“Vua đầu bếp” Christine Hà:

“Nấu ăn cũng là công việc sáng tạo như văn chương”

NHẬT LỆ THỰC HIỆN |

Chỉ là sách dạy nấu ăn, song “Nấu ăn bằng cả trái tim” của “Vua đầu bếp Mỹ” - Christine Hà - bán rất chạy ở Việt Nam. Điều đó cũng khiến chị ngạc nhiên vì không ngờ, một người Việt gốc Mỹ viết về ẩm thực Việt mà lại được độc giả trong nước yêu thích như vậy. Còn với độc giả thế giới, sau khi cuốn sách ra mắt năm 2013, “Nấu ăn bằng cả trái tim” đã giữ vị trí best-seller trên Amazon.

Đằng sau những công thức nấu ăn có khác so với ở Việt Nam, Christine Hà còn “nêm nếm” nhiều kỷ niệm, gia vị về tình yêu, hồi ức về người mẹ, về những ngày đầu tiên gia đình cô đến Mỹ, về sự chăm sóc của người bố dành cho chị… Tất cả tạo nên những trang viết lấp lánh tình yêu, sự chia sẻ bí quyết nấu ăn ngon để được yêu thương. Chính vì thế, nhiều người cho rằng, Christine Hà mang lại hương vị mới trong cuốn sách của một thạc sĩ văn chương và một chuyên gia ẩm thực sành điệu.

Cách đây ba năm, cô gái khiếm thị Christine Hà đã truyền cảm hứng cho cả thế giới khi giành chiến thắng ở cuộc thi "Vua đầu bếp Mỹ", chinh phục những vị giám khảo - chuyên gia ẩm thực nổi tiếng khó tính. Chị đã trở thành “huyền thoại” lấy rất nhiều nước mắt cảm động của người xem và là tấm gương để bạn trẻ học hỏi.

 

* Lý do chị quyết định viết cuốn sách này?

- Tôi viết cuốn sách này để tưởng nhớ người mẹ tuyệt vời của tôi. Tôi coi nấu ăn là một cách chia sẻ của mình để mọi người có thể nấu món ngon cho người mình yêu thương. Mẹ tôi nấu món ăn Việt ngon lắm. Mẹ mất khi tôi 14 tuổi, nhưng tôi rất nhớ những món ăn của mẹ. Nhớ món ăn Việt của mẹ, lên đại học, tôi cố học nấu ăn theo trí nhớ và cả trí tưởng tượng hương vị những món ăn của mẹ.

* Có bằng thạc sĩ văn chương, cũng như bằng tài chính, quản trị hệ thống thông tin, tại sao chị chọn con đường ẩm thực?

- Nấu ăn và viết văn có những nét tương đồng với nhau - đó là sự sáng tạo. Nấu ăn là làm các món khác nhau, còn viết là kể các câu chuyện. Cha tôi là kiến trúc sư và cũng là nghệ sĩ, đã truyền cảm hứng cho tôi. Việc nấu ăn giúp tôi kết hợp cả hai kỹ năng: Kể chuyện, viết sách và sống trong thế giới nghệ thuật.

* Khi nói đến một “Vua đầu bếp”, người ta sẽ nghĩ đến những công thức đặc biệt, những món độc đáo. Nhưng những món của chị rất đời thường. Với người Việt có những món quen thuộc như: Cá kho tộ, canh chua tôm, còn với người Mỹ thì có các món pizza, nui đút lò…

- Những món ăn tôi viết trong cuốn sách không phải là món cao lương mỹ vị, mà là những món tôi được ăn từ bé mà đến giờ tôi vẫn yêu thích. "Vua đầu bếp" không phải là show nấu món gì đặc biệt mà là nấu những thứ có ý nghĩa đối với người đầu bếp. Ngay chính tựa đề cuốn sách bằng tiếng Việt cũng nói tên ý tưởng của tôi: Hãy nấu ăn bằng cả trái tim mình. Tôi nghĩ, mình nấu những món ăn đơn giản, với nguyên liệu dễ mua, dễ kiếm, nhưng khi tạo nên một sản phẩm nghệ thuật thì đó phải là món ăn có ý nghĩa.

 

* Mỗi món ăn chị không chỉ nói lên công thức làm ra nó, mà còn là câu chuyện của chính đời chị. Câu chuyện nào làm chị nhớ nhất?

- Có nhiều câu chuyện tôi đã kể trong cuốn sách, nên tôi không nhớ nữa. Có 85 món ăn trong đó, nên tôi không biết món nào là ngon nhất. Chẳng hạn, món cá kho tộ là một trong những món ngon mẹ từng nấu cho tôi ăn. Ở bên Mỹ, tôi dùng cá da trơn rất rẻ, nhưng có thể tạo món ăn rất ngon. Mỗi lần ăn món đó, tôi lại nhớ hồi mới sang Mỹ, kinh tế khó khăn, nên mẹ tôi cũng như nhiều người Việt xa xứ khác thường mua những loại cá rẻ nhưng tôi vẫn được ăn những món ngon. Một người đầu bếp không cần dùng những nguyên liệu đặc biệt mà ngay cả những thứ rẻ tiền cũng có thể tạo nên món ăn khiến cho mọi người nhớ mãi. Tôi từng rất shock vì ở VN người ta dùng nhiều loại cá rất đắt.

* Chị còn nêu những món ăn cuối cùng mình thích nhất, vì sao?

- Nếu hỏi tôi thích món ăn nào nhất của mình thì cũng giống như việc hỏi tôi thích đứa con nào nhất của mình. Nên tôi muốn chia sẻ về bữa ăn cuối cùng của tôi, đó chỉ là những món ăn hàng ngày mà thôi: Khoai tây chiên, gà chiên, pizza, phở và chả giò.

* Với những người Việt đã thử món ăn của chị, họ đã nói gì?

- Bố tôi nói tôi nấu không bằng mẹ. Ông chỉ thích tôi làm món ăn Mỹ. Rất khó cạnh tranh lại với người Việt trong nước vì ở đây có nhiều nguyên liệu hơn là ở Mỹ và nhiều người rất giỏi. Tôi nghĩ, mình khó có thể bằng người Việt chính gốc được. Nhưng khi nấu, tôi biết kết hợp các gia vị có ở Mỹ để làm món ăn Việt Nam.

* Chị học các món ăn Việt từ đâu?

- Tôi tự học thôi. Mỗi lần nhớ món ăn của mẹ, tôi lại cố làm đúng món đó. Có thể hỏi thêm các cô trong gia đình. Khi làm giám khảo “Vua đầu bếp VN”, tôi nghĩ, có nhiều món mình làm không được. Ví dụ như bánh cuốn, tôi rất thích nhưng không dám thử làm ở nhà, vì người Việt mình làm ra cái bánh rất mỏng. Ông xã tôi lại mê món đó lắm, nên tôi càng không dám làm vì sợ anh ấy sau khi ăn sẽ không còn mê món đó nữa.

* Các món ăn cũng thay đổi giống như hiện tượng ngôn ngữ trong đời sống hàng ngày. Có thể, chính những người Việt hải ngoại còn lưu giữ các công thức làm món Việt chuẩn hơn trong nước, vì họ có ý thức gìn giữ những gì thuộc về truyền thống, cũng như gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ trong lòng họ. Chị nghĩ sao về điều này?

- Tôi không biết mình có trả lời nổi câu hỏi này nữa không, vì câu hỏi khó quá. Khi nấu ăn, mười năm, hai mươi năm sẽ phải có thay đổi, người ta dĩ nhiên cũng thay đổi cả kỹ thuật, nguyên liệu, và ngoài ra còn tùy thuộc từng vùng, từng không gian khác nhau. Tôi không sống qua nhiều thế kỷ cho lắm nên tôi không biết thứ tiếng Anh - Mỹ tôi đang nói đã thay đổi như thế nào; đơn giản là tôi tập tành viết văn, nhưng tôi chắc chắn là có nhiều thay đổi, kể cả trong ngôn ngữ lẫn việc nấu ăn.

* Chị đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, mất thị giác không phải là mất tất cả, vẫn còn một cơ hội khác mở ra cho người khiếm thị…

- Tôi mất mẹ từ nhỏ nên luôn muốn càng trưởng thành càng tốt. Nhưng sau khi bị mất thị lực, tôi không thể viết, không thể làm nhiều thứ, không thể lái xe… nên hoàn toàn mất tự tin. Khi tôi tham gia "Vua đầu bếp", đó cũng là một cách để tôi lấy lại tự tin và thăng bằng. Nay tôi đã hiểu rằng, khi mình lâm vào cảnh ngộ đó, mình nên nhờ sự giúp đỡ của người khác, chắc chắn họ sẽ đưa tay ra với mình. Tôi từng ngại làm phiền người khác, nhưng khi tham gia "Vua đầu bếp", tôi hiểu rằng, mình cần vượt qua trở ngại tâm lý đó. Mặt khác, khi tham gia cuộc thi, tôi cũng không lo lắng hay bị áp lực cạnh tranh cho dù tôi bị mất thị lực. Là bởi, chính nhờ vào việc mất thị lực mà tôi không quan tâm đến chuyện những người khác sẽ thấy tôi đang làm gì hay những đầu bếp khác đang nấu món gì. Đó cũng là động lực giúp tôi làm hết sức mình. Tôi coi đối thủ chính trong cuộc thi là chính mình, chứ không phải là ai khác.

Chị thấy sao sau khi chiến thắng ở "Vua đầu bếp Mỹ"?

- Vượt qua thử thách cho chính mình - một điều hoàn toàn không dễ. Cũng có thể, tôi thừa hưởng sự quyết tâm từ cha mẹ tôi. Khi vừa mới sang Mỹ, họ đã gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân mẹ tôi khi đó còn rất trẻ, vừa nuôi con, vừa đi làm kiếm tiền, vừa học thêm tiếng Anh, rồi theo học ngành kinh doanh và triết học mà vẫn vượt qua mọi trở ngại, nuôi con khôn lớn thành người. Nên khi tôi mất mẹ, rồi tôi mất thị lực, những biến cố đó khiến tôi suy sụp, buồn khổ; nhưng nếu tôi không cố gắng thì thế giới vẫn tiếp tục sống mà không cần biết một người như tôi đang tồn tại. Tôi có thể từ bỏ, không cần cố gắng nữa, nhưng đã không chọn con đường đó, thế nên mới có ngày hôm nay.

Nếu có thể cho một lời khuyên với người trẻ chuẩn bị lập nghiệp, thích nấu ăn nhưng phải chiều theo bố mẹ làm nghề khác, chị cho lời khuyên nào?

- Rất khó đưa ra lời khuyên cho người khác. Bản thân tôi cũng bị ba mẹ bắt học nghề bác sĩ. Tôi không nghĩ mình hợp với nghề đó, có lẽ mình hợp hơn với nghề luật sư hơn, vì tính hay cãi. Sau khi học xong ngành tài chính và quản trị hệ thống thông tin, tôi đi làm nhưng lại xảy ra biến cố nên cảm thấy rất lạc lõng. Biến cố đó hóa ra lại là một thách thức lớn và cơ hội cho tôi. Khi tôi nghỉ việc ở nhà, người thân nói với tôi, đời sống ngắn ngủi lắm, muốn làm gì thì làm ngay đi. Thế là tôi đi học nấu ăn.

Điều quan trọng là bạn phải giữ được thăng bằng giữa niềm đam mê và nghề nghiệp đã chọn. Có nhiều thứ để lựa chọn, nhưng bạn nên chọn nghề nào đem lại cho bạn niềm vui, niềm hạnh phúc, chứ không phải nghề mang lại nhiều tiền.

* Khi làm giám khảo “Vua đầu bếp Việt”, vì sao chị không nói tiếng Việt mà phải dùng tiếng Anh?

- Nói tiếng Việt thì tôi nói cũng được nhưng phải suy nghĩ lâu, không trôi chảy và tự nhiên như tiếng Anh. Nhưng tôi hy vọng mình sẽ học tiếng Việt tốt hơn để diễn đạt cho mọi người dễ hiểu.

* Chị có kế hoạch gì sắp tới?

- Thời gian tới có nhiều dự định, như viết hồi ký về đời mình, viết thêm một cuốn sách nấu ăn nữa, tham gia một số show ẩm thực ở Canada… Ngoài ra, tôi còn muốn mở nhà hàng nữa.

* Chị từng đón Tết ở VN chưa? Cảm nhận của chị ra sao?

- Tôi từng đón Tết ở VN cách đây 3 năm. Lúc đầu cũng hào hứng vì ở ngoài đường vui lắm. Tuy nhiên, qua một ngày thì không có gì chơi cả. Ở bên Mỹ, Tết không giống ở VN, không nghỉ nhiều như ở VN. Hồi bà nội tôi còn sống, dịp Tết, bà làm nhiều bánh chưng lắm, gần 100 cái bánh. Tôi thèm ăn bánh chưng bà làm nhưng vì bà mất rồi nên không ai dạy tôi gói bánh cả. Thế nên giờ Tết đến, tôi chỉ mua giò lụa cùng vài thứ mứt bánh về ăn thôi.

Xin cảm ơn chị!

NHẬT LỆ THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.