Cắt lúa cho... bò ăn

XUÂN NHÀN |

7.682 hộ dân quay quắt vì thiếu nước sinh hoạt, 4.628ha lúa từng phút từng giây cháy khô, buộc phải cắt cho... bò ăn thay cỏ nhưng bò cũng không thèm. Hơn tuần nữa, nếu trời vẫn không mưa - khả năng đã được cơ quan chuyên môn dự báo - Bình Định sẽ mất đứt hơn 10.000ha lúa. Trên đường về Phù Mỹ - nơi gánh chịu thiên tai nặng nề nhất Bình Định - đầu óc tôi cứ hầm hập, ong ong những con số bốc khói.

Cầm cự “giữ ẩm”

Chủ tịch UBND xã Mỹ Tài Hồ Văn Long lúc lắc mái đầu phờ phạc, bù xù như tổ quạ, cặp mắt mất ngủ đờ đẫn vằn vện những tia máu đỏ: “10 năm rồi, chưa khi nào nắng nóng khốc liệt như năm nay”. Ông Long bấm điện thoại gọi cán bộ phụ trách giao thông - thủy lợi Nguyễn Thành Lân để chúng tôi được thông báo diễn biến mới nhất liên quan tới vũ điệu điên cuồng của con số thiệt hại. Chẳng buồn chào hỏi, Lân nhập đề ngay: “Có thêm lúa chết ở đồng Sắt, đồng Mới. 

Trưởng thôn Vạn Ninh 1 vừa báo. Chưa kịp thống kê mức độ tổn thất”. Có nghĩa Vạn Ninh 1 còn xếp hàng sau xa lắc mấy địa chỉ mà Chủ tịch Long ngao ngán đọc lên: Mỹ Hội 1, Mỹ Hội 2, Mỹ Hội 3, Vĩnh Phúc 7, Vĩnh Phúc 8, rồi đồng Cây Da, Hóc Quảng… 

Ông Long lại “báo cáo nhanh”, không cần viện sổ sách: “Toàn xã 354ha lúa hè thu, tới ngày 11.6, có hơn 150ha bị hạn hán nuốt chửng, gần 100ha thuộc diện mất trắng. Cũng chết dần chết mòn là 760ha cây trồng cạn. “Lỳ” cỡ cây sắn (chiếm phần lớn diện tích hoa màu, là chỗ dựa giải quyết công ăn việc làm, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Phù Mỹ và nghề làm bánh tráng cha truyền con nối ở địa phương) mà cắm xuống đất 6 tháng vẫn đỏ quạch, lè tè trên mặt đất cát thì nói năng chi! Hai công trình thủy lợi trọng điểm Hóc Quảng, Núi Giàu không còn một giọt nước”.

Mỹ Tài đang gồng mình cho mục tiêu níu giữ chừng 150ha lúa. “Thành bại ra sao chưa biết. Trước hết, ưu tiên cho những trà 2-2,5 tháng tuổi. Ngoài chuyện “hồn ai nấy giữ”, xã yêu cầu tạm ứng 24 triệu đồng từ nguồn cấp bù thủy lợi phí bên hợp tác xã nông nghiệp, đào 4 ao lớn, dùng chung: 2 cái ở Mỹ Hội 1; Mỹ Hội 3, Vĩnh Phúc 7 mỗi thôn 1 cái. Phải dè sẻn, thắt lưng buộc bụng thôi. Cố giằng co, cầm cự bằng lối tưới giữ ẩm. Không còn lựa chọn nào khác” - giọng vị chủ tịch ỉu xìu, nhất là đoạn phác họa bức tranh cho vài tháng tới - “Hè thu cạn nước, vụ mùa tới chỉ còn biết thả lúa gieo. Mọi năm, thường xê dịch khoảng 50-70 hộ thiếu lương thực kỳ giáp hạt. Năm nay, dự kiến của chúng tôi còn u ám hơn nhiều”.

Bò cũng chẳng buồn ăn

Trưa nắng như đổ lửa, cánh đồng Mỹ Hội vẫn lốm đốm, nhấp nhô những dáng người lặng lẽ, tảo tần, cam chịu. Trên thửa ruộng hơn 1 sào của gia đình ông Nguyễn Soi, một tốp ba chị em khăn áo bịt bùng đứng chia việc cho nhau. Trật mẩu khẩu trang ngột ngạt xuống dưới cằm, chị Nguyễn Thị Nguyệt quệt mồ hôi bằng cánh tay còn nắm chặt lưỡi liềm lấp loáng: “Nóng phát sảng luôn”. Có cảm giác như ở Mỹ Tài, khuôn mặt nào cũng chằng chịt nỗi héo hon, nhàu nhĩ. Thì cách đây ít phút, chỗ cầu Dốc Tầm kia, chẳng phải tôi đã ngại ngùng khựng lại trước dáng ngồi tiều tụy, ủ rủ, âu lo và buồn thảm của lão nông Đặng Thanh Liên đó sao! Ông Liên nhà ở Mỹ Hội 3, có 3 sào rưỡi ruộng sạ thì quá nửa đã cắt bỏ cho bò ăn. “6 miệng ăn chầu chực, đói là cái chắc. Thiệt là hết cách”.

Câu chuyện của chị Nguyệt cũng hiện diện chữ đói to đùng: “Không phải ngày một ngày hai, tới 3 tháng lận. Biết lấy gì ăn mà không đói. 3 sào lúa thì 2 sào làm cỏ cho bò mất rồi”. Nguyệt vừa trở về từ Mỹ Hòa, nơi chị tìm thấy giải pháp đắp đổi “chữa cháy” qua công việc hái ớt thuê, mỗi ngày được trả 100.000 đồng. Chị bảo cứ biền biệt lăn lóc khắp nơi, “ai kêu cũng dạ, ai thuê cũng ừ”, xúc cát, trộn hồ, chặt cây, nhổ đậu... 

Kể cả tụi nhỏ, nghỉ hè là nghỉ hẳn, chẳng học thêm học nếm gì hết. Đứa nào trộng trộng, có chút sức vóc nhờ cậy được thì trần lưng ra, phơi nắng phơi sương. Đám ruộng nhà ông Sỏi chị tham gia thanh lý là một trong những “di sản” thất bát cuối cùng ở Mỹ Hội thuộc danh sách buộc phải “chuyển đổi công năng”. Oái ăm, tức tưởi làm sao. Ở đó dồn chứa, thấm đẫm biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Những bông lúa qua giai đoạn cúi mình nhưng xác xơ, lép xẹp sóng soài, la liệt ngã rạp dưới lưỡi hái sắc ngọt, giận dữ của Nguyệt. 

Chị lầm lũi, thì thụp, nhấp nhô hành tiến, quay trái, quay phải, chồm lên trên, tuồng không muốn phí hao sức lực tiếp diễn cuộc trả treo. Đằng sau chị, ngút ngàn xác rạ vừa cắt bỏ đã đỏ sậm, khô cong. Phía đó, hai chị em bà Thân Thị Cúc chấp chới tới lui, nhẫn nại gom cuộn thành bó, quây tròn, chất đống, chờ chuyển về xóm trong làm thức ăn cho bò. “Mà bò cũng chê, nhai vô nhả ra, do đắng hay sao không biết. Ăn bao nhiêu, đỡ lo cỏ rác bấy nhiêu, chứ còn biết làm gì?” - bà Cúc nói.

“Vắt đất tìm nước”

Có hàng ngàn vết thương đang xé rách đồng đất Mỹ Tài. Cánh đồng tanh bành tựa hố đạn cày bom xới. Tôi theo Chi hội trưởng nông dân Mỹ Hội 3 Đặng Đình Thúc ra thăm khoảnh ao dùng chung mới đào. Ao sâu 4m, bề mặt mỗi chiều khoảng 9-10m. Lớp nước lấp xấp, mỏng tang rung rinh dưới đáy. 

Ông Thúc cho hay, có 57 hộ đang ngày ngóng đêm mong “ao làng” phát huy tác dụng. 2 ngày ồn ào sàng sảy bằng hình thức xoay vòng, sơ bộ đã xác định được 10 lá thăm may mắn. 47 trường hợp còn lại tiếp tục chờ đợi hên xui. Thật ra thì phần đông trong số 10 hộ đầu tiên cũng còn mỏi cổ dài dài. Đơn giản bởi nước ngầm tụt sâu, khánh kiệt, “chờ 5 tiếng mới bơm được 1 tiếng”. Thôi đành nháo nhào bung ra tự cứu. 

Cách đó 2 thửa ruộng, dưới mấy tàu dừa che chắn sơ sài và chiếc chõng tre lật ngược chỏng chơ, Trần Thị Thân lom khom đấu nối đoạn ống dẫn gắn vào chiếc mô tơ 2 sức ngựa. “Bám trụ thâu đêm suốt sáng. Tôi và một chủ ruộng khác bên cạnh, phải thay phiên canh chừng. Hễ bơm 5 phút là đứt mạch, không “cắm trại” trăm phần trăm, dễ cháy máy như chơi” - chị Thân giải thích. Số người có cơ may cứu vớt thành công nồi cơm gia đình không nhiều nhặn gì cho cam. 

Kể thêm chuyện về Nguyễn Văn Trứ, người đang loay hoay, chật vật giải cứu 1,05 sào ruộng đang độ lên đòng. Lại một trường hợp mang kiểu mặt buồn rười rượi. Giếng anh Trứ sâu hun hút, đào lên sụp xuống 2 hôm hãy còn nham nhở, lở lói. 

“Ruộng tuốt ngoài xa kia, dây nhợ lằng nhằng cũng 50m. Giếng đào nhờ ruộng người khác, bỏ hoang. Chỗ bạn bè thân thiết, nhưng mất hơn tuần năn nỉ ỉ ôi, tôi mới được ưng cho” - Trứ giới thiệu “đặc điểm tình hình” rồi mon men trườn xuống giếng, dùng bao xác rắn múc nước châm vào động cơ máy bơm. Những giọt nước tong tả rớt xuống. Mặc kệ, anh Trứ chẳng buồn cả liếc nhìn, hồn vía như đang để tận đẩu tận đâu.

Nắng nóng đe dọa thiêu đốt luôn tình làng nghĩa xóm. Anh Võ Đình Thám đặt một mũi khoan phát hiện ra nước. Ngay lập tức ông Đặng Văn Kỳ hăm hở nhào vô. Mũi khoan mới cách mũi khoan cũ chưa đầy 1m. Hai người hàng xóm bao nhiêu năm tối lửa tắt đèn có nhau cuối cùng chưa ai sứt đầu mẻ trán nhưng những gì xảy ra cũng đủ để họ có thêm một trải nghiệm hú hồn. Anh Nguyễn Thành Lân bổ sung vụ khác, dưới Mỹ Hội 2: Có 3 cái giếng quây quần một chỗ trong khi những chủ nhân của chúng chưa biết còn chờ đợi bao lâu để “gương vỡ lại lành”.

“Cùng tắc biến”, vùng tâm hạn đang xuất hiện dịch vụ cấp nước tư nhân. Chúng tôi khó khăn chút đỉnh để tiếp cận công trường tích nước của Đặng Văn Long. Lý do là ai đó trêu chọc anh chàng bằng phụ danh “bán nước”. Một cỗ xe đào cắm đầu cắm cổ hùng hục bới móc. 2 triệu đồng cho ca thi công kéo dài 4 tiếng đồng hồ, quy mô thiết kế 10 x 6 x 4m. Long bật mí, anh hy vọng tìm đủ nước cứu 2 sào lúa nhà và 4ha ruộng chung quanh. “Buôn bán gì đâu, chỉ là thu hồi phần điện tiêu hao”, Long phân bua còn người dẫn đường thì huỵch toẹt: “15.000 đồng/ giờ. Tôi còn lạ gì, Mỹ Tài đâu phải chỉ có mình Long”.

Ninh Thuận công bố thiên tai hạn hán

Ngày 9.6, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành quyết định công bố thiên tai hạn hán xảy ra từ ngày 1.1.2015 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Theo quyết định, từ vụ hè thu năm 2014 đến nay, lượng mưa trên địa bàn chỉ xấp xỉ 300mm, thấp hơn 50% so với cùng kỳ. Hiện lượng nước tại 20 hồ chứa chỉ đạt 7,9% dung tích thiết kế. Dự báo mùa khô năm nay có khả năng kéo dài đến tháng 8, nên tình trạng khô hạn, thiếu nước sẽ diễn ra trên diện rộng. Đến nay có 31/47 xã của 6/7 huyện, thành phố chịu tác động của khô hạn với hơn 41.000 khẩu cần hỗ trợ, cấp nước sinh hoạt. Hơn 500ha cây trồng mất trắng; hơn 16.000ha dừng sản xuất do thiếu nước; hơn 1.000 gia súc bị chết do thiếu nước và thức ăn...
H.V.M

 

 

 

XUÂN NHÀN
TIN LIÊN QUAN

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.