Sau thời gian giảng dạy tại Trường tiểu học Phong Châu (Phú Thọ), năm 2015, bà Đặng Thị Bình (63 tuổi, trú tại thị xã Phú Thọ, Phú Thọ) có quyết định nghỉ hưu.
Trải qua các năm điều chỉnh lương hưu, đến nay, bà đang hưởng mức lương hưu là 7,1 triệu đồng/tháng. Hai con gái của bà đã trưởng thành, có thể lo cho cuộc sống của mình, vì vậy, bà Bình đã bớt lo toan cho gia đình như trước đây.
"So với nhiều người, mức lương hưu mức tôi đang được hưởng thuộc loại khá, đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày như ăn uống, tiền điện nước" - bà Bình chia sẻ.
Trao đổi về mức lương hưu như vậy liệu cho đủ sống, theo bà Bình, tiền bạc không biết bao nhiêu cho đủ, vì tuổi càng cao thì bệnh tật càng nhiều. Lúc bệnh tật, ốm đau chắc chắn những người cao tuổi như bà lại phải phụ thuộc vào các con.
Nhìn nhiều người cao tuổi khác không có lương hưu, vẫn phải chật vật đi bán hàng, kiếm sống, bà Bình lại càng trân trọng hơn khoản tiền này. Bà mong muốn tiền lương hưu được điều chỉnh hằng năm, để bù đắp trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay.
Bà Bình là một trong gần 2,7 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng trên cả nước theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đơn vị này, mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ số liệu trên cho thấy, lương hưu là mức thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cho người hưởng.
Theo quy định hiện hành, mức lương hưu hằng tháng được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội
Như vậy, mức hưởng lương hưu tỉ lệ thuận mới mức đóng bảo hiểm xã hội, thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội càng cao, thời gian đóng bảo hiểm xã hội càng dài thì mức hưởng lương hưu sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu.
Đặc biệt, bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình).
Thực tế, cơ quan bảo hiểm xã hội đã chi trả chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y - bởi lứa tuổi này thường dễ gặp các vấn đề bất trắc về sức khỏe.
Bên cạnh đó, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi.