“Ông Năm” Yersin

Bảo Chân |

Tròn 123 năm sau ngày bác sĩ Alexandre Emile Jean Yersin đặt chân đến xứ An Nam, ông đã được Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu "Công dân danh dự" vì đã có nhiều cống hiến to lớn cho nhân loại trong suốt hơn nửa thế kỷ sống, làm việc tại đất nước này.

Giới bình luận tin rằng, đó là quyết định nghiêm túc trước lịch sử và công bằng với tương lai. BS Kiều Xuân Cư - 96 tuổi, "người bạn nhỏ thân thiết" của Yersin ngày trước, nhân chứng sống duy nhất hiện còn ở Nha Trang, chia sẻ: "Dẫu muộn, cuối cùng thì A.Yersin cũng đã chính thức vĩnh viễn thuộc về nơi này, đúng như di nguyện của "ông Năm" trước lúc đi xa, rằng... đừng cho người ta mang tôi đi nơi khác!"  

Sứ giả của lòng nhân

Bảo tàng A. Yersin đặt trên tầng hai ngôi nhà nằm bên trái cổng chính của Viện Pasteur Nha Trang, ở số 10 đường Trần Phú. Trong căn phòng rộng khoảng 100 m2 còn lưu giữ khoảng 1.200 quyển sách cùng những đồ vật thân thiết nhất và thư từ, bút tích của bác sĩ A. Yersin trong suốt hành trình 53 năm cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu, phát triển nền y học thế giới và tự nguyện gắn bó với Việt Nam như một công dân Nha Trang.

Còn nhớ, 25 năm trước, lần đầu tôi đến đây, trong tòa nhà của Viện Pasteur Nha Trang, có một phòng làm việc và thư viện riêng của A.Yersin. Tất thảy những người mà tôi đã gặp đều trìu mến gọi vị công thần sáng lập viện bằng ông. GS-TS khoa học Phùng Thị Thế Trâm, người phụ nữ đã tiếp quản và kế tục sự nghiệp của A.Yersin từ năm 1975, kể: "Suốt hơn nửa thế kỷ sau khi ông qua đời, những đồ vật trong thư viện và phòng làm việc của ông vẫn được giữ nguyên.

Chúng tôi luôn có cảm tưởng như ông vẫn còn quanh đây. Càng tìm hiểu, tôi càng cảm phục và ngưỡng mộ ông. Tôi hiểu, ông không chỉ là một người đam mê khám phá thế giới tự nhiên và nghiên cứu khoa học mà còn là một nhà nhân văn lớn, rất nặng lòng với dân nghèo."

Bấy giờ, nhóm nhà báo chúng tôi may mắn được trò chuyện với một người từng làm việc cho Yersin vào những năm đầu thập niên thứ 4 thế kỷ XX, tên là Đặng Văn Trai. Trong ký ức của bác Trai, Yersin rất thích tên thân mật mà người dân xóm Cồn thường gọi là "ông Năm".

Tác phong gần gũi, giản dị nhưng toát lên tư chất của một thiên tài, ông thể hiện tình yêu khoa học bằng quyết tâm làm việc tới cùng và luôn luôn giúp mọi người hiểu thấu đáo từng vấn đề, từ y khoa đến thiên văn, thám hiểm, trồng trọt, chăn nuôi...

Hơn 20 năm trước, GS-TS Phùng Thị Thế Trâm đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với bậc tiền bối bằng cách âm thầm theo dấu Yersin từ xóm Cồn (Nha Trang) đến Lang Biang (Lâm Viên).

Bà dành nhiều thời gian, công sức dịch thuật tài liệu, trực tiếp liên hệ với những nơi ông từng làm việc để tập hợp một cách có hệ thống hầu hết di vật, hiện vật... liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp A.Yersin, cũng như vai trò của ông đối với sự hình thành, phát triển của nền y học Việt Nam và vùng đất Nha Trang-Khánh Hòa.

Được sự giúp đỡ nhiệt tình của GS J.L Durosoir - Tổng đại diện hệ thống các Viện Pasteur và Viện liên kết trên thế giới, năm 1990, người phụ nữ "kế nhiệm"A.Yersin đã hoàn thành tâm nguyện, dựng lại chân dung một bác học vĩ đại lặng lẽ đi vào lịch sử như huyền thoại và gửi hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước công nhận di tích lịch sử lưu niệm danh nhân.

Bảo tàng A. Yersin hiện còn lưu giữ tấm bản đồ ông vẽ từ cuối thế kỷ XIX cùng những tấm ảnh do ông chụp, bên cạnh trang viết mà ông chú thích đầy đủ địa danh nơi ông từng đến, nhưng nhiều hơn cả vẫn là những vật dụng thân thiết đã gắn bó với ông suốt hành trình tìm "chân trời mới", gợi nhớ một tâm hồn phiêu lưu, lãng mạn nhưng luôn luôn đòi hỏi bản thân phải chính xác, rõ ràng từng tiểu tiết...
Những người chưa từng biết về A.Yersin, lần đầu thăm bảo tàng vẫn có thể hình dung từ  những gì còn lại của một bộ óc thiên tài, một tấm lòng bao dung, một trái tim nhân hậu...sẵn sàng hy sinh vì mục đích cao cả, sẵn sàng cống hiến cho nhân loại, sẵn sàng chia sẻ, đùm bọc những người yếu thế mà hoàn toàn không màng đến danh lợi hay đắn đo suy tính chuyện riêng tư.

Đắm chìm trong "không gian A.Yersin", tôi giật mình trước chiếc kính hiển vi mà Yersin từng mang theo bên mình khi lao đến ổ dịch Hồng Kông.

Phải rồi, năm 1894, bác sĩ Yersin tình nguyện đến ổ dịch nguy hiểm nhất khu vực lúc bấy giờ, tự dựng phòng nghiên cứu và đơn độc vượt lên mọi thử thách để tìm ra vi trùng dịch hạch trên chuột. Dưới tầm nhìn chiến lược của nhà khoa học, phát hiện "kẻ thù" không quan trọng bằng tìm ra cách tiêu diệt chúng.

Còn đó, những bản báo cáo của ông về kết quả nghiên cứu huyết thanh kháng vi trùng dịch hạch, được thế giới biết đến như là bộ chìa khóa giải mã những bí ẩn trên bước đường chiến đấu với "đại dịch đen" để giành lại sự sống cho từng người.

Bảo tàng A.Yersin còn có nhiều loại kính thiên văn cùng với máy phát điện và chiếc đồng hồ đo sức gió, nhiệt độ hay chiếc máy xem ảnh ba chiều (3D), cùng nhiều thư của ông gửi cho bạn bề, đồng nghiệp, đặc biệt là những lá thư trĩu nặng tình cảm của ông dành cho thân mẫu.

Một trong những lá thư gửi mẹ, A.Yersin đã thể hiện rõ quan điểm: "Không muốn sử dụng y khoa như một nghề, nghĩa là con không bao giờ có thể đòi bệnh nhân trả công khám cho mình... Đòi tiền bệnh nhân cũng gần bằng như bảo họ là muốn sống thì bỏ tiền ra!"

Bất tử

Ở Việt Nam, ngày càng nhiều người biết A.Yersin. Là tiến sĩ Y khoa người Thụy Sĩ, gốc Pháp, năm1890, ông đã từ chối mọi lời mời hấp dẫn nơi "tháp ngà" Paris, sẵn sàng làm y sĩ chăm sóc thủy thủ để được đến Đông Dương khi vừa tròn  27 tuổi.

Bản tính thích mạo hiểm khám phá những điều mới lạ, tháng 7.1891, trên chuyến tàu từ Sài Gòn đi Hải Phòng, A. Yersin bị chinh phục bởi vẻ đẹp của bãi biển Nha Trang và ông đã quyết định chọn xóm Cồn làm nơi định cư đến cuối đời. Từ Nha Trang, Yersin đã tiến hành 3 cuộc thám hiểm, tìm ra đường bộ vào Sài Gòn, lên Di Linh, đi tiếp đến Lâm Viên, phát hiện ra Lang Biang, rồi đề xuất toàn quyền Đông Dương xây dựng thành phố nghỉ mát trên cao nguyên, lấy tên là Đà Lạt; sau đó vượt Trường Sơn lên Đắc Lắc, vòng sang Lào để tìm đường ra Đà Nẵng.

 

Ông cũng là người đã có công sáng lập ra Viện Pasteur Đông Dương, Viện Pasteur Nha Trang, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường Trung học Đà Lạt và xây dựng trại chăn nuôi ngựa tại Suối Dầu để phục vụ chương trình sản xuất huyết thanh. Ông lập đồn điền trên đỉnh núi Hòn Bà (cao gần 1.600m), di thực giống cây canhkina, cây cao su, atiso và nhiều giống cây quí từ châu Âu sang nhằm thực hiện mục đích phát triển vùng nguyên liệu bào chế tân dược tại Việt Nam.
Có nhiều sách, báo, tài liệu viết về A.Yersin. Mới đây, nhà văn người Pháp - Patrick Deville - đoạt 2 giải Goncourt và Femina nhờ viết tiểu thuyết về cuộc đời, sự nghiệp của A.Yersin, với mong muốn giới thiệu với quê hương ông về một con người cô đơn vĩ đại. Riêng ở xóm Cồn, dân làng biển vẫn lưu giữ trong lòng mình những câu chuyện vô cùng cảm động về "ông Năm" và mỗi khi kể lại, bà con rất đỗi tự hào, bởi vì mảnh đất này đã nuôi dưỡng, chở che cho A.Yersin được sống đúng là mình.

BS Kiều Xuân Cư, kể: "Nhà Yersin sát bãi biển, có thư viện mở và tủ sách hồng dành cho trẻ em. Kỷ niệm cách đây hơn tám mươi năm, nhưng tôi vẫn nhớ giọng nói của "ông Năm" mỗi lúc gọi chúng tôi là "người bạn nhỏ thân thiết". Ngày ấy, tôi thường cùng đám bạn khoảng 12 - 14 tuổi, đạp xe từ Thành (Diên Khánh) xuống Nha Trang tắm biển, mỗi lần vào thư viện của bác sĩ hỏi mượn sách, đều được ông phát kẹo và được nói chuyện bằng tiếng Pháp".

Có rất nhiều huyền thoại về cuộc sống giản dị của danh nhân khoa học A.Yersin, đến bây giờ, ngư dân xóm Cồn vẫn nghĩ ông là một vị Bồ tát - sứ giả của tình yêu thương. Cụ ông Nguyễn Đình Lợi 80 tuổi, nhà ở Cồn Xương Huân, cho hay: "Trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện vị bác sĩ người Pháp hơn 70 tuổi, "một mình, một ngựa", vượt núi, băng rừng khám bệnh cho đồng bào dân tộc vùng cao.

Ngoài chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, "ông Năm" còn "bắt mạch" thời tiết - theo dõi kính thiên văn, dự báo khí tượng biển, giúp ngư dân chủ động tránh bão lớn. Đáp lại tình cảm của "ông Năm", dân chúng đã xếp hàng dài vài chục cây số từ xóm Cồn đến Suối Dầu, khóc thương và tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng."

Tôi có cảm giác, người Nha Trang nằm lòng câu chuyện cảm động trước lúc "ông Năm" Yersin qua đời, rằng ông đã cẩn thận viết di chúc căn dặn "trợ cấp trọn đời cho người  giúp việc già và trung thành (người Việt) và phân chia công bằng khoản tiền cấp dưỡng cho những người giúp việc khác". Riêng Viện Pasteur Đông Dương được "tùy nghi sử dụng" các cơ sở do ông xây cất và đồ đạc trong nhà ông....

Mộ phần A.Yersin được xây dựng đơn sơ đúng như di nguyện của ông song người dân địa phương đã dốc tâm lập am thờ ông theo phong tục dành cho các vị thánh.

Thăm lại Bảo tàng A.Yersin sau khi ông chính thức trở thành công dân danh dự Việt Nam, vẫn gặp chị Thúy Nga, người đã tham gia chương trình thanh toán bệnh dịch hạch trên địa bàn 15 tỉnh miền trung-Tây Nguyên hồi đất nước mới thống nhất và trực tiếp quản lý bảo tàng này trong 20 năm qua.

Chị cho biết: "Ngày nào cũng có người đến thăm ông, khách nước ngoài đông hơn và tìm hiểu rất tường tận. Khoảng 1 năm trở lại đây, không ít người, đọc xong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Patrick Deville - "Peste et cholera" (Dịch hạch và thổ tả), lập tức "bay" đến Nha Trang để được gặp A.Yersin - "cứu tinh của nhân loại" - trong bảo tàng mang tên ông".

GS.TS Phùng Thị Thế Trâm sau khi nghỉ nghỉ hưu vẫn tiếp tục dành tâm sức cho các hoạt động từ thiện, hợp tác khoa học và nhân đạo của Hội Ái mộ Yersin Khánh Hòa với mục đích duy nhất là vì sự bất tử của A.Yersin. Phòng khám từ thiện "ông Năm Yersin" tại Nha Trang thường xuyên nhận được sự đóng góp của các nhà hảo tâm  trong và ngoài nước. Đặc biệt, có khá nhiều thầy thuốc sau khi nghỉ hưu đã tự nguyện làm việc suốt ngày tại phòng khám.

Quỹ học bổng của Hội Ái mộ Yersin đã và đang đỡ đầu chương trình Nha khoa học đường tại 10 trường học trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và thường xuyên cấp học bổng cho học sinh nghèo của Trường THCS Yersin.

Từ xóm Cồn qua Công viên A.Yersin chỉ vài bước chân, từ đây đến Viện Pasreur Nha Trang khoảng chừng dăm phút đi bộ; không ai bảo ai, nhưng dường như có một qui ước bất thành văn, mỗi lần ngang qua đoạn đường này, người Nha Trang luôn nghĩ đến "ông Năm" Yersin. Hàng ngày, ngư dân xóm Cồn vẫn thay phiên dâng hoa tươi trước tượng đài A.Yersin nơi công viên bờ biển.

Mùa biển động, bà con khấn xin "ông Năm" phù hộ dân lành. Tháng 9.2013, nhân kỷ niệm 150 ngày sinh, 70 năm ngày mất của A.Yersin, theo đề nghị của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý truy tặng danh hiệu "Công dân danh dự". Nhân dân Nha Trang cùng toàn thể thành viên Hội Ái mộ Yersin ở khắp nơi trên thế giới nức lòng đón tin vui, bởi giờ đây dưới suối vàng, "ông Năm" thực sự thảnh thơi.

* * *

Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, A.Yersin là người nước ngoài đầu tiên được Nhà nước công nhận di tích lịch sử lưu niệm danh nhân, bao gồm nhà bảo tàng mang tên ông tại Viện Pasteur Nha Trang - do ông sáng lập và làm việc suốt gần nửa thế kỷ; chùa Linh Sơn ở Diên Khánh - nơi ông thường lui tới trong thời gian xây dựng trại chăn nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh chữa bệnh dịch hạch và hiện vẫn thờ ông bên cạnh tượng Phật; khu mộ A.Yersin trên một quả đồi nhỏ trong khuôn viên trang trại Suối Dầu do ông tạo dựng nhằm phục vụ thí nghiệm và nghiên cứu khoa học.

Một số thành phố lớn đã lấy tên ông đặt tên đường, tại Đà Lạt và Diên Khánh có trường học mang tên ông.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Sơn Hải cho biết: "10 năm trước, Khánh Hòa đã khôi phục, nâng cấp tuyến đường từ Suối Dầu lên Hòn Bà, phục dựng nhà làm việc của A.Yersin và lưu giữ hiện vật liên quan đến danh nhân trong không gian sống trên đỉnh núi.

Từ đó đến nay, một số công ty du lịch đã mời gọi khách đăng ký tour khám phá Hòn bà, theo dấu Yersin... Trong chương trình liên kết phát triển sản phẩm, ngành du lịch 2 tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng đã có ý tưởng khảo sát từ xóm Cồn đến Lang Biang để chuẩn bị cho ra đời sản phẩm lữ hành quốc tế mang tên A.Yersin."

Bảo Chân
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.