Khốn khó bởi nghêu...

LÊ TUYẾT - VĂN NGUYỄN |

Biển Tân Thành (Gò Công Đông, Tiền Giang) là vùng nuôi nghêu lớn thứ 2 ở ĐBSCL với diện tích khoảng 2.300ha. Con nghêu của vùng biển này đi khắp nơi, sang tận trời Âu, trời Mỹ với sản lượng xuất khẩu mỗi năm gần 20.000 tấn... Từng được ví là “vàng trắng”, nhưng nhiều năm nay, con nghêu khiến người nông dân nơi đây bạc tóc, khóc ròng, lâm cảnh khốn khó vì cứ gần đến mùa thu hoạch nghêu lại chết, tổng thiệt hại cả ngàn tỉ đồng...

Biển chiều lặng ngắt

Chúng tôi tìm được đến biển Tân Thành khi trời chiều đang chuyển tối, những người cào nghêu thất thểu trở về, trên vai còn mang một ít nghêu mót được sau một ngày lao động cật lực ngoài bãi. Chúng tôi cố gắng bắt chuyện một vài người nhưng ai cũng cố tình lảng tránh, khuôn mặt buồn so rồi bước thật nhanh về phía trước như chạy trốn cái níu tay của người lạ.

Thấy chúng tôi bối rối, người đàn ông có nước da đen sạm, mắt sâu hun hút, nãy giờ vẫn ngồi quay lưng về đất liền, mặt nhìn về hướng biển Vũng Tàu, quay lại bắt chuyện: “Họ là dân cào nghêu thuê, nếu đây là năm được mùa, cả bãi biển có hàng ngàn người, kẻ mua người bán nhộn nhịp, họ gặp cô sẽ tự động chào, vui thì họ tặng luôn cho cô vài ký nghêu. Bây giờ làm ăn thất bát, cả ngày lăn lóc ngoài biển mà chỉ kiếm được mấy chục ngàn, mặt mày ai cũng ủ rũ, vui nỗi gì đâu mà chuyện trò”. Người đàn ông với tên tự giới thiệu là Bảy “nghêu” ở ấp Bà Canh, xã Tân Thành. Chúng tôi đề nghị anh nói tên thật, anh cười, anh đã “chết” cái tên này vì anh là một trong những người nuôi nghêu lâu nhất ở đây. Ở biển Tân Thành này, hỏi Bảy “nghêu” ai cũng biết, nói tên thật ra người ta tìm còn mệt hơn.

Anh Bảy “nghêu” đứng tên thuê hợp đồng sân nghêu chừng chục hécta, chưa kể góp vốn với bạn bè làm nhiều sân khác, mỗi sân đầu tư chừng vài chục đến cả trăm triệu nhưng sau đợt tết vừa rồi nghêu chết nên anh gần như tay trắng. Chiều nay, anh ra bãi mua sò giống về nuôi thử nghiệm. “Tui còn nuôi cả yến nữa! Phải làm nhiều thứ, lấy tiền đầu tư vào nghêu. Gắn bó với con nghêu gần 30 năm nay rồi, giờ bỏ nó lên bờ là không biết làm gì” - anh Bảy phân trần. Anh bảo, biển Tân Thành bây giờ buồn hiu. Anh cũng buồn hiu. Mấy năm nay nghêu cứ chết miết, vợ anh chán nên đâm đơn ly hôn, giờ mỗi người một ngả. Các con đã lớn, anh dựng vợ gả chồng rồi chúng đi xa lắc, còn anh một mình với nghêu; nhưng mấy năm nay nghêu cũng bỏ anh mà đi. “Hồi có tiền nói cái gì cũng được, khi hết tiền rồi nói chuyện với vợ, vợ cũng chẳng thèm nghe” - anh thở dài.

Ngồi cạnh anh Bảy là một người đàn ông trung niên, người rắn rỏi đậm chất biển nhưng hỏi chuyện cỡ nào cũng không nói. Anh cười cười rồi lẳng lặng đi sâu xuống dưới bãi. Chú Thiết, 57 tuổi, quê Bến Tre, là dân cào sò giống, neo thuyền ở biển Tân Thành đã 4 năm, kể: “Tâm hồn của ổng đang vắt ngoài bãi sò kia. Nghêu vừa mới chết, sò đến mùa thu hoạch, định cào sò chở vào bán thì chưa tìm ra mối, cào lên rồi không biết để sò ở đâu nên im lặng cũng phải. Giờ ông ấy mở miệng nói chuyện thì tui gọi ổng là thánh chớ không phải người”.

Những chủ sân nghêu ở biển Tân Thành mà chúng tôi gặp, gần như ai cũng mang vẻ mặt sầu thảm. Đi đâu cũng nghe những câu chuyện nghêu chết, thiệt hại hàng tỉ đồng. Như lời nhận xét của chú Thiết thì trăm người làm nghêu chắc có vài người nhờ nghêu mà kiếm được cơm, còn lại thì mất trắng. Bà Huỳnh Thị Kim Oanh có gần 10 năm nuôi nghêu với 
25ha nghêu, sản lượng dự định hàng trăm tấn, chỉ còn vài tuần nữa thu hoạch vậy mà nghêu chết sạch, mất trắng 5-6 tỉ đồng. Ông Lê Tùng Phương có 48ha nuôi nghêu trong hợp đồng và 16ha ngoài hợp đồng, đợt nghêu chết vừa rồi, nghêu ở sân của ông cũng chết đến 80-90%, chỉ trong vài ngày, ông mất gần 7 - 8 tỉ. Bi thảm nhất là có những trường hợp sân nghêu đã đến ngày thu hoạch, thương lái đã đến chờ sẵn, nhân công đến sân nghêu chuẩn bị thu hoạch thì phát hiện nghêu chết tất cả phủi tay đi về… Đó là trường hợp của ông Nguyễn Văn Nhịn có sân nghêu gần 22ha ở ấp Chợ, xã Tân Thành là một ví dụ. Ông Nhịn cay đắng kể lại: “Nghêu đã tới lứa thu hoạch với sản lượng ước khoảng 400 tấn (cỡ 80 con/kg). Nhưng đến ngày thu hoạch, nghêu chết gần như hoàn toàn, thiệt hại khoảng 6 tỉ đồng”.

Tất cả trông chờ vào… ý trời

Ông Phạm Văn Kịp - Phó Trưởng ban quản lý Cồn Bãi ngồi thẫn thờ nhìn về phía sân nghêu: “Nghêu chết, cụt vốn, chúng tôi phải ứng tiền của Nhà nước trên 700 triệu đồng để trang trải tiền dầu, ăn uống và trả lương cho anh em. Nếu cứ đến mùa thu hoạch mà nghêu cứ chết kiểu này thì anh em trong ban quản lý không biết phải làm sao. Cứ thả xuống rồi cho ăn, chứ những vấn đề khác thì không biết”.

6 năm qua, biển Tân Thành có đến 4 đợt nghêu chết, nhiều gia đình phải sống trong lo sợ mỗi khi vụ mùa sắp bắt đầu. Ông Lê Tùng Phương - người nuôi nghêu ở Tân Thành, liệt kê, năm 2010, gia đình ông bị thiệt hại khoảng 500-700 tấn nghêu, nếu tính giá tiền 20.000 đồng/kg thì mất hết 10 tỉ đồng. Năm 2011 có thiệt hại nhưng ít hơn. Đến năm 2013 thì thiệt hại trên 8 tỉ đồng. Năm 2015, tính sơ sơ cũng mất hết gần 
7 - 8 tỉ đồng. “Tiền lời của những năm trước đây đã biến mất và dần dần thâm hụt rất nhiều” - ông Phương thở dài.

Còn theo ông Kịp, những người nuôi nghêu còn cầm cự được là do họ trúng mùa năm trước, rồi dùng đồng lời đầu tư kinh doanh vào việc khác như mua vườn, mua ruộng hay kinh doanh dịch vụ. Còn những người trúng mùa năm trước mà dồn tất cả để đầu tư cho vụ nghêu sau thì lao đao. “Bởi chậm nhất là 2 năm thì xảy ra hiện tượng nghêu chết nên ai “đánh” dồn sau khi trúng mùa năm trước thì coi như mất trắng”.

Nghêu chết thì vẫn chết, còn nguyên nhân dường như đang phụ thuộc vào… ý trời, không ai, không một cơ quan chức năng nào kiểm soát và đưa ra được phương án giải quyết! Bằng chứng là, sau mỗi đợt nghêu chết, ngành chức năng tỉnh, huyện phối hợp cùng các viện, trường xuống lấy nhiều mẫu nước, cát, nghêu sống và chết để đem đi thử nghiệm nhưng vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân. Ông Nguyễn Văn Quý - quyền Trưởng phòng NNPTNT huyện Gò Công Đông, buồn rười rượi: “Nghêu chết như vậy mà không tìm ra được nguyên nhân gì và phòng tránh ra sao khiến chúng tôi rất buồn. Thiệt hại quá lớn. Nghề nuôi nghêu ngày một khó khăn hơn. Trước đây, người dân kiếm được con giống thả xuống là thấy có lời. Nhưng giai đoạn này, bữa trước kêu thương lái, bữa sau thu hoạch cũng chưa chắc ăn. Chỉ đem tiền bán nghêu về đến nhà mới thấy an tâm thôi. Năm nay, nghêu lại chết và thiệt hại ước tính bằng vụ lúa đông xuân của toàn huyện Gò Công Đông”.

“Tôi làm nghêu ở đây đã hơn quá nửa đời người, khi mà biển Tân Thành này mới lác đác vài hộ nuôi nghêu. Ngày đó, kinh nghiệm làm gì có, đâu có ban ngành nào quan tâm đâu nhưng làm đâu trúng đó. Mỗi ký nghêu giá từ 300 - 400 đồng, nghêu bán tính bằng đơn vị giỏ cần xé… còn bây giờ, làm 10 vụ thì họa may trúng được 4 vụ” - anh Bảy “nghêu” nói. Anh rằng, ngày anh mới làm nghêu, anh chỉ sợ nghêu bị ngập bùn, nhưng người nuôi nghêu hoàn toàn chủ động được, khi bùn sắp lên họ cho người cào nghêu và di dời đi. Còn bây giờ, nghêu sống trên cát mà cũng chết! “Sau Tết Nguyên đán, mùa gió chướng về mang theo bao nhiêu chất độc hại từ chất thải của các thành phố gần đó. Cô thử nghĩ xem, biển ngày trước đâu phải gánh chịu đủ thứ chất độc hại như bây giờ, những chuyến tàu chở chất thải đổ ra biển giờ cũng “làm biếng” chạy ra xa, chỉ thích đổ gần bờ để tiết kiệm được nhiên liệu. Con nghêu gần đến ngày thu hoạch thì hưởng trọn, không chết mới lạ” - anh Bảy “nghêu” phân tích.

Trời sập tối, những chòi canh ngoài sân nghêu lên đèn le lói. Chúng tôi hỏi chú Thiết: “Nghêu chết hết rồi, còn ở ngoài đó làm chi?”. Chú cười chua chát: “100 con, chết 90 con, còn 10 con thì cũng phải bám trụ lại chứ. Phải bám lấy sân nghêu để còn dễ mượn nợ, để chủ nợ có đòi thì nói “nghêu tôi chưa cào được”, còn cào lên mà nghêu chết thì họ cũng đành chịu, không lẽ cà răng móc mắt mình. Với lại, nuôi nghêu như yêu một người vậy, không lẽ một ngày người ta xấu xí là mình bỏ liền, làm vậy coi sao được...”.

 

 
LÊ TUYẾT - VĂN NGUYỄN
TIN LIÊN QUAN

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Đà Nẵng: Mai nở muộn, chủ vườn nóng ruột lo mất tết

Nguyễn Linh |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các chủ vườn mai trên địa bàn TP Đà Nẵng xót ruột vì thời tiết thất thường khiến mai nở muộn, sợ không trúng dịp tết.

Đường hoa Nguyễn Huệ trước giờ mở cửa cho người dân du xuân

Chân Phúc - Nguyễn Ly |

TPHCM - Đến thời điểm này, các hạng mục tại đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1) đã cơ bản hoàn thành. Đường hoa sẽ mở cửa cho người dân vào tham quan từ 19h ngày 19.1 (tức 28 Tết).