Đi chợ ve chai Sài Gòn

Lê Tuyết |

Gọi là “chợ” nhưng lại nằm trong khuôn viên một quán cà phê, khách vừa đi chợ vừa được nghe ca sĩ “chánh hiệu” Sài Gòn hát tặng một vài bài hát xưa cũ… Đôi khi khách đến chợ chỉ để nhìn một vài món đồ, tìm mua một chút hoài niệm, tiểu thương chẳng đặt nặng chuyện bán buôn lời lỗ… Những chuyện lạ đời ấy chỉ có ở chợ ve chai Sài Gòn.

“Người cười bán được nhiều, khách cười giá giảm phân nửa”

Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ loằn ngoằn nhiều ngã rẽ trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh, TPHCM), chợ ve chai Sài Gòn nhộn nhịp, tấp nập người đến vào mỗi sáng cuối tuần. Tôi đến chợ khi chợ đã họp quá nửa buổi, các nhà giữ xe tự phát hai bên con hẻm gần như chật kín chỗ, loay hoay một lúc cũng có nhà nhận giữ xe. Bà chủ nhà xe than thở nhưng không giấu được niềm hân hoan: “Cả tuần làm ăn được ngày chủ nhật, tôi phải huy động thêm 4 đứa cháu để trông xe mà không xuể”. Người đổ về quán đông như trẩy hội. Rộn ràng tiếng nói tiếng cười. “Người cười thì bán được nhiều, khách cười thì giá giảm đi một nửa. Chúc người bán, người mua vui vẻ, chiều lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Sau đây, tôi xin tặng mọi người bài hát “Về quê” của nhạc sĩ Phó Đức Phương…” - giọng nghệ sĩ Cao Minh - chủ quán càphê Cao Minh đồng thời là chủ chợ - trầm ấm vang lên trong tiếng guitar nhẹ nhàng.

Gần 10h, chợ bắt đầu phiên đấu giá. Anh Dương Đăng Cả - người cầm trịch buổi đấu giá - cho biết, mỗi phiên chợ đấu giá 10 món đồ. Các món đồ do các chủ quầy ở chợ đăng ký trước với đầy đủ thông tin về giá khởi điểm, nguồn gốc, xuất xứ, mọi thông tin phải trung thực, nếu phát hiện có lời gian dối thì chủ quầy bị cấm vào chợ. “Yêu cầu cung cấp thông tin trung thực về các món đồ cũng được đặt ra cho tất cả các món hàng, không riêng gì các món hàng đấu giá. Nếu khách mua hàng có nghi ngờ thì có thể nhờ các chuyên gia về đồ cổ thẩm định” - anh Cả nói.

“Bộ ấm chén được đục đẽo từ đá nguyên khối non nước Hà Tiên, hoa văn rồng phượng, giá khởi điểm 500.000 đồng, thời gian đấu giá là một bản nhạc” - thông tin món đồ được mang ra đấu giá đầu tiên vang lên. Kết thúc bản nhạc không lời “Vào hạ”, chị Võ Hoàng Lan là người thắng phiên đấu giá đầu tiên khi vượt qua gần 10 đối thủ, chị mua bộ ấm chén với giá 1,6 triệu đồng. “Ba tôi rất mê những bộ tách trà cổ, độc, lạ nên khi mới vào chợ tôi đã bị thu hút bởi bộ tách trà này. Tôi mua để làm quà tặng cho ba nên giá cả cũng không phải là vấn đề lớn lắm” - chị Lan chia sẻ. Anh Ngô Ngọc Tuấn là người đưa bộ ấm chén lên đấu giá không giấu được niềm vui khi món đồ của mình được khách mua nhanh chóng. Anh Tuấn cho biết, mỗi bộ ấm chén này được anh bán với giá 1,4 triệu đồng. “Nhưng tôi bỏ giá khởi điểm 500.000 đồng thôi, để mọi người thấy hứng thú còn tham gia. Có khi giá đấu không tới giá bán, nhưng điều đó quan trọng chi đâu, có người mua, có người yêu thích món đồ của mình là vui lắm rồi” - anh Tuấn chia sẻ.

“Được giá hay không, chỉ cần có người thích món đồ của mình thôi là vui” là chia sẻ của các tiểu thương ở chợ này. Có khi người mua hiểu tường tận món đồ hơn người bán, lại là người đi giải thích lại với chủ hàng, hoặc có khi người mua thích nhưng người bán lại không muốn bán dù được giá bởi cái lý do nghe như ngược đời “đem đồ ra chợ để chưng cho bằng bạn bằng bè, còn bán thì chưa có ý định”. 

Tôi ghé vào quầy hàng chuyên bán các đồ vật thời chiến, người chủ hàng tên Thạch Ngọc Khánh sau vài câu chuyện hỏi luôn tôi thích món nào thì anh tặng tôi món đó! Tôi chọn một cái la bàn cũ, anh cười bảo rằng có thể đó là đồ của Trung Quốc, rằng anh nói thiệt luôn, em ưng thì lấy, không thì đổi món khác. Tôi cười, bảo em không rành về la bàn, anh có thể không nói, giả như anh không biết, người đàn ông với bộ ria chẳng kém cạnh nhân vật Võ Tòng trong “Đất rừng phương Nam” là mấy, cười lớn: “Dối em làm chi. Nay em không biết rồi mai mốt em cũng biết, khi đó lại trách là ông anh này bán đồ dỏm. Phải nói thật, sau khách có quay lại chợ mà còn ghé quầy của mình”.

Người bán niềm vui, người mua hoài niệm

Chợ ve chai Sài Gòn không quá lớn nhưng hầu như thứ gì cũng có, từ những chiếc bật lửa Zippo đủ mọi kiểu dáng, những đồng tiền cổ xưa, những cuốn sách cũ, những chiếc lư đồng có tuổi thọ hàng chục năm cho đến các món trang sức, máy ảnh, máy phát nhạc đã cũ… Theo lời của nghệ sĩ Cao Minh, chợ không hẳn chỉ bán đồ cổ mà bán đồ đã qua sử dụng, đôi khi món đồ không còn giá trị với người này nhưng còn giá trị sử dụng với người khác, hoặc có người có hai món đồ giống nhau, muốn bán lại một món, hoặc có người biết món đồ này có một cặp, mang ra chợ để tìm chiếc thứ hai…

“Ban đầu chúng tôi tổ chức chợ trên mạng, địa chỉ trang web là saigonvechai.com, nơi mọi người mua bán trao đổi đồ cổ, hàng cũ, hàng đã qua sử dụng hay tất cả những gì mọi người nghĩ có thể bán được và có người mua… Chợ có tên là “ve chai” cũng vì thế, gần gũi, thoải mái như người Sài Gòn vậy. Phiên chợ online duy trì được gần 10 năm, chúng tôi gặp anh Cao Minh, cùng chung niềm vui mê đồ cổ, đồ cũ, vậy là anh em bàn nhau đưa về đây, lập nên chợ. Về đây, anh em không tốn bất kỳ khoản phí nào, lại có chỗ gặp nhau, nghe nhau nói, bắt tay nhau bằng xương bằng thịt, trên mạng “ảo” hoài cũng chẳng vui” - anh Dương Đăng Cả chia sẻ.

Chợ duy trì đã gần 3 năm, ban đầu chỉ một vài gian hàng của anh em trên web saigonvechai.com, khách khứa đến quán cũng là những khách quen của web, sau đó nhiều người tìm đến đăng ký mở quầy, khách nghe tên chợ là lạ đến càng ngày càng đông. Có người đến vì tò mò, có người đến hy vọng tìm mua một món hàng nào đó làm kỷ niệm, cũng có nhiều người chủ nhật nào cũng đến, đôi khi chẳng mua một món hàng nào, nhấm nháp một vài ngụm càphê, tìm mua chút thương nhớ quá vãng.

Một cái lon gô có giá 80 ngàn đồng, càmèn, biđông có giá 200 ngàn một cái, một vài cái muỗng inox “chính hãng” Mỹ… quầy hàng chuyên bán các đồ vật thời chiến của anh Thạch Ngọc Khánh luôn đắt khách. Là người lính từng đi qua chiến tranh, anh Phúc mua một vài bình biđông để tặng bạn bè, đồng đội cũ của mình, anh bảo “tặng nhau những món đồ này, chẳng phải chúng tôi muốn gợi lại quá khứ mà đơn giản đó sẽ là cách để chúng tôi bắt đầu câu chuyện về nhau, về những người đã ngã xuống trước chúng tôi, mà mãi chúng tôi chẳng bao giờ quên”.

Loay hoay một vòng chợ, đôi vợ chồng trung niên mua “một mớ” máy ảnh cũ, dòng máy cơ hiệu Minolta của Nhật Bản có giá 600.000 đồng. “Một mớ” vì có đến 3 cái máy, thêm ống kính rời không biết gắn vào cái máy nào cho vừa, vài cuộn phim đã hư… “Máy không dùng được nữa nhưng đấy là khao khát một thời của tôi. Ngày trước tôi không chạm được đến “em”, thì bây giờ tôi sẽ có được “em”, dù chỉ để ngắm thôi tôi cũng thấy vui” - người chồng cười.

Những người tìm đến chợ để mua một chút hoài niệm như anh Phúc, như đôi vợ chồng trung niên này không phải hiếm, ở chợ dễ dàng bắt gặp những ông cụ đã lãng tai, những ông tây đến chỉ để ngắm một vài món đồ. Cũng có người bày đồ ra để tìm bạn tri kỷ, tâm giao cùng yêu thích sưu tầm dòng sản phẩm nào đó, không đặt nặng chuyện bán buôn. “Tôi bán điện thoại ở quận 9, lúc nào rảnh rỗi, tôi lang thang về các tỉnh gần như Long An, Bình Phước, Tây Ninh… để mua những đồ độc, lạ. Rồi khi có được một món đồ mới, y như rằng, tối đó tôi chẳng ngủ được, chỉ mong đến sáng chủ nhật để đi chợ. Bày món đồ ra và nhận được một lời trầm trồ thôi là vui lắm rồi” - anh Tuấn bộc bạch.

Hơn 12h chợ tan. Người chọn được món hàng mình ưng thì vội gọi điện khoe với người thân, người chưa mua được món đồ nào thì tranh thủ nhìn, ngắm chụp một vài kiểu ảnh. Các tiểu thương dọn quầy hàng, cẩn thận sắp xếp lại từng món đồ, í ới hẹn nhau tuần sau hội ngộ…


Lê Tuyết
TIN LIÊN QUAN

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Đà Nẵng: Mai nở muộn, chủ vườn nóng ruột lo mất tết

Nguyễn Linh |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các chủ vườn mai trên địa bàn TP Đà Nẵng xót ruột vì thời tiết thất thường khiến mai nở muộn, sợ không trúng dịp tết.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.