Xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng): Bị tố cắt ruộng của dân cho doanh nghiệp thuê

TIẾN NGUYỄN |

Người dân thôn Kim Đới 2 (Xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng), bức xúc trước việc, năm 1993 mỗi khẩu của thôn được chia 600m2 đất ruộng để canh tác, nhưng năm 2004 xã dồn điền đổi thửa, ruộng của người dân bỗng dưng bị thu hẹp xuống còn 500m2/khẩu, giảm 100m2 mà không rõ nguyên nhân. Và họ rất bất ngờ trước việc toàn bộ diện tích ruộng bị bớt lại được chính quyền đem cho người khác thuê để làm kinh tế, trong khi người dân mất tư liệu sản xuất mà không biết kêu ai.

Bỗng dưng mất ruộng

Theo một số hộ dân thôn Kim Đới 2, sau khi có Luật Đất đai năm 1993, việc chia cấp, giao quyền sử dụng đất ruộng cho hộ nông dân được tiến hành ở nhiều địa phương, trong đó có xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy). Toàn thôn Kim Đới 2 có diện tích 69ha được cắt lại 5%, tương đương 3,45ha dành cho nhu cầu công ích của xã, còn lại chia đều cho 1.150 nhân khẩu, mỗi khẩu 600m2 đất ruộng để phục vụ sản xuất.

Đến năm 2004, xã Hữu Bằng có chủ trương dồn điền đổi thửa, đã cắt của dân mỗi khẩu 100m2 đất ruộng (11,5ha) ở các khu vực đầm Cá, đầm Ria Sông, Xứ Đồng, Cao Thủ, Cao Họ, đầm Giãng. Những năm đầu, diện tích trên cho một số hộ gia đình có con nhỏ sinh sau năm 1993 mượn để canh tác. Đến năm 2008, UBND xã thu hồi lại toàn bộ diện tích đất trên và giao lại cho một số thân nhân lãnh đạo xã như ông Ngô Văn Khoản (em ruột ông Ngô Trọng Khôi, Trưởng Ban Tài chính xã, hiện là PCT xã Hữu Bằng); Nguyễn Văn Bộ (em trai ông Nguyễn Văn Hướng, nguyên Chủ tịch xã); Nguyễn Thị Khuyên (con gái ông Nguyễn Huy Viết, nguyên Trưởng Ban Địa chính xã); Ngô Văn Toán (em họ ông Nguyễn Trọng Khôi - PCT xã); Đặng Văn Chiều (chú họ ông Bí thư Chi bộ thôn Kim Đới 2, Đặng Văn Tình), thuê để nuôi trồng thủy sản.

Năm 2011, UBND xã Hữu Bằng hợp thức hóa diện tích đất này (95% của người dân) cho ông Đặng Văn Chiều thuê ở khu vực đầm Cá, Cao Thủ, đầm Giãng, bằng cách đề nghị UBND huyện Kiến Thụy cho ông Chiều thuê đất. Tháng 3.2017, ông Chiều đã chuyển giao toàn bộ diện tích đất trên cho ông Phạm Văn Lành (bố của một cán bộ cấp sở của Hải Phòng) thuê lại. Đồng thời UBND huyện đã làm thủ tục cho ông Lành thuê 2ha diện tích đất trên với thời hạn 20 năm. Hiện nay ông Lành đã thành lập Cty CP nông nghiệp Hữu Bằng, kinh doanh trên diện tích đất này. Trên thực tế diện tích ông Lành sử dụng không phải là 2ha như trong hợp đồng thuê đất mà lên tới trên 4ha, phần lớn diện tích trên là ruộng 95% của nhân dân thôn Kim Đới 2.

Đối với khu vực đầm Ria Sông, chính quyền xã đã thu của người dân 5.639m2 đất 95%. Sau đó cho ông Nguyễn Văn Bộ, Ngô Văn Khoản và bà Nguyễn Thị Khuyên thuê. Khi đường 403 xây dựng qua, các hộ trên nhận tiền đền bù về hoa lợi với diện tích trên 700m2. Diện tích còn lại ba người trên đã bán cho ông Phạm Quý Trình (xã Hữu Bằng - là anh trai một vị lãnh đạo huyện Kiến Thụy) để nuôi trồng thủy sản và làm vườn. Riêng 2.000m2 đất ruộng ở Cao Họ, trước đây xã cho ông Chiều hợp đồng. Năm 2009 ông Chiều đã bán lại cho ông Thu (ở Đa Phúc, Dương Kinh) để đào ao thả cá. Còn diện tích hơn 1.000 m2 ở đầm Giời, ông Đặng Văn Tính - Bí thư Chi bộ thôn - đã tự ý cho ông Vũ Văn Vình đào ao thả cá; 615m2 ở khu vực Đầm Giãng, ông Tính đã liên kết với ông Đặng Văn Chiều bán cho ông Phạm Văn Lành.

Cũng theo người dân thôn Kim Đới 2, một số diện tích đất 95% thường được gọi là đất chân mạ, lãnh đạo thôn cũng tự ý cắt bán cho trên 20 hộ dân làm đất ở. Tất cả những người này đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Mập mờ giữa xây dựng trường mầm non và nhà văn hóa

Không chỉ thu ruộng 95% của dân để cho thuê, xã Hữu Bằng còn thu tiền xây dựng trường mầm non và nhà văn hóa của người dân. Năm 2005, TP.Hải Phòng đầu tư xây dựng trường mầm non thôn Kim Đới 2 với dự toán là trên 600 triệu đồng. Tại cuộc họp với đại diện nhân dân, UBND xã cho biết người dân Kim Đới 2 phải góp tiền đối ứng là 30% tổng giá trị công trình (khoảng 180 triệu đồng), mặc dù các văn bản đều thể hiện, đó là công trình xây dựng trường mầm non và người dân không phải góp tiền đối ứng.

Nhưng dựa vào chủ trương đó, xã tự ý bán đất lấy tiền đối ứng, cán bộ thôn đã thu hồi khoảng 1.500m2 đất 95% của người dân ở khu Cửa Quê, chia thành nhiều lô khác nhau có diện tích từ 100-150m2 bán cho người dân với giá từ 25-33 triệu đồng. Không dừng lại, cán bộ thôn tiếp tục lợi dụng việc xây nhà văn hóa để bán thêm một số diện tích đất 95% nữa của người dân xứ Đồng Mấn với giá 150.000đ/m2.

Đến năm 2009, Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng xây dựng qua các lô đất chính quyền đã bán cho người dân ở khu vực Cửa Quê. Vì là đất giao trái thẩm quyền, không có giấy tờ nên nhà nước đền bù theo giá đất nông nghiệp. Tổng số tiền đền bù cho 7 hộ tại Cửa Quê là 80 triệu đồng. Lãnh đạo thôn thu hồi toàn bộ số tiền trên mà không trả cho dân. Theo người dân bị thu hồi đất ở khu vực Cửa Quê thì họ đã mất hai lần tiền. “Họ hứa sẽ trả lại đất cho dân ở chỗ khác nhưng đến nay vẫn chưa thấy, tiền thì nằm trong túi cán bộ” - một người dân cho biết.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng được biết, UBND xã đã nhận được đơn của đại diện nhân dân thôn Kim Đới 2. Vụ việc xảy ra nhiều năm nên cần có thời gian để xem lại. Xã đã thành lập đoàn kiểm tra lại toàn bộ nội dung kiến nghị của công dân. Còn ông Phạm Phú Xuất - PCT UBND huyện Kiến Thụy, khi trao đổi qua điện thoại cũng cho biết, huyện đã giao xã Hữu Bằng kiểm tra lại toàn bộ tố cáo của công dân. Huyện rất bận nên chưa có thời gian tiếp phóng viên.

TIẾN NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Đà Nẵng: Mai nở muộn, chủ vườn nóng ruột lo mất tết

Nguyễn Linh |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các chủ vườn mai trên địa bàn TP Đà Nẵng xót ruột vì thời tiết thất thường khiến mai nở muộn, sợ không trúng dịp tết.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.