Chuyện bắt đầu từ việc một du khách đi du lịch Sầm Sơn (Thanh Hoá) gọi một suất bún chả được niêm yết giá cụ thể là 35K (35.000 đồng). Vậy nhưng người này tỏ ra bất ngờ khi suất bún chỉ có 2 miếng chả và một đĩa bún, sau đó đưa thông tin lên mạng xã hội.
Sau khi đăng tải, thông tin này thu hút hàng chục ngàn lượt bình luận, chia sẻ từ các thành viên diễn đàn, người cho rằng nhìn hình thì chưa biết rõ đúng sai; người thì bảo quán đã ghi rõ giá và định lượng như vậy ăn thì ăn không ăn thì nghỉ; có người lại bảo 35K cho một suất bún 2 miếng chả là quá đắt…
Đội quản lý thị trường của Thanh Hoá vào cuộc và nhanh chóng thông tin sẽ không xử phạt quán ăn mà chỉ nhắc nhở việc không nên viết 35k trên bảng niêm yết, thay vào đó cần ghi rõ 35.000 đồng.
Vấn đề ở đây rõ ràng không phải là câu chuyện viết 35k hay 35.000 đồng mà là chuyện kinh doanh buôn bán ở các khu du lịch. Lâu nay, giá cả ở những khu du lịch thường được cho là cao hơn mức trung bình.
Sáng 23.5, phóng viên Lao Động đã trải nghiệm bữa ăn sáng trên đường Hồ Xuân Hương - Sầm Sơn, Thanh Hoá. Đó là đĩa bánh cuốn nhỏ, cũng chỉ có hai miếng chả, giá 40.000 đồng. Mức giá này có đắt hơn một chút so với giá ở Hà Nội. Khi hỏi chuyện này, người bán bún trần tình: “Chúng tôi cũng theo dõi câu chuyện đĩa bún 35k ồn ào mới đây, chuyện đắt rẻ tuỳ quan điểm mỗi người nhưng cũng phải hiểu cái khó của những người buôn bán ở khu du lịch như chúng tôi. Thông thường giá nhân công, thuê mặt bằng, giá nguyên liệu đầu vào tại khu du lịch đã rất cao nên giảm giá là rất khó. Hơn nữa không chỉ ở Sầm Sơn mà các khu du lịch phía Bắc này nói thật là cả năm chỉ có 3 tháng hè, 9 tháng còn lại thì gần như đóng cửa mà tiền thuê mặt bằng phải trả cả năm. Sầm Sơn từng mang tiếng là chặt chém khách du lịch và giờ chúng tôi muốn thay đổi định kiến này và luôn muốn khách quay lại, nhưng…”.
Cần phải ghi nhận nỗ lực ngăn chặn nạn “chặt chém” của chính quyền Sầm Sơn khi đường dây nóng luôn sẵn sàng đón nhận thông tin của khách, phản ánh trên mạng xã hội cũng được phản ứng nhanh, kịp thời.
Năm ngoái, một chủ quán bán một quả dừa chênh 40.000 đồng so với giá niêm yết đã bị cơ quan chức năng xử phạt tới 12 triệu đồng. Chính sự kiên quyết đó đã mang tính răn đe rất lớn, hạn chế tình trạng "chặt chém" trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
Thu hút khách du lịch là việc khó, giữ chân và để khách quay lại là việc còn khó hơn. Thống kê ngành du lịch cho thấy: Tỉ lệ khách quốc tế quay lại Việt Nam chỉ là 25-30%, nhưng với Thái Lan là hơn 70%. Như vậy Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước khi khẳng định lợi thế cạnh tranh, sức hấp dẫn của điểm đến.
Rõ ràng câu chuyện không chỉ của Sầm Sơn mà còn là của cả ngành du lịch. Việc tăng giá cao hơn mặt bằng có thể chấp nhận được nếu chất lượng phục vụ tốt để du khách không phải tiếc tiền khi đi du lịch. Nó không chỉ là chuyện thêm một vài miếng chả mà còn là thái độ, vệ sinh thực phẩm. Tất nhiên, giá cả phải niêm yết, minh bạch rõ ràng.
Phát triển du lịch không chỉ là tạo ra một điểm đến thân thiện mà còn phải là môi trường để ngành dịch vụ tăng trưởng bền vững. Nghĩa là người kinh doanh phải đủ sống và khách du lịch hài lòng. Đó là bài toán khó mà ngành du lịch cần lời giải.