Chuồn chuồn đạp nước - Đạp kiểu gì đây?

PGS.TS. PHẠM VĂN TÌNH |

Các bạn Trần Lan Anh, Nguyễn Thị Hương, Lò Hồng Nhung, ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc (TP.Sơn La) có hỏi: “Chúng em vẫn nghe người ta nói câu thành ngữ “Chuồn chuồn đạp nước”. Chúng em không rõ tại sao lại có thành ngữ này. Dù ở trên miền núi, chúng em cũng bắt gặp rất nhiều loại chuồn chuồn. Tuy nhiên, chuồn chuồn bay tít trên trời và kiếm ăn ở trên đồng làm sao lại đi đạp nước mà đạp để làm gì mới được chứ? Mong báo Lao Động Cuối tuần giải đáp hộ”.

Chắc các bạn đã nghe mọi người nói (và nhiều trẻ em đã hát) câu tục ngữ có hình thức một câu ca dao này: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”. Chuồn chuồn là một loại côn trùng có đuôi dài, hai đôi cánh màng dạng mỏng, bay nhanh, chuyên ăn sâu bọ. Chuồn chuồn là côn trùng có ích, rất quen thuộc đối với nhà nông. Có thể nói, về quê, ra cánh đồng, xuống bãi sông thể nào chúng ta cũng gặp đủ loại chuồn chuồn lớn nhỏ. Nhiều em nhỏ ở nông thôn còn thích bắt lũ chuồn chuồn thả ống bơ làm trò chơi hoặc cho chuồn chuồn “cắn rốn” với hy vọng nhanh biết bơi. Có nhiều câu thành ngữ liên quan tới con vật này. Tuy nhiên, đúng là câu “Chuồn chuồn đạp nước” làm cho nhiều người thắc mắc. Tại sao con chuồn chuồn bay trên trời kia lại bay xuống đạp nước? Chân của nó bé xíu chứ to gì cho cam. Vả lại, với đôi cánh to và mỏng, nếu sà xuống nước không khéo mấy con chuồn chuồn có hành vi “ngông cuồng” ấy sẽ bị xoã cánh chìm trong nước cũng nên...

Hơn nữa, “đạp” là một động từ, có 3 nghĩa: 1) Đưa chân mạnh và thẳng tới, cho lòng bàn chân chạm mạnh vào (VD: đạp đổ bức tường; đạp cửa xông vào; Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ơi, Tố Hữu...). 2) Đặt mạnh chân lên, làm cho chịu tác động của sức nặng toàn thân (VD: đạp phải lựu đạn; đạp bùn làm vữa; đầu đội trời chân đạp đất, tục ngữ...). 3) Làm cho vật gì đó chuyển động hoặc khởi động bằng sức ấn của bàn chân (VD: đạp xe đạp; đạp guồng nước; đạp cho xe máy nổ...). Nếu xét theo 3 nghĩa này của “đạp” thì chẳng có nghĩa nào tương thích với hành vi “đạp” của chuồn chuồn. Với một chùm chân vừa ngắn, vừa nhỏ, thật khó mà hình dung cú đạp của chuồn chuồn kia lại làm nên trò trống gì.

Tuy nhiên, vì là thành ngữ, một đơn vị định danh bậc hai, diễn tả một ngữ nghĩa biểu trưng nào đó, nên khi kết hợp, nghĩa của mỗi thành tố có thể lệch đi một chút cho phù hợp với cấu trúc (chặt chẽ, hài âm, hài thanh). Nếu cứ máy móc căn cứ vào nghĩa chính thức thì e rằng nhiều thành ngữ, tục ngữ sẽ khó mà được chấp nhận.

Vậy ta sẽ tập trung giải nghĩa thành ngữ “Chuồn chuồn đạp nước” theo những căn cứ thực tế trong đời sống.

Nếu tìm hiểu kỹ, ta thấy chuồn chuồn có ngọn nguồn từ sông nước đó. Chuồn chuồn sinh ra trên mặt ao, hồ hay ruộng nước. Khi chưa lột xác lên cạn, chúng sống dưới nước hàng năm rồi mới trưởng thành. Đó là những con chuồn chuồn đầu tiên còn nhỏ xíu, bắt đầu bay lên cạn kiếm ăn. Người ta thường nói “chả ai biết cái tổ con chuồn chuồn” với hàm ý “không rõ hành vi, tung tích của ai đó” cũng từ chuyện con chuồn chuồn sinh ra và lớn lên trong một môi trường đặc biệt, khó quan sát. Chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ớt, chuồn chuồn ngô... là các loại chuồn chuồn quen thuộc. Sống ở nước lâu nhưng khi lên cạn, tuổi thọ của chuồn chuồn lại rất ngắn, chỉ khoảng vài ba tháng. Lũ chuồn chuồn còn có thói quen vừa bay vun vút vừa ngấu nghiến nhai con mồi bắt được. Mặt nước là cái nôi mà chuồn chuồn từ đó sinh ra, lớn lên và gắn bó. Điều lạ là, đến mùa đẻ trứng, lũ chuồn chuồn cái (sau khi giao phối) thường có động tác chao liệng trên cao vài vòng rồi sà xuống mặt nước, chạm nhẹ cái đuôi vào mặt hồ ao đang lăn tăn gợn sóng. Thời khắc chạm nước và đẻ trứng của chúng rất nhanh. Nếu không quan sát kỹ ta sẽ khó phát hiện ra con chuồn chuồn nhỏ bé kia đã kịp thời “gửi” những quả trứng nhỏ li ti vào một mặt nước nào đó (thường là hồ, ao, đầm... là những nơi ít có sóng to). Đây chính là cơ sở để tạo nên cấu trúc ngữ nghĩa của câu thành ngữ này. “Chuồn chuồn đạp nước” vốn dùng để chỉ những người có tác phong làm việc đại khái, qua loa, không chịu làm đến nơi đến chốn cái gì. Làm lấy lệ cốt cho nhanh, kiểu “giả nợ chúa Mường” hay giống như những anh chàng “Ngày thì mải miết rong chơi/ Tối lặn mặt trời mới đổ lúa ra xay” (xay dối xay giá cho xong). Tất nhiên kiểu làm ăn như vậy rõ ràng không được ai cổ xúy và khuyến khích cả.

PGS.TS. PHẠM VĂN TÌNH
TIN LIÊN QUAN

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.