Siết cho vay bất động sản, thiệt thòi cho người có nhu cầu thực?

Cao Nguyên |

Một số ngân hàng thương mại đang tạm dừng cấp tín dụng đối với lĩnh vực cho vay bất động sản (BĐS). Điều này đang tác động lớn đến tâm lý của người dân có nhu cầu mua nhà để ở. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ngân hàng mạnh tay “siết” cho vay BĐS khiến nhiều người có nhu cầu ở thực lo ngại vì không thể tiếp cận vốn để mua nhà.

Siết có chọn lọc

Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, giá BĐS tại nhiều địa phương thời gian gần đây đã không ngừng tăng. Sốt đất diễn ra khắp nơi khiến người dân ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực này. Riêng quý I/2022, nguồn vốn cho vay mua BĐS tại các ngân hàng đã tăng hơn 5%, gấp 2, 3 lần mức tăng cùng kỳ năm ngoái.

Để ngăn chặn tình trạng cấp tín dụng ồ ạt, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng không nới lỏng các điều kiện, đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh BĐS...

Tại một số ngân hàng việc này đã được áp dụng, cụ thể với Techcombank, đơn vị này đã dừng giải ngân khoản vay mua BĐS (gồm chưa hoặc đã có giấy chứng nhận) từ ngày 25.3. Nhà băng này đang cho các đơn vị kinh doanh trao đổi và đàm phán với khách hàng để dời lịch giải ngân các khoản vay sang đầu tháng 4.

Trong khi đó, Sacombank mới đây đã yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng với lĩnh vực BĐS, ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa BĐS để ở. Ngân hàng này yêu cầu các đơn vị tập trung cấp tín dụng với các lĩnh vực sản xuất, không thực hiện huy động - cho vay cầm cố sổ (nhà đất) cùng lúc.

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội - cho rằng, các ngân hàng nên điều tiết một cách mềm mại, không nên “khóa van” việc vay tín dụng BĐS. Mặt tích cực của việc siết tín dụng BĐS là góp phần kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường một cách thận trọng hơn trước. Động thái này đồng thời cũng hạ nhiệt phần nào bong bóng giá nhà đất vốn đã quá cao thời gian qua.

Với các nhà đầu tư mua BĐS bằng tiền nhàn rỗi, hoặc doanh nghiệp có khả năng bán hàng tốt sẽ ít bị tác động khi ngân hàng siết tín dụng thậm chí đóng hỗ trợ. Tuy nhiên, theo ông Điệp cần phải linh hoạt và điều tiết từng phân khúc. “Chúng ta không thể khóa hẳn được. Ví dụ nhà chung cư giá rẻ mà hạn chế thì khan hiếm. Giá thành lại bị đẩy lên cao như thế người có thu nhập thấp làm gì còn cơ hội mua nhà. Chỗ nào thừa thãi thì siết lại, còn người có nhu cầu thật thì nên xem xét” - ông Điệp nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này nói thêm để không “đứt gãy” dòng vốn, các ngân hàng cần có những cơ chế cho vay ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiêp đang phát triển các dự án nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (1 - 2 tỉ đồng/căn) dành cho nhu cầu ở thực. Cùng đó, NHNN cần khuyến khích các ngân hàng thương mại tăng tín dụng tiêu dùng mua nhà dành cho khách hàng cá nhân mua nhà lần đầu, mua nhà để ở chứ không phải để đầu cơ.

Người có nhu cầu thực bị thiệt thòi?

Khi nghe tin ngân hàng siết tín dụng BĐS, nhiều người đang có dự định mua nhà nhưng không đủ tiềm lực tài chính bày tỏ sự lo lắng. Nhất là với người lao động có thu nhập vừa và thấp. Anh Hoàng Tùng (37 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) nói rằng, anh dự định trong năm nay sẽ vay tiền mua nhà thì nghe thông tin ngân hàng siết cho vay BĐS. Không biết sắp tới, thủ tục vay ngân hàng để mua nhà có quá khó khăn hay không. “Bản thân muốn vay ngân hàng để mua nhà ở thực liệu có được hay không” - anh  Tùng đặt ra lo ngại.

Chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, trong xu hướng siết tín dụng chảy vào BĐS, người vay mua nhà để ở có thể bị ảnh hưởng, bởi lãi suất cho vay dự kiến cao hơn và việc giải ngân sẽ khó hơn. BĐS có thể là lĩnh vực cho vay an toàn bởi có tài sản thế chấp và nếu vay mua nhà để ở thường là người có nhu cầu thật, nhưng trong bối cảnh dòng vốn được NHNN định hướng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch thì tín dụng nhà, đất sẽ bị hạn chế.

Theo ông Thịnh, lĩnh vực BĐS vốn đem lại nhiều lợi thế trong nền kinh tế. Việc siết tín dụng BĐS phải chăng có một cách chọn lọc. Bởi nếu tín dụng bị khóa đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ gặp trở ngại trong thanh khoản, doanh nghiệp không trả được nợ vay, ngân hàng lại đối diện với nguy cơ nợ xấu, phải mất nhiều năm mới xử lý được.

Một số chuyên gia khác cho rằng việc siết tín dụng BĐS sẽ tác động đến hành vi vay vốn mua đất để đầu cơ, để phân lô bán nền, gom đất nông nghiệp mua bán sang tay ngắn và trung hạn. Qua đó, thị trường đầu tư đất nền sẽ lành mạnh và ổn định hơn.

Cao Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Công an đề nghị tạm dừng chuyển nhượng bất động sản của Trịnh Văn Quyết

Việt Dũng |

Bộ Công an vừa có văn bản đề nghị các địa phương tạm dừng cho chuyển nhượng, mua bán với tài sản, cổ phần của ông Trịnh Văn Quyết và nhiều người liên quan.

Công an truy tìm "cò đất" cắm bảng quy hoạch giả, thổi giá bất động sản

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - UBND huyện Krông Pắk yêu cầu lực lượng công an truy tìm các đối tượng đi cắm bảng quy hoạch giả để thổi giá đất, bán kiếm lời để xử lý nghiêm theo quy định.

Hạn chế nợ xấu phát sinh từ bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp

Phạm Đông |

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải hạn chế nợ xấu phát sinh, nhất là do ảnh hưởng của COVID-19 và cho vay các dự án BOT, bất động sản, trái phiếu của doanh nghiệp và ngân hàng.

"Cò đất" lộng hành tung tin quy hoạch giả, thổi giá bất động sản

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Gần 1 tuần qua, nhiều cò đất ở địa bàn xã Hoà An (huyện Krông Pắk) ngang nhiên tung tin đồn đất trong vùng được quy hoạch khu dân cư để thổi giá bất động sản lên cao gấp nhiều lần so với giá trị thật.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Hệ luỵ từ vụ Công đoàn ACB mua chui cổ phiếu bị xử phạt 3 tỉ đồng

Lan Hương |

Thông tin Công đoàn ngân hàng ACB mua chui cổ phiếu ACB đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Động thái trên đã ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường chứng khoán Việt Nam trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.