Áp cao lạnh lục địa tăng cường xuống phía Nam, sau đó di chuyển ra phía Đông suy yếu dần. Khoảng ngày 16.3, rãnh áp thấp có trục 24-27 độ vĩ Bắc được thiết lập, sau bị nén, dịch về phía Nam do tác động của không khí lạnh từ phía Bắc di chuyển xuống.
Do đó, thời tiết Nam Bộ trong 24h tới nắng nóng xuất hiện trên khu vực miền Đông và có nơi ở miền Tây.
Nhiệt độ cao nhất dao động từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Trong 2-3 ngày tới, nắng nóng gia tăng trên khu vực miền Đông và có nơi ở miền Tây.
Trời nắng nóng kết hợp với chỉ số tia cực tím ở mức cao tác động tới sức khỏe người dân khi tham gia các hoạt động ngoài trời trong thời gian kéo dài. Cùng với đó, độ ẩm trong không khí giảm thấp, thời tiết hanh khô, đề phòng xảy ra cháy nổ.
Trên biển, áp cao lạnh lục địa có khả năng được tăng cường yếu trở lại, gió Đông Bắc hoạt động có cường độ mạnh dần trên khu vực biển Nam Bộ.
Vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau có gió mạnh lên cấp 5-6, giật cấp 6-7; sóng cao 1,1-2,2 m; biển động nhẹ đến động.
Trong những ngày tới, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai sẽ lên nhanh theo kỳ triều cường đầu tháng 2 âm lịch. Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 11-13.3 (nhằm ngày 2-4.2 âm lịch).
Tại trạm Phú An và Nhà Bè có thể ở mức 1,60-1,65 m (xấp xỉ hoặc trên báo động III 0,05 m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6h và 18-20h.
Tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) có thể ở mức 1,85-1,90m (trên báo động I 0,05-0,10 m).
Tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) có thể ở mức 1,65-1,70 (trên báo động III 0,05-0,10 m).