Những người phụ nữ làm nghiêng ngả Phủ Đầu Rồng - Kỳ cuối: Tôi không phải là vua…

Nam Yên - Song Kỳ |

Cả Tổng thống, Phó tổng thống đều thể hiện khả năng chinh phục đàn bà và để họ chi phối quyền lực ở Phủ Đầu Rồng. Đến lượt các viên tướng cũng bị những bóng hồng vây quanh và chi phối công việc “nhà binh”. Tướng Vĩnh Lộc là điển hình trong số đó. Thói trăng hoa của tướng Vĩnh Lộc là duyên cớ để nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết bài hát “Hoa trinh nữ” với câu ca thán “Tôi không phải là vua…”!
Tướng tư lệnh “dại gái”

Nguyễn Phước Vĩnh Lộc sinh năm 1926 tại Huế. Ông là em họ của Vĩnh Thụy, tức là vua Bảo Đại. Thuộc dòng dõi hoàng tộc. Từ nhỏ, Vĩnh Lộc đã được ăn học tử tế, rất giỏi tiếng Pháp. Năm 1949, Vĩnh Lộc gia nhập quân đội Pháp, theo học Trường Thiết giáp Saint Saumur. Ra trường, ông được Vua Bảo Đại rút về làm cận vệ, sau ra tác chiến, thăng đại úy, làm chỉ huy trưởng Liên đội Thiết giáp.

Khi Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, đã tìm cách loại bỏ hầu hết những quan chức thân Pháp hoặc trung thành với Bảo Đại. Vĩnh Lộc cũng không ngoại lệ, bị “ngồi chơi xơi nước”, được giao những chức vụ hữu danh vô thực. Năm 1955, Vĩnh Lộc theo học khóa chỉ huy tại Mỹ, về nước làm giảng viên Trường Quân sự suốt 4 năm liền và mang hàm thiếu tá suốt 6 năm. Mãi đến năm 1960, ông ta mới được thăng trung tá, phụ trách Trung tâm huấn luyện Vạn Kiếp, chuyên huấn luyện tân binh. Tháng 11.1963, anh em Ngô Đình Diệm bị lật đổ, bấy giờ, Vĩnh Lộc mới rộng đường công danh. Nhờ tiếp cận với Phủ Đầu rồng, đặc biệt là được lòng trung tướng Đặng Văn Quang - vừa là phụ tá An ninh Phủ Tổng thống vừa là cậu vợ của Nguyễn Văn Thiệu, Vĩnh Lộc “lên” như diều gặp gió. Chưa tới 3 năm, từ tháng 11.1963 đến 1966, Vĩnh Lộc đã nhảy từ trung tá lên trung tướng.

Năm 1964, Vĩnh Lộc được điều về làm Tư lệnh Biệt khu 41, bao gồm các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đéc, Kiến Phong (Đồng Tháp). Tại Sa Đéc, viên chuẩn tướng bắt đầu thể hiện là tay đào hoa, nhưng dại gái. Bấy giờ, ở biệt khu có một đại đội tâm lý chiến trực thuộc, trong đó có một ban văn nghệ, phần nhiều là các nữ ca sĩ trẻ đẹp. Họ thường biểu diễn mỗi tuần vào tối thứ bảy tại Câu lạc bộ Sĩ quan ở Sa Đéc cho các  tướng tá nhảy nhót. Trong ban văn nghệ có một cô gái mới tròn 18 tuổi, có nghệ danh là Hoàng Yến. Dù đã có vợ con, nhưng bị nhan sắc của Hoàng Yến hớp hồn, Vĩnh Lộc nhận cô ca sĩ làm "ca lẻ" cho riêng mình. Mấy tháng sau, Hoàng Yến gửi cho Vĩnh Lộc một lá thư, thông báo đã có bầu với ông ta. Gia đình Hoàng Yến chủ động phao cái tin giật gân này khắp thị xã Sa Đéc, đòi làm lớn chuyện. Để cho êm chuyện, Vĩnh Lộc vội mua cho Hoàng Yến một căn nhà ở Sa Đéc, dọc theo bờ sông, cộng thêm một số tiền để Hoàng Yến lo hậu sự. Nhưng chờ mãi mà chẳng thấy người đẹp sinh đẻ gì, lúc ấy Vĩnh Lộc mới biết mình “dại gái”.

Rời khỏi Sa Đéc năm 1965, Vĩnh Lộc nhảy phóc lên làm Tư lệnh Quân đoàn 2, kiêm Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật, cai quản vùng đất từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận và cả một vùng Tây Nguyên rộng lớn. Bản doanh của Vĩnh Lộc đặt tại Pleiku. Tại đây, Vĩnh Lộc lại tiếp tục “dại gái”, khi đã rũ bỏ tất cả (cả vợ con và công danh) để chiều một nàng ca sĩ khác tên là Minh Hiếu.

Ước mơ làm… hạ sĩ quan

Ca sĩ Minh Hiếu tên thật là Đỗ Thị Lài, sinh năm 1942, trong một gia đình lao động nghèo tại vùng đất đỏ caosu Bình Long. Thân sinh của Minh Hiếu làm chủ một quán hớt tóc xập xệ ở một chợ quê. Tài sản quý giá nhất ông chỉ là cây đàn guitar cũ. Minh Hiếu bắt đầu sự nghiệp ca hát từ cây đàn cũ của cha mình. Vốn được trời phú cho giọng hát khàn đục khá đặc biệt, nên nhiều khách đến hớt tóc thường yêu cầu Minh Hiếu hát một vài bài theo nhịp đàn của cha. Trong số khách đó có nhạc sĩ Mạnh Giác, lúc bấy giờ là trưởng một ban văn nghệ ở Bình Long. Nghe Minh Hiếu hát cũng khá, nhạc sĩ Mạnh Giác đã mời về tập luyện và cộng tác ở phòng trà Anh Vũ tại Sài Gòn.

Năm 1965, được mời lên Pleiku biểu diễn, Minh Hiếu đã gặp Vĩnh Lộc tại Câu lạc bộ Phượng Hoàng của Quân đoàn 2. Sau khi về Sài Gòn được mấy hôm, Minh Hiếu đã thấy Vĩnh Lộc kéo theo một đám quần thần đến tận phòng trà mà cô đang cộng tác. Ông ta tỏ ra là một tay chơi hào phóng, coi tiền như giấy và hết mực galăng. Để lấy lòng người đẹp, Vĩnh Lộc hứa sẽ phong cho Minh Hiếu cấp bậc hạ sĩ danh dự của quân đội như ước mơ của cô gái trẻ. Ông ta nói, khi về Pleiku sẽ ký quyết định và thông báo với Bộ Tổng tham mưu, đồng thời yêu cầu Minh Hiếu chuẩn bị sẵn, khi nào được thông báo sẽ lên Pleiku làm lễ gắn lon. Vậy là viên tướng “dại gái” một lần nữa chinh phục thành công cô ca sĩ “nai tơ”, nhưng có biết đâu đó là tai họa của đời ông.

Không chịu dừng lại vị trí người tình, dù được phép công khai, Minh Hiếu còn tiến thêm một bước, buộc Vĩnh Lộc phải bỏ vợ con để nâng mình lên vị trí chính thức là phu nhân Tư lệnh vùng 2. Tết Mậu Thân 1968, như thường lệ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho chỉ huy các đơn vị trên toàn miền Nam không được rời nhiệm sở, thời đó gọi là “cấm trại”. Thế nhưng vì quá mê mệt Minh Hiếu, Vĩnh Lộc đã bất chấp, ngang nhiên bay về Sài Gòn ăn tết với người đẹp. Đêm giao thừa năm ấy, giống như nhiều đô thị khác ở miền Nam, Pleiku bị quân Giải phóng tấn công. Vĩnh Lộc vội vã quay trở lại Pleiku trong lo sợ, mệt mỏi.

Đang ngon giấc sau chuyến đi dài, Vĩnh Lộc bị viên đại tá Mỹ J.W.Barnes - Cố vấn trưởng Quân đoàn 2 - gọi lên làm việc. Bị đánh thức, bị xem thường, Vĩnh Lộc nổi nóng, đuổi viên sĩ quan liên lạc ra ngoài và nói ông ta không nghe lệnh ai hết ngoài Tổng thống Thiệu. Một bản báo cáo được gửi lên Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Sài Gòn. Ngay sau đó, Vĩnh Lộc bị cách chức, bị điều về Sài Gòn phụ trách Trường Cao đẳng Quốc phòng, gần như kết thúc “sự nghiệp nhà binh” của mình. Ngày 30.4.1975, Vĩnh Lộc cùng người đẹp Minh Hiếu “di tản” bằng phương tiện đường thủy trên bến cảng Sài Gòn.

Chuyện tình hoa trinh nữ

Cùng thời điểm năm 1965, khi ca sĩ Minh Hiếu rời Sài Gòn lên Pleiku làm “phu nhân Tư lệnh vùng 2”, ở Sài Gòn bỗng xuất hiện một bài hát có tên “Hoa trinh nữ” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng và được giới trẻ đón nhận. Trong giới nghệ sĩ lúc ấy rộ lên tin đồn, Trần Thiện Thành vì “buồn lòng” chuyện tình với ca sĩ Minh Hiếu mà viết nên bài hát ấy.

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết, cùng tuổi với ca sĩ Minh Hiếu. Thừa hưởng gene di truyền âm nhạc từ nhiều đời của gia đình, năm 13 tuổi ông đã bắt đầu viết nhạc, ngày càng hay và sớm nổi tiếng. Ông có nhiều bài hát nổi tiếng như “Lâu đài tình ái”, “Chiếc áo bà ba” (viết sau 1975) và tất nhiên cả “Hoa trinh nữ”. Những nghệ sĩ cùng thời cho biết, lúc ca sĩ Minh Hiếu rời Bình Long xuống Sài Gòn, đã kết thân với Trần Thiện Thanh, tình cảm giữa họ bắt đầu chớm nở. Thế nhưng, sau chuyến đi Pleiku, Minh Hiếu đã vĩnh viễn thuộc về một “vị vua” ở miền Trung -Tư lệnh vùng 2, Tướng Vĩnh Lộc. Ở lại Sài Gòn, Trần Thiên Thanh viết bài “Hoa trinh nữ” trong đó có câu “Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường!” mà người cùng thời cho rằng đó là lời trách nhẹ nhàng của Trần Thiện Thanh nhắn với cô bạn Minh Hiếu vì mê danh vọng mà quên chàng nhạc sĩ nghèo!

 

 

Nam Yên - Song Kỳ
TIN LIÊN QUAN

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.