Tiến bước khi người khác dừng chân

Kiều Bích Hậu |

Trong nghề gốm, họa sĩ Nguyễn Như Quang là người đầu tiên dám thay đổi gốm truyền thống và tạo nên xu hướng gốm mới, định hình tương lai của gốm Việt. Hơn 3 thập niên qua, sự chuyển mình của làng gốm Bát Tràng và không khí phát triển đầy sinh lực nơi đây có dấu ấn đậm nét của người họa sĩ này.

Người đổi đời cho gốm

Thập niên 90 thế kỷ trước, khi tôi còn đang là một cô sinh viên ngoại ngữ Khoa Anh, chưa tốt nghiệp đại học, đi làm thêm bằng nghề phiên dịch cho khách nước ngoài, tôi đã dẫn một số vị khách Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Anh tới cửa hàng Gốm Quang ở Hà Nội để giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ truyền thống Việt Nam, rất hấp dẫn bởi có sáng tạo đặc biệt. Các vị khách nước ngoài trầm trồ trước những sản phẩm gốm trang trí độc đáo với xà cừ, vỏ trứng,... trên nền màu gốm nguyên thủy. Thấy các vị khách nước ngoài thán phục sản phẩm do người Việt mình làm ra, mua về khá nhiều dù sản phẩm nặng và dễ vỡ, tôi lấy làm tự hào.

Do công việc cần giới thiệu với khách nước ngoài và thêm sự tò mò, tôi cũng tìm hiểu và được biết dòng gốm trang trí độc đáo này là tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Như Quang. Tôi lập tức nghĩ anh Quang hẳn là một người rất nổi tiếng và gặp anh không dễ. Quả vậy, tôi chỉ biết danh của anh, biết sản phẩm nổi tiếng anh sáng tạo, đọc một số bài báo viết về anh, nhưng chưa bao giờ gặp người họa sĩ tài hoa này ngoài đời.

Thế rồi cái duyên ấy cuối cùng cũng đến khi gần 30 năm sau, qua công việc mà tôi tình cờ quen biết vợ của họa sĩ Nguyễn Như Quang, chị Hoài Thương, phụ trách đối ngoại của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Chị mời tôi cùng đoàn nhà văn, dịch giả tới thăm bảo tàng của họa sĩ Nguyễn Như Quang vừa mới hoàn thành vào đầu xuân 2022, nhưng chưa kịp khai trương và mời khách rộng rãi do dịch bệnh COVID-19. Tôi và các thành viên trong đoàn cảm thấy thật may mắn khi là những người đầu tiên được đặt chân tới Quang Ceramic Art Space - “Không gian nghệ thuật gốm Quang” nằm tại Thôn 1, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Bảo tàng Quang gốm nằm trong khuôn viên rộng chừng 2.000 m2 ngay giữa làng gốm cổ Bát Tràng hơn 500 năm tuổi. Nơi này từng là một xưởng sản xuất gốm của họa sĩ Nguyễn Như Quang trước khi ông xây dựng một nhà máy mới rộng tới 3ha tại Quảng Ninh.

Truyền động lực cho các nghệ nhân

Bước chân vào bảo tàng, được trực tiếp vợ chồng họa sĩ Nguyễn Như Quang dẫn đi giới thiệu từng tác phẩm trưng bày, chúng tôi đã được hình dung trọn vẹn cuộc đời một người họa sĩ, một nhà sáng tạo tài ba với bộ óc kinh doanh nhạy bén. Hơn ba thập niên qua, ông không chỉ tạo nên một sự nghiệp lừng lẫy riêng cho mình, mà còn giúp cả một làng nghề hồi sinh, đổi mới và tiến bước trên con đường sáng tạo, hội nhập thế giới.

Không gian nghệ thuật Gốm Quang tại Bát Tràng. Ảnh: Nguyễn Quang Thái
Không gian nghệ thuật Gốm Quang tại Bát Tràng. Ảnh: Nguyễn Quang Thái
Không gian nghệ thuật Gốm Quang tại Bát Tràng. Ảnh: Nguyễn Quang Thái

Họa sĩ Nguyễn Như Quang sinh năm 1954 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Gốm Sơn mài -Trường Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp, Khóa IX, năm 1981. Năm 1983, họa sĩ Nguyễn Như Quang làm việc tại Cty Artex Hà Nội chuyên về xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Ông được biết đến là nhà thiết kế, nhà tổ chức sản xuất và xuất khẩu đồ Gốm mỹ thuật ứng dụng hàng đầu Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Cũng từ công việc này, ông trăn trở suy nghĩ, rằng làm sao để những sản phẩm truyền thống từ các làng nghề Việt Nam không chỉ giậm chân tại chỗ với mẫu mã không thay đổi qua cả trăm năm, có thể mang hơi thở thời đại và tiến tới hội nhập văn hóa sản phẩm toàn cầu. Ông chia sẻ: “Khi tới với các hội chợ quốc tế, thấy gian hàng của Việt Nam mình nghèo nàn quá, lèo tèo vài sản phẩm với mẫu mã cũ, không thu hút được khách tới xem. Trong khi đó, tại gian hàng các nước khác, khách tới xem mẫu, ký hợp đồng nhộn nhịp, khiến mình rất suy nghĩ. Phải tìm cách để thay đổi!”. Suy nghĩ ấy thôi thúc ông hành động ngay khi về nước, giải bằng được bài toán xuất khẩu cho gốm Việt. Ông lao vào tìm tòi, thiết kế mẫu mã mới cho gốm.

Và quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sáng tạo ấy của ông đã tựu thành kết quả. Năm 1993, họa sĩ Nguyễn Như Quang khởi đầu sự nghiệp bằng cuộc triển lãm “Giai điệu gốm” giới thiệu dự án 1.001 mẫu do chính ông thiết kế. Đây là cuộc triển lãm đã tạo tiếng vang lớn trong và ngoài giới làm nghệ thuật. Những mẫu gốm mới do ông thiết kế và phát triển đã được hầu hết cả làng gốm làm theo. Ông cũng trực tiếp hướng dẫn các chủ lò gốm trong làng Bát Tràng làm mẫu mới, thậm chí ông đưa hợp đồng xuất khẩu về cho họ, thuê họ gia công,...

Làng gốm Bát Tràng sôi động nhộn nhịp hẳn lên, thay da đổi thịt hàng ngày và phát triển mở rộng lên từ đó. Nhiều người không chỉ học ông cách làm gốm mới, con đường xuất khẩu gốm, mà còn học theo ông cả phong cách ăn mặc, lối sống, cách chơi nghề. Ai nấy đều yêu quý và biết ơn họa sĩ Nguyễn Như Quang, khi ông về làng, đều được đón tiếp như về nhà. Trong giai đoạn 1993 -2005, họa sĩ Nguyễn Như Quang đã góp phần không nhỏ vào việc đầu tư, xây dựng và khôi phục sự phát triển của làng gốm Bát Tràng, tạo hướng đi cho hoạt động xuất khẩu gốm Bát Tràng cho đến ngày hôm nay.

Được biết, hoạ sĩ Nguyễn Như Quang cũng chính là người khai sinh ra dòng Gốm - Sơn mài với thương hiệu Gốm Quang, một dòng gốm kết hợp chất liệu sơn mài truyền thống với chất liệu gốm để trở thành sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao và mang bản sắc văn hóa riêng, đậm chất Việt Nam. Sản phẩm Gốm Quang liên tục tham gia nhiều cuộc triển lãm quốc tế tại Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Italy, Nhật Bản, Hồng Kông, Hàn Quốc... Hoạt động của nhà máy Gốm Quang, cũng như những mẫu thiết kế do ông sáng tạo tạo ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất ở các làng nghề...

Dù đã rất thành công, nhưng người nghệ sỹ này vẫn không dừng bước. Hơn ai hết, ông hiểu rằng, dấn thân vào con đường sáng tạo, chính là có sứ mệnh dẫn dắt, định hướng, là cần tiến bước kể cả khi người khác dừng chân. Việc xây dựng nên bảo tàng riêng tại trung tâm làng gốm Bát Tràng, với họa sĩ Nguyễn Như Quang chính là tạo nên không gian bảo tồn gắn với từng giai đoạn phát triển của làng nghề, ghi lại những dấu ấn của làng gắn với kỷ niệm riêng của ông. Bảo tàng này ông làm cho chính mình, và cũng để trả nghĩa cho làng, đã đồng hành cùng ông trong tiến trình thay đổi, tạo nên cả một giai đoạn hưng thịnh của gốm Việt.

Có tới với bảo tàng, thì chúng tôi mới hiểu ra, rằng sau thương hiệu Quang gốm lẫy lừng, còn có người họa sĩ Nguyễn Như Quang đam mê hội hoạ với rất nhiều tranh khổ lớn. Ông vẽ các thể loại tranh đa dạng, từ sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, đến giấy dó. Ông cũng vẽ nhiều đề tài, nhưng nổi bật là Sen và Thiếu nữ. Tranh của ông nhiều khách hàng trong và ngoài nước sưu tập. Trong số những người sưu tập tranh của ông, có những nhà tài phiệt Âu Mỹ. Vậy mà những tranh còn lại, kể cả trưng trong bảo tàng mới hoàn thành, cũng không đủ chỗ, phải cất tạm trong kho.

Ngắm biết bao tác phẩm gốm nghệ thuật và tranh của Nguyễn Như Quang trong bảo tàng, trong kho chứa, cảm giác choáng ngợp dấy lên, tôi tự hỏi ông lấy đâu ra thời gian và nhiều năng lượng đến thế để làm ra tất cả những thứ này!? Vợ ông chia sẻ: “Anh Quang có năng lượng làm việc rất cao. Có đêm cao trào, từ bảy giờ tối tới mười hai giờ đêm, một mình anh vẽ tới vài trăm đĩa gốm cho khách Nhật. Nhiều bạn họa sĩ tới thăm xưởng vẽ, đã thốt lên “Nhìn ông vẽ thế này, tôi không thể buông bút vẽ để nghỉ ngơi được! Quả vậy, đã có nhiều họa sĩ đã nghỉ sáng tạo một thời gian, khi đi thăm anh Quang, tận mắt thấy anh làm việc, đã trở về tiếp tục sáng tạo. Anh ấy không cần nói, chỉ lặng lẽ làm việc, nhưng nhìn vào kết quả làm việc của anh, người khác được tạo động lực để tiếp tục phấn đấu”.

Kiều Bích Hậu
TIN LIÊN QUAN

Triển lãm giày gốm Bát Tràng - cầu nối văn hoá Việt Nam và Italia

AN NGUYÊN |

Triển lãm "Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hoá Ý" thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

Tinh hoa gốm Bát Tràng được đưa lên tà áo dài của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

Linh Chi |

Trước giờ G diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM, Nhà thiết kế (NTK) Trịnh Hoài Nam đã có những chia sẻ về ý nghĩa của những bộ áo dài sẽ được trình diễn vào tối 5.3.

Trải nghiệm cảm giác tự làm gốm tại Bát Tràng dịp cuối tuần

Thiều Trang |

Làng gốm Bát Tràng là một trong những điểm trải nghiệm lý tưởng của các bạn học sinh, sinh viên và hộ gia đình dịp cuối tuần.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

FLC hẹn ít nhất 7 tháng nữa sẽ niêm yết cổ phiếu trở lại UPCOM

Đức Mạnh |

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCOM.

Chủ tịch Vietlott làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam

PHẠM ĐÔNG |

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Triển lãm giày gốm Bát Tràng - cầu nối văn hoá Việt Nam và Italia

AN NGUYÊN |

Triển lãm "Chiếc giày gốm Bát Tràng và cuộc dạo chơi cùng văn hoá Ý" thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng.

Tinh hoa gốm Bát Tràng được đưa lên tà áo dài của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam

Linh Chi |

Trước giờ G diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Áo dài TPHCM, Nhà thiết kế (NTK) Trịnh Hoài Nam đã có những chia sẻ về ý nghĩa của những bộ áo dài sẽ được trình diễn vào tối 5.3.

Trải nghiệm cảm giác tự làm gốm tại Bát Tràng dịp cuối tuần

Thiều Trang |

Làng gốm Bát Tràng là một trong những điểm trải nghiệm lý tưởng của các bạn học sinh, sinh viên và hộ gia đình dịp cuối tuần.