Chuyện hầu thánh lúc nửa đêm

Đăng Huỳnh |

Sau những chuyến đi trọn vẹn cùng các thanh đồng về đất thánh để hầu, tôi mới chứng kiến được cái tâm của những tín đồ nơi cửa Mẫu. Để thấy được cái hồn trong mỗi giá đồng, cái không khí đầy huyền bí của loại hình tín ngưỡng này phải dự những vấn hầu lúc nửa đêm.
Hành trình về đất thánh
Dù đã được chứng kiến rất nhiều buổi hầu đồng khác nhau, nhưng để cảm nhận sâu sắc cái nghiệp này, tôi theo chân các thanh đồng hành trình về đất thánh. Đó là chuyến đi về đền Đông Cuông (Yên Bái) vào dịp rằm tháng Ba âm lịch cùng hai bà đồng NT.L và V.K.B. Điều trùng hợp là cả hai bà đồng đều mang căn Quan Hoàng Bảy. Họ đều sinh sống ở Hà Nội. Là khách mời trong vai trò chụp ảnh toàn bộ buổi hầu nên tôi chú ý khá kỹ và trọn vẹn 2 vấn hầu cùng một cung kéo dài gần 10 tiếng tại cung Công đồng chúa – đền Mẫu Đông Cuông.

Với mỗi mỗi ông đồng, bà đồng khi chuẩn bị ra hầu thánh bao giờ cũng phải có cả ê-kip, nhất là với những chuyến đi xa thì càng cần phải có sự chuẩn bị chu đáo. Hầu ở xa, tại các đền to phủ lớn thì việc liên hệ xin cung (nơi để hầu - PV) là việc quan trọng đầu tiên. Mỗi đền đều có nhiều cung lớn, nhỏ khách nhau. Tùy theo cung mà số tiền cung tiến cho nhà đền khác nhau. Cung cô mà hai bà đồng đã đăng ký trước là cung đồng chúa (350.000đ/cung). Vào những dịp tiệc quan, tiệc thánh có rất đông người hầu nên nếu không nhanh chân đặt trước là không có chỗ. Đây là vấn hầu của hai thanh đồng chung một cung, dù không phải cung “VIP” nhất cũng phải đặt trước cả mấy tháng. 

Tiếp đó là việc chuẩn bị đồ dâng các giá hầu, tiền lẻ để phát lộc, đồ lễ trang trí trước ban, vàng mã, hoa cắm, hương đèn… cho buổi hầu đồng đều phải từ nhà. Dù biết mang theo hành trình xa là cồng kềnh và dễ đổ vỡ - điều không thể chấp nhận đối với đồ lễ hầu đồng. Theo các bà đồng cho biết, đồ lễ chuẩn bị từ nhà là để chủ động, nhanh chóng, nơi xa xôi không dễ dàng cho việc mua sắm.

Mâm lễ cúng tam sinh được chuẩn bị từ trước với hình thức đẹp mắt.
Mâm lễ cúng tam sinh được chuẩn bị từ trước với hình thức đẹp mắt.
Trước khi đưa toàn bộ đồ lên xe, mọi thứ đều được bọc lại cẩn thận, gói gém kỹ càng, tránh những xây xát dù là nhỏ nhất. Những bông hoa tươi tắn, sặc sỡ gói gọn trong lớp nylon, bọc ngoài bởi lớp báo. Những cây vàng chắc chắn, bản đẹp, dày dặn được buộc cẩn thận trong những chiếc bao tải lớn. Hoa quả cũng được chọn từng quả. Mỗi buổi hầu đồng, bánh kẹo, sữa đều là những đồ được mua với số lượng lớn để dâng lên mỗi giá đồng rồi phát lộc cũng được chọn mua chất lượng, soi kỹ hạn sử dụng… Thế mới thấy cái khó tính của “con nhà thánh”. Dân “đồng bóng” là vậy, mọi thứ không chỉ đẹp mà phải tỉ mỉ, cầu kỳ.
Ê-kip của mỗi chuyến đi thường gồm hai bà đồng, hai người làm hầu dâng sẽ lên khăn áo cho cả hai thanh đồng trong toàn bộ quá trình hầu và còn lại là khách mời, cũng là những người sắp lễ giúp vấn hầu, trong đó có tôi. Những người cầu kỳ hơn sẽ mang cung văn từ nhà đi do quen tiếng hát, phần lớn thì sợ cung văn tại bản đền “chạy sô” nhiều nên mình gặp phải cung không hay. Cung văn là yếu tố quan trọng quyết định thành công của một vấn hầu. Nhưng trong chuyến đi này, hai bà đồng đã đặt trước cung văn tại bản đền. Chị B (một trong hai bà đồng) trấn an cả đoàn về chuyện cung văn: “Đã chấp nhận đặt văn ở đền thì không chọn được, nhưng mấy chuyến hầu xa số tôi may mắn toàn gặp phải cung hay”.
Các bà đồng chọn giờ đi vào chập tối và lên đến đền lúc nửa đêm là thời điểm bày biện lễ, cúng và vào hầu. Sau chuyến hành trình xuyên đêm qua nhiều đoạn đường xóc và lầy lội, lần đầu tiên tôi được đặt chân về đất Mẫu Đông Cuông để chứng kiến một đêm hầu “thần thánh”.
Đêm nhộn nhịp ở đất Mẫu
Đền Đông Cuông thuộc xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, cách thành phố Yên Bái 50km. Đền còn có tên gọi là đền thờ thần Vệ quốc vì bên cạnh việc thờ Mẫu Thượng Ngàn, đền còn thờ các vị có công với nước chống giặc Nguyên - Mông (thế kỷ 13), đó là một số tướng người dân tộc ở địa phương. Nơi đây được giới “đồng bóng” truyền tai nhau là rất linh thiêng.
Sở dĩ, hai bà đồng mà tôi đi dự hầu chọn đây là nơi để hầu bởi trong tín ngưỡng thờ mẫu có câu “tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”. Dịp này, các thanh đồng thường sắm sửa lễ ra “hầu cha, hầu mẹ”. Ngày mà hai bà đồng này hầu lại đúng ngày Tiệc chầu Đệ Tứ Khâm Sai.
Chúng tôi có mặt tại cửa đền đã là gần 2h sáng. Ai cũng thấm mệt sau hành trình dài với giấc ngủ chập chờn nhưng vẫn phải bắt tay vào việc đưa đồ vào sắp lễ. Không nhanh sẽ không kịp vì đến 12h trưa là phải nhường cung cho người khác. Một đôi vợ chồng trẻ cùng chiếc xe kéo đã đợi sẵn đoàn để đưa đồ vào trong đền. Đó là chủ nhà trọ. Cả đoàn sẽ nghỉ ngơi, ăn uống bên ngoài khu trọ cạnh đền đã thuê sẵn trong quá trình chuẩn bị trước, trong và sau khi hầu. Riêng mâm lễ mặn cúng tam sinh và sơn trang, trần triều, được đặt luôn tại đây do họ đã có sẵn dịch vụ. Đồ lễ này không quá cầu kỳ nên không cần chuẩn bị từ nhà.

Xung quanh khu đền Mẫu có rất nhiều khu nhà trọ, bán đồ lễ dựng lên phục vụ những đoàn khách từ xa đến (chủ yếu là những đoàn đến hầu đồng). Anh Bình – chủ nhà trọ của đoàn chúng tôi cho biết: “Tôi làm nghề này được 5 năm rồi. Dựa vào cửa Mẫu để xin lộc cũng có phước về sau. Hai vợ chồng vẫn thường xuyên thức khuya dậy sớm thế này là chuyện bình thường. Vào những dịp lễ khách thường rất đông, nhưng do quanh khu vực này có nhiều khu nhà trọ nên cũng không xảy ra tình trạng thiếu chỗ bao giờ”. 

Khu nhà cho khách nghỉ của vợ chồng anh được dựng tạm bợ với mái bắn tôn, xung quanh là vài song sắt thưa. Toàn bộ chỉ là một khu lán không có tường xây bao quanh. Khi được hỏi sao không xây kiên cố, đàng hoàng lên thì anh cho biết, đây là khu đất mượn của đền, họ không cho xây, khi nào họ lấy lại thì mình phải trả. Ba mâm lễ mặn cúng tam sinh và sơn trang, trần triều đã được vợ chồng anh chuẩn bị xong xuôi, cẩn thận và nhìn khá đẹp mắt. 

Anh Bình cũng là người tìm cung văn cho đoàn trong buổi hầu hôm nay. Anh thấy đoàn lên đã thông tin ngay, cung văn hôm nay do người anh em họ của anh phụ trách, rất tin tưởng, chỉ có điều một chân thổi sáo có việc bận đột xuất nên hơi tiếc. Thông thường, bộ đầy đủ của cung văn bao gồm cả trống, phách, đàn, nhị, sáo. “Có đầy đủ thì nhạc thêm hay, các bà đồng nhảy thêm sung, chứ thiếu thì cũng chẳng sao”, bà đồng B vừa cười đùa vừa trả lời anh Bình.

Cung văn phục vụ hai vấn hầu.
Cung văn phục vụ hai vấn hầu.
Tưởng như không gian lúc nửa đêm chốn linh thiêng này phải tĩnh mịch, vắng lặng nhưng ngược lại, khi chúng tôi đến những đoàn đi hầu đồng khác đã có mặt từ trước. Người ra, kẻ vào, tiếng mõ, tiếng chuông, tiếng khấn nhộn nhịp như ban ngày. Ban quản lý đền cũng đã ngồi vào chỗ làm việc bên bàn ghi công đức từ đêm. Theo Ban quản lý đền Đông Cuông, vào những dịp tiệc quan, giỗ mẫu như thế này thường có rất đông các thanh đồng đăng ký cung trước hàng tháng. Mỗi ngày có đến cả chục thanh đồng thay nhau hầu liên tiếp thâu đêm suốt sáng (trung bình mỗi người hầu 5 tiếng, khoảng 20 giá đồng/vấn hầu), đám này chưa xong, đám kia đã đưa lễ vào nên không lúc nào có cung trống.
Trong đền, các cung đã bắt đầu được vệ sinh, dọn ban công đồng, lấy lọ cắm hoa, bày hoa quả. Nói về nghệ thuật cắm hoa cho mỗi vấn hầu thì khỏi phải nói, đẹp hơn nhiều tiệm hoa ngoài phố. Những tác phẩm ấy đặc biệt là toàn do nam giới trổ tài. Động sơn trang kết bằng những nhánh gừng, trái ớt… cũng thật bắt mắt. Thế mới thấy được đôi tay tài hoa của những người ăn lộc thánh và chuyên đi làm việc nhà ngài.
Hai bà đồng là những người cần được nghỉ giữ sức nhảy đồng nhưng cũng không có thời gian ngả lưng. Khi việc chuẩn bị khăn áo, trang điểm xong thì cũng là lúc ban công đồng được bày biện hoàn tất. Những khuôn mặt thiếu ngủ được phủ lên lớp phấn son khiến các bà đồng tươi lên trông thấy. Sau khi thầy cúng làm lễ xong thì các bà đồng tiến hành hầu ngay. Người hầu đầu tiên là cô L. Khi hầu chung, theo phép, ai ra mở phủ hầu thánh trước sẽ hầu trước, ra hầu thánh sau thì hầu sau.

Khi cung văn nổi nhạc cũng là vấn hầu thứ nhất bắt đầu. Hòa theo tiếng nhạc, mùi hương khói ngây ngất, bà đồng L bắt đầu vấn hầu của mình. Dường như những mệt mỏi sau hành trình dài đã tan biến trên chiếu công đồng. Khuôn mặt rạng rỡ, những động tác uyển chuyển được thể hiện rất đẹp. Cách múa kiếm, múa đao, múa cờ, cách nhảy, cách vặn cổ tay bơi chèo cũng được thực hiện một cách uyển chuyển, dứt khoát. 

Sau 20 giá đồng trong gần 4 tiếng, đến lượt bà đồng B lên chiếu công đồng. Đây cũng là lúc toàn bộ các cung đã kín người hầu làm cho không khí cả đền nhộn nhịp hẳn lên. Trời lúc này cũng đã hửng sáng, người ra, kẻ vào lễ tấp nập, người đứng xem hầu cũng đông hơn. Nhiều người còn chắp tay đứng vái xì xụp, quỳ lạy xin lộc các “Thánh” qua mỗi giá đồng.

 

Giá chầu Đệ Tứ trong vấn hầu của bà đồng V.K.B.
Giá chầu Đệ Tứ trong vấn hầu của bà đồng V.K.B.
Đông chưa hẳn đã vui
Trong lúc bà đồng B đang hầu, cả đoàn chợt khựng lại đôi chút bởi có một đoàn khác đưa lễ vào cung đợi bày biện. Theo lịch là đến 12h trưa chúng tôi mới phải trả cung nhưng khi đó mới khoảng 10h họ đã chuyển dần đồ vào do sốt ruột cũng như do chưa thống nhất được với Ban quản lý đền. Lúc này tâm lý bà đồng B trên chiếu công đồng không được thoải mái ít nhiều. Đã có một sự tranh luận hơi gay gắt với những người phụ trách đền và sắp cung nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn thỏa. Theo Ban quản lý cho biết, vào những thời điểm đông người, nhiều đoàn hầu quá thời gian nên không tránh được hiện tượng tranh cung, đòi cung. Thông thường, mỗi người hầu từ 4-5 tiếng là hoàn tất, nhưng cũng có người thăng hoa lên đến 7-8 tiếng.

Khi tất cả các cung đều hầu, do không gian đền các cung đều thông nhau không tránh khỏi việc nhạc cung văn “đánh nhau”. Đoàn chúng tôi đang hầu bên cung Đồng chúa thì bên ngoài có đến 2 đám đang cùng hầu bên cung Sơn trang và cung Trần triều. Do hai cung này cùng một gian nên đã xảy ra việc nhạc lễ loạn nhau, dẫn đến lời qua tiếng lại giữa một bên là đám của 1 nam thanh đồng (hay gọi là cậu T) chạc 30 tuổi và một bên nữ thanh đồng (cô V) khoảng 40 tuổi. 

Việc điều tiếng diễn ra trước cửa thánh là không hay về mặt văn hóa và tâm linh. Nó vô tình đã làm xấu đi hình ảnh của những “đồng bóng” đang thành tâm hầu bóng. Theo những tín đồ của cửa Mẫu thì “đồng bóng” thường hay ganh nhau, kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Thế nên họ không chỉ so bì về lễ lạt, trang phục… mà nhất là khi hầu cạnh cung thì việc nhạc cung văn “xô xát” cũng là điều dễ hiểu.

Một đêm ở đất Mẫu nhanh chóng qua đi sau khi hai vấn hầu kết thúc. Cả đoàn di chuyển xuống khu vực nhà trọ thụ lộc trong khi trong đền vẫn rộn ràng âm thanh của tiếng nhạc chầu văn. Chúng tôi chia tay đất Đông Cuông trong sự hài lòng của hai bà đồng. Hôm nay, giá Quan Hoàng Bảy đều đẹp và có thần. Thánh như đã chứng tâm. Ra khỏi cửa đền tôi như bước ra khỏi thế giới tâm linh huyền bí.

Đăng Huỳnh
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.