Bệnh thủy đậu có nguy cơ tử vong

Hà Lê |

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) gần đây tiếp nhận nhiều ca mắc bệnh thủy đậu nặng, phải nhập viện, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

Không chủ quan khi mắc bệnh thủy đậu

PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền.

Hiện tại ở Trung tâm vừa tiếp nhận thêm một bệnh nhân nam, 29 tuổi, ở Bắc Ninh. Qua khai thác người nhà cho biết, bệnh nhân có dấu hiệu bị thủy đậu, nhưng đi khám thì chỉ uống thuốc rồi về, 2 hôm sau bệnh nhân thấy có dấu hiệu khó thở hơn.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết thêm, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng hồng cầu tụt, khó thở, phải hỗ trợ thở oxi, tình trạng tổn thương da toàn thân, nổi các nốt phỏng, sốt. Đây là trường hợp thủy đậu nặng, có biến chứng, suy gan, suy hô hấp, có biểu hiện tổn thương. Bệnh nhân có tiền sử bệnh gút. Hiện bệnh nhân phải điều trị bằng thuốc kháng virus, truyền tĩnh mạch, hồi sức tích cực…

Biến chứng của bệnh thủy đậu rất nguy hiểm

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, bệnh thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc bệnh thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát.

Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận. Đặc biệt một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu.

Theo các chuyên gia, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm. Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Thuỷ đậu là bệnh lưu hành quanh năm. Phần lớn những trường hợp bị nhiễm là trẻ em. Có những trẻ bị sót lại (chưa bị nhiễm) khi lớn vẫn có thể bị bệnh. Nguồn lây chỉ từ người sang người, tiếp tục duy trì trong cộng đồng và độ tuổi nào cũng có thể nhiễm. Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh thủy đậu. Với người lớn bị thủy đậu, nhiều trường hợp có triệu chứng rầm rộ hơn lứa tuổi nhỏ. Đặc biệt, nếu bà mẹ mang thai bị thủy đậu có thể truyền cho con khiến trẻ mắc thủy đậu sơ sinh.

PGS. Cường khuyến cáo: Người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ: “bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, bị vài ngày rồi khỏi”. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh. Khi thấy trẻ em mắc bệnh hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác. Tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.

Tuổi tốt nhất để tiêm vaccine phòng ngừa bệnh thủy đậu là tiêm lúc sớm nhất có thể. Với trẻ nhỏ, sớm nhất là tiêm lúc 9 tháng tuổi, với một số loại vaccine khác thì được khuyến cáo là tiêm từ lúc 12 tháng tuổi. Hiệu quả phòng chống lây nhiễm không phải 100%. Dù với phác đồ tiêm 1 mũi hay 2 mũi thì hiệu quả phòng lây nhiễm thủy đậu cũng chỉ đạt khoảng 80-90% và vẫn có tỉ lệ khoảng 10-20% trường hợp nhiễm đột phá, nhưng với những trường hợp nhiễm đột phá này do đã tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu nên dấu hiệu của bệnh rất nhẹ nhàng.

Hà Lê
TIN LIÊN QUAN

Không thể chủ quan những biến chứng của bệnh thủy đậu

Hà Lê |

Thời điểm này, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca mắc thủy đậu. Đáng tiếc, có ca 32 tuổi tử vong. Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên chủ quan, cần biết cách phòng ngừa và nhận diện sớm dấu hiệu của bệnh.

Không xem nhẹ bệnh thủy đậu mùa đông xuân

Hà Lê |

Thời tiết mùa đông xuân nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, nồm và ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh làm tăng nguy cơ gây bệnh cho con người. Các loại bệnh này rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa nên dễ bùng phát thành dịch bệnh.

Nên theo dõi cẩn thận các vết tiêm sau khi tiêm vaccine ngừa bệnh lao

Nguyễn Ly |

Bé trai 7 tháng tuổi được gia đình đưa đi tiêm ngừa bệnh lao, sau khoảng 5 tháng, vết tiêm không liền mà còn nổi hạch gây đau và khó chịu cho bé trai.

Không thể chủ quan những biến chứng của bệnh thủy đậu

Hà Lê |

Thời điểm này, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị nhiều ca mắc thủy đậu. Đáng tiếc, có ca 32 tuổi tử vong. Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên chủ quan, cần biết cách phòng ngừa và nhận diện sớm dấu hiệu của bệnh.

Không xem nhẹ bệnh thủy đậu mùa đông xuân

Hà Lê |

Thời tiết mùa đông xuân nhiệt độ lạnh, mưa nhiều, nồm và ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh làm tăng nguy cơ gây bệnh cho con người. Các loại bệnh này rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiêu hóa nên dễ bùng phát thành dịch bệnh.

Nên theo dõi cẩn thận các vết tiêm sau khi tiêm vaccine ngừa bệnh lao

Nguyễn Ly |

Bé trai 7 tháng tuổi được gia đình đưa đi tiêm ngừa bệnh lao, sau khoảng 5 tháng, vết tiêm không liền mà còn nổi hạch gây đau và khó chịu cho bé trai.