Đàm Vĩnh Hưng nổi tiếng là một người có cá tính mạnh đến mức có thể nói là "ngông cuồng". Nam ca sĩ vướng nhiều ồn ào với loạt phát ngôn mang tính lộng ngôn ở showbiz.
Ca sĩ này từng tự gọi mình là “vùng đất cấm”, không ngại va chạm, lớn tiếng với nhiều đồng nghiệp, trong đó, Đàm Vĩnh Hưng từng gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử” (sau đó phải xin lỗi).
Suốt hành trình sự nghiệp, cái tên Đàm Vĩnh Hưng nhiều lần vướng vào scandal và các án phạt khác nhau.
Năm 2012, Đàm Vĩnh Hưng bị xử phạt vì hôn môi sư thầy.
Năm 2019, trên trang cá nhân mang tên Đàm Vĩnh Hưng (có dấu tích xanh) từng treo thưởng 20 triệu đồng cho người tát liên tục vào mặt anh Đoàn Văn Tí (30 tuổi, tạm trú TP Mỹ Tho) vì hành vi anh này đánh con từ 2 năm trước. Sau đó, công an đã phải vào cuộc điều tra vì động thái kêu gọi, kích động bạo lực của tài khoản Facebook Đàm Vĩnh Hưng.
Năm 2020, Đàm Vĩnh Hưng bị xử phạt vì lan truyền thông tin sai sự thật liên quan đến đại dịch COVID-19.
Cơ quan chức năng siết chặt quản lý, công chúng ngày càng nghiêm khắc hơn
Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn cho rằng, “nghệ sĩ là những người vốn có sức ảnh hưởng rộng rãi, việc nghệ sĩ lan tỏa những hành vi tiêu cực, sai trái sẽ là mối nguy hại với xã hội. Nhiều sự việc đang cho thấy công chúng không còn dễ tha thứ, họ ngày càng nghiêm khắc hơn và ngày càng biết “tính toán”, suy xét hơn, để dành sự yêu mến của mình cho những nghệ sĩ xứng đáng. Cơ quan chức năng cũng cần có động thái mạnh hơn trong việc siết chặt quản lý với lối sống, đạo đức nghệ sĩ”.
“Giá trị của nghệ sĩ phải được định đoạt bằng tài năng chứ không phải bằng những phát ngôn ngông cuồng, hay sự khoe khoang về cuộc sống xa hoa, giàu có” – Lê Ngọc Sơn nói.
Năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trong lĩnh vực nghệ thuật.
Đến cuối năm 2023, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, nội dung quy trình đã được 2 Bộ xây dựng hoàn tất, đang trong quá trình lấy ý kiến của Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan, báo cáo các cấp có thẩm quyền để sớm đi vào thực thi.
Theo đó, những nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức, lối sống, vi phạm thuần phong mỹ tục, vi phạm pháp luật sẽ bị “cấm sóng”, “cấm biểu diễn”, “cấm mạng” (cấm hoạt động trên mạng xã hội).
Trước đó Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng ban hành bộ quy tắc ứng xử với những yêu cầu về đạo đức, ứng xử đối với nghệ sĩ trong quá trình hoạt động nghệ thuật.
Giới chuyên gia truyền thông cho rằng, án xử phạt với Đàm Vĩnh Hưng là thích đáng, điều đó còn cho thấy cơ quan chức năng sẽ ngày càng siết chặt quản lý và công chúng cũng sẽ ngày càng nghiêm khắc hơn để những “nghệ sĩ lệch chuẩn”, nghệ sĩ vướng bê bối không còn “đất diễn”.
Lọc trong showbiz
Việc giữ gìn hình ảnh vốn là trách nhiệm lớn của mỗi nghệ sĩ. Cái giá phải trả cho hình ảnh nghệ sĩ ngày càng đắt. Sau những ồn ào ở Tây Ban Nha, dù chưa có kết luận cuối cùng, diễn viên Hồng Đăng đã gần như “biến mất” khỏi sóng truyền hình.
Nhiều biện pháp hạn chế sức ảnh hưởng của nghệ sĩ khi vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức đang được đặt ra.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nói, “Xét cả tình cả lý, việc nghệ sĩ phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn hình ảnh là chuyện đương nhiên. Nghệ sĩ hơn robot ở chính nhân cách, đạo đức. Nếu nghệ sĩ không có đạo đức, sẽ chỉ như robot.
Khác với văn hóa phương Tây, đề cao cá tính cá nhân, văn hóa Á Đông đề cao nền tảng đạo đức truyền thống. Từ xưa đã có những câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, câu này cũng giống như “Cần đức trước khi cần tài”.
Rồi đây, cả phía cơ quan quản lý và công chúng sẽ còn tiếp tục công cuộc thanh lọc showbiz để dành vị trí tỏa sáng cho những nghệ sĩ có đức và có tài.