Gió Đại Phong và phong cách Nguyễn Chí Thanh

Phan Quang |

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) là vị đại tướng thứ hai của QĐNDVN sau Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông sinh tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên ngày 1.1.1914, đến nay tròn thế kỷ - muộn hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ba năm và ra đi trước người anh cả của quân đội gần nửa thế kỷ. Ông cũng là một vị tướng huyền thoại, để lại dấu ấn sâu đậm thời kỳ dân tộc ta trải qua những biến động sâu sắc nhất trong lịch sử hiện đại: Từ làm cách mạng Tháng Tám thành công đến thời kỳ thống nhất nước nhà, đổi mới, phát triển.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nổi tiếng xông xáo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Thời gian ông chỉ đạo mặt trận này không dài, chưa tới bốn năm - từ cuối 1960 đến giữa 1964 - thì lên đường vào Nam đánh Mỹ. Ông là người - theo sự dắt dẫn trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - thổi lộng ngọn gió Đại Phong xua bầu không khí trì trệ trong nông thôn miền Bắc vừa hợp tác hóa xong thì gặp liên tiếp hai vụ mất mùa. 
Gió Đại Phong còn gợi cảm hứng cho "Sóng duyên hải", "Cờ ba nhất", "Phụ nữ ba đảm đang"… - những phong trào thi đua yêu nước nuôi dưỡng sức mạnh tinh thần nhân dân ta, làm chỗ dựa của tiền tuyến, cùng đánh thắng chiến tranh. 

Dấu ấn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lưu lại qua mấy năm chỉ đạo nông nghiệp làm nên phong cách Nguyễn Chí Thanh. 

1. Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9.1960 bầu đồng chí Nguyễn Chí Thanh - vừa được phong hàm đại tướng năm trước - làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Hội đồng Quốc phòng… 

Một hôm, Bác Hồ mời ông đến, giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương. Bác bảo: “Phong trào hợp tác hóa mới lên, còn trầm trầm. Chú hãy tìm cho được điển hình tốt, phát huy nó lên, vận động nông dân thi đua yêu nước, xua đi bầu không khí kém phấn khởi”.

Điều kiện tự nhiên của hợp tác xã Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) không mấy thuận lợi. Ở vùng đồng chiêm trũng, mỗi năm cấy một vụ lúa, còn vụ “lúa trái” thì cầm chắc làm năm vụ mất trắng đi ba - nói theo lời nông dân tại chỗ. 

Khởi đầu từ xóm Mỹ Phước, với mấy chục gia đình nghèo tự nguyện đi vào làm ăn hợp tác, sau hai năm phát triển toàn thôn gồm 420 hộ, làm nông nghiệp theo hướng đa canh, đa ngành, nhờ vậy tất cả các gia đình đều đạt được mức sống ngang trung nông. Đầu tháng 1.1961, Hội nghị tổng kết hợp tác hóa nông nghiệp họp tại Hà Nội. 

Chủ nhiệm hợp tác xã Đại Phong báo cáo kinh nghiệm, được đại biểu đến từ các vùng hoan nghênh nhiệt liệt. Bác Hồ theo dõi sát hội nghị. Bác viết bài báo ngắn, chỉ mấy trăm từ, ký bút danh Trần Lực đăng báo Nhân Dân, khẳng định Đại Phong là “một hợp tác xã gương mẫu”(1).

Ngay lập tức, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dẫn đầu đoàn cán bộ, chuyên viên nông nghiệp vào Quảng Bình, mời Bí thư Tỉnh ủy cùng tham gia về tại chỗ, dành năm ngày tìm hiểu thực tế, trao đổi với nông dân và cán bộ thôn xã, rút kinh nghiệm làm ăn. 

Tại hội nghị tổng kết có cán bộ toàn tỉnh Quảng Bình tham dự, Đại tướng - Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương - khẳng định: “Thôn Đại Phong có nhiều biến đổi, Hợp tác xã Đại Phong đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn”.

Đại tướng đặt vấn đề: Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra yêu cầu phấn đấu trong vòng 5 năm, đưa mức sống của đại bộ phận xã viên hợp tác xã lên ngang mức sống trung nông lớp trên. Liệu chúng ta có làm được? - Có!

Và kết luận sau khi phân tích tính khả thi: “Một dân tộc với cây gậy tầm vông ra đi kháng chiến cứu nước, cuối cùng đánh đế quốc lăn kềnh ở Điện Biên Phủ, làm nên sự nghiệp anh hùng. Giờ đây, được Đảng tiếp tục lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội theo cách dành dụm từng cái bùloong, mở thêm từng tấc đất, dân tộc ta nhất định sẽ tiến những bước khổng lồ, giành nhiều thắng lợi huy hoàng!" (2)

Điển hình tốt - theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, không phải là nơi thành công nhờ điều kiện thuận lợi, cấp trên đổ đầu tư vào, cán bộ tăng cường từ nơi khác đến... Thành tựu điển hình kiểu ấy là để ngợi ca, chẳng mấy ai có thể làm theo. Hợp tác xã Đại Phong được chọn làm điển hình tiên tiến và hội nghị tổng kết ra lời kêu gọi các nơi học tập, đuổi kịp và vượt Đại Phong là xuất phát từ cách nhìn: Đấy là một hợp tác xã xuất phát từ những điều kiện bình thường, phổ biến, tương tự mọi nơi. 

Cán bộ hợp tác xã từ nhiều nơi khăn gói, cơm đùm lặng lẽ đổ về Đại Phong tìm hiểu. Hầu hết đều chung nhận xét: “Ở đây chẳng có gì hơn ta, thậm chí có mặt còn kém: Ruộng đất xấu, năm nào cũng lũ lụt, đường sá đi lại khó khăn, đất vỡ hoang thì ở mãi trên rừng, dân chưa có mấy nhà giàu có... Họ làm được, tại sao ta không thể làm bằng họ, hơn họ?”. 

Từ đấy lan tỏa nhanh phong trào thi đua trong nông nghiệp. Sau ba tháng, có một nghìn hợp tác xã cam kết thi đua. Bác Hồ lại viết bài báo, khẳng định đã hình thành “Phong trào Đại Phong” (3) và kết thúc Hội nghị Trung ương 5, Bác thay mặt Trung ương hoan nghênh Phong trào Đại Phong.

2. Một trăn trở thường xuyên nơi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đặc biệt thời gian ông phụ trách chỉ đạo công tác nông thôn và nông nghiệp, là: Chúng ta ngồi trên trung ương ban hành chính sách, liệu các chính sách ấy có hợp lòng dân, có đáp ứng nhu cầu thực tế, có phù hợp xu thế thời đại? Tại sao có những chủ trương của trung ương nhanh chóng đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả rõ rệt, trong khi không ít chính sách khác dừng lại ở khẩu hiệu? 

Bất kỳ chuyến đi thực tế nào của ông cũng có mục đích cụ thể: Tìm hiểu thâm canh lúa, tổ chức chăn nuôi đại trà, làm nghề phụ, tạo việc làm cho dân lúc nông nhàn..., nhưng đằng sau những cái đó chung quy hướng vào việc tìm lời giải cho trăn trở lớn và như vậy cũng có nghĩa là đặt câu hỏi tiếp: Vậy Đảng và Nhà nước ta cần có thêm những chính sách gì?

Triển khai Hội nghị Trung ương 5 (khóa III), Bộ Chính trị chuẩn bị ban hành Nghị quyết về miền núi. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh lại “kéo quân” - thực tế là vài ba chuyên viên và một nhà báo - “lùng sục” (chữ của ông) nhiều nơi. Từ Hà Nội lên huyện Bằng Mạc, tỉnh Bắc Giang nghiên cứu Hợp tác xã Nà Cà, đi tiếp lên một bản huyện Lộc Bình, Lạng Sơn chưa lập hợp tác xã xem nguyên nhân do đâu. Về Hà Nội, đáp xe lửa thẳng Lào Cai tìm hiểu sản xuất và đời sống đồng bào Mông. 

Một chuyến đi nữa khá dài ngày là theo quốc lộ 6 ngược Tây Bắc, từ Hòa Bình qua Yên Châu, Mộc Châu, Thuận Châu, lên đèo Pha Đin, sang Mường Lò, Nghĩa Lộ, vượt sông về Yên Bái, Phú Thọ... Đến đâu ông cũng về bản làng thăm hỏi, động viên đồng bào, đồng thời quan sát, lắng nghe, ngẫm ngợi về một số vấn đề ông chưa muốn đặt ra ngay khi tiếp xúc các cấp ủy: Rốt cuộc, đồng bào các dân tộc đang cần gì? Bà con nghĩ sao về các chính sách Đảng và Nhà nước đã ban hành? 

Dạo ấy có phong trào nông dân vùng châu thổ Sông Hồng lên miền núi tham gia xây dựng kinh tế mới. Đồng bào miền xuôi lên đây có gắn bó như với quê hương bản quán mình? Mô hình hợp tác nào thuận cho đồng bào dân tộc sống rải rác? Tìm cách gì dạy nghề, tạo việc làm cho bà con sống heo hút lưng chừng đèo?...

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không mấy khi hài lòng với những việc đã làm được. Đến đâu, ông cũng đề cao những nhân tố mới, khẳng định thành tựu, khích lệ đồng bào; nhưng bên cạnh đó luôn canh cánh những vấn đề cuộc sống đặt ra, những việc thực tế đòi hỏi mà ta chưa nhìn rõ hướng làm.

Những lần ông đến thăm và trò chuyện thân tình với bà con các chuyến đi ấy lưu lại nhiều kỷ niệm trong lòng đồng bào. Gần 40 năm sau chuyến đi theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi được tiếp một vị đại tá - cục trưởng thuộc Bộ Công an đến nhà, hỏi về bài báo kể chuyện vị đại tướng ghé thăm nhà cụ thân sinh ông. Hưởng ứng chính sách của Đảng, cụ đưa gia đình từ Hà Nam lên sinh sống tại Châu Thuận (nay thuộc tỉnh Sơn La). Gia đình cụ vừa là người miền xuôi, vừa là người miền núi mà không quên cội nguồn. 

Trước khi qua đời, cụ dặn con trai được chuyển về Hà Nội công tác phải tìm và photocopy bài báo gửi các em, cháu, chắt mỗi người một bản, ở đó cụ tâm đắc câu đại tướng tâm tình: “Trên đất nước này, đâu cũng là quê hương ta, ở đâu lao động hết lòng ta cũng có thể tìm thấy hạnh phúc” (4). 

3. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gắn bó với nhân dân một cách tự nhiên như bẩm sinh, trời sinh ông ra đã vậy. 

Ông tham gia hoạt động cách mạng sớm, 24 tuổi đã được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, 31 tuổi là một trong ba đại biểu miền Trung dự Hội nghị lịch sử Tân Trào năm 1945. Ông luôn tự tin nhưng khiêm tốn, tự tin ở quan điểm lập trường nhờ tiếp thu đường lối của Đảng và không giấu dốt, gặp dịp là mở lòng học tập. 

Những chuyến về cơ sở là cơ hội cho ông chan hòa với cuộc sống người dân, học hỏi bác lão nông tri điền, anh cán bộ xóm về cách xử lý các vấn đề thực tiễn; những chuyến đi nghiên cứu dài ngày ông mời các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học đầu ngành cùng đi - ấy cũng chính là tạo cơ hội vàng cho ông được một lúc học từ hai phía: Thực tiễn và hàn lâm. 

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1.1.1914-1.1.2014)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người bên phải ảnh) cấy lúa cùng bà con nông dân.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (người bên phải ảnh) cấy lúa cùng bà con nông dân.

Tháng 10.1961, khi cao trào Đại Phong đã lộng gió khắp miền, qua báo chí được biết ở nông thôn Triều Tiên có phong trào thi đua Thanh Sơn Lý, Đại tướng đề nghị Ban Bí thư cho sang thăm nước bạn, chủ yếu để tìm hiểu phong trào này. 

Tư duy biện chứng, về thăm các điển hình tiên tiến lúc nào ông cũng chỉ ra những mặt bất cập, trong khi đến những nơi khó khăn tưởng không tìm ra lối thoát, ông lại nhìn thấy triển vọng, giúp anh em khôi phục niềm tin.

Ông ham đọc sách, sách lý luận và tác phẩm văn học, sách tiếng Việt và sách tiếng Pháp với cái vốn không nhiều học ở trường, còn nhằm trau dồi ngoại ngữ và hễ đọc được cuốn sách hay là chia sẻ luôn với những người chung quanh, có khi thầy trò tranh luận với nhau rồi cùng nhau cười ha hả. 

Chính nhờ vậy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn ngang tầm các trọng trách Đảng và Nhà nước giao và khi ông đột ngột qua đời ở tuổi 53, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đau đớn thốt lên: “Chúng ta mất một con đại bàng trên trời cao, có tầm nhìn xa trông rộng, lại thấy được cái rất cụ thể trên mặt đất”.

(1) Đầu đề bài báo. Báo Nhân Dân ngày 11.1.1961.
(2) Báo Nhân Dân ngày 26, 27 và 28.2.1961.
(3) Đầu đề bài báo. Báo Nhân Dân ngày 15.4.1960.
(4) Bài “Màu áo nâu trên rừng xanh Tây Bắc”, báo Nhân Dân ngày 14.4.1962.

 

Phan Quang
TIN LIÊN QUAN

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Ngắm nhìn những chậu lan hồ điệp trị giá vài chục triệu đồng tại Hải Phòng

Lương Hà |

Hải Phòng - Những chậu lan hồ điệp, có kích thước lớn, được sắp xếp khéo léo, có giá trị vài chục triệu đồng được người dân Hải Phòng đặc biệt chú ý và quan tâm trong dịp Tết Nguyên đán này.

Duy trì bay đêm đảm bảo nhu cầu đi lại của khách dịp Tết Nguyên đán

Minh Hạnh |

Cục Hàng không Việt Nam vừa có Công điện gửi các đơn vị có liên quan về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hàng không trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội xuân Quý Mão năm 2023, yêu cầu các cảng hàng không duy trì hoạt động bay đêm 24/24h theo nhu cầu vận tải của các hãng hàng không.