Sáng 23.7, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024), 95 năm ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2024), đoàn công tác của Báo Lao Động do ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Lao Động - làm trưởng đoàn đã đến dâng hương, hoa tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại khu tưởng niệm đồng chí ở thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Cùng tham dự lễ dâng hương, hoa với đoàn công tác của Báo Lao Động có bà Thái Thu Xương - Đại biểu Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam; đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thái Bình, LĐLĐ huyện Thái Thụy.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương cùng đoàn đã đặt lẵng hoa, dâng hương tại đài tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và các khu hầm mộ, nhà tưởng niệm, nhà thờ tổ dòng họ Nguyễn Đức.
Đoàn đã thành kính dâng hương tưởng niệm trước anh linh đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - vị lãnh tụ xuất sắc của phong trào công nhân và liệt sĩ Hồ Ngọc Lân - người đảng viên trung kiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng ôn lại những tháng ngày gian khó nhưng đầy vẻ vang, anh dũng trong quãng đời hoạt động cách mạng của hai đồng chí. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đồng thời là vị Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động - cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932) sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước, hiếu học tại làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Đồng chí là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; một trong những người sáng lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Được giác ngộ cách mạng rất sớm, đồng cảm với nỗi thống khổ của của công nhân và nhận thấy sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân nếu được đoàn kết lại, đồng chí đã trực tiếp tham gia, vận động, tổ chức thành phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.
Quá trình hoạt động của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh gắn liền với quá trình thành lập, phát triển và những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt của Đảng. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh, kiên trung, bất khuất, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Đảng và dân tộc.
Không chỉ là một cán bộ cách mạng lỗi lạc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh còn là một nhà lý luận với những tác phẩm báo chí đầy tính chiến đấu với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Noi gương đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, lớp lớp thế hệ người làm Báo Lao Động luôn tự hào và phát huy truyền thống mà đồng chí đã gây dựng. Giờ đây, Báo Lao Động đã khẳng định vị thế của mình bằng việc bám sát thông tin đa dạng, thực tiễn cuộc sống sôi động hàng ngày của người dân. Khả năng nắm bắt, phản ánh và phân tích các sự kiện, vấn đề xã hội một cách sâu sắc đã tạo nên một phong cách riêng để Báo Lao Động truyền tải thông điệp chân thực và tin cậy cho người đọc, phát huy truyền thống mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã gây dựng, xứng đáng với sự hy sinh của đồng chí.