Đạo diễn, nhà văn Nguyễn Anh Tuấn: “Văn chương là hồn vía của điện ảnh”

Nhật Lệ thực hiện |

Nhiều người biết đến đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn từ những bài thơ, truyện, góc phê bình văn học - điện ảnh với những ý tưởng bất ngờ, đặc sắc; còn phim của ông, tìm mỏi mắt trên mạng mới có hai bộ phim được tải lên Youtube: “Đảo xa” (Huy chương Vàng LHP truyền hình toàn quốc 1999) và “Trái tim đầu thai”.
Trong khi các bộ phim thương mại được tung lên mạng nhan nhản, thì những bộ phim tử tế, từng được phát sóng trên các đài truyền hình, lại bị chìm nghỉm. Xem “Đảo xa”, lâu lắm rồi mới gặp lại cảm xúc chân thật trong một câu chuyện mang tính nhân văn, còn “Trái tim đầu thai” mang dáng dấp một kịch bản phúng dụ, hài hước mà lại sâu sắc.

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn (có một đạo diễn cùng tên nhưng dòng phim khác) từng làm nhiều phim; phim truyện nhựa đầu tay là “Vầng trăng lửa”. Trong thời hoàng kim của “Văn nghệ chủ nhật” (VTV3), ông đã đóng góp hàng chục tập phim truyện truyền hình do ông viết kịch bản: “Biển lặng”, Người kế thừa dòng họ”, “Hồn của đất” , “Lời ru muộn mằn”, “Chuyện học đường”, “Tầng cao nghiệt ngã”, “Phiên tòa tình yêu”, “Ông bầu ca nhạc”, “Họ đã từng yêu như thế”, “Bản lĩnh người đẹp” (16 tập, được khán giả bình chọn là phim yêu thích trong năm) v.v.

Ông còn nhiều bài phê bình điện ảnh, chỉ ra rằng, rất nhiều cái gọi là “tác phẩm điện ảnh” thực chất chỉ là công cụ “móc túi” khán giả, còn những thể nghiệm nghiêm túc về nội dung - nghệ thuật thì bị quên lãng, bị coi rẻ, không được ủng hộ. Ông cũng không ngại nói thẳng: “Làm phim hay làm tiền” về những đạo diễn chiếm thế thượng phong với số lượng phim ra rạp, nhưng “đóng góp” cũng như “hệ lụy” dòng phim của họ đến đâu thì chỉ  không chỉ người trong cuộc mới thấy rõ!

Đau đáu, ôm ấp những kịch bản phim, nhưng để làm ra một bộ phim tử tế cho người xem, không xấu hổ với chính bản thân mình - đó còn là nỗi vất vả của những đạo diễn không phe cánh, giữ chữ tín trong nghề, mà như ông tự gọi, những “hiệp sĩ cô độc”. Gần đây, nhiều bài thơ của ông được cộng đồng mạng chú ý, bởi những gì không tải được vào phim, ông “chuyển hệ” văn chương với lối viết bộc trực, dữ dội mà cũng rất xúc động.

“Trái tim đầu thai” được 3 điểm cộng: Là phim “không biết trước”, tính triết lý của phim cũng không gượng ép, có kịch tính, trong khi nhiều phim Việt hầu như không có kịch tính thật. Điều mà ông hài lòng nhất trong bộ phim này là gì?

- Chính là điều mà bạn đã phát hiện: “Tính triết lý của phim cũng không gượng ép”. Nói tính triết lý thì to tát quá, thực ra thì tôi cũng muốn qua chất “phúng dụ” kiểu “Trái tim chó” của Bulgakov để động chạm tới một vấn đề nóng bỏng thời sự bằng hình tượng có tính khái quát - không chỉ là chuyện mua bán nội tạng trái phép tới lúc cần rung hồi chuông báo động, mà cái chính là thái độ thờ ơ trước nỗi bất hạnh của con người giữa cái thời buổi chủ nghĩa thực dụng cực đoan lên ngôi.

Thực tế ngoài đời, không ít quan chức thoái hóa có thừa tiền để mua vài quả tim để thay chứ không phải là một như nhân vật Đại! Và họ vẫn đang sống nhơn nhơn trên sự đau khổ của dân lành mà chưa bị trừng trị đích đáng như Đại! Phải chăng vì sự “nhạy cảm” như thế mà phim này chỉ gặt hái Bằng khen trong một LH Truyền hình toàn quốc tại Nha Trang? (mà tôi còn thích nó hơn cái phim “Đảo xa” được Huy chương Vàng của mình!).

Trong số phim VN, có thể điểm mặt những phim ông thích? Vì sao?

- Không nhiều lắm, ví dụ: “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Thương nhớ đồng quê” (Đặng Nhật Minh), “Canh bạc” (Lưu Trọng Ninh), “Ngọn đèn trong mơ” (Đỗ Minh Tuấn)... Đó là những phim không chỉ mang một thứ ngôn ngữ điện ảnh khá độc đáo mà có dung lượng nhân văn lớn. Một phần cũng do cái “gu” của tôi chăng?

Thú thật, có một thời gian dài nhiều người không thích xem phim truyện VN. Theo ông, có phải nhược điểm phim truyện Việt như người ta thường mô tả  ngoài nói nhiều, hình ảnh nghèo, tiết tấu chậm, nhạc không ăn khớp mấy, còn có yếu tố không cho người xem là người biết tư duy…? Hay là điều gì khác?

- Đúng là tất cả những điều vừa liệt kê ra đấy! Và nhược điểm lớn nhất là đã thiếu đi hoặc rất mờ nhạt cái mà người xem đang cần, rất cần, đó chính là ngọn lửa ở bên trong tác phẩm, là cái thái độ ngay thẳng bênh vực con người, là cái thông điệp về nhân sinh ngầm sâu mà những người làm phim cần gửi đến người xem qua hàng loạt những hỉ, nộ, ái, ố, những cảnh sắc, những trang phục và diễn xuất…

Tôi biết rõ một số người làm phim mà điện ảnh đối với họ chỉ là nơi để mua danh và trục lợi dễ dàng hơn trong lĩnh vực khác!

Dạo gần đây, phim Việt xuất hiện những đạo diễn “bạc tỉ”.  Ông nghĩ gì về thế hệ đạo diễn ăn khách hiện nay, hay những đạo diễn nói lật dễ như trở bàn tay, mà phim thì quá tồi? Còn những phim được ngợi khen như “Bi, đừng sợ”, “Cú và chim sẻ…” thì sao?

- Thế hệ đạo diễn “bạc tỉ” đó - một số không ít là sản phẩm đặc sệt của công nghệ điện ảnh Mỹ, nghĩa là điện ảnh thương mại chuyên sản xuất loại “phim chợ” (kể cả phim “bom tấn”), họ được đào tạo khá bài bản các thủ pháp của nền công nghệ ấy mà mục tiêu lớn nhất (nếu không muốn nói duy nhất) của những “Ông chủ Hollywood” (tên một tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Fitzgerald) là câu khách đến rạp thật nhiều.

Thế nhưng, điều đáng buồn nhất là họ không học được ở nghệ thuật điện ảnh Mỹ những giá trị lớn vượt khỏi thương mại (kể cả ở một ông chủ Hollywood từng tuyên bố sẵn sàng bỏ tiền ra làm phim dù chỉ một người vào rạp nhưng có thể tiến tới thảm đỏ Oscars và các giải danh giá khác của thế giới!). Ngoài điện ảnh Mỹ ra, còn những nền điện ảnh lớn khác như Pháp, Italia, Nga... với những giá trị kinh điển quý giá, thì thế hệ đạo diễn vừa nói (cùng những thành phần khác của điện ảnh như quay phim, âm thanh, biên kịch...) đã không có điều kiện hấp thu!

Tại trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội hiện giờ (mà tôi có tham gia giảng dạy), các giáo trình điện ảnh Mỹ chỉ được coi là một trong những loại tài liệu để tham khảo, và các sinh viên điện ảnh và truyền hình của ta ít có nguy cơ bị rơi vào cái hố thương mại kinh khủng của điện ảnh Mỹ; nhưng đồng thời, bởi điều kiện vật chất quá thiếu thốn lạc hậu, họ lại thua kém rất xa các vị được đào tạo ở Hollywood về những kỹ năng thực hành nghề nghiệp!

Trong khi đó, những chính sách vĩ mô về đào tạo các thế hệ điện ảnh tiếp nối (có việc rất quan trọng là cử sinh viên ra nước ngoài học tập) thì thường chỉ tồn tại trên các chỉ thị, nghị quyết, trong các hội thảo  hội nghị nhàm chán!

 Với những “thế hệ đạo diễn bạc tỉ” nói trên, cùng với phim ngoại nhập “loại ba” tràn lan và sự làm ngơ của các cấp lãnh đạo văn hóa - điện ảnh, phim Việt đã, đang và sẽ làm khán giả bội thực bởi thứ phim thương mại - giải trí thuần túy; đó sẽ là một trong những “thảm họa” lớn nhất của phim Việt (theo một cách nói quen thuộc gần đây của công luận); thế nhưng họ đang có ảnh hưởng rất mạnh, là cái đích, là mẫu hình phải vươn tới của nhiều người làm phim trẻ, nhiều sinh viên điện ảnh!

Người làm phim tử tế thì tơi tả tìm tiền để thực hiện ý đồ sáng tác, kẻ cơ hội thì nhăm nhăm đục khoét, còn một số người có trách nhiệm trong ngành văn hóa nói chung và điện ảnh nói riêng thì thiển cận, song quả thực là cũng đã quá mệt mỏi, chán nản... Những phim thị trường sôi động mấy năm qua tôi không xem được nhiều lắm, song cũng đủ để tự rút ra một số nhận định dành cho việc giảng dạy của mình.

“Cú và chim se sẻ”, bộ phim rất tâm huyết của đạo diễn Mỹ mang hai dòng máu Việt Pháp Stephane Gauger là một phim dễ thương, nhất là không chạy theo khuynh hướng thương mại, có cái gì đó khiến người xem liên tưởng tới những phim của Làn sóng mới (Pháp), Tân hiện thực (Italia) và rất đáng khuyến khích. Giải Cánh diều Vàng cho nó là một ví dụ tốt cho Giải thưởng này của Hội ĐA.

Tuy vậy, bộ phim này mới chỉ là sự thể nghiệm, vượt khỏi một phim tốt nghiệp của sinh viên, chưa đạt tới sự hoàn mỹ kinh điển ở nhiều phương diện. Còn với phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di, tôi đã nói một cách sòng phẳng trong bài viết: “Người làm phim cần biết sợ điện ảnh”.

Ông có thể cho biết dự án làm phim tài liệu về các nhà văn, nhà văn hóa của mình?

- Tôi đã có tư liệu hình ảnh của một số tác giả như Lưu Trọng Lư, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần... Nhiều năm qua tôi đã âm thầm vác máy quay ghi lại tư liệu như thế. Với tư cách là một nhà làm phim độc lập, giờ đây tôi có nhiều dự định làm phim. Về phim tài liệu, tôi đang thể nghiệm loại phim “Tùy bút điện ảnh” (Phim “Bốn mùa Hà Nội” 4 tập phát VTV2 dịp Nghìn năm Thăng Long-Hà Nội là mở đầu).

Còn kịch bản “Ký ức sông Hồng” mấy năm trước tôi đã viết trọn vẹn hơn hai chục tập, gửi đi mấy nơi, hy vọng chờ đợi được đầu tư để làm thì bị cướp trắng mất, đành cặm cụi viết những cái khác. Trước mắt là Tùy bút về chùa Việt, Tùy bút về Cây lúa Việt, mỗi cái có độ dài ít nhất hai chục tập 30 phút, hiện đã có kịch bản tương đối, nhưng tôi đã rút kinh nghiệm cay đắng từ “Ký ức sông Hồng” rồi!

Với một số truyện vừa (đã xuất bản) của tôi (như “Lũ muộn”, “Xòe trinh nữ”, v.v.) - thực chất là những kịch bản điện ảnh, cộng với khá nhiều kịch bản đã viết và đang viết, tôi vẫn ấp ủ các dự án phim truyện.

Giữa văn chương, điện ảnh có mối liên hệ nào không thể thiếu, theo ông?

- Câu hỏi này đã có lần tôi hỏi sinh viên lớp đạo diễn truyền hình tôi đang chủ nhiệm rồi! Sau khi nghe SV trả lời, tôi chỉ tóm lại: Nhà văn Nga Pautovsky đã từng nói: “Sự tiếp nhận cuộc đời một cách thi vị là món quà vĩ đại nhất mà tuổi thơ đã cho ta. Nếu sau nhiều năm tháng, người ta vẫn giữ được món quà quý đó, người ta sẽ trở thành nhà thơ, nhà văn...”.

Tôi xin phép Pautovsky bổ sung: Người ta cũng có thể trở thành cả nhà điện ảnh nữa! Người nghệ sĩ ngôn từ và người nghệ sĩ nói chung đều cần có phẩm chất tâm hồn như nhau, mà điều quan trọng nhất là tình yêu sâu xa đối với con người, với thiên nhiên...Văn chương bao giờ cũng là cái gốc, là cái hồn vía của điện ảnh.

Những bài thơ của ông là góc ông sống thật nhất, quyết liệt nhất:

“…Nhưng nếu như thơ ca không còn là thơ ca nữa dám chắc những con bọ của Kafka không sinh sôi nảy nở như dịch hạch? Và nếu lương tâm của mọi nhà báo đều bị nỗi khiếp sợ bẻ gập cong queo ai dám chắc những tên giết người có dao hoặc không dao chẳng thể mặc áo quan toà?” (Khóc một nhà thơ, nhà báo)

“Phải, hãy dũng cảm lên con, dù con đang làm một “kẻ ăn xin” rất lâu nữa trước khi là người biết cho và có khả năng cho người khác… Bởi lòng dũng cảm là cội nguồn của Nhân hậu, Lương thiện - những danh từ đã bị lạm dụng, bị lợi dụng, thậm chí bị đánh cắp nội dung từ những người đáng yêu, trong đó có kẻ “ăn xin” thần thánh như con.

Con cần có đủ lòng dũng cảm để sẽ không bị chết chìm trong những dòng thác ngôn từ hình ảnh của cái thời mà tất cả biến thành quảng cáo và mọi giá trị đều bị quy thành vàng thành tiền dù là tiền vàng dương gian hay tiền vàng âm phủ”. (Dũng cảm lên con).


Ông còn tin ở sức mạnh của thi ca nữa hay không? Vì sao những dòng thơ chân thực như thế đang chết giữa rừng “thơ” phù phiếm? Độc giả của dòng thơ đó là những ai?

- Theo tôi, đó cũng chính là những chất liệu của điện ảnh thứ thiệt mà tôi đang tìm cách thể hiện chúng bằng phương tiện phim ảnh. Và tôi tin rất nhiều người đọc đã, đang và sẽ có đồng cảm như thế, đó chính là điều giúp tôi tin hơn ở “sức mạnh thi ca”. Và cũng chính niềm tin ở thi ca, ở tính thiện của mọi người cũng giúp tôi đi qua nỗi tuyệt vọng trước thực trạng điện ảnh - truyền hình hiện nay để tiếp tục nuôi ước vọng làm phim của mình. Chỉ có điều, đành phải chịu “Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi”!

Xin cảm ơn ông.
Nhật Lệ thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.