Rời TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) từ hôm 17.3, ông Thành mang tư trang vỏn vẹn hai bộ quần áo cùng chiếc xe đạp cũ gắn bó cùng ông hơn 20 năm nay, đi ôtô xuống Hà Nội để bắt đầu hành trình Nam tiến.
Vượt gần 1.800 km bằng xe đạp ở tuổi 64
Ông Thành là cựu chiến binh, từng đi bộ đội vào năm 1980, ở Sư đoàn 1 (tỉnh Vĩnh Phúc), phục vụ khoảng 9 tháng.
Sau đó, gia đình khó khăn, ông xin phép trở về nhà để phụ giúp. Đến năm 1982, ông Thành tiếp tục nhập ngũ tham gia bộ đội ở Tây Bắc thuộc Binh đoàn 678, với nhiệm vụ bảo vệ sân bay Điện Biên. Hiện ông có hai người con và sống tại TP Điện Biên Phủ.
Không thể quên giây phút khi nghe tin đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà (ngày 30.4.1975), ông Thành phấn khởi kể lại, khi ấy ông còn bé, đang chăn trâu ngoài ruộng, khoảng 4h chiều thì nghe tiếng trống dồn dập.
“Trong đám chăn trâu có một đứa bảo, giải phóng Sài Gòn rồi, thế là cả đám chúng tôi ôm nhau hô to “giải phóng rồi”. Cảm nhận của tôi lúc bấy giờ thật sự quá sung sướng, tuyệt vời”, ông Thành nhớ lại và cho biết, đây cũng chính là động lực thôi thúc ông thực hiện chuyến đi.
Ông chia sẻ, những năm qua, ông cũng có nhiều chuyến đi xa, nhưng chỉ bằng máy bay, tàu hỏa, ôtô, còn riêng xe đạp thì đây là lần đầu thực hiện.
“Tôi đi xe đạp để cảm nhận lại từng bước đi của các chiến sĩ trên đường hành quân từ Bắc vào Nam thực hiện nhiệm vụ. Rất phấn khởi. Đó cũng là động lực để tôi đạp xe liên tục không biết mệt mỏi”, ông Thành hào hứng nói.
Ngày 30.3, ông Thành bắt đầu xuất phát từ Hà Nội, đạp xe vào TPHCM để thực hiện ước nguyện thăm Dinh Độc Lập.
Đi trên Quốc lộ 1A, ông Thành không sử dụng bản đồ, không mang theo dụng cụ sửa xe. Ông tính toán, nếu chẳng may xe hỏng, sẽ dẫn bộ rồi nhờ người đi xe máy chở đến chỗ sửa xe đạp.
Mỗi ngày ông đạp khoảng 9 tiếng, cho đến khi nào mệt, nghỉ dọc đường.
Tặng lại xe đạp cho người dân TPHCM
Mỗi ngày ông Thành xuất phát vào lúc sáng sớm, mua thêm ổ bánh mì treo trước xe. Lúc nào thấy mệt, ghé vào quán nước bên đường để nghỉ ngơi.
“Có hôm tôi đau nhức chân, may cầm theo chai thuốc rượu ngâm xoa bóp nên mới đỡ đau, tiếp tục hành trình”, ông kể.
Tối đến, ông Thành tìm nhà nghỉ bình dân để ngủ qua đêm. Tắm rửa xong, ông giặt bộ đồ hong trước quạt đến sáng cho khô rồi tiếp tục lên đường. Có hôm không tìm được chỗ dừng chân, ông Thành ngủ hẳn ngoài đường.
Dọc đường, nhiều người thấy ông một mình đạp xe, họ thương tình ngỏ ý tài trợ bơm vá xe… nhưng ông đều từ chối vì muốn bản thân tận hưởng được hết các cảm xúc của chuyến đi.
“Những đêm trăng sáng, tôi không nghỉ sớm mà đạp xe đến hơn 22h để ngắm cảnh và hồi tưởng. Trên đường đi, tôi thủ thỉ với chiếc xe đạp. Đó là điều tôi cảm thấy thú vị nhất trong chuyến đi”, ông Thành chia sẻ.
Ngày 20.4, gần một tháng đạp xe xuyên Việt, ông Thành cuối cùng cũng đến TPHCM. Ông kể, khi ấy cảm xúc dâng trào, chỉ mong tiến mau về Dinh Độc Lập.
“Không thấy mệt, không thấy mỏi, chỉ thấy rất tuyệt vời, không diễn tả được. Tôi cứ nghĩ, tinh thần ngày 30.4.1975 năm xưa của các chiến sĩ như thế nào thì lúc bấy giờ trong người tôi rạo rực như thế ấy”, ông cười nói.
Ông Thành ở lại TPHCM trong ngày 20.4 để tham quan Dinh Độc Lập, bến Nhà Rồng, tượng đài Bác Hồ… rồi sáng hôm sau đi tàu hỏa về lại Điện Biên.
“Tôi vào đến TPHCM là đã xong chuyến hành trình nên rất mãn nguyện. Nhân đây tôi cũng xin gửi tặng chiếc xe đạp đi cùng mình hơn 20 năm nay cho ai thật sự cần. Đó coi như là tình yêu của tôi gửi lại cho TPHCM”, ông Thành bộc bạch.
Chị Phùng Thị Dung (con gái ông Thành) chia sẻ, rất bất ngờ khi nghe ý định của bố là đạp xe một mình vào TPHCM. “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ bố nói vui thôi, nhưng không ngờ bố làm thật. Suốt dọc đường bố đi, tôi lo lắng và gọi điện hỏi liên tục. Nhưng chỉ thấy được niềm vui của bố vì tự mình làm được điều nhiều người ở tuổi như bố không làm được”, chị Dung nói.
Ông Hoàng Văn Kế (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ) cũng không khỏi bất ngờ khi ông Thành lớn tuổi rồi mà thực hiện chuyến đi xuyên Việt một mình. Theo ông Kế, cứ mỗi lần đến dịp lễ 30.4, ông Thành đều không quên cùng anh em trong Hội cựu chiến binh đi thắp hương cho đồng đội, các chiến sĩ đã hy sinh và đến động viên hỏi thăm những gia đình có công với Cách mạng.