Ngày 24.10, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), trong đó quy định kéo dài thời gian công tác đối với các nhà khoa học, giảng viên có trình độ cao khi đến tuổi nghỉ hưu. Đây là một quyết định đúng đắn được cả cơ sở GDĐH và NLĐ có trình độ cao đồng tình hưởng ứng.
Phát huy chất xámTheo NĐ số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định khi đến tuổi nghỉ hưu, nếu các đối tượng là tiến sĩ (TS), giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) có đủ sức khỏe và nguyện vọng được tiếp tục công tác chuyên môn, đồng thời cơ sở GDĐH cũng có nhu cầu sử dụng thì TS sẽ được kéo dài thêm 5 năm công tác, PGS kéo dài thêm 7 năm và GS là 10 năm. Đây là một quyết định được cả cơ sở GDĐH và các giảng viên trong các cơ sở GDĐH cũng như CĐ Giáo dục VN đồng tình, hưởng ứng.
PGS-TS Lương Quỳnh Khuê - Học viện Báo chí và Tuyên truyền - nói, Nghị định của Chính phủ ban hành rất kịp thời, rất cần thiết. Bởi, để phấn đấu đạt được học vị TS, học hàm GS, PGS không phải dễ, nhất là đối với các nhà khoa học, giảng viên nữ, vì họ phải rất nỗ lực và rất khó khăn vượt qua những rào cản tâm lý gia đình, xã hội. Vào thời gian họ chín chắn về chuyên môn, tích lũy được kinh nghiệm, con cái trưởng thành, có thời gian để tập trung cống hiến cho nhà trường, cho xã hội thì lại đến tuổi nghỉ hưu. Họ nghỉ hưu đồng nghĩa với việc Nhà nước lãng phí nguồn nhân tài, chất xám, trong khi các cơ sở ngoài nhà nước luôn tìm cách lôi kéo, sử dụng họ, bởi có được nhân lực chất lượng cao mà không phải mất phí đào tạo.
PGS-TS Lê Quân - Trưởng ban Tổ chức CB trường ĐH Quốc gia Hà Nội - cho biết, quy định của Chính phủ cho phép ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục có sự kế thừa và tiếp nối tốt hơn giữa các thế hệ nhà khoa học, tránh được hụt hẫng đội ngũ kế cận. PGS-TS Lê Quân cũng cho rằng: “Với nhà khoa học trẻ, chính sách này không ảnh hưởng. Bởi lẽ, đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao hiện nay tại các cơ sở GDĐH đang rất thiếu. Chúng tôi đang thí điểm chính sách giao nguồn lực theo sản phẩm đầu ra. Do đó, tuổi tác không là tiêu chí ưu tiên trong giao nhiệm vụ”.
Giám sát thực hiện Nghị định
Ở góc độ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ (các TS, GS, PGS) và người sử dụng LĐ (các cơ sở GDĐH), CĐ Giáo dục VN thực sự vui mừng trước việc Chính phủ ban hành NĐ 141/2013/NĐ-CP. TS Phạm Văn Thanh - Phó Chủ tịch CĐ Giáo dục Việt Nam - cho rằng, Chính phủ ban hành nghị định trên là rất cần thiết, mang lại rất nhiều cái lợi cho các nhà khoa học trình độ cao và cơ sở GDĐH, nhất là quyền lợi vật chất, tinh thần, nguyện vọng được kéo dài sự cống hiến trí tuệ, tài năng của các nhà khoa học và sự duy trì được đội ngũ chất lượng cao của các cơ sở GDĐH. Bởi vậy, CĐ Giáo dục VN sẽ tuyên truyền và giám sát việc thực hiện Nghị định trên, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho các nhà khoa học và các cơ sở GDĐH, góp phần thực hiện tốt Luật GDĐH 2012 đã được QH khóa XIII thông qua.
PGS-TS Lê Quân – Trưởng ban Tổ chức CB ĐH Quốc gia Hà Nội: Chính sách này ra đời được các nhà khoa học đánh giá rất cao. Với việc xếp lương GS và PGS như hiện nay, Việt Nam đang tiếp cận thế giới về hệ số lương trong tương quan giữa lương cho nhà khoa học và lương cho những lĩnh vực khác. Dù mức lương chưa cao, nhưng tương quan này đã động viên tốt các nhà khoa học và sẽ khiến nhiều người trẻ phấn đấu để nhanh chóng đạt chuẩn trong thời gian tới.. |