Sự kết hợp mới lạ
Cuối năm 2023, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” trở thành từ khóa nóng và là chương trình truyền hình thực tế được quan tâm nhất trên mạng xã hội.
Sự góp mặt của 30 sao nữ nổi tiếng trong cùng một chương trình là điều chưa từng có trong giới giải trí Việt. Ngay từ đầu, tên tuổi và tầm ảnh hưởng của 30 “chị đẹp” đã có được sức hút, đặc biệt từ những màn cạnh tranh, thi đấu giữa họ.
Cầm trịch mảng âm nhạc cho toàn bộ các tiết mục là nhóm DTAP.
Trước đó, DTAP đã đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc cho “Vietnam Idol”, đứng sau thành công của loạt hit “See tình”, “Nam quốc sơn hà”, “Để Mị nói cho mà nghe”... Ngay từ vòng thi cá nhân đầu tiên, 30 bài hát của 30 nghệ sĩ đã được phối mới, biến tấu với phong cách đa dạng, trẻ trung, kết hợp cùng các yếu tố trình diễn khác như vũ đạo, nhạc cụ.
Đến các vòng công diễn, thí sinh được chia thành các đội với số lượng 3, 5, 7 người/nhóm. Các tiết mục trình diễn theo hình thức nhóm luôn mang lại hiệu ứng cộng hưởng, và càng có sức lan tỏa khi được thể hiện bởi một nhóm nghệ sĩ danh tiếng. Sau 4 đêm công diễn, nhiều phần trình diễn có tương tác tốt trên nền tảng YouTube như “Chị ngả em nâng” (2,6 triệu lượt xem), “Nếu anh đi” (1,6 triệu lượt xem), “Đi đu đưa đi” (1,2 triệu lượt xem), chưa kể lượt xem cao ngất ngưởng mỗi tập phát sóng (dao động từ 1,9 triệu - 5,6 triệu lượt xem).
Bên cạnh phần nghe, phần nhìn của các tiết mục cũng cho thấy sự đổi mới. Không chỉ đầu tư dựng vũ đạo, dàn dựng sân khấu, các nhóm nghệ sĩ còn xây dựng concept (tạo hình theo một phong cách cụ thể) riêng cho từng ca khúc, có thể kể đến “Màu hồng chủ nhật” lồng ghép yếu tố nhạc kịch, “Vì sao” mang hơi hướng vũ công Latin, “Cún yêu” tái hiện những câu lạc bộ cổ động ở trường học, “Hoa nở không màu - Bông hoa đẹp nhất” lấy cảm hứng từ nữ hoàng Ai Cập...
Mô hình nhóm nhạc không còn là bất khả thi
Không chỉ biến tấu giai điệu, các thí sinh show Chị đẹp còn thêm thắt cho phần thi bằng cách tự viết lời rap, sáng tác lời bằng nhiều thứ tiếng, trong đó Trang Pháp sử dụng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh, Lynk Lee hát tiếng Hàn.
Tại Việt Nam, không ít mô hình, chương trình đã ra đời với tham vọng tạo ra nhóm nhạc “ăn khách”, thu hút công chúng như các nền giải trí của Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, những nhóm nhạc Việt từng ra mắt đều hoạt động cầm chừng, chật vật vì không tiếp cận được đến khán giả. Bản thân “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” còn vấp phải rất nhiều tranh cãi như điểm số của các “chị đẹp” chưa tương xứng...
Thời điểm hiện tại, những chương trình âm nhạc thường đi theo hai hướng: Tìm kiếm những gương mặt mới (Rap Việt, Vietnam Idol, The Voice) hoặc tôn vinh những nghệ sĩ đã có thâm niên trong nghề (Ca sĩ giấu mặt, Gương mặt thân quen, Hòa âm ánh sáng). Trong dòng chảy đó, “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” đi theo một mô-típ khác hẳn: không phải một cá nhân mà là một nhóm nhạc, không phải ngôi sao tân binh mà là nghệ sĩ trên 30 tuổi, không phải ca hát mà là trình diễn.
Câu chuyện, hành trình, sự nghiệp của 30 “chị đẹp” tạo được thiện cảm khi truyền tải thông điệp tích cực đến phái đẹp, giúp người phụ nữ bỏ qua quan niệm về tuổi tác, thỏa sức với đam mê và vượt qua giới hạn của bản thân. Họ có thêm lượng khán giả mới, hâm nóng tên tuổi, còn đội hình cuối cùng đã gây dựng được cộng đồng fan vững chắc trước khi “tái ra mắt”. Tất nhiên, để thay đổi thói quen nghe nhạc và thị hiếu giải trí của khán giả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song, sự ra đời của nhóm nhạc nữ 7 thành viên bước ra từ “Chị đẹp đạp gió rẽ sóng” có thể là một điểm sáng, một hiệu ứng mới cho thị trường biểu diễn ở Việt Nam.