Nhớ Tết năm xưa

Hữu Đạt |

Tết Quý Mão đang đến gần. Hà Nội và nhiều thành phố trong cả nước vui náo nức. Niềm vui tràn khắp cả các vùng nông thôn và miền núi. Quang cảnh và không khí đón Tết thật tưng bừng. Nhà nhà đổ về các siêu thị và các chợ lớn của thành phố để sắm sanh các đồ ăn thức uống.

Chưa bao giờ hàng Tết lại đa dạng và phong phú đến thế. Cảnh tượng đó làm cho chúng ta chạnh nhớ lại những cái Tết năm xưa - Tết của thời sau chiến tranh, chúng ta vẫn gọi chung là - Tết thời bao cấp.

Thời đó đất nước vô cùng nghèo đói. Nền kinh tế kiệt quệ vì bao năm chiến tranh tàn phá lại thêm bị cấm vận. Mỗi năm khi Tết đến, nhà nào cũng phải chạy đôn đáo khắp nơi để lo xếp hàng mua đồ Tết. Theo chế độ phân phối lúc bấy giờ, tất cả các mặt hàng từ lương thực đến thực phẩm đều được quy định trong tem phiếu. Do đó, việc xếp hàng đã trở thành nỗi lo của nhiều người dân và cán bộ công nhân viên.

Từ trước Tết hàng nửa tháng, người ta đã phải lo mua dầu, mua gạo và các loại thực phẩm có thể để được lâu như miến, măng, đường, nước chấm... còn trước một tuần thì ai cũng lo đi xếp hàng mua lá dong, lạt gói bánh... là những thứ không thể thiếu trong sinh hoạt ngày Tết của mình.

Vì hàng hóa thời đó rất khan hiếm, nên nhiều cửa hàng chỉ bán đến nửa buổi đã hết sạch mọi thứ trong kho, thành ra để chắc ăn, người ta phải đi xếp hàng từ sáng sớm, có khi đi từ lúc nửa đêm. Xếp hàng một nơi rất khó đảm bảo việc mua được hàng, do vậy mới sinh ra cái việc giữ chỗ bằng cách đặt cục gạch.

Cụm từ “đặt cục gạch” lúc đầu được sử dụng để nói về việc xếp hàng mua lương thực, thực phẩm thời bao cấp, về sau đã mở rộng ý nghĩa dùng sang các lĩnh vực khác như xếp hàng lên lương, xếp hàng chờ đến lượt đi nước ngoài, xếp hàng chờ đến lượt được phân phối nhà hay xe...

Nói đến sinh hoạt thời bao cấp, lập tức ai cũng nghĩ ngay đến hai chữ “xếp hàng”. Ngày thường, “xếp hàng” đã làm người ta mệt mỏi, ngày Tết càng khiến người ta mệt mỏi hơn. Bởi, ngày Tết, giá cả ngoài thị trường thường tăng cao, các vật dụng thiết yếu của mỗi gia đình lại nằm trong các sổ mua hàng và tem phiếu.

Giá phân phối trong tem phiếu rẻ hơn giá thị trường rất nhiều, nên sống chết cũng phải đi xếp hàng để mua cho được, nhất là mỗi thứ hàng như thế lại chỉ được bán trong một kỳ hạn nhất định. Không mua thì hết hạn, phải bỏ phí. Tiền lương của cán bộ, công nhân viên chỉ ba cọc ba đồng làm sao có thể mua hàng bán ngoài thị trường với giá cao “cắt cổ”?

Khổ nhất là cảnh mua thịt lợn Tết. Đó là thứ thực phẩm để lâu không được, nên nhà nào nhà nấy phải để giáp Tết mới mua. Thông thường, người ta tập trung xếp hàng mua thứ thực phẩm này từ ngày 27 tháng Chạp. Trong mấy ngày từ ngày 27 đến ngày 30, cửa hàng nào cũng chật cứng người. Vào lúc 6 giờ sáng, khi cửa hàng chưa mở cửa, người khắp nơi đã đến đứng trước quầy bán thịt thành hai hàng dài ra tận đường phố, ngoằn ngoèo như con rắn khổng lồ. Cứ sau mỗi một đợt giao hàng, người vừa vợi đi một chút thì lập tức lại được bổ sung, mỗi lúc một đông hơn.

Bởi vì, thịt không có nhiều, chỉ bán được khoảng hơn một tiếng lại hết. Cả nhân viên và người mua đều chờ lô thịt mới đang còn trong lò mổ. Nam giới thì hút thuốc lá, phụ nữ thì ngáp ngắn, ngáp dài. Khi có chiếc xe chở thịt xuất hiện, dòng người lại ào lên, chen lấn, hò hét. Ai cũng muốn được mua trước để được phần thịt ngon. Đó là thịt dùng để gói bánh chưng hoặc làm các món xào nấu quan trọng.

Các cửa hàng đông đúc người dân đi mua sắm hàng Tết. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Các cửa hàng đông đúc người dân đi mua sắm hàng Tết. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Sau việc xếp hàng mua thịt lợn thì mua lá dong và lạt gói bánh cũng là câu chuyện không đơn giản. Nhiều người không có kinh nghiệm tính đến việc nhàn nhã nên đã đi mua trước loại hàng này chừng nửa tháng hoặc hai mươi ngày. Nhưng họ không lường trước được một điều rằng, lá dong từ miền núi chuyển về đến Hà Nội đã để lâu trong kho nên khi đến tay người dùng lá không còn xanh nữa. Đã thế, mua sớm đem về nhà không có cách bảo quản, lá lại càng úa hơn. Đến lúc mở lá ra gói bánh thì lá đã vàng ủng. Bởi vậy, người nào dùng tem phiếu lâu năm mới có kinh nghiệm. Họ chỉ mua lá dong trước Tết vài ngày. Khi mua họ cũng giở từng bó, bó lá nào có nhiều lá hỏng thì lọc ra, trả lại cửa hàng.

Trong việc gói bánh chưng, lạt buộc có một vai trò quan trọng. Thông thường, lạt được tước theo cách “lột” từ ngoài vào trong, chủ yếu lấy phần cật và gần cật của thân ống giang, lạt mới dẻo và dễ buộc. Lạt dẻo thì không làm rách lá, bánh mới đẹp và chín đều. Nếu lá rách, nước sẽ ngấm vào trong, bánh dễ thiu. Nhưng lạt gói bánh ở cửa hàng phân phối phần lớn là loại lạt được chẻ nghiêng, gồm cả cật và ruột, nên rất giòn và dễ gãy. Bởi thế, tìm được một cửa hàng có loại lạt ưng ý cũng khá vất vả.

Thời bao cấp cái gì cũng thiếu nên việc chuẩn bị Tết rất công phu. Bắt đầu từ tháng Chạp, các cơ quan đã phải cử người xuống các địa phương liên hệ để mua thêm lợn, gạo nếp, thậm chí cả miến, măng, lá dong... về chia cho cán bộ, công nhân viên. Cơ quan nào có quan hệ mật thiết với các địa phương thì khẩu phần Tết rất phong phú. Thành ra những người làm công tác công đoàn thường có rất nhiều việc. Họ phải mổ lợn, chia gạo, chia lá rồi đem đến cho từng gia đình. Chính nhờ có các hoạt động đó mà người ta gắn bó với nhau hơn.

Từ khi Đảng và Nhà nước tiến hành đổi mới, chế độ bao cấp được xóa bỏ, đất nước phát triển theo hướng hiện đại hóa và kinh tế thị trường nên hàng hóa không còn khan hiếm. Trái lại, lương thực, thực phẩm đều nhiều quá mức dồi dào. Vì thế, Tết đến người ta không còn phải mất thời gian lo sắm hàng Tết như trước đây mà đủng đỉnh ngồi nhà đợi đến lúc “sát Tết” mới đem tiền ra chợ.

Khách hàng bây giờ là “Thượng đế” nên đến đâu người mua cũng được mời chào nhiệt tình. Người nào bận rộn chỉ cần bấm vào máy điện thoại là có rất nhiều nguồn dịch vụ sẵn sàng đem mọi thứ đến tận nhà với giá phải chăng. Cuộc Đổi mới toàn diện đất nước đã tạo ra một nguồn cung vô cùng dồi dào đáp ứng cho mọi sở thích của người tiêu dùng.

Ngay cả bánh chưng, bánh tét là loại bánh truyền thống trước đây nhà nào cũng gói để đón Tết nay cũng có đội quân dịch vụ hùng hậu phục vụ, sẵn sàng đem bánh đến tận nơi theo đơn đặt hàng. Vì vậy, không ai còn phải lo nghĩ đến việc xếp hàng mua gạo hay lá dong như thời xưa nữa.

Có thể nói, việc chuẩn bị Tết bây giờ rất nhàn hạ. Chính vì thế không khí trước Tết có phần tẻ nhạt hơn những năm tháng trước đây. Nếu như những năm bao cấp từ khoảng giữa tháng Chạp không khí chuẩn bị Tết đã có phần náo nức, rộn rịp thì ngày nay khoảng ngoài hai mươi tháng Chạp, đường phố vẫn êm ả như ngày thường.

Do đời sống kinh tế phát triển, giờ đây, việc chơi hoa đào, hoa mai trong ngày Tết không chỉ có ở các thành phố lớn như trước đây mà ngay cả các thị xã và thị trấn nhỏ, cũng như các vùng nông thôn, thú chơi hoa đào, hoa mai và cây cảnh cũng ngày càng phổ biến.

Người ta không chỉ chơi hoa đào do con người chăm tưới mà còn chơi cả hoa đào hoang dã (đào rừng) với những cây hoặc nhánh “to khủng”. Thú chơi này phát sinh khi đất nước được phát triển theo hướng đô thị hóa hiện đại. Nhiều nhà không còn phải sống trong các gian lắp ghép nhỏ hẹp hay các gian nhà tập thể mà có các ngôi biệt thự, nhà liền kề khang trang. Những cây hay cánh đào rừng biến thành thú chơi càng làm cho đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú.

Đón Tết năm Quý Mão, nhắc lại Tết xưa để hiểu thêm giá trị và ý nghĩa của cuộc sống hôm nay. Vui đón Tết, mỗi chúng ta đều nhớ đến những chặng đường lịch sử của dân tộc, cùng có ý thức gìn giữ và bảo vệ hòa bình để đất nước tươi xanh mãi mãi.

Hữu Đạt
TIN LIÊN QUAN

Hoài niệm không gian Tết xưa giữa lòng TPHCM

Việt Phong |

Xin chữ, nặn tò he, ngắm mai vàng... là những hoạt động đặc sắc đang được diễn ra tại Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 nhằm tái hiện lại không gian Tết đầy hoài niệm ngay giữa trung tâm thành phố.

Sinh viên nước ngoài vui Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay trên đất Việt

NGUYÊN ANH |

Kiên Giang - Ngày hội đã giúp sinh viên dân tộc Khmer và sinh viên Campuchia đang theo học tại trường có một cái tết đầm ấm, trọn vẹn dù đang học xa nhà, xa quê hương.

Bàn về ẩm thực trên mâm cỗ Tết xưa và nay

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Ngày Tết nói chuyện ẩm thực là để nhằm gợi cái thú tao nhã trong hưởng thụ vật chất. Theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Tuân, quan trọng của nghệ thuật ẩm thực là trong không gian nào, cùng với ai và tâm thế nào. Đó chính là văn hóa ẩm thực.

Cô gái Singapore sốc khi nhờ AI lên kế hoạch du lịch Việt Nam

Thúy Ngọc |

Melissa Tan sử dụng Notion AI để lên kế hoạch chuyến du lịch Việt Nam một mình trong 12 ngày, bắt đầu từ Hà Nội. Kết quả khiến cô sững sờ.

TPHCM: Hơn 31.000 xe hết hạn tạm giữ chưa được xử lý

MINH QUÂN |

TPHCM - Thời gian dài, thủ tục nhiều khiến hơn 31.000 phương tiện giao thông vi phạm quá thời hạn bị tạm giữ tại các kho tang vật của Cảnh sát giao thông TP Hồ Chí Minh chưa được xử lý.

Đà Nẵng: Kẻ gian đập phá trụ ATM ngân hàng trộm tiền giữa phố

Mai Hương |

Chiều 23.3, nhân viên Ngân hàng Thương mại CP Đông Á phát hiện trụ ATM trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bị kẻ gian đập phá.

Hai tấm thẻ đỏ và bài học cho U23 Việt Nam

PHẠM ĐÌNH |

U23 Việt Nam đã nhận bài học sau trận đấu với U23 Iraq ở giải giao hữu quốc tế Doha Cup 2023.

Tài chính thông minh: Tất tần tật về đầu tư vàng để sinh lời tối ưu

Nhóm PV |

Vàng là tài sản tích trữ và đầu tư phổ biến với người dân Việt Nam. Kim loại quý còn công cụ phòng thủ vững chắc trước những biến động kinh tế và bảo toàn giá trị tăng trưởng qua thời gian. Ông Tạ Thanh Tùng - chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT - sẽ tiết lộ chi tiết trong số Tài chính thông minh (laodong.vn) hôm nay.

Hoài niệm không gian Tết xưa giữa lòng TPHCM

Việt Phong |

Xin chữ, nặn tò he, ngắm mai vàng... là những hoạt động đặc sắc đang được diễn ra tại Lễ hội Tết Việt Quý Mão 2023 nhằm tái hiện lại không gian Tết đầy hoài niệm ngay giữa trung tâm thành phố.

Sinh viên nước ngoài vui Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay trên đất Việt

NGUYÊN ANH |

Kiên Giang - Ngày hội đã giúp sinh viên dân tộc Khmer và sinh viên Campuchia đang theo học tại trường có một cái tết đầm ấm, trọn vẹn dù đang học xa nhà, xa quê hương.

Bàn về ẩm thực trên mâm cỗ Tết xưa và nay

Nhà văn Bùi Việt Thắng |

Ngày Tết nói chuyện ẩm thực là để nhằm gợi cái thú tao nhã trong hưởng thụ vật chất. Theo cách diễn đạt của nhà văn Nguyễn Tuân, quan trọng của nghệ thuật ẩm thực là trong không gian nào, cùng với ai và tâm thế nào. Đó chính là văn hóa ẩm thực.