Được chăm sóc sức khỏe, tinh thần
Là thương binh 3/4, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Nguyễn Đình Trình (79 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đã nhiều lần được đi điều dưỡng tập trung ở Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội. Mỗi lần đến đây, ông đều cảm thấy hài lòng bởi nơi ăn, ở, khu sinh hoạt chung, khu tập luyện phục hồi chức năng được bố trí hợp lý, quy củ. Phòng ở và môi trường đều sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp, đầy đủ tiện nghi, thường xuyên được nhân viên quét dọn sạch sẽ. Đặc biệt, điều ông ấn tượng nhất là sự gần gũi, thân mật của đội ngũ cán bộ, nhân viên ở đây.
''Tôi rất xúc động! Các cháu chăm sóc chúng tôi như người trong nhà. Tôi được ăn uống đầy đủ, thực đơn đa dạng, đủ chất dinh dưỡng, vừa tươi sống, ngon miệng vừa an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm tốt cho sức khỏe” - ông Trình bộc bạch.
Còn đối với cựu chiến binh Đinh Thị Đường (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), được đi điều dưỡng tập trung, niềm vui lớn nhất của bà là được gặp gỡ đồng chí, đồng đội. Trong thời gian 7 ngày, bà được tham gia thăm khám sức khỏe, cấp phát thuốc, tập luyện, phục hồi chức năng, tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cùng các đồng đội.
Bà Đường chia sẻ: ''Mặc dù chỉ tập trung trong thời gian ngắn nhưng tôi rất trân trọng những khoảnh khắc ở đây. Ai nấy đều cảm thấy vui vẻ, tinh thần phấn chấn, yêu đời, sức khỏe và thể trạng đều được nâng lên rõ rệt”.
Phục vụ người có công là nhiệm vụ thiêng liêng
Năm nay đã là năm thứ 19 chị Nguyễn Thị Mến gắn bó với Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội. Hằng ngày, chị trực tiếp theo dõi sức khỏe, tư vấn, khám bệnh cho các đối tượng thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng tham gia các đợt điều dưỡng tại trung tâm. Suốt thời gian dài công tác, chị Mến luôn xem đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
''Đối với tôi, công việc phục vụ người có công là thiêng liêng, cao quý, là niềm tự hào của bản thân. Vì vậy, tôi và các cán bộ nhân viên ở đây tự nhủ phải đặt cái tâm, cái đức lên hàng đầu. Chúng tôi luôn xem các bác như chính bố mẹ, người thân trong gia đình, để khi đến trung tâm, các bác cảm nhận được hơi ấm, tình thương'', chị Mến tâm sự.
Ông Chu Đình Điệp - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội cho biết, năm 2024, trung tâm được Thành phố giao điều dưỡng 4.300 lượt người có công tại các quận/huyện trên địa bàn Hà Nội, tăng hơn 1.100 chỉ tiêu so với năm 2023. Tính đến tháng 7.2024, trung tâm này đã hoàn thành hơn 58% chỉ tiêu.
Theo ông Điệp, nhiệm vụ chính của Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 1 Hà Nội là thực hiện đón tiếp, tổ chức nuôi dưỡng và điều dưỡng luân phiên người có công với cách mạng bằng những hoạt động cụ thể như tổ chức khám, chữa bệnh, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, tham quan ngoại khóa,… nhằm nâng cao sức khỏe của người có công.
''Nhiều thương, bệnh binh đến đây đã lớn tuổi, bị di chứng của chiến tranh. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tâm lý người có công, đòi hỏi công tác phục vụ không những phải tốt về kỹ năng, mà còn phải thực sự tinh tế, chú trọng yếu tố tinh thần. Vì vậy, mỗi cán bộ, nhân viên của trung tâm luôn niềm nở, tươi cười, sáng tạo nhiều hình thức sinh hoạt mới mẻ để các bác thích thú, hài lòng. Với những bữa ăn, ngoài việc thực hiện đúng, đủ chế độ, tiêu chuẩn, cán bộ Phòng Quản lý - Nuôi dưỡng còn chú trọng bày biện mâm cơm sao cho đẹp và ấm cúng. Đặc biệt, công tác chăm sóc sức khỏe người có công luôn được đặt lên hàng đầu'' - ông Điệp cho hay.