Bóng đá nữ Nhật Bản sa sút sau vinh quang tột đỉnh
Tuyển nữ Nhật Bản đã sử dụng lối chơi tấn công khéo léo của để đánh bại Mỹ trong trận chung kết World Cup 2011. Họ cũng giành Huy chương Bạc Olympic 2012 và đoạt ngôi á quân World Cup 2015.
Nhưng sau đó, tuyển nữ Nhật Bản đã không thể vượt qua vòng loại Thế vận hội Rio 2016 và kể từ đó đã không còn duy trì vị thế của một đội bóng ứng cử viên hàng đầu ở môn bóng đá nữ. Tại World Cup 2023, tuyển nữ Nhật Bản sẽ bắt đầu gặp Zambia hôm 22.7 tại bảng D. Với thứ hạng 11 thế giới, họ không còn được xem là đội bóng sáng cửa để vô địch giải đấu năm nay.
"Tôi nghĩ rằng, chúng tôi đã bị bỏ lại phía sau bởi những bước tiến đột ngột mà phần còn lại của thế giới đang tạo ra" - cựu huấn luyện viên Nhật Bản Asako Takakura, người dẫn dắt đội tuyển tại World Cup 2019, chia sẻ với AFP trước thềm giải đấu năm 2023.
Vào tháng 2, tiền đạo từng vô địch World Cup Yuki Nagasato đã chỉ trích các nhà lãnh đạo bóng đá Nhật Bản, nói rằng họ "đã không làm bất cứ điều gì trong 12 năm để duy trì hoặc cải thiện" môn bóng đá nữ ở nước này.
Nagasato, người chơi lần cuối cho tuyển nữ Nhật Bản vào năm 2016, đã đưa ra những chỉ trích trên trang web cá nhân của mình sau khi các trận đấu của đội tại SheBelieves Cup 2023 không được phát sóng tại quê nhà.
“Chúng tôi không muốn các bạn hiểu lầm, đây không phải vấn đề chỉ diễn ra lần này”, Nagasato, người đã ghi 58 bàn sau 132 trận quốc tế, viết bằng tiếng Anh trên trang web của mình.
Trước World Cup 2023, người dân Nhật Bản suýt chút nữa cũng không được xem đội nhà thi đấu trên sóng truyền hình, khi bản quyền chỉ được chốt vào phút chót.
Vượt qua chính mình
Tuyển nữ Nhật Bản đã viết nên câu chuyện lịch sử tại World Cup 2011, sử dụng tinh thần đồng đội và kĩ thuật để vượt qua các đối thủ mạnh hơn về thể lực như Đức, Thuỵ Điển và Mỹ. Chiến thắng của họ được ghi nhận đã nâng cao tinh thần dân tộc, sau khi Nhật Bản trải qua cơn động đất và sóng thần khủng khiếp đầu năm 2011.
Các cầu thủ nữ Nhật Bản trở thành ngôi sao chỉ sau 1 đêm. Việc lọt vào trận chung kết của Thế vận hội 2012 và World Cup 2015 giúp họ luôn được chú ý, nhưng giấc mơ trở nên tồi tệ khi họ không thể vượt qua vòng loại Thế vận hội Rio 2016.
Tiền đạo từng vô địch World Cup Shinobu Ono cho hay, việc không giành quyền tham dự Olympic 2016 là một cú sốc. "Chúng tôi đã giành Huy chương Bạc tại Thế vận hội trước và mục tiêu của chúng tôi là giành Huy chương Vàng năm 2016. Các đội khác đã phân tích cách chúng tôi chơi, còn chúng tôi không thay đổi bất cứ điều gì” - cô nói.
Việc không đủ điều kiện tham dự Olympic 2016 đã đánh dấu sự kết thúc 8 năm gắn bó với đội của huấn luyện viên Norio Sasaki. Sau đó, bà Takakura nắm quyền và dẫn dắt đội lọt vào vòng 16 đội tại World Cup 2019. Takakura từ chức sau khi bị loại ở tứ kết tại Thế vận hội Tokyo và được thay thế bởi huấn luyện viên hiện tại Futoshi Ikeda.
Sự yêu thích đến bóng đá nữ tại Nhật Bản tăng đột biến sau World Cup 2011, nhưng sự quan tâm dần giảm sút và lượng người tham dự giải bán chuyên nghiệp Nadeshiko League giảm dần. Ono tin rằng, WE League chuyên nghiệp, khởi tranh vào năm 2021, nên được thành lập sớm hơn.
Cô nói: “Nếu chúng tôi làm được điều đó, các cô gái trẻ sẽ bắt đầu nghĩ rằng, họ muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi rất muốn nhìn thấy sự kết nối đó”.
Takakura khẳng định, Nhật Bản đã "không đứng yên" kể từ năm 2011 và họ có những cầu thủ tầm cỡ thế giới như tiền vệ Yui Hasegawa của Manchester City và tiền đạo Jun Endo của Angel City .
Nhưng Takakura thừa nhận, Nhật Bản đã bị vượt qua bởi nguồn lực khổng lồ đổ vào bóng đá nữ ở "những quốc gia có nền tảng bóng đá văn hóa".
Bất chấp những kì vọng khiêm tốn hơn ở quê nhà, Takakura muốn đội đặt mục tiêu cao tại World Cup lần này. “Tôi muốn họ tiếp cận các trận đấu với thái độ rằng họ có thể giành được danh hiệu vô địch. Tôi nghĩ mục tiêu thực tế của đội là lọt vào bán kết" - bà nói.