Đa dạng loại hình cấp cứu bằng đường bộ, hàng không và đường thủy
Đề án Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện tại TPHCM theo hướng chuyên nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo vừa được UBND TPHCM phê duyệt.
Theo định hướng phát triển của hệ thống y tế thành phố, tương ứng với việc hình thành 3 cụm y tế chuyên sâu (cụm trung tâm gồm các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa hiện hữu tại địa bàn các quận nội thành; cụm Tân Kiên đang hình thành tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh và cụm Thủ Đức) sẽ có 3 trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện.
Bên cạnh 3 trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện, 2 trạm cấp cứu đường hàng không và đường thuỷ cũng được phê duyệt trong đề án này.
Trạm cấp cứu đường hàng không sẽ phối hợp với Bệnh viện Quân y 175, Công ty Trực thăng Miền Nam - Binh đoàn 18 triển khai thực hiện cấp cứu bằng đường hàng không cho người dân TPHCM và khu vực phía Nam.
Trạm cấp cứu 115 đường thủy sẽ đặt trong khuôn viên của Trung tâm y tế huyện Cần Giờ (cơ sở cũ), đảm trách nhiệm vụ cấp cứu ngoại viện khu vực huyện Cần Giờ và phát triển mô hình cấp cứu đường thủy. Trạm cấp cứu 115 đường thủy cùng với Bộ đội Biên phòng Thành phố tuyến Cần Giờ, Công an Thành phố triển khai thực hiện cấp cứu bằng đường thủy cho người dân TPHCM và khu vực lân cận.
Cung ứng dịch vụ cấp cứu chất lượng cao
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 - chia sẻ, hiện cấp cứu ngoài bệnh viện ở TPHCM được đẩy mạnh và đạt hiệu quả tốt so với một số địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của người dân và cần đầu tư nhiều hơn.
Đề án này là tin vui cho ngành y tế thành phố, lực lượng cấp cứu ngoài bệnh viện và người dân.
Thời gian tới, đề án này giúp nâng cao vấn đề an sinh xã hội, tạo được nhiều lực lượng hỗ trợ cấp cứu ngoài bệnh viện để thực hiện sơ cứu ban đầu. Song song đó, lực lượng cấp cứu ngoài bệnh viện sẽ chuyên nghiệp hơn nhằm đảm bảo công tác cấp cứu cho người dân, phù hợp với địa bàn TPHCM.
“Đề án này có nhiều hoạt động mới chưa có tiền lệ ở Việt Nam như phát triển cấp cứu bằng đường thủy, đường hàng không… Vì vậy, việc triển khai đề án cần mang tính chi tiết, khả thi và hiệu quả nhất cho người dân” - ông Long nhận định.
Theo Sở Y tế TPHCM, mục tiêu của đề án nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp hướng đến đảm bảo cung ứng dịch vụ cấp cứu chất lượng cao cho người dân.
Đồng thời, đa dạng hóa các loại hình vận chuyển người bệnh cấp cứu đảm bảo nhu cầu của người dân và phù hợp đặc điểm địa lý của thành phố.
Theo đề án, 3 trung tâm cấp cứu ngoài bệnh viện (trung tâm cấp cứu 115) tương ứng với việc hình thành 3 cụm y tế chuyên sâu:
* Trung tâm cấp cứu 115 cụm Tân Kiên với diện tích 10.700m2, đặt tại cụm y tế chuyên sâu Tân Kiên, là trung tâm chỉ huy của hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện. Đơn vị này sẽ cùng với các trạm cấp cứu vệ tinh, các bệnh viện trong khu vực đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoài bệnh viện cho người dân trên địa bàn quận Bình Tân, Quận 6, Quận 8 và huyện Bình Chánh, với tổng diện tích là 330,8km2, dân số là 2.299.063 người.
* Trung tâm Cấp cứu 115 cụm trung tâm (tại cơ sở hiện hữu trên địa bàn Quận 10) sẽ cùng với các trạm cấp cứu vệ tinh, các bệnh viện trong khu vực đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho người dân các quận: 1, 3, 4, 5, 7, 10, 11 với tổng diện tích: 67,6km2, dân số: 1.447.784 người.
* Trung tâm Cấp cứu 115 cụm Thủ Đức đặt tại khu đất diện tích 29.000m2 (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) sẽ cùng các trạm cấp cứu vệ tinh, các bệnh viện trong khu vực đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện cho người dân tại TP Thủ Đức, với tổng diện tích: 212,6km2, dân số: 1.213.664 người.