Gặp gỡ cuối tuần

NHÀ GIÁO NHÂN DÂN, ANH HÙNG LAO ĐỘNG NGUYỄN ĐỨC THÌN: “... sóng gió của cuộc đời không bao giờ hết được, nhưng…”

ĐỖ DOÃN HOÀNG thực hiện |

Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn, khi đang phơi phới sự nghiệp, bị mắc bệnh phong. Chân tay co rút, dị tật suốt đời, di chứng còn lại trên cơ thể ông đến tận hôm nay. Nhưng ông, bằng nghị lực thép, đã trở thành một huyền thoại vượt lên, đối mặt, tự hào vì chiến thắng bệnh tật. Ông, đến giờ phút này, vẫn đang tiếp tục là một hướng dẫn viên ở khu di sản, tâm linh Đền Đô, tỉnh Bắc Ninh (nơi thờ 8 vị vua đầu tiên của Triều Lý). Ông cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh ấn tượng, người đã chụp bức ảnh cả nước biết tiếng - “Bát đế vân du” - tại Đền Đô. Hơn nửa thế kỷ trước, ông còn là người khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt” làm nức lòng đồng bào cả nước.

Làm thơ khi đang khám bệnh, đối mặt với “án tử” của “tứ chứng nan y”

Ngày xưa, bệnh phong được xếp vào tứ chứng nan y, người ta thả bệnh nhân trôi sông cho chết, thả vào rừng cho hổ ăn thịt, người ta kỳ thị không chơi với con nhà mõ với con nhà hủi. Vậy, khi ông bắt đầu nhận ra mình bị bệnh phong thì lúc đấy mọi thứ đang như thế nào ạ?

- Vẫn kỳ thị ghê lắm, nhưng ở trường tôi các bạn rất tế nhị.Đầu tiên tôi thấy các ngón tay co lại, mất cảm giác, không biết thế nào là đau đớn, nóng lạnh. Lúc đó, Ban giám hiệu trường mới bảo tôi là, ông phải điều trị đi. Tôi lên bệnh viện huyện, người ta bảo phải đến Bệnh viện Bạch Mai. Khi tôi đến Bệnh viện Bạch Mai, vào B10, bác sĩ Nguyễn Quốc Ân là người khám bệnh. Ở đó có rất nhiều sinh viên thực tập đang được bác sĩ Ân hướng dẫn, nhìn các bạn ấy, tôi đã bắt gặp một số gương mặt thân quen - đó là các học sinh tiên tiến mà tôi đã dạy, nói thật là lúc đó ngượng lắm. Tôi đã không để ý lời bác sĩ Nguyễn Quốc Ân, lúc ấy tôi nghĩ ra một bài thơ; đến khi khám xong rồi, họ bảo chờ đến chiều lấy kết quả, tôi mới cảm ơn bác sĩ Ân đã khám bệnh cho, tôi xin tặng bác sĩ một bài thơ - bài “Trong phòng khám B10”: “Tư lệnh nhìn sao vàng/ Dõi theo từng vết nhỏ/ Tình cờ cao chấm đỏ/ Khoanh khoanh lại từng vùng/ Quân thù đóng ở đây/ Làm liệt cột sống/ Phải siết chặt vòng vây/ Diệt ngay không thể chậm/ Đoàn quân nghe chính ủy/ Tư thế rất sẵn sàng/ Lên đường tiêu diệt địch/ Cho yên đẹp xóm làng/ Tư lệnh là bác sĩ/ Sao vàng là thân tôi”.

Bác sĩ Ân đã bảo tôi rằng, “Cậu làm thơ được trong tình cảnh như thế này, thì nhất định cậu sẽ chiến thắng”. Đúng lúc đó ông Trần Hữu Ngoạn (chuyên gia hàng đầu về bệnh phong, bấy giờ đang là Giám đốc Trại phong Quỳnh Lập, đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An) đi ngang, bác sĩ Ân mới gọi ông ấy vào và bảo: “Tôi sẽ gửi cho anh một bệnh nhân như một nhà thơ”.

Tôi vào Bệnh viện Quỳnh Lập, sáng hôm sau tôi gặp một ông bạn, ông ấy hỏi, “Cậu vào đây, cậu có thấy đẹp không?”. Tôi trả lời, “Tuyệt vời lắm”, ông ấy bảo, “Cậu nói dối, mọi người vào đây đều rất sợ, sao cậu lại bảo tuyệt vời.” Thực ra đêm hôm trước vào đây tôi đã khóc, không ngủ được, lúc đó gió mùa đông lạnh lắm, gà vừa mới gáy thôi, tôi chạy ra bờ biển đứng lặng nghĩ bao điều; rồi chạy về phòng lấy máy ảnh chụp hình ảnh bình minh trên biển Quỳnh Lập. Đã có bình minh thì có cuộc sống… Từ đó, tôi đã thân quen với Quỳnh Lập, với ông Giám đốc Ngoạn, rồi người ta cử tôi làm Bí thư Chi bộ ở Bệnh viện Quỳnh lập trong suốt bốn năm nữa đấy!

 

Hẳn là ông có nhiều tình cảm và kỷ niệm với bác sĩ Ngoạn lắm?

- Ông Ngoạn đã về với thế giới bên kia. Ông ấy xứng đáng là Anh hùng, là thầy thuốc nhân dân. Ở Quỳnh Lập, ông quá tử tế nên cũng bị “đấu đá”, phần do cục bộ địa phương, phần do ông Ngoạn chủ trương là thầy thuốc phải vào sống cùng người bệnh, để chăm lo cho người bệnh. Xưa, cơ quan Bệnh viện Da liễu (trại phong) Quỳnh Lập ở bên kia đèo (trước lúc tôi vào gọi là đèo Ngăn Cách), và người ta cử một người có nhiệm vụ gác đèo, bệnh nhân không được vượt đèo để ra ngoài. Các bác sĩ mỗi sáng đi ôtô 3 cây số từ bên kia đèo vào chăm sóc người bệnh, hết giờ họ quay ra, chiều lại tiếp tục 3 cây số đi vào. Ông Ngoạn ông bảo phải thay đổi, ngay cả bác sĩ mà còn “Ngăn Cách” với bệnh nhân như thế thì làm sao mà xóa bỏ kỳ thị được; thế là người ta “đả đảo” sự tử tế của ông Ngoạn.

Đến cái tuổi ngoài 75 rồi, nghĩ lại từ giai đoạn tăm tối của bệnh tật, hẳn là đã từng tuyệt vọng lắm chứ. Làm sao ông có thể vượt lên mà góp công cho ra đời được phong trào nổi tiếng toàn quốc như lịch sử đã ghi nhận?

- Lúc nào tôi cũng nghĩ đến niềm tin yêu con người và cuộc sống. Tôi nhớ Đại hội Anh hùng năm 1960, có tuyên dương anh hùng gác đèn biển là ông Phùng Văn Bằng, ông ấy có nói một câu “sóng biển, cũng như sóng gió của cuộc đời không bao giờ hết được, điều quan trọng nhất là vượt lên sóng gió đó mà đi tới đích”. Lúc đứng ở bờ biển Quỳnh Lập vào phút đầu tiên, tôi nghĩ ông Ngô Gia Tự đã vượt biển rồi muốn trở về mà không được; mình là người đề ra phong trào Ngô Gia Tự, còn mình đã đứng được ở đây rồi, thì mình phải sống như thế nào; đó là lý do tôi chụp cảnh bình minh Quỳnh Lập. Từ đó làm cái gì tôi cũng nhìn bằng khát vọng và ước mơ.

Nghị lực sống từ chính nỗi đau của đồng bào

Hồi đó, cơ bản, cả xã hội vẫn xếp bệnh phong là tứ chứng nan y, vậy mà, làm sao ông lại tin mình có thể khỏi bệnh được?

- Tôi vốn là thầy giáo, kiêm nhiệm Ủy viên thường vụ Trung ương Đoàn. Khi tôi đi bệnh viện tôi còn kiêm nhiệm Thường vụ Huyện đoàn Tiên Sơn (là huyện Tiên Du và TX. Từ Sơn của Bắc Ninh hiện nay). Lúc biết mình mắc bệnh, tôi cũng cứ nghĩ miên man... Tôi quen cái thói nhìn xuống hơn là nhìn lên, nhìn xuống để thấy nhiều người khổ hơn mình mà người ta vẫn sống được, thì tại sao mình phải tuyệt vọng? Ở Quỳnh Lập, tôi nghĩ đến em Lê Văn Đắc là thiếu niên du kích ở Quảng Trị, địch chặt hai tay em và bảo “Tau không giết mày nhưng mà tau làm cho mày sống mà hết đường sống”. Tôi đã bồi dưỡng em ấy để báo cáo điển hình đại hội dũng sĩ thành đồng tỉnh Quảng Trị; cổ vũ tuổi trẻ tiến lên phía trước Giải phóng miền Nam. Tôi rất tâm đắc cảnh cậu bé ngậm bút vào miệng rồi kẹp bút vào chân mà viết. Một đứa trẻ còn có nghị lực tuyệt vời như thế; trong khi mình mới mất cảm giác, teo giò, teo bàn tay do vi khuẩn bệnh phong thôi, có gì mà thất vọng.

Ông được phong Anh hùng năm nào?

- Năm 1985. Tôi còn giữ ảnh đây. Có ảnh đứng báo cáo, ảnh đứng nói chuyện với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi còn tham gia vào Đại hội Thanh niên tiên tiến TP.Hồ Chí Minh lần thứ nhất 19.5.1976 nữa.

Tôi nghĩ ông có nhiều thành tích, nhưng kỳ tích lớn nhất của ông là nghị lực vượt qua được căn bệnh quái ác này.

- Hồi tôi được xét tặng danh hiệu Anh hùng, thì tôi được một đồng chí đáng kính “khen” một câu: Nếu Nguyễn Đức Thìn chỉ đạt được một trong ba thành tích này thì đã đủ để được phong tặng danh hiệu anh hùng rồi - một là không được đào tạo chuẩn nhưng vẫn là nhà khoa học giáo dục (ngày xưa tôi chỉ học hết lớp bảy, sau tôi ra làm thầy rồi tự học, người ta thấy dạy khá sau cứ nhấc dần, nhấc dần lên; tôi còn được mấy văn bằng sáng tạo về các đề tài khoa học); hai là trong điều kiện bệnh tật vào điều trị tại Bệnh viện Quỳnh Lập mà vẫn tổ chức được trường học bên bờ biển; ba là tác giả của phong trào nghìn việc tốt (tôi đã đi từ Cao Bằng đến Cà Mau để nhân rộng phong trào).

Ông trực tiếp đi?

- Đúng, tôi đến các tỉnh huấn luyện cán bộ Đoàn. Tôi còn phụ trách thiếu nhi Việt Nam đi trại hè quốc tế và cũng đã giới thiệu được phong trào của mình sang các nước bạn; đi nước ngoài, tôi tuyên truyền cho phong trào này và nuôi dưỡng nó. Cho nên năm ngoái - bước sang tuổi 75, ở cái tuổi về hưu lâu như thế mà vẫn được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do đích thân Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trao tặng; sau đó còn được đến Nhà hát Lớn để nhận cúp Nhân tố mới Thời đại Hồ Chí Minh. Còn về quê hương thì tôi là người viết sử cho quê hương, viết sử cho đền Đô.

Trong những việc hữu ích mà ông làm, thì ông thấy việc nào là giá trị nhất?

- Lòng nhân ái và trí tuệ Việt Nam đã được truyền tới tuổi trẻ cả nước, nhiều người sau này trưởng thành và đã được giới thiệu ra quốc tế. Và tôi đã đi khắp nơi trên thế giới, góp phần nhỏ bé đưa các giá trị đó đi giới thiệu tại các Hội nghị Giáo dục ở Lào, Berlin (Đức), Mông Cổ… Tôi là một anh giáo làng không qua trường Đại học mà bây giờ, ở tuổi 75 vẫn thỉnh thoảng tôi vẫn được đến các trường đại học nói chuyện.

Ai là người ảnh hưởng đến ông nhiều nhất, trong cái thời mà ông vẫn mười tám đôi mươi ạ?

- Tôi đọc sách, chính những cuốn sách đã dạy cho tôi bản lĩnh sống. Sau này đọc về những tấm gương như người anh hùng gác đèn biển, nhiều khi chỉ một câu đó thôi đã đủ để mình biết con đường nào nên đi và nên đi như thế nào. Câu mà tôi nhớ nhất là: “Sóng biển, cũng như sóng gió của cuộc đời không bao giờ hết được, điều quan trọng nhất là ta phải biết vượt lên sóng gió đó mà đi tới đích.”

Xin cảm ơn ông!

ĐỖ DOÃN HOÀNG thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Hàng trăm khách Việt có mặt ở Thái Lan cổ vũ trận chung kết AFF Cup

Ý Yên |

Từ 17h, không khí bên ngoài sân vận động Thammasat đã nóng lên với tiếng reo hò cổ vũ của hàng trăm cổ động viên trước trận chung kết AFF Cup giữa Việt Nam và Thái Lan.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Những công trình cổ xưa nhất thế giới hút du khách

Vân Hoa |

Bên cạnh Những bức tượng bí ẩn ở Đảo Phục Sinh hay Đại kim tự tháp Giza, nhiều công trình kiến ​​trúc thế giới vẫn đứng vững sau nhiều thế kỷ, thậm chí hàng thiên niên kỷ.