Đọc “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh

Nguyễn Thụy Kha |

Sau trường ca “Đường tới thành phố” được dư luận bạn đọc và đồng nghiệp đánh giá cao, Hữu Thỉnh tiếp tục âm thầm đi vào cuộc chuẩn bị cho một trường ca mới. Đó là “Trường ca biển” khởi sự từ 1981.
Không biết có phải từ suy nghĩ khi Văn Cao có “Những người trên cửa biển”, Thanh Thảo có “Những người đi tới biển”, Hữu Thỉnh tự đặt cho mình phần tự hoàn thiện cho vệt trường ca Việt Nam hướng về biển là viết thẳng một trường ca về biển. Và “Trường ca biển” đã hoàn thành sau 13 năm vắt kiệt mình trong sáng tạo của Hữu Thỉnh (1981-1994).

Trường ca đã được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành vào mùa thu 1994. Khác với “Đường tới thành phố” được đón nhận nồng nhiệt, “Trường ca biển” có một số phận lặng lẽ. Tác giả khi ấy đang đương nhiệm Tổng biên tập Báo Văn Nghệ để rồi ngay sau đó ít tháng, mùa xuân 1995 đảm nhiệm vị trí Phó Tổng thư ký thường trực Hội Nhà văn Việt Nam sau Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 5.

Và cứ thế qua 3 khóa làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (2000-2015) đồng thời đảm nhiệm cả vị trí Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật toàn quốc (2010-2015). Bởi thế, nên việc chăm sóc và quảng bá cho “Trường ca biển” đã không được tác giả dành đủ thời gian cho nó. Nó lại càng khuất chìm hơn khi dư luận lại tập trung tôn vinh những tập thơ ngắn của anh như “Thư mùa đông”, “Thương lượng với thời gian”“Cây thời gian”.

Nhưng như “rượu ngon càng chôn sâu và lâu vào đất thì càng say” như cổ nhân thường tấm tắc, “Trường ca biển” vẫn có một tầm vóc đích thực của nó. Nó càng có giá trị hiện hữu với hôm nay hơn bao giờ hết, khi gần đây, cả nước đang đồng lòng, dốc sức hướng ra biển đảo trong chiến lược bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc.



Với 6 chương được cấu trúc: “Đối thoại biển”, “Cát”, “Tự thuật của người lính”, “Đất này”, “Hóa thạch những dòng sông”, “Bão biển”, “Trường ca biển” nếu nhìn theo góc độ tài nguyên “rừng vàng biển bạc” thì có cấu trúc của 6 kho tàng biển (lục khố). Nếu nhìn theo âm nhạc thì đây là một tổ khúc giao hưởng mà ở giữa các chương có những đoạn chuyển tiếp qua các “Lời sóng” từ 1 đến 5.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả chọn chương đầu tiên trong “Trường ca biển” là “Đối thoại biển”. Thực ra đấy là cuộc đối thoại im lặng giữa dân tộc Việt Nam sau chiến thắng với vùng biển thân yêu của đất nước. Im lặng đã thốt thành lời. Hình tượng người lính là hình ảnh tượng trưng của dân tộc. Còn hình tượng biển chính là phần máu thịt thiêng liêng của đất nước.

Chính cuộc đối thoại này đã giúp cho dân tộc bình tĩnh lại sau cơn say chiến thắng, để lại thấy những khó khăn chồng chất của thời hậu chiến. Phải làm sao vừa giữ gìn được vùng biển và khai thác hết các “mỏ bạc” của biển giúp cho đất nước thoát khỏi đói nghèo. Cuộc đối thoại xuất hiện vào thời khắc đất nước bắt đầu suy tư: “Người thắng trận sao mà hốc hác quá”. Hóa ra, ở một đất nước có bờ biển khá dài, chúng ta chưa hiểu gì về biển như tổ tiên ta:

Và người lính nói:
- Hôm nay tôi thấy biển lần đầu
Biển nói:
- Mái gianh nhà anh không nói thế
Vại nước gốc cau nhà anh không nói thế


Khi người lính thật thà tự hỏi về hành động phải thế nào thời hậu chiến: “Tôi phải làm gì”. Câu trả lời muôn thuở: “bắt đầu là từ nước” được tác giả “thơ hóa”: “Biển nói: - Sống với nước hãy bắt đầu từ nước”. Chính biển cả mênh mông đã giúp cho chúng ta tỉnh ngộ về “cơn say chiến thắng”: “Bao vốn liếng cả một đời góp nhặt/ Bước xuống tàu bỗng thành kẻ tay không”. Với tay không, cả dân tộc thực sự vươn ra biển lớn cùng những “nỗi éo le”, “dang dở”, “cay đắng”. “Sau giải phóng Sài Gòn - Anh ra đảo” .

Trong 6 chương đều hay, rất “Hữu Thỉnh” của “Trường ca biển”, có lẽ chương hai: “Cát” là chương hay nhất. Vẫn thấy ở đây bóng dáng những lập ngôn, lập tứ của “Đường tới thành phố”, nhưng cái thấy thêm ở đây là sự âm thầm làm mới câu thơ, làm mới cách nói của một người thơ không chịu dừng lại, không chịu ngủ yên trong những tiếng vỗ tay.

Bằng chủ thể “Cát” tác giả đã triển khai mọi nỗi nhọc nhằn, mọi sức chịu đựng phi thường của người lính đảo trên tất cả các cung bậc cảm xúc. Cát được nhân cách hóa như một người đồng hành cùng người lính Trường Sa cô đơn giữa biển biếc: Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/ Đảo có lính cát non thành Tổ quốc/ Đảo nhỏ quá nói một câu là hết/ Có gì đâu chỉ cát với chim thôi/ Cát và chim và thêm nữa chúng tôi…

Cứ thế, có lúc cát tung bay trong không cùng, trong số phận người lính. Có lúc cát vun lại thành nấm mồ thương tiếc: “Chúng tôi cùng nhau bới cát/ Dọn một chỗ nằm cho đồng chí hy sinh”. Nhịp thơ cuốn theo giai điệu thơ: Cát và cát/ Ngày ngày lại mới/ Cát và cát/ Ngày ngày lại trắng/ Trắng như bàn tay trắng chúng tôi/ Úp lên số phận của bạn mình

“Cát ở đây là tất cả”. Đấy là một tuyên ngôn thật gọn và lạnh lùng: “Không có chỗ nào không có cát/ Không có điều gì không có cát”. Cứ thế người lính sống với cát, ăn nằm với cát, cùng cát lấp đầy, chống lại khoảng trống giữa đồng đội với nhau, ở ngay trong chính mình. Hữu Thỉnh có một câu thơ xuất thần trong trường ca, câu thơ hay nhất khi nhìn đảo như những quả cân, cân tầm vóc dân tộc: “Đảo rập rờn chìm nổi những quả cân/ Cân người lính và hiểm nguy đời lính”.

Viết về người lính nông thôn luôn là một thế mạnh của Hữu Thỉnh. Anh am hiểu nông thôn vừa cặn kẽ, vừa tinh tế. Anh thổi hồn ca dao tục ngữ vào câu thơ nhẹ như làn hương vườn quê. Chương ba “Tự thuật về người lính” đã được Hữu Thỉnh viết cảm động như thế. Rất nhiều những câu thơ hay làm cho cuộc đời người trai làng vừa hồn nhiên vừa xa xót. “Tháng giêng buồn tiếng thạch sùng kêu” hay “Chiếc nón mê tha thủi giữa đồng/ Đồng vắt kiệt nằm than trong gió bấc” hoặc “Đêm là tàu lá sen che nửa phần trái đất” “Đồi phủ phục những đàn voi ngái ngủ”…

Đến khi thành lính, dường như mang cả làng quê, cả những thói quen thôn xóm vào đội ngũ: Tôi đã lớn để trở thành người lính/ Thọc đôi tay vào chiếc túi của rừng/ Chiến công đôi khi là tìm ra một thứ gì ăn được/…/Đã khắc vào cây để nhớ một ngày/ Để nhớ một người để thương đất nước/ Đã để ít đời mình nơi ngã ba khốc liệt/ Đã bông đùa xen kẽ với bom rơi.

Ngày thống nhất cũng được anh nói bằng một lát cắt sắc lẻm nhưng rơm rớm: Con búp bê đi ngược đường ra trận/ Đất nước những ngày xum họp đầu tiên/…/ Trước mặt tôi bây giờ là biển cả/ Lại gặp núi non trong những chớp sóng thần.

Ở “Lời sóng 3” có câu thơ ấn tượng: “Nợ cũ còn đây/ Biển nham nhở sẹo/ Nổi chìm bao kiếp người/ Dìu đảo ngoi trên sóng”.

Vẫn cách nói ấy, chương 4 “Đất này” lại đẩy “Trường ca biển” ra một chiều cảm nhận khác: Không có đất không thể nào sống được/ Cha nhễ nhại trước cỏ lăn cỏ nác/ Cha nhễ nhại trước nỗi thèm khát đất/ Đêm nằm mê giun dế cũng thân tình.

Hình như ở chương này, đoạn nối với chương sau “Lời sóng 4” mới là nơi dồn đẩy tới những cao trào. Sóng ở đây có tiếng nức nở luồn vào: Sóng lại đến mang theo lời hẹn cũ/ Sóng mang về những đôi giầy trẻ nhỏ/ Những đô la ướt sũng, những phao bơi/ Tang vật buồn đau của những kiếp người/ Đảo tái cát/ Khóc oan hồn trôi dạt/ Tao loạn thời bình/ Gió thắt ngang cây…

Chương 5 “Hóa thạch những dòng sông” là chương chứa chất sáng tạo của một góc nhìn lập thể. Cái tứ này làm cho “Trường ca biển” mới lạ hơn: Những dòng sông quờ quạng tìm nhau/ Dưới đáy biển/ Những dòng sông chết/ Biển âm u đáy huyệt/ Hồn sông đi lang thang/…/ Những dòng sông dưới đáy biển tìm nhau/ Vừa thấy bóng lại thủy triều xô dạt/ Mênh mông đến và mênh mông xóa mất.

Sông có khác gì đời người: “Sinh ra sông là để đem cho”. Đoạn thơ văn xuôi bất chợt xuất hiện như những lời tự bạch minh triết của sông trước khi hóa thân vào biển: “Khi gặp biển là lúc sông đem cho lần cuối, một cuộc cho trọn vẹn huy hoàng như thơ cho … Và khi không còn thứ gì để cho, sông như tráng sĩ không còn vũ khí … một kẻ trắng tay giàu có đo mình bằng kích thước của biển …”. Nhìn ra biển để hiểu tận cùng sông cũng như nhìn vào dân tộc mà hiểu tận cùng từng người dân vô danh: Đức hạnh của sông là đa mang/ Dung nhan của biển là bình thản/ Vẻ đẹp của sông là không tỉnh táo/ Nỗi khổ của biển là sở hữu không cùng …

Và cứ thế, con dân Việt như sông trao mình cho tư tưởng độc lập, tự do mênh mang như biển: Sông trao mình cho biển/ Như cây trao bóng cho rừng/ Về biển thì hết sông/ Không về thì không được/ Ta lặn xuống tầng sâu/ Đời vẫn còn chảy xiết …

“Lời sóng 5” đã dâng ý tưởng dâng hiến này đến tận cùng chất ngất: Biển đã hút của anh bao mồ hôi/ Với thói quen của chiếc giấy thấm khổng lồ/ Và anh cũng hút biển/ Với lời khuyên của những chiếc rễ cây…

Chương sáu “Bão biển” là chương cuối cùng của trường ca, là cái kho cuối cùng của “lục khố”, là hào 6 của quẻ thuần can phấp phỏng những toan lo trước thử thách. Lúc này, tác giả đã biết chuyện của những người lính đảo chiến đấu ở Gạc Ma, ở Cô Lin, ở Len Đao... Vậy đấy. Cả dân tộc vẫn phải đối mặt với những cơn bão biển hòng muốn xóa ý chí của chúng ta: Bão vò cây gào rít điên cuồng/ Tóc của bão là lá cây rách tướp/ Tay của bão là sóng thần rợn ngợp/ Cả đất trời say sóng ở Trường Sa/ Trong bão gió chúng tôi đo Tổ quốc/ Bằng đôi tay vượt biển lính xa nhà.

Cuộc đối mặt để gìn giữ từng tấc đảo xa của Tổ quốc đã buộc con người phải một sống, hai chết, phải quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: Biển chưa thu xong những mảnh vỡ của mình/ Anh le lói bơi đi bằng sức mạnh bí mật của hy vọng/ Rất nhiều lần anh chạm chân vào đáy quan tài/ Lại cố sức ngoi lên/ Như từ triệu năm quyết liệt quay về/ Tìm lại đảo/ Một chỗ đứng, một tên gọi/ Cả vũ trụ so găng đấu với một mình anh/ Nghìn cái chết kéo co với một sinh linh bé nhỏ/ Tất cả những gì chưa sống nói với anh không thể chết/ Tất cả những gì đã chết nói với anh phải sống/ Và anh bơi bơi mãi/ Mịt mù biển mịt mù trời …

Đây là những câu thơ bi tráng nhất, thắt ngặt nhất, khí phách nhất trong cao trào dội lên để kết trường ca.

Đọc “Trường ca biển” của Hữu Thỉnh, ta thấy chứa chất những ngẫm nghĩ đáng giá, đáng quý về vùng biển thân yêu của tổ quốc, chứa chất những biến ảo về thi pháp mà tác giả muốn gửi vào đấy bằng toàn bộ dụng công khi vắt kiệt cảm xúc của mình.

Nghe vang lên từ chữ nghĩa dạt dào cả một tổ khúc giao hưởng như “Trường ca biển”, chúng ta mới thấm thía hết những gì phải ứng xử khi hội nhập toàn cầu trong một thế giới mới đầy biến động, đầy bất an.

Với ý nghĩa của mình, thiết nghĩ trong hôm nay, “Trường ca biển” nên được tái bản, được làm quà tặng trao cho tất cả những người lính biển đảo như trao thêm cho họ một niềm tin, một chỗ tựa như những lời kinh, lời ru của Mẹ Việt Nam để tất cả họ có thể đứng vững trước mọi sóng gió, mọi mưu toan thâm độc. Đấy là sức mạnh của tác phẩm này, một người bạn lớn đồng hành cùng những người lính biển đảo hôm nay…
Nguyễn Thụy Kha
TIN LIÊN QUAN

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Dự báo thời tiết 16.1: Miền Bắc rét đậm mưa vài nơi, nhiệt độ giảm sâu hơn

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 16.1.2023, Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 9 - 12 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ phổ biến 6 - 9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C.

Chứng khoán: Thiếu sự đồng thuận của dòng tiền để bứt phá

Gia Miêu |

Với nhiều thông tin hỗ trợ thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số VN-Index có thể sẽ sớm vượt mức kháng cự 1.067 điểm và hướng về gần mức 1.100 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng trước khi nghỉ Tết.

Thực phẩm online ngày Tết tiềm ẩn nhiều rủi ro

Ngọc Chi - Đức Trung |

Cận Tết, việc mua sắm thực phẩm online tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Để có một cái Tết trọn vẹn và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, hãy là người tiêu dùng thông minh.

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan chung kết AFF Cup 2022

Bảo Bình - Dương Anh |

So sánh đội hình tuyển Việt Nam vs Thái Lan AFF Cup 2022. Với lợi thế sân nhà, có 44,51% lượt bình chọn trên sofascore tin rằng Thái Lan giành chiến thắng, 28,38% dự đoán kết quả hoà và 27,11% nhận định đoàn quân của HLV Park Hang-seo sẽ nâng cao chức vô địch.

Mâm cúng tất niên của người Việt Nam khắp ba miền

LÝ VIẾT TRƯỜNG |

Trong ngày tết Nguyên đán của người Việt, mâm cỗ cúng tất niên được mọi gia đình chuẩn bị rất kỹ lưỡng, với mong muốn bày tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên để được ông bà phù hộ cho năm mới mạnh khỏe và thành công.

Những hòn đảo Châu Âu sở hữu vẻ đẹp “cách ly” với thế giới

Thảo Phương |

Bên cạnh những địa điểm du lịch sôi động, Châu Âu còn nổi tiếng với một số hòn đảo giúp du khách đến gần hơn với thiên nhiên.