“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”: “Quai” nghĩa là gì vậy?

|

(LĐ) -“Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”: “Quai” nghĩa là gì vậy?

Kính gửi chuyên mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”,

Cách đây nửa thế kỷ, trong một bài tập làm văn cấp 2 của chúng tôi có câu: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Chúng tôi đều nghĩ “quai” ở đây là động tác mạnh mẽ, làm việc tích cực sẽ có nhiều sản phẩm, được hưởng thụ nhiều, “miệng trễ” ý nói cơ hàm phát triển, nghịch nghĩa với câu “vô tác vác mỏ”, “vác mỏ” đồng nghĩa với “treo niêu”. Sau được thầy giáo giải thích “trễ” ở đây là trễ nải, thưa vắng, có gì ăn mà hàm phát triển (phần này dễ tiếp thu). Vậy “quai” là nghỉ ngơi, lười nhác thì gốc từ này ở đâu ra, Hán hay Việt?

Mong chuyên mục giải thích giùm tôi. Xin trân trọng cảm ơn!

Trần Trường Hà
    (Tổ 26, Phường Quang Trung, TP Thái Nguyên)

Đúng là câu tục ngữ “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ” trong dân gian hiện nay đang tồn tại hai cách hiểu: 1. Chịu làm việc (tay làm) sẽ có cái để ăn (hàm nhai), và nếu làm tích cực (quai: động tác vung tay cao, giáng mạnh xuống – như quai búa ) thì sẽ có nhiều cái ăn hơn (ăn nhiều đến “trễ” miệng ra); 2. Tay có làm việc thì hàm mới có cái để nhai, tay mà nghỉ ngơi, trễ nải (quai) thì sẽ chẳng có gì để ăn cả (trễ: sa xuống, tụt xuống thấp hơn, miệng trễ: miệng trễ xuống, để không, vì chẳng có gì để ăn). Hướng hiểu thứ hai  hiện tại đang được dùng phổ biến hơn. Nó còn được rút gọn, chỉ nói là “tay làm hàm nhai” mà bỏ vế sau đi. Ví dụ:  Ra đó con nhớ phải chăm chỉ làm lụng nhé. Tay làm thì hàm nhai. Không ai giúp gì cho con đâu nếu con lười biếng...

Vấn đề mà bác Trần Trường Hà băn khoăn cũng là thắc mắc của nhiều người. Đó là tại sao “quai” lại có nghĩa là “nghỉ ngơi, lười nhác”? Nó có xuất xứ từ đâu?  Có phải là gốc từ Hán Việt không?

Trong “Từ điển Việt – Bồ - La” của A. de Rhodes (1651), “quai” chỉ có 1 nghĩa là “Thứ dùng để nắm hay cầm giữ một vật gì” (như quai nón, quai chảo, quai nồi...). “Từ điển Việt Nam” của Hội Khai trí Tiến Đức (1931) có thống kê tới 4 nghĩa: 1. Vòng đính vào vật gì để xách: quai ấm tích, quai chảo...; 2. Cái dây ràng buộc vào cái gì để mang, để xách: quai chèo, quai nón...; 3. Nói người lắm điều, cong mồm ra như cái quai mà nói: quai mồm ra mà cãi lấy được; 4. Đường nhỏ đắp vòng ở ngoài đê như cái quai: đắp đường quai. Đến “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên, 1988-2010) thì quai có thêm nghĩa II là động từ, có nghĩa “vung theo hình cánh cung rồi giáng mạnh xuống: quai búa”.

“Quai” không phải là từ Hán Việt, và theo chúng tôi, “quai” được cấp thêm nghĩa mới “ở trạng thái thả lỏng, không làm việc”, trước hết là nó được hiểu theo hướng suy diễn về nghĩa trong cấu trúc. Vì thành ngữ này chia làm hai vế, mỗi vế 4 yếu tố hiệp vần, đối nhau về âm và nghĩa. Chính vế đầu (tay làm hàm nhai) giúp người ta liên tưởng tới vế sau (đối lại: làm/quai, nhai/trễ). Cả “quai” và “trễ” ở đây đều là những từ không “tường minh”, không thực sự rõ nghĩa (dù có gần với “quai xuống”, “trễ nải”). Nhưng hướng suy luận chung (có làm mới có ăn; siêng làm thì có, biếng nhác thì không) cho phép người dùng không thể hiểu khác vế sau (khó mà hiểu là “làm nhiều (quai) thì sẽ được ăn nhiều (tới trễ miệng)). Không thiếu những câu thành ngữ, tục ngữ mà vế sau luôn được suy luận nhờ các yếu tố ở vế trước hoặc vế sau (Nếu chỉ một vế, đứng một mình thì khó có ngữ cảnh giải thích chính xác). Chẳng hạn: khôn thì ngoan, gian thì nồng (nồng: hung hăng); hà tằn hà tiện, bóp miệng bóp mồm; khôn sống, mống chết (mống: vụng, dại); người làm sao bào hao làm vậy (bào hao: kêu gào, gầm thét); sáng tai họ, điếc tai cày (họ: trâu bò được lệnh dừng lại, nghỉ ngơi)...

Dù sao, đây cũng chỉ là một hướng giải thích. Chúng tôi sẽ tiếp tục tra cứu thêm ngữ liệu liên quan tới câu này.

PGS TS PHẠM VĂN TÌNH

TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.