 55 tuổi mới được hưởng lương hưu. Như vậy trong thời gian này, nếu như người lao động thuộc đối tượng chính sách xã hội thì có thể được hưởng các chính sách xã hội nhưng không phải từ một chế độ BHXH.

Phía bên trong hội trường, rất nhiều câu hỏi từ NLĐ tới Đoàn tư vấn được nêu ra. Ảnh Trần Vương
Phía bên trong hội trường, rất nhiều câu hỏi từ NLĐ tới Đoàn tư vấn được nêu ra. Ảnh Trần Vương

- NLĐ hỏi: Khi khám chữa bệnh, phải nằm viện nội trú thì yêu cầu phải có BHYT và Chứng minh thư nhân dân (CMT), trong trường hợp CMT bị mất chưa được cấp lại thì cần phải làm những thủ tục gì để được hưởng BHYT?

Chuyên gia trả lời: Trong trường hợp đến khám, chữa bệnh BHYT, vì thẻ BHYT không có ảnh, ngoài CMT thì có thể dùng các giấy tờ khác hợp lệ có thẻ như GPLX, hộ chiếu, thẻ công đoàn, thẻ đoàn viên, thẻ học sinh sinh viên, thẻ Đảng…, miễn là có giấy tờ tùy thân có ảnh được cơ quan có thẩm quyền cấp đi kèm với thẻ BHYT làm thủ tục để khám chữa bệnh.

Nhiều câu hỏi được đặt ra trong chương trình. Ảnh: Trần Vương
Nhiều câu hỏi được đặt ra trong chương trình. Ảnh: Trần Vương

- NLĐ hỏi: Tôi tham gia đóng bảo hiểm đến bây giờ là 14 năm, trong đó có một nửa thời gian là bắt buộc, một nửa thời gian là tự nguyện, sau này khi đủ tuổi hưởng lương hưu thì chế độ của tôi có khác gì người đóng bảo hiểm bắt buộc bình thường không?

Chuyên gia trả lời: Về câu trên, tôi xin trả lời là có vì người có thời gian đóng đủ 20 năm bắt buộc trở đi mà khi nghỉ hưu lương hưu thấp dưới mức lương cơ sở thì được bù cho bằng mức lương cơ sở, còn người vừa đóng BH bắt buộc vừa tự nguyện mà thời gian đóng BH bắt buộc không đủ 20 năm thì không được bù.

Bởi, người tham gia BH bắt buộc, mức đóng sẽ cao hơn, còn người tham gia BH tự nguyện thì mức trần thấp nhất theo như quy định năm 2014 là mức lương cơ sở, từ năm 2016 trở đi theo luật mới thì mức đóng thấp nhất là mức chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn theo quy định của Chính phủ là 700 nghìn đồng. Rõ ràng theo nguyên tắc đóng hưởng bị chi phối bởi vấn đề đó, chứ nếu chúng ta cứ đóng mức quá thấp thì không có quỹ nào có thể bù cho chúng ta.

- NLĐ hỏi: Nếu như tôi được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi tham gia BHXH trong thời gian tôi nghỉ việc một thời gian, sau này nghỉ, lương hưu người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với người không hưởng trợ cấp thất nghiệp có khác nhau không?

Chuyên gia trả lời: Điều kiện mức hưởng lương hưu không phụ thuộc vào bạn hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian thất nghiệp. Tuy nhiên trong trường hợp bạn hưởng trợ cấp thất nghiệp, khi bạn đủ tuổi hưởng lương hưu thì sẽ ngừng trợ cấp thất nghiệp để hưởng lương hưu.

Đoàn tư vấn trả lời.
Đoàn tư vấn trả lời.

- NLĐ hỏi: Xin cho biết số lần được hưởng BHTN của người lao động?

Chuyên gia trả lời: Theo Luật Việc làm không giới hạn số lần được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khi bạn đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn được hưởng trợ cấp. Điều kiện này tùy thuộc vào thời gian đóng BHXH của bạn cũng như thời gian mà bạn làm các thủ tục tham gia BHXH. Thời gian mà bạn tham gia đóng BHTN mà đã hưởng BHTN rồi thì sau này người ta sẽ trừ đi thời gian tương ứng bạn đã đóng BHXH. Sau này, bạn tham gia tiếp ở đâu đó mà lại rơi tiếp vào tình trạng thất nghiệp mà lại đủ điều kiện thì lại được hưởng.

- NLĐ hỏi: Trong trường hợp người lao động nam tham gia đóng BHXH nhưng vợ không tham gia đóng BHXH, khi sinh con, người lao động nam được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần thì mức trợ cấp là bao nhiêu? Và bằng bao nhiêu % lương tháng?

Chuyên gia trả lời: Mức trợ cấp 1 lần khi sinh con không phân biệt người lao động nam hưởng hay lao động nữ hưởng. Mà được án định bằng 2 lần mức lương cơ sở tại thời điểm sinh. Có nghĩa là hiện nay lương cơ sở là 1.390.000 thì nhân đôi lên ra mức trợ cấp 1 lần khi sinh con. Nhưng phải có điều kiện là phải đóng BHXH. Nhất là trong trường hợp mà vợ không đóng BHXH thì lao động nam phải đóng BHXH đủ ít nhất 6 tháng trở lên.

- NLĐ hỏi: Sổ BHXH là số CMT cũ, bây giờ em đã đổi số CMT mới thì với số cũ trên sổ, sau này có ảnh hưởng gì đến chế độ BHXH của em không? Và nếu phải bổ sung thì cần phải bổ sung những giấy tờ gì và gửi đến cơ quan nào?

Chuyên gia trả lời: Khi bạn đổi CMT mới thì không hề ảnh hưởng gì đến quyền lợi của bạn. Do đó khi bạn thay đổi thông tin về đóng BHXH, bạn phải báo cho cơ quan BHXH để thay đổi, cập nhật thông tin đó trên cơ sở dữ liệu. Bạn sẽ lập hồ sơ theo hướng dẫn của cơ quan BHXH.

- NLĐ hỏi: Sổ BHXH mà chưa được công ty cũ chốt và giờ người lao động muốn đóng tiếp sổ cũ thì em phải làm như thế nào?

Chuyên gia trả lời: Thời gian hiện nay, BHXH Việt Nam thực hiện quy định trả sổ BHXH cho người lao động. Theo quy định mới của Luật BHXH, thời gian đóng BHXH trước đây mà chưa được chốt trên sổ thì khả năng do công ty cũ còn nợ tiền đóng BHXH nên chưa được chốt… nên không được ghi nhận trong sổ BHXH mới. Bạn có thể liên hệ lại công ty cũ để xác nhận thời gian đóng và gửi cho cơ quan BHXH mà bạn đang tham gia để được hướng dẫn ghi nhận thời gian trước đây. Về nguyên tắc thời gian đã đóng phải được ghi nhận trên sổ.

10h10: Phần hoạt động chính của chương trình, CBCNVC và NLĐ trực tiếp được tổ tư vấn gồm: Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam; ông Đinh Duy Hùng - Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam; ông Trần Quốc Túy - Phó Trưởng Ban Sổ - Thẻ, BHXH Việt Nam; bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Trưởng Phòng Chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT; ông Phạm Đức Cường - Giám đốc BHXH tỉnh Bắc Ninh; Luật sư Hoàng Ngọc Thanh Bình - Văn phòng Luật sư Đặng Sơn và Cộng sự.

Bàn tư vấn trực tiếp các câu hỏi tại chương trình bên trong hội trường. Ảnh: Trần Vương
Bàn tư vấn trực tiếp các câu hỏi tại chương trình bên trong hội trường. Ảnh: Trần Vương

Trong quá trình Tổ Tư vấn chính sách BHXH, BHYT của Chương trình làm việc tại sân khấu, bên ngoài sảnh Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Ban tổ chức đã bố trí các Bàn tư vấn để các chuyên gia cùng 10 luật sư của chương trình có thể tư vấn, giải đáp trực tiếp đến những bạn công nhân khi có nhu cầu tư vấn riêng tại các bàn tư vấn. Nếu có vướng mắc gì trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT các bạn có thể lần lượt tới tư vấn trực tiếp với các chuyên gia và luật sư tại các Bàn Tư vấn này.

9h50: Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam và bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Trưởng Phòng Chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT nêu ra một số câu hỏi tình huống về BHXH, BHYT đối với những công nhân, NLĐ tham gia chương trình. Nếu công nhân, NLĐ trả lời đúng sẽ nhận được những phần quà hấp dẫn.

Công nhân tham gia chương trình trả lời câu hỏi. Ảnh: Trần Vương
Công nhân tham gia chương trình trả lời câu hỏi. Ảnh: Trần Vương

9h20: Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam chia sẻ về một số quyền và lợi ích của công nhân, lao động khi tham gia BHXH, thông tin sơ bộ về những định hướng cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam. Ảnh Trần Vương
Ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH, BHXH Việt Nam. Ảnh Trần Vương

Trong đó, bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật BHXH; Những quy định mới về đóng BHXH thực hiện từ ngày 1.1.2018; quyền và lợi ích của NLĐ tham gia BHXH; những cải cách chính BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Nghỉ việc có thể trắng tay khi không tham gia BHXH

8h56: Bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Trưởng Phòng Chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chia sẻ thông tin về một số quyền và lợi ích của công nhân, lao động khi tham gia BHYT, và về những điểm mới của chính sách BHYT theo quy định của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Theo đó, nêu rõ các đối tượng tham gia BHYT và quyền lợi của NLĐ khi tham gia BHXH.

Bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Trưởng Phòng Chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chia sẻ. Ảnh Trần Vương.
Bà Hoàng Thị Kim Ngọc - Trưởng Phòng Chế độ BHYT, Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) chia sẻ. Ảnh Trần Vương.

Nguyên tắc tham gia BHYT là có đóng – có hưởng. Bên cạnh đó, các trường hợp NLĐ không phải đóng BHYT nhưng vẫn được hưởng quyền lợi KCB BHYT: NLĐ trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng; NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đang hưởng trợ cấp BHXH hằng tháng (quỹ BHXH đóng BHYT); NLĐ nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày (cơ quan BHXH đóng BHYT); NLĐ trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi (cơ quan BHXH đóng BHYT); NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (cơ quan BHXH đóng BHYT); NLĐ trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác để điều tra (đóng 50%).

Các trường hợp NLĐ không đóng BHYT nhưng được xác định là tham gia BHYT liên tục (không được hưởng chi phí KCB BHYT): NLĐ được cơ quan có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân ở nước ngoài; NLĐ trong thời gian đi lao động tại nước ngoài đã tham gia BHYT trước khi đi; NLĐ trong thời gian làm thủ tục chờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.

Bên cạnh đó, trường hợp NLĐ thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất, Ví dụ: NLĐ đồng thời là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên: mức quyền lợi; NLĐ đồng thời là thân nhân liệt sĩ: mức quyền lợi 2; NLĐ đồng thời thuộc hộ gia đình cận nghèo: mức quyền lợi 3.

Toàn cảnh chương trình. Ảnh: Trần Vương
Toàn cảnh chương trình. Ảnh: Trần Vương

8h50: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại chương trình:

Trong không khí khẩn trương của những ngày cuối cùng năm 2018, vào thời điểm chuẩn bị bàn giao năm cũ và đón năm mới, khi các cấp công đoàn đang tích cực triển khai kế hoạch chăm lo tết Kỷ Hợi 2019 cho người lao động. Chúng tôi hết sức vui mừng đến dự và chứng kiến hoạt động phối hợp vô cũng ý nghĩa của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Báo Lao Động và LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh, nhằm nhân cao nhận thức, trách nhiệm của người lao động và chủ sử dụng lao động về chính sách BHXH, BHYT.

Đây cũng là dịp trang bị những kiến thức pháp lý cần thiết để người lao động tự bảo vệ quyền lợi của mình hiện tại và tương lai. Vừa rồi Phó Tổng Giám đốc BHXH VN Nguyễn Đình Khương đã nêu bật cái vị trí, vai trò của chính sách BHXH, BHYT và ý nghĩa của nó trong việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững, đảm bảo quyền lợi của người lao động trong điều kiện gặp những rủi ro khi tham gia lao động, hoặc ốm đau, thai sản, thất nghiệp, hưu trí... Những chính sách bảo hiểm này cần được tiếp tục nâng cao, nhất là đối với những NLĐ chưa ý thức được rằng BHXH, BHYT là một phần trong cuộc sống, là nội dung quan trọng mà người lao động phải quan tâm.

 
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu. Ảnh: Trần Vương

Chúng ta thường quan niệm "trời sinh voi, trời sinh cỏ", nếu không lao động tại nhà máy thì có thể về nông thôn trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng nông thôn của chúng ta mỗi ngày một thu hẹp. Người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp mà không tham gia BHXH, BHYT thì khi nghỉ việc có thể trắng tay, còn nghèo hơn cả nông dân. Đây là vấn đề mà chúng tôi muốn chia sẻ với anh chị em công nhân, mọi người cần ý thức được việc đóng bảo hiểm chính là bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Nhiều công nhân còn thỏa thuận với chủ doanh nghiệp để không phải nộp bảo hiểm, đó là việc làm vô cùng thiếu suy nghĩ. Tôi mong các công nhân tham gia chương trình tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, phải chú ý lắng nghe, mạnh dạn đặt câu hỏi, tích cực tham gia các hoạt động của chương trình.

Tôi cũng muốn các chủ sử dụng lao động phải thực hiện và thể hiện trách nhiệm xã hội, tuân thủ pháp luật, đặc biệt là vấn đề bảo hiểm đối với người lao động, bởi khi thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách về bảo hiểm, người lao động sẽ yên tâm làm việc. Tôi đề nghị, các chuyên gia, luật sư, có sự tư vấn, trao đổi, một cách đơn giản, dễ hiểu nhất để người lao động hiểu được chính sách BHXH, BHYT, tạo sự lan tỏa của chương trình đối với CNLĐ đang làm việc trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng như CNLĐ trong cả nước.

Chính sách BHXH, BHYT - trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia

8h40: Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu: Chính sách BHXH, BHYT là một trong những chính sách quan trọng, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động và nhân dân.

Đến nay, công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã thu được những kết quả quan trọng. Tính đến ngày 30.11.2018, số người tham gia BHXH trong cả nước đã đạt trên 14 triệu người; số người tham gia BH thất nghiệp đạt trên 12 triệu người; số người tham gia BHYT đạt trên 82 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ gần 88% dân số.

Công tác giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, khám chữa bệnh BHYT cho người lao động, và nhân dân luôn được BHXH Việt Nam đảm bảo triển khai kịp thời. Trong năm 2018, hệ thống BHXH trên cả nước đã thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho trên 3 triệu người; hàng chục triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH, BH thất nghiệp; khoảng 180 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT với tổng số tiền chi trả lên tới trên 320.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh Trần Vương
Ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ảnh Trần Vương

Đặc biệt, nhiều trường hợp mắc các bệnh nan y được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh hàng tỉ đồng. Riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

BHXH tỉnh Bắc Ninh luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của BHXH Việt Nam. Bắc Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai các chính sách hỗ trợ người tham gia BHYT từ ngân sách địa phương. Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã có hơn 1,2 triệu người tham gia BHXH, BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 95,5% dân số tham gia BHYT, cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước.

 Các đại biểu tham gia chương trình. Ảnh: Trần Vương
Các đại biểu tham gia chương trình. Ảnh: Trần Vương

Chương trình tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT ngày hôm nay được tổ chức nhằm thông tin tới đông đảo công nhân, lao động về những quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, về tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT; đồng thời cũng là diễn đàn trao đổi, đối thoại, tư vấn và giải đáp những vướng mắc phát sinh trong thực tế thực hiện chính sách BHXH, BHYT của đơn vị sử dụng lao động nói chung và công nhân, lao động nói riêng.

Từ đó, tạo sức lan tỏa về tính nhăn văn của chính sách BHXH, BHYT trong đời sống, quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhằm củng cố việc thực thi, chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội thiết thân cho người lao động.

8h20: Chương trình chính thức bắt đầu. Mở đầu là chương trình văn nghệ với các tiết mục ngợi ca về Đảng, Bác Hồ và giai cấp Công nhân lao động.

Tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình. Ảnh: Trần Vương
Tiết mục văn nghệ mở đầu chương trình. Ảnh: Trần Vương
Tiết mục văn nghệ Hương sắc hoa đăng. Ảnh Trần Vương
Tiết mục văn nghệ "Hương sắc hoa đăng". Ảnh Trần Vương

Chương trình được tường thuật trực tiếp trên Báo Lao Động điện tử laodong.vn.

Đến dự chương trình có sự hiện diện của bà Đào Hồng Lan-Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; ông Nguyễn Đình Khương - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; ông Phùng Đức Chiến - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Dân vận phụ trách Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Tham dự chương trình còn có các chuyên gia đến từ các Vụ, Ban, đơn vị thuộc BHXH Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH tỉnh, Sở Y tế, BHXH tỉnh và LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh; với sự tham gia của các luật sư giàu kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

Và đặc biệt là gần 1.000 công nhân đến từ công đoàn các khu công nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh,…

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) với phạm vi phủ sóng toàn dân đang ngày càng trở nên vấn đề thiết thân với mỗi người, mỗi nhà. Thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT giúp người lao động và nhân dân được bảo đảm các chế độ an sinh thiết yếu khi gặp rủi ro, hết tuổi lao động.

Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHXH, BHYT còn góp phần giúp người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp, tận tâm, tận lực cống hiến, góp phần phát triển doanh nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với người lao động, vẫn còn có doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, khiến không ít lao động gặp khó khăn khi cần giải quyết các chế độ: Thất nghiệp, nghỉ việc, ốm đau, thai sản,…

Ngoài ra, một số thay đổi mới trong chính sách BHXH, BHYT cũng cần được triển khai đầy đủ, sâu rộng, chi tiết đến đông đảo người lao động giúp họ nắm rõ về quyền lợi an sinh của chính mình.

Trước thực tế trên, BHXH Việt Nam giao các đơn vị chức năng chủ trì phối hợp với Báo Lao Động, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh tổ chức chương trình “Tư vấn, đối thoại chính sách BHXH, BHYT” cho công nhân lao động tại tỉnh Bắc Ninh.

Với mục đích nâng cao nhận thức của người lao động và chủ sử dụng lao động về ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT; giải đáp các thắc mắc của người lao động phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHXH, BHYT; tư vấn cho chủ sử dụng lao động và người lao động về các nội dung, quy định mà họ chưa nắm rõ;...

Qua đó, chương trình tư vấn góp phần nâng cao tỷ lệ, số người lao động tham gia BHXH, BHYT; nâng cao hơn nữa chất lượng an sinh xã hội thông qua việc thực hiện tốt BHXH, BHYT trong các doanh nghiệp.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, có buộc phải nghỉ hưu?

Nam Dương |

Bạn đọc có email nmcuongx@xxx hỏi: Tôi làm việc tại trường đại học tư thục với HĐLĐ không thời hạn. Tới ngày 11.2.2019 tôi đủ 60 tuổi và đóng BHXH được 17 năm 7 tháng. Tôi có mặc định bị cơ quan cho nghỉ hưu vào ngày 11.2.2019 không?

Làm việc bán thời gian có được đóng bảo hiểm xã hội?

Nguyễn Trang |

Bạn đọc có email duynam16x@xxx hỏi: Tôi ký hợp đồng lao động làm việc bán thời gian với thời hạn 6 tháng. Mỗi tuần làm việc vào 5 buổi sáng. Trường hợp của tôi có được đóng bảo hiểm xã hội không?

Tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội cho gần 300 công nhân lao động

HOÀNG TUẤN |

Nhằm trang bị cho người lao động các kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vừa qua Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh Phú Thọ tổ chức buổi tuyên truyền đến gần 300 CNLĐ của Cty cổ phần gạch men Tasa.

Bất ngờ với khoản doanh thu tượng trưng tại Linh Quang Điện

NHÓM PV |

Sau 3 năm thành lập, Công ty Cổ phần Linh Quang Điện của người tự xưng mình là thầy Cao Anh đã tăng vốn từ 2,5 tỉ đồng lên 99 tỉ đồng, đi kèm với đó là sự tăng trưởng ấn tượng của tài sản. Thế nhưng, doanh thu trong năm 2020 tại doanh nghiệp chỉ khoảng 500 triệu đồng và hơn 1 tỉ đồng năm 2021.

Tin tức 24h: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh vào cuối tuần

Thế Kỷ |

Tin tức 24h: Miền Bắc đón không khí lạnh mạnh vào cuối tuần; Xử lý người chuyển tiếp cuộc gọi đòi nợ đến đường dây nóng Bộ Công an; "Siêu lừa gặp siêu lầy" đạt top 1 doanh thu với hơn 360.000 vé bán ra...

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo khẩn sau vụ 2 cô giáo đánh trẻ 17 tháng tử vong

Vân Trang |

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội đề nghị địa phương tăng cường quản lý giáo dục trên địa bàn, đặc biệt đối với giáo dục mầm non ngoài công lập sau vụ 2 cô giáo đánh bé trai 17 tháng tử vong.

Cảnh báo khẩn về nạn lừa đảo phụ huynh chuyển tiền gấp vì con bị cấp cứu

HUYÊN NGUYỄN |

TPHCM - Chỉ vài ngày qua, nhiều phụ huynh tại TPHCM đã chuyển hàng trăm triệu đồng cho những đối tượng lừa đảo với cùng 1 chiêu thức con đi cấp cứu, cần chuyển tiền gấp.

Dự kiến chi hơn 256 tỉ đồng bảo tồn, tôn tạo di tích nhà tù Côn Đảo

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Chiều 6.3, Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã biểu quyết thống nhất thông qua Tờ trình Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án bảo tồn, tôn tạo di tích Nhà tù Côn Đảo.

Chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, có buộc phải nghỉ hưu?

Nam Dương |

Bạn đọc có email nmcuongx@xxx hỏi: Tôi làm việc tại trường đại học tư thục với HĐLĐ không thời hạn. Tới ngày 11.2.2019 tôi đủ 60 tuổi và đóng BHXH được 17 năm 7 tháng. Tôi có mặc định bị cơ quan cho nghỉ hưu vào ngày 11.2.2019 không?

Làm việc bán thời gian có được đóng bảo hiểm xã hội?

Nguyễn Trang |

Bạn đọc có email duynam16x@xxx hỏi: Tôi ký hợp đồng lao động làm việc bán thời gian với thời hạn 6 tháng. Mỗi tuần làm việc vào 5 buổi sáng. Trường hợp của tôi có được đóng bảo hiểm xã hội không?

Tuyên truyền Luật Bảo hiểm xã hội cho gần 300 công nhân lao động

HOÀNG TUẤN |

Nhằm trang bị cho người lao động các kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, vừa qua Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với LĐLĐ tỉnh Phú Thọ tổ chức buổi tuyên truyền đến gần 300 CNLĐ của Cty cổ phần gạch men Tasa.