Gặp gỡ cuối tuần

HỌA SĨ, NSND PHẠM QUANG VĨNH: “Sáng tạo thế nào cũng phải mang hồn Việt”

VIỆT VĂN |

NSND Phạm Quang Vĩnh - một trong những họa sĩ hàng đầu của nền điện ảnh Việt gắn bó với nghề thiết kế mỹ thuật từ trên 40 năm qua với trên 50 phim truyện điện ảnh, giành nhiều giải thưởng cá nhân và góp phần đem lại thành công cho nhiều tác phẩm, từ “Biển gọi”, “Tiền tuyến gọi”, “Ngày ấy bên sông Lam”, “Đường về quê mẹ”, “Cỏ lau”, “Bến không chồng”… cho đến những bộ phim sau này như “Tiếng cồng định mệnh”, “Chuyện của Pao” và “Đập cánh giữa không trung”.

Thường thì khán giả ngoại đạo ít biết đến vai trò của họa sỹ thiết kế mỹ thuật, ông có thấy buồn?

- Thực ra thì nhiều khán giả chưa biết đến vị trí của họa sĩ trong phim, nhưng dân nghề thì ai cũng biết đến tầm quan trọng của vị trí này. Bởi có phim diễn viên diễn tốt, kịch bản hay nhưng khán giả cứ thấy phim giả, cái giả đó chính là lỗi nằm ở bối cảnh…

Nếu phải chọn một phim mang đậm dấu ấn sáng tạo của ông nhất, nói cách khác nó như vân tay của ông thì đó là phim nào?

- Phim “Bến không chồng” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Nếu dựa trên kịch bản, thì một họa sĩ thiết kế mỹ thuật dễ tính có thể chọn bất cứ làng quê nào VN cũng được. Nhưng tôi cảm nhận số phận của những người đàn bà trong chiến tranh khi đàn ông phải ra trận, họ ở nhà sống khắc khổ và đầy bi kịch. Bối cảnh bộ phim phải nói lên điều đó. Tôi thống nhất đạo diễn và quay phim phải chọn một ngôi làng khô cằn, ít cây cối xanh tốt. Chúng tôi chọn làng gốm Phù Lãng cách Hà Nội 60km, do nghề làm gốm, hơi nóng bốc lên cây cối đều khô cằn, tông màu trầm, nặng nề. Chọn một số cảnh quay ở đó, nhưng quan trọng nhất là cái bến thì ở làng Phù Lãng không có bến, để thuyền ghé vào, buôn bán. Đó phải là một cái bến thân thuộc, hàng ngày những người đàn bà không chồng ra ngồi đó giặt giũ, tâm sự… Chúng tôi đã đi khắp nơi, tự tìm có, bao người giới thiệu, kể cả nhà văn Nguyễn Khắc Phục chỉ cho một cái bến ở Thái Bình… Đi nhiều nhưng có cái bến, được cái cây, lại mất cái đình. Và tôi đã tạo ra một cái bến giả ở ao chùa Thầy, có đình, cây gạo, cầu chùa. Tôi xin phép sư cụ phá hàng lan can quây ở đảo, làm bến gỗ chìm dưới nước, dán gạch, rồi mài gạch trơn nhẵn tạo ra hiệu quả cái bến xưa.

Nhưng vì bến phải “nằm” ở làng Phù Lãng, nên phải mua 2 xe tải củi, sành sứ xếp ở chùa Thầy tạo không khí. Xem phim, không ai phát hiện được cái bến chính là cái ao chùa Thầy. Rồi nữa, nhà nhân vật phải rất xù xì, chúng tôi chọn nhà có lò gốm ở Phù Lãng, sau đó về Xuân Mai mua gạch tổ ong mang về dán làm bức tường dày, xù xì hợp với không khí của bộ phim.

Hay nhân vật ông Vạn do chính Lưu Trọng Ninh đóng, đi kháng chiến, của cải không có gì, khi ra ở một mình, phải tạo ra một cái nhà ven sông, chất liệu rất tạp nham, nền là những cái tiểu, tường làm bằng chum vỡ, tường rào làm bằng phên, giấy báo - chắp vá, tạo cảm giác căn nhà rất tạm bợ.

Tôi quan niệm các bối cảnh cũng là một nhân vật. Cũng như diễn viên nhận vai, họa sĩ đọc kịch bản phải suy nghĩ xem nhân vật đó phải ở bối cảnh như thế nào.

Không thể là bối cảnh chung chung ở đâu cũng được.

Nhiều người xem cũng rất ấn tượng với bối cảnh ngôi nhà cổ trong bộ phim “Của rơi” (đạo diễn Vương Đức), “Chuyện của Pao” (đạo diễn Ngô Quang Hải)…

- Trong “Của rơi”, bối cảnh khó nhất là nhà ông cụ đánh cờ. Ông cụ là một người rất bảo thủ, nhưng lại mang chất Hà Nội xưa. Ông lão đánh cờ đã ở trong một ngôi nhà cổ mang kiến trúc nhà thờ, lọt thỏm hay đúng hơn là bị bao vây bởi không gian của những ngôi nhà hiện đại, với những ăng-ten tua tủa…

Họa sĩ làm thiết kế cũng không được quá phô bày ý tưởng của mình mà ý đồ nghệ sĩ phải lẩn vào bối cảnh, hòa nhập vào câu chuyện. Nhiều khi một ngôi nhà đẹp quá không ăn vào nội dung. Cái đẹp nằm trong tổng thể và cái nghèo, cái giàu đều có vẻ đẹp riêng của nó. Như phim “Chuyện của Pao”, chúng tôi - tổ thiết kế đã phải nằm vùng gần 2 tháng trời để dựng bối cảnh. Hình ảnh quan trọng trong phim là cô Pao ngồi nhìn ra cổng, chờ đợi. Và chúng tôi đã tạo nên tầng 2 cho ngôi nhà, thuê xe chở gỗ từ Hà Nội lên,rồi thay đổi cửa, đục một cái cửa trước, mua 20 xe ben đá làm hàng rào quây quanh. Cô Pao ngồi ở tầng 2 nhìn ra cửa sổ, ra cổng trước, nhìn thấy con đường…

Đạo diễn Ngô Quang Hải khi nhìn thấy thành quả của tổ thiết kế hết sức ngạc nhiên và hài lòng…

Xem nhiều phim bây giờ thấy nhiều bối cảnh chủ yếu là có sẵn, hơn là dựng nội. Có phải vì vai trò của họa sĩ thiết kế chưa được nhìn nhận đúng mức hay vì chọn sẵn bao giờ cũng dễ hơn dựng mới?

- Cả hai ý đó đều đúng. Phim gần đây tôi làm “Đập cánh giữa không trung” (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp), lúc đầu đạo diễn không tin có thể dựng nội và dành thời gian suốt hai tháng ròng rã xuống Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và đi bao nhiêu nơi, nhưng vẫn không tìm ra bối cảnh.

Cuối cùng khi tôi vẽ mô hình thiết kế thì Điệp yên tâm và chọn phương án dựng nội. Đoàn đã dựng căn nhà ở trọ chật chội, tù túng với 4 bức tường vây quanh cho nhân vật nữ chính ở tại Cổ Loa. Nhưng chật là do dựng, còn thực tế căn nhà đó phải rộng để máy quay phim có thể di động được.

Hay như phim “Mùa hè lạnh” (đạo diễn Ngô Quang Hải), bối cảnh phải là một khách sạn xập xệ, âm u gây cảm giác có một câu chuyện gì xảy ra trong đó. Và phương án dựng 50/50, đó là tận dụng 50% bối cảnh sẵn có và dựng mới 50%:

Một bãi để xe của một chợ hóa chất, cứ 6 giờ chiều chợ đóng cửa, và khi xe máy lấy đi thì bãi trống trơn. Đoàn làm phim muốn thuê cả đợt nhưng người chủ không đồng ý vì họ sống bằng nghề cho gửi xe đã lâu và chỉ chấp nhận cho đoàn làm phim thuê từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng, sau đó trả hiện trường cho mấy trăm xe máy thuê. Tôi đã phải vẽ sơ đồ khách sạn, thuê làm cột kiểu Gô-tích, vòm cửa…, rồi cứ 6 giờ chiều chở đến lắp ráp, thành sảnh khách sạn để 10 - 11 giờ đêm xong bắt đầu quay đến 4 - 5 giờ sáng là ngừng, lại dỡ bối cảnh đi…

Cảm giác của ông khi làm phim với những đạo diễn già và trẻ có gì khác nhau không?

Tôi lại chưa làm phim với những đạo diễn gạo cội như Hải Ninh, Đặng Nhật Minh… bao giờ, mà hay làm phim với lớp trung niên và lớp trẻ. Thường thì sự sáng tạo của họ và của mình có thể cân bằng, cùng hỗ trợ cho nhau.

Được biết, ông đã tham gia trong nhóm họa sĩ thiết kế cho nhiều đoàn làm phim nước ngoài như “Điện Biên Phủ” (Pháp), “Tìm lại Đa” (Nhật Bản), “Miền đất hứa” (Na Uy), “Người Mỹ trầm lặng” (Mỹ)… Ông có nhận xét gì về cách làm việc của đạo diễn nước ngoài?

- Với họ, cái gì cũng phải sờ tận tay. Họ luôn hỏi tôi đã làm thử chưa. Như có lần đi lên Hòa Bình, tìm một dòng suối có tàu chạy qua, đến một khúc suối, ông đạo diễn hỏi tôi: “Ông Vĩnh, tàu có đi được không”, tôi bảo: “Chắc tàu không đi được”. Ông đạo diễn hỏi ngay: “Thế ông đã lội xuống đấy chưa?”. Ông ta kéo tôi cùng xuống lội suối, thấy độ nông của con suối, lúc đó mới thừa nhận là tàu không đi được. Phim “Người Mỹ trầm lặng” cũng phải quay cảnh tàu chiến ghé vào cảng, một người trong tổ họa sĩ Việt xuống đấy và về trả lời là tàu không vào cảng được, nhưng khi đoàn xuống thực địa gặp thuyền trưởng một con tàu thì câu trả lời là: Cảng này tàu chúng tôi có vào, nhưng bây giờ Nhà nước không cho tàu vào cập cảng. Thế là giải pháp mới được hình thành….

Một điểm nữa là khâu duyệt dự toán. Làm phim VN, họa sĩ đưa lên một tổng dự toán, thì đưa 10, Nhà nước duyệt 1, thành thử khi làm thiết kế rất khó khăn. Còn làm với Tây, họ sẵn sàng duyệt lên cao hẳn, gấp mấy lần, miễn là làm tốt. Vì thế các phim nước ngoài làm xong, đạo cụ thừa rất nhiều.

Vì sao ông lại có duyên làm điện ảnh?

- Tôi học khóa đầu tiên - khóa 1 trường Mỹ thuật công nghiệp, khi còn đang học, thì chuyên gia Liên Xô sang VN mở lớp đào tạo họa sĩ thiết kế phim truyện và học sinh được huy động từ nhiều trường… Và thế là tôi được đào tạo khóa 1 họa sĩ thiết kế trong hơn 2 năm, sau đó thì về Hãng phim truyện Việt Nam.

Và chính khi làm phim, ông đã gặp diễn viên, NSƯT Diệu Thuần, đó là duyên nợ, để rồi sau này bà là hậu phương vững chắc của ông?

- Buổi đầu tiên, tôi gặp bà ấy là ở phim “Ngày ấy bên bờ sông Lam” (đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung) quay ở Nghệ Tĩnh, lúc đó bà ấy đóng vai chính, mình là họa sĩ chính. Thời đó, làm một phim nhựa dài lắm, phải một năm rưỡi mới xong phần quay. Sống thời bao cấp, gian khó, đi làm phim phải đóng tiền ăn, ăn rất khổ. Sau lãnh đạo đoàn quyết định tách ra, tự thổi nấu, thế là cả đoàn có hơn 20 bếp ăn, cứ nghỉ quay là cả đoàn từ đạo diễn, diễn viên đều đi chợ, về nấu. Tôi và bà ấy ăn cùng bếp ăn, âu cũng là duyên số… Hai năm sau cưới nhau, chúng tôi vẫn cùng nhau đi làm phim. Những phim tôi làm hay có Thuần đóng, hai vợ chồng cùng trao đổi với nhau, về vai diễn, về phục trang…

Hai con tôi sau này đặt tên cũng là đánh dấu kỷ niệm đẹp của hai vợ chồng. Cháu đầu tên Quang Trung là tên khách sạn đoàn làm phim ở Vinh (Nghệ An), cháu thứ hai là Thùy (o Thùy là tên nhân vật nữ chính của Diệu Thuần trong phim).

Thời làm phim bao cấp khó đấy khổ đấy nhưng phim làm rất kỹ, công phu, tâm huyết và tình yêu nghề hình như mạnh hơn bây giờ?

- Tôi còn nhớ một cảnh phim trong “Ngày ấy bên sông Lam”, bối cảnh chính là cái đình, mà năm 1980, phong trào phá đình, bài trừ mê tín dị đoan rất mạnh. Quay phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thì phải có đình mà đình hiện tại ở nơi đoàn quay đã sạt lở làm chuồng trâu, 4 cột đình, 2 tam quan không còn gì. Và đoàn làm phim phải gặp lãnh đạo tỉnh xin phục hồi đình, chúng tôi phải làm bản vẽ, xây lại đình rồi đem thợ đến xì màu cho đình cũ đi...

Trường hợp khác ở phim “Biển gọi” (đạo diễn Nguyễn Ngọc Trung) có cảnh quay cậu bé ra mộ phi công Mỹ ở ven biển, khi đem phim từ Trà Cổ (Quảng Ninh) về Hà Nội in tráng, mang chiếu cho ban giám đốc duyệt, Ban giám đốc chê cảnh quay cho là cậu bé diễn không đạt và đoàn làm phim phải quay lại, để dựng cảnh quay lại lần 2 để cậu bé diễn cho đạt. Lần thứ 2 lại “chưa đúng tinh thần của phim”, thời bấy giờ mấy chữ “chưa đúng tinh thần” là ghê lắm, thế là phải quay đi quay lại mất đúng 7 lần, gần một tháng.

Mới hôm trước, vợ chồng tôi ngồi xem lại phim chiến tranh xưa “Đường về quê mẹ” mới thấy ngày xưa làm ghê thật, đánh cả mấy trăm quả nổ làm trụi thùi lụi 3 quả đồi, giờ làm thế ai cho. Ngày xưa, làm phim chú ý từng chi tiết nhỏ là vậy.

Lớp họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho điện ảnh như ông giờ thưa lắm, ông có nhìn thấy khoảng trống mênh mông sau lưng mình?

- Tôi rất tiếc vì khâu thiết kế mỹ thuật rộ lên một thời gian, rồi sau buông lỏng, hầu như những người làm phim ít nói chuyện phải dựng nội, chỉ lấy sẵn bối cảnh, coi họa sĩ như mấy ông đầu sai. Thì kiểu gì mà chả có phim, cũng như đạo diễn phim có nhiều kiểu. Tiền dành cho thiết kế phim đã ít còn muốn làm nhanh thì khó quá! (cười). Tất cả là do quan niệm về nghệ thuật, thuở sơ khai điện ảnh đã bắt đầu bằng bối cảnh nội. Nếu xem nhiều phim đoạt giải Oscar, thì thấy bối cảnh trong phim đều rất ghê gớm.

Ông còn điều gì muốn gửi gắm tới người xem và người làm nghề?

- Nhiều người xem phim tưởng bối cảnh của phim là tự nhiên nhưng thực ra đó là sự sáng tạo, chăm chút kỹ lưỡng từng cảnh phim của họa sĩ. Tôi luôn tâm niệm: Sáng tạo thế nào thì sáng tạo, nhưng phải ra hồn Việt.

Xin cảm ơn ông!

Họa sĩ, NSND Phạm Quang Vĩnh, sinh năm 1944, trong một gia đình có truyền thống hội họa, cha ông là họa sĩ Phạm Hậu (một trong những giảng viên lứa đầu của trường Mỹ thuật công nghiệp), bản thân ông học khóa 1 trường này và sau này học khóa 1 họa sĩ thiết kế mỹ thuật do chuyên gia Liên Xô đào tạo, đã làm nghề từ năm 1964, phim đầu tiên là “Biển lửa” (trợ lý cho họa sĩ Lê Thanh Đức). Ông đoạt giải cá nhân Bông sen vàng họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho phim nhựa “Đề Thám” năm 1987 tại Liên hoan phim quốc gia.

 

 

VIỆT VĂN
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.