Những tình yêu cổ tích trong đám cưới cổ tích

LÊ TUYẾT |

100 chú rể rước dâu trên 100 chiếc xe đạp trong Lễ cưới tập thể 2017, dạo quanh đường phố Sài Gòn trong Ngày Quốc khánh - hình ảnh sẽ còn đọng lại rất lâu trong tâm trí những người chứng kiến. Sau những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười mãn nguyện, những đôi mắt lấp lánh hạnh phúc đong đầy… là những chuyện tình vượt lên nghịch cảnh. Nghe người trong cuộc kể lại, ta vẫn sẽ không tin những chuyện đó là thực!

Chuyện của “thằng con rể giời đày”

Chiếc bàn tiệc được đánh số thứ tự 82 kê gần cửa ra vào vẫn còn thừa bốn ghế. Người phụ nữ luống tuổi, nắm lấy tay tôi: “Ngồi vào đây đi cháu, chia vui cùng con gái của cô. Chốc nữa làm lễ xong, hai đứa nó xuống ngồi đây, vẫn còn thừa hai ghế”.

Bà là Phạm Thị Mận, quê ở Hưng Yên, con gái bà là Nguyễn Thị Thu Thủy và con rể Nguyễn Quốc Cường cùng 99 đôi khác đang làm lễ trên sân khấu của hôn trường hơn 1.000 khách. Thủy là con gái thứ hai của bà, sinh ra vốn xinh đẹp, thông minh, 11 năm liền là lớp trưởng, học giỏi nhất nhì trường. Giữa năm lớp 11, Thủy bị tai nạn tàu hỏa, người bạn đi cùng chết tại chỗ, Thủy may mắn còn sống sau khi đã đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội và tiêu tốn tất cả tài sản mà vợ chồng bà tích góp.

Thủy sống, mang trên mình di chứng nặng nề của vụ tai nạn: Đầu óc không được bình thường, lúc tỉnh lúc mê, người giật giật, chân và tay trái cứng đi, yếu hẳn. Kể đến đây, bà Mận đưa tay quẹt ngang dòng nước mắt: “Cái Thủy ham học lắm cháu ạ. Năm 2006, Thủy thi đậu hai trường đại học là Kinh tế TPHCM và Khoa học Xã hội & Nhân văn. Do nói chuyện khó khăn nên Thủy phải bỏ kinh tế. Tốt nghiệp loại Khá, đọc tiếng Anh tốt, chỉ mỗi tội là khi lên cơn không ai quản được Thủy cả. Đập phá, chửi bới, cộng với sức khỏe yếu nên không xin việc được ở đâu. Thế mà Thủy lại có chồng đấy cháu ạ. Một người chồng mặt mũi hiền lành, tướng tá cao ráo, chăm chỉ lại hết mực thương yêu, chiều chuộng vợ”.

Anh Cường quê ở Quảng Ngãi, sinh năm 1978, là con cả trong một gia đình có 7 anh chị em. Mẹ mất sớm, 17 tuổi anh một mình vào Sài Gòn bươn chải đủ thứ nghề, kiếm tiền nuôi em. Khi gặp Thủy, anh đang là tài xế lái xe buýt, Thủy là một hành khách thường xuyên của anh. Anh Cường nhớ lại: “Mỗi lần cô ấy lên xe tôi lại chú ý bởi mặt mũi xinh xắn, nhưng lại lúc tỉnh lúc mê. Trao đổi số điện thoại, trò chuyện qua lại, hiểu hoàn cảnh của cô ấy, tôi nghĩ mình phải che chở, bảo vệ cho cô ấy”.

Phần bà Mận, biết Cường có ý định với con gái mình, bà đã tìm đến tận phòng trọ của anh để ngăn cản. Bà Mận nói: “Ban đầu tôi nghĩ Cường nó thấy cái Thủy đầu óc không bình thường nên lừa gạt chi đây, thế nhưng nó bảo, nó thương cái Thủy thật lòng. Tôi nêu tình trạng sức khỏe, tâm lý của cái Thủy, bảo nó suy nghĩ kỹ bởi chọn cái Thủy là phải chấp nhận khổ cả đời vì “con cô, cô biết rõ, nó lên cơn là đập phá, đánh người thân bất chấp già trẻ”. Tôi nói vậy mà nó vẫn kiên quyết. Nó đưa cái Thủy về quê ra mắt, làm giấy đăng ký kết hôn”.

Ngày anh Cường đưa Thủy về quê, họ hàng, anh em ra sức ngăn cản, khuyên răn, ba anh không đồng ý, đòi từ mặt, không cho làm lễ ông bà. Nhớ lại ngày đó, anh Cường bộc bạch: “Dù ai có nói gì, với tôi cô ấy là một người thông minh, xinh đẹp. Cô ấy đáng được hưởng hạnh phúc”.

Nhìn con gái và con rể đứng trên sân khấu, bà Mận xúc động: “Đám cưới này hai đứa nó mơ ước 5 năm nay rồi. Tôi biết ơn con rể của tôi. Giời bắt tội nó, giời đày nó thay tôi chăm con gái tôi”.

Phát âm có vẻ hơi khó khăn, nhưng khi hỏi đến chuyện tình của mình, Thủy không giấu vẻ bẽn lẽn, lắm lúc lấy tay che lấy khuôn mặt đang ửng đỏ lên vì thẹn: “Quen hai tuần thì ở chung. Hai tháng thì cưới. Ở với nhau 5 năm, con gái 4 tuổi rồi. Con đẹp lắm, mặt đẹp giống anh Cường, thông minh giống em hồi chưa bị tai nạn”.

Những cặp vợ chồng… “tiên ba đời”

“Chồng già vợ trẻ là tiên, vợ già chồng trẻ là tiên ba đời” - anh Cao Minh Quều đọc câu ca dao sau khi cho biết năm sinh của mình là 1990 và vợ là chị Võ Kim Trúc sinh năm 1982. Nghe anh Quều giới thiệu tên, tôi phải hỏi đi, hỏi lại cách viết, anh cười: “Ba má em đặt tên mà em lên google tìm không ra kết quả nào đó chị. Đời mình đến cái tên còn “không đụng hàng” thì có gì là lạ nữa”.

Anh chị quen nhau khi còn là học viên của Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Anh Quều kể: “Hồi ấy, vợ mình mặc dù bị tật ở chân, di chứng của trận sốt bại liệt, nhưng sao thấy cô ấy lúc nào cũng vui vẻ, cười nói hồn nhiên. Đôi lúc công việc, cuộc sống mệt mỏi nhưng lên lớp chỉ cần nghe cô ấy nói chuyện là mình thấy vui. Lâu dần vậy rồi mình yêu luôn”.

Ngày Quều đưa Trúc về quê ở Long An ra mắt, gia đình ngăn cản, nhiều người bàn lui bởi “hai đứa lấy nhau rồi sẽ khổ lâu dài, nghèo bền vững”. Nhớ lại ngày đó, Quều đúc kết: “Những người ngăn cản mình, họ không sống hộ mình ngày nào, cuộc đời của mình do mình quyết định nên yêu ai, lấy ai cũng là chuyện của mình. Mình hạnh phúc thế nào họ đâu biết được”.

Nói về chồng mình, chị Trúc cười: “Anh ấy nhỏ tuổi nhưng suy nghĩ chín chắn, thấu đáo. Làm gì cũng nghĩ đến vợ và con trước tiên”. Cài lại bông hoa cưới trên ngực áo chồng, chị nói: “Hai vợ chồng đang là công nhân may, làm việc ở Cty Việt Hưng (quận 12) thu nhập mỗi tháng tầm 7 triệu đồng, vợ chồng chi tiêu dè xẻn để còn gửi về cho bà ngoại lo cho con trai 3 tuổi. Nào giờ không nghĩ đến đám cưới đâu chị, giờ mặc áo dài, đội khăn đóng, trang điểm lung linh… Vừa lạ vừa vui. Đời này em không thể nào quên được”.

Anh Đào Văn Luật và chị Ninh Thị Cảnh kết hôn đã được 15 năm, có con trai 14 tuổi nhưng chị Cảnh chưa một lần được mặc áo cô dâu. Cùng quê Ninh Bình, anh chị đến với nhau một phần vì đồng cảnh ngộ nghèo khó.

Chị Cảnh chuẩn bị bước sang tuổi 39, vất vả lo toan mọi bề nhưng trên khuôn mặt chị, nét đằm thắm, xinh đẹp không hề phai dấu. Anh Luật nhỏ hơn chị 4 tuổi nhưng nom lọm khọm bởi anh mắc chứng động kinh, bị tật ở tay, quanh năm suốt tháng lang thang bán vé số ngoài đường nên già trước tuổi. Hiện đang là công nhân công ty may Vĩnh Hưng nhưng thu nhập không cao vì chị liên tục xin nghỉ giữa giờ, chạy đi giúp chồng mỗi khi anh lên cơn động kinh bất thình lình.

Nói về chồng, chị Cảnh mắt đỏ hoe: “Anh Luật vất vả từ nhỏ, lập gia đình càng vất vả hơn. Thương chồng, tôi lại càng cố gắng”. Nghe vợ nói, anh Luật khua tay: “Vợ tôi mới vất vả. Lành lặn xinh đẹp mà chịu lấy tôi rồi không có cái đám cưới, đám hỏi gì cả”.

Nói về ngày hạnh phúc của mình, giọng anh Luật hào hứng: “Vợ tôi lần đầu tiên được mặc áo dài, tay cầm hoa cưới. Lần đầu tiên đến tượng đài Bác dâng hoa rồi cầm tay vợ mình đi trên Phố Đi bộ Nguyễn Huệ… Điều làm tôi hạnh phúc nhất là lần đầu tiên tôi bất chấp sức khỏe của mình, tự chạy xe đạp, chở vợ vòng qua các con phố trung tâm của Sài Gòn. Cảm giác ấy chẳng bao giờ tôi quên”.

Suốt câu chuyện, anh Luật và chị Cảnh đều giành phần thiệt về mình và trao những lời yêu thương nhất đến một nửa còn lại. Và dù câu chuyện anh chị kể là quá khứ, hay dự định sắp tới anh chị đều luôn nắm tay nhau, như cách anh chị và 99 cặp đôi khác đã cùng vượt qua những khó khăn của cuộc đời.

Lễ cưới tập thể do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên công nhân TPHCM tổ chức bắt đầu từ năm 2007. Qua 10 năm thực hiện, chương trình đã se duyên cho 722 đôi công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân khuyết tật… với tổng số tiền hơn 20 tỉ đồng. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc này, lễ cưới tập thể dành cho công nhân khó khăn đã được nhân rộng ra một số tỉnh, thành: Hà Nội, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Phước… Bà Nguyễn Thị Lệ - Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM - đánh giá cao tính nhân văn chương trình mang lại. Bà hy vọng, chương trình Lễ cưới tập thể sẽ là bước khởi đầu giúp các bạn thanh niên công nhân có cuộc sống gia đình hạnh phúc và nỗ lực vươn lên trong công việc, cuộc sống.

LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Đà Nẵng: Mai nở muộn, chủ vườn nóng ruột lo mất tết

Nguyễn Linh |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các chủ vườn mai trên địa bàn TP Đà Nẵng xót ruột vì thời tiết thất thường khiến mai nở muộn, sợ không trúng dịp tết.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.

Dự báo thời tiết 18.1: 27 Tết miền Bắc vẫn sương mù bao phủ kèm rét sâu

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 18.1.2023, miền Bắc sáng sớm có sương mù, ngày hửng nắng nhưng trời vẫn rét sâu. Nhiệt độ thấp nhất về đêm và sáng khoảng 10 - 13 độ C. Nam Bộ sáng sớm có sương mù, ngày trở nắng.

Các nhà vườn miền Tây tất bật vận chuyển hoa ra chợ bán Tết

YẾN PHƯƠNG |

Tại một số vườn hoa Tếtmiền Tây, vào thời điểm này, các nhà vườn đang tất bật với việc xuất hoa bán cho thương lái, hoặc vất vả vận chuyển từng chậu hoa từ vườn ra chợ để bán Tết.

Cận Tết tôm, cua Cà Mau nắm tay tăng giá chóng mặt vẫn không đủ hàng để bán

NHẬT HỒ |

Cà Mau - Giá một kg tôm đất khô đã lên đến 1,7 triệu đồng. Không thua kém tôm đất khô, cua gạch Cà Mau cũng có giá lên đến 1,2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây và không đủ hàng để bán.