Bác sĩ không phải lúc nào cũng đủ sức chống lại tử thần

Khương Quỳnh |

Mất một tháng tĩnh tâm, người bác sĩ ấy mới quay lại công việc và hiểu thấu điều đã biết từ trước, rằng có những giới hạn của y học, bác sĩ không phải lúc nào cũng đủ sức chống lại tử thần.

Hơn 10 năm trong Khoa hồi sức, hằng ngày tiếp xúc với những bệnh nhân nặng nhất, tôi hiểu ra không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể chống lại cái chết. Ngược lại, chúng tôi phải bình tĩnh trước cái chết. Để khi đối diện với một bệnh nhân nguy kịch, điều duy nhất bác sĩ hồi sức phải nghĩ đến lúc đó là… sự sống”. Bác sĩ Đỗ Hồng Anh, một trong những nhân vật trong ghi chép này, nói về công việc của mình. 

Nắm từng giây giành bệnh nhân với tử thần

“Bác sĩ ơi! Mẹ em có cứu được không? Chỉ cần bác sĩ nói cứu được. Em về bán nhà ngay, lấy tiền chữa bệnh cho mẹ”. Chàng trai trẻ nhìn đăm đăm vào đôi mắt đầy ưu tư của bác sĩ Phan Vũ Anh Minh. Từng lời nói của cậu trút ra từ gan ruột.

Mất vài phút suy nghĩ, bác sĩ Minh  nói: “Tình thế mẹ em chưa nói được gì cả. Bác sĩ sẽ cố gắng cứu chữa. Nhưng em đừng vội bán nhà, nhé!”. Với một bác sĩ trẻ như Minh, những câu hỏi “nóng” của người nhà bệnh nhân không dễ trả lời. Anh không dám dùng từ “có” hoặc “không” khi bệnh nhân vẫn nằm trong lằn ranh sinh-tử. Một câu trả lời không chính xác của bác sĩ có thể đánh mất một gia đình.

Người phụ nữ 50 tuổi nằm trên giường bệnh kia là mẹ của hai anh em còn ở tuổi cắp sách đến trường. Chồng mất, bà trở thành lao động chính, một mình vất vả ngược xuôi nuôi con ăn học. Bà nhập viện vì bệnh viêm phổi rất nặng. 3 ngày đầu điều trị ở Khoa hồi sức, tình thế vô cùng xấu.

Hai tháng sau câu chuyện dang dở mà tôi chứng kiến, hôm nay, một ngày tháng 8 oi nồng, tại Khoa hồi sức của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bác sĩ Minh vui mừng loan tin, bệnh nhân nói trên đã qua cơn nguy kịch. Và sau thời gian tập vật lý trị liệu, bà đã có thể lao động trở lại.

Một niềm vui khác, hai người con đã không phải bán nhà chữa bệnh cho mẹ. Ở Khoa hồi sức - nơi điều trị cho những bệnh nhân có tình trạng nặng nhất, thậm chí là “thập tử nhất sinh” thì những câu chuyện như vậy không ít.

Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh giải thích bệnh tình của bệnh nhân với người nhà 

Với mỗi bệnh nhân, lằn ranh sinh – tử trở nên mong manh đến đáng sợ. Đó là lý do, bác sĩ phải nắm bắt được từng giây khắc quan trọng để có thể giành giật bệnh nhân từ bàn tay tử thần.

Giữa những tiếng “tút tút” phát ra liên tục từ hơn ba chục máy móc tại Khoa hồi sức thì thứ mềm mại nhất ở đây mà tôi cảm nhận có lẽ là lẵng hoa khô đề tên của đạo điễn Lê V. T. Với bác sĩ Đỗ Hồng Anh, phó Khoa hồi sức thì đạo diễn này là một bệnh nhân đặc biệt vì nhiều lần thoát chết trong gang tấc.

Cách đây 2 năm, ông nhập viện trong tình trạng bệnh tình rất xấu: Vừa bị nhiễm trùng khớp gối, nhiễm trùng máu kèm nhiều biến chứng. Sau nhiều lần hồi sức để qua được cơn nguy kịch, ông được mổ dẫn lưu khớp gối. Tưởng chừng sức khỏe tạm ổn, ông lại rơi vào tình trạng huyết khối tĩnh mạch. Sau ca mổ lấy huyết khối, dùng thuốc kháng đông, các bác sĩ lại một phen không kịp vuốt mồ hôi để đối phó với biến chứng chảy máu.

Sau một tháng điều trị căng thẳng, trải qua hàng chục lần nguy kịch phải cấp cứu, sức khỏe ông dần ổn và được xuất viện. Sau này, ông đạo diễn quay lại bệnh viện với một lẵng hoa khô cùng lời tri ân các bác sĩ, điều dưỡng đã cứu sống mình. “Và với chúng tôi đó là hạnh phúc không gì sánh nổi” – bác sĩ Hồng Anh chia sẻ

Những giới hạn trái khoáy...

Bác sĩ Đỗ Hồng Anh nằm trong số ít bác sĩ nữ gắn bó được với Khoa hồi sức – một công việc đòi hỏi sự tập trung, quyết đoán. Hôm nay, sau hơn hai chục năm vui buồn với công việc, chị trải lòng: “Thực ra, cũng có lúc tôi tưởng mình không thể tiếp tục với nghề nữa”. Chị từng quyết định chọn chuyên khoa hồi sức để theo đuổi với tâm thế của một người muốn giúp đỡ những người giữa “sự sống và cái chết”.

Một bệnh nhân ra đi trước sự ngỡ ngàng của chị. Bệnh nhân có tình trạng bệnh phức tạp và diễn tiến bệnh quá nhanh và mới hôm trước chị còn nghĩ bệnh nhân sẽ qua khỏi. Cái chết của bệnh nhân khiến chị rơi vào trầm cảm, tự dằn vặt mình.

Mất một tháng tĩnh tâm, người bác sĩ ấy mới quay lại công việc và hiểu thấu điều đã biết từ trước, rằng có những giới hạn của y học, bác sĩ không phải lúc nào cũng đủ sức chống lại tử thần.

Bác sĩ Phan Vũ Anh Minh hiểu rằng, giới hạn đó có khi lại vô cùng trái khoáy. Như trường hợp một anh thanh niên cất công đưa cha từ miền Bắc vào tận TPHCM điều trị ung thư. Hai cha con cắp nách được mấy chục triệu đồng – số tiền gom góp của cả dòng họ. Sau ca mổ, không may, ông cụ bị viêm phổi rất nặng nên được chuyển đến Khoa hồi sức của bệnh viện.

Bác sĩ không phải lúc nào cũng chiến thắng được tử thần 

Sau hơn hai tuần vất vả điều trị, ông cụ bắt đầu có những biểu hiện cải thiện dần dần. Tuy nhiên, dù sức khỏe của ông có khá hơn nhưng thời gian hai tuần cũng đủ để gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn vì số tiền đem theo đã cạn. Ngay thời điểm đó, anh thanh niên nói với các bác sĩ: “Ung thư thế nào cũng chết, xin bác sĩ cho cha tôi về”.

Mặc cho các bác sĩ thuyết phục rằng bệnh của ông đã cải thiện nhiều, gia đình không nên từ bỏ hy vọng nhưng ngay hôm ấy, anh con trai kiên quyết ký hồ sơ xin xuất viện, đập vỡ mọi nỗ lực của bác sĩ.

Áp lực trước nỗi cô đơn

15 giờ - như thường lệ, là giờ thăm bệnh tại khoa Hồi sức. Bên cạnh những bệnh nhân mê sảng, ngậm ống thở, những bệnh nhân còn tỉnh thì nằm trông ngóng người thân và cứ liên tục hỏi nếu chưa thấy ai vào thăm mình. Trong 90 phút thăm bệnh ngắn ngủi đó, nhiều bệnh nhân đã không giấu nổi nước mắt khi chẳng thấy người nhà đâu.

Điều dưỡng trưởng Hồ Thị Quỳnh Duyên đang đứng bên giường một ông cụ, vừa giúp ông làm vệ sinh vừa vui vẻ nhắc lại những lời ông cụ mới nói sảng trong lúc loạn thần. Ông cụ chối đay đảy: “Con nói vậy chứ đời nào mà bác nói bậy”. Chị điều dưỡng mỉm cười.

Nằm bệnh viện lâu ngày cộng với sự bứt rứt của bệnh tật, bệnh nhân thường xuyên bị căng thẳng, thậm chí vào cơn loạn thần cấp. Người vùng vằng, người chửi bậy, người giận dỗi…

Và điều dưỡng luôn là người hứng chịu trước tiên. Như ông cụ mà điều dưỡng Quỳnh Duyên đang chăm sóc. Những lúc bệnh tật hành hạ, ông trách móc con cháu, sau đó ông lại quay sang la mắng điều dưỡng bằng những lời thậm tệ. Mệt mỏi, ông cụ ôm mặt khóc rưng rức trách bản thân mình “tự nhiên phải vào bệnh viện”.

Đó là lúc điều dưỡng phải tìm đủ mọi cách xoa dịu sự xúc động của bệnh nhân, có lúc phải dỗ dành ông cụ như một người con trong nhà.

Những ngày đầu vào nghề, điều dưỡng Quỳnh Duyên từng sốc và bối rối khi bỗng dưng bị bệnh nhân la mắng. Bệnh nhân khóc, điều dưỡng cũng tủi thân và khóc vì bị mắng oan. Chị bảo khó khăn lắm mới có thể vượt qua thời gian đầu.

Bên cạnh những lần khóc oan, điều ám ảnh chị là những lần phải làm vệ sinh cho bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa. Lần đầu tiên giúp bệnh nhân này đi vệ sinh, chị đã không kiềm được cơn buồn nôn...

Dù như thế, tất cả những điều trên không bao giờ là hàng rào ngăn cản công việc của họ. Mỗi ngày, khó khăn, buồn, vất vả là thế nhưng cứ nghe người bệnh kể chuyện gia đình, thậm chí khi khỏe hơn một chút, nhiều bác bệnh nhân còn đọc thơ hay hát ngâm nga cho các bạn điều dưỡng nghe, niềm vui ấy cứ nhẹ nhàng lan tỏa, xóa tan mọi nhọc nhằn của một đêm trực vất vả.

Xin mượn câu trả lời của một điều dưỡng trong Khoa hồi sức để thay cho lời kết. Khi được hỏi điều khiến chị áp lực nhất, chị trả lời: “Đó không phải là vấn đề chuyên môn, vì những việc đó làm mãi tôi cũng quen rồi. Thứ khiến tôi cảm thấy sợ nhất đúng hơn là áp lực nhất chính là phải đụng đến nỗi cô đơn mà nhiều bệnh nhân phải chịu đựng”.

Quả vậy, khi đứng trước một cơn bạo bệnh, điều khiến con người ta sợ hãi có khi không phải là cái chết mà chính là nỗi cô đơn. Và giữa căn phòng chỉ toàn những tiếng “tút tút” khô khan lạnh lẽo này, một cái nắm tay, một lời hỏi thăm, một chút ân cần có lẽ là điều mà một bác sĩ hay điều dưỡng có thể làm để sưởi ấm trái tim của những người bệnh, cũng như trái tim của chính họ.

 



Khương Quỳnh
TIN LIÊN QUAN

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.