Hoạn lộ thăng trầm của Nguyễn Công Trứ qua tư liệu Châu bản triều Nguyễn

HỒNG NHUNG (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) |

Năm 2018 là chẵn 240 năm sinh và 160 năm mất Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858). Ông làm quan trải qua ba đời vua triều Nguyễn là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Đậu giải nguyên năm 42 tuổi, ngay trong năm đầu niên hiệu Minh Mạng (1820), Nguyễn Công Trứ được bổ Hành tẩu Sử quán, chưa được chín năm thăng Hình bộ Tham tri Thự Tổng đốc. Bước công danh của ông ban đầu khá thuận lợi nhưng rồi lại trầy trật, thăng giáng liên miên, để rồi đến cuối sự nghiệp làm quan ông về hưu với hàm Thừa Thiên Phủ doãn (Tam phẩm).

1. Hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ trải qua nhiều thăng trầm và sự kiện quan trọng đánh dấu bước đường công danh của ông là năm Minh Mạng thứ 5 (1824), ông được thăng bổ Lang trung Bộ Lại, rồi cùng với Lang trung bộ Lễ Thân Văn Quyền đều thọ chức Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, vì Hoàng Kim Hoán tâu: “Hai ông ấy, một ông khoa mục giỏi, một ông là cống cử có tiếng, có thể làm khuôn phép được” , tháng 10 cùng năm lại thăng Thiêm sự Bộ Hình. Ngay trong năm tiếp theo, năm Minh Mạng thứ 6 (1825), ông được bổ Phủ thừa Thừa Thiên. Cuối năm đó, ông được thăng làm Tham hiệp trấn Thanh Hoa. Lúc bấy giờ Lê Duy Lương tụ tập đồ đảng ở địa hạt Ngọc Sơn và Nông Cống, mưu làm loạn. Tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ông dâng sớ tiễu trừ. Vua y cho. Tháng 6 năm 1826, gia đình có tang, ông xin về đình ưu, vua phát cho 100 lạng bạc. Khi việc tang đã xong, nhà vua có chỉ bổ ông ra làm Tham hiệp Thanh Hoa kèm theo lời dụ rằng: “Trước kia hai trấn Thanh Nghệ trộm cướp nổi nhiều, vì trấn thần vỗ về chống giữ có phương pháp, dân nhiều người ra sức, bắt được 8, 9 phần 10 kẻ phạm, như thế thì dân ta có phụ gì triều đình đâu. Nay ngươi đến bảo rõ đức ý của triều đình, chiêu tập những dân xiêu tán, tiễu trừ những đảng giặc sót để cho biên phương yên lặng lâu dài, ấy là điều trẫm mong đợi”. Châu bản triều Nguyễn còn ghi: Trên đường đi, đến huyện Hải Lăng (Quảng Trị) thì ông bị bệnh. Vua phái Thị vệ đem theo thái y Hoàng Tăng Thiện đến huyện để khám chữa cho. Sau một tuần, Nguyễn Công Trứ khỏi bệnh, xin vào ngày 3 tháng 12 tới trấn tiếp tục làm công vụ. Như vậy, dù trong đời làm quan bị giáng nhiều lần nhưng cũng không ít lần Nguyễn Công Trứ được nhận vinh hạnh đặc cách của vua. Tháng 12 năm đó, vua cho Tham hiệp Thanh Hoa là Nguyễn Công Trứ gia hàm Thị lang quyền biện Hình tào Bắc Thành.

2. Tài liệu Châu bản triều Nguyễn cho biết, tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 8 (1827) trấn Nam Định cấp báo, ngày 11 bọn phỉ thủy bộ tiến đến xã Hội Khê, huyện Vũ Tiên, Phó thống thập cơ Oai thắng của hậu quân là Phan Bá Hùng đem binh tượng chống cự; Phó Thống thập cơ Hùng dũng của Hữu quân là Phan Đình Bảo và Tham tán Nguyễn Công Trứ đem biền binh của các dinh, vệ, cơ từ huyện Thư Trì thẳng đến phủ Kiến Xương hội nhau truy tiễu. Quan Bắc thành đem việc tâu lên. Vua sai thưởng Bá Hùng gia một cấp quân công, Đình Bảo và Công Trứ đều hai thứ kỷ lục quân công. Cũng theo Châu bản triều Nguyễn, tháng 2 năm đó, vùng Nam Định có Phan Bá Vành chia phái đồ đảng ngăn chặn các đường thủy bộ ở huyện Thư Trì, vua sai Nguyễn Công Trứ cùng với quan Thống quản Phạm Văn Lý đi tiễu trừ. Ông đánh mấy trận, Phan Bá Vành thua rút về Trà Lũ, quân ông thẳng đến vây đánh, bắt được Phan Bá Vành và đồ đảng. Vua được tin hết sức vui mừng, xuống chiếu ban thưởng. Ngay trong năm sau, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), theo sách Đại Nam thực lục, Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Dinh điền sứ khi đang là Thị lang bộ Hình. Từ đó, ông chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang tại các nơi duyên hải Nam Định, Ninh Bình. Công việc kinh lý chỉ hơn một năm mà lập được hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn. Đây là di sản quý giá và cũng là công lao lớn nhất của ông trong sự nghiệp kinh bang tế thế của mình.

Với những thành tích và đóng góp đó, năm Minh Mạng thứ 11 (1830), ông được triệu về Kinh, bổ làm hữu Tham tri bộ Hình. Sang năm sau, vì việc cử Phí Quý Trại làm Huyện thừa huyện Tiền Hải mà ông bị giáng bổ Tri huyện ở Kinh. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), ông được thăng làm Lang trung Nội vụ, sau đó được bổ Bố chánh Hải Dương. Lúc ông đi nhậm chức, Minh Mạng có dụ rằng: “Khanh nhà nghèo, Trẫm vẫn biết rõ, nay ra tân lị, cứ giữ lòng thanh liêm như thế, nếu chi dụng không đủ, thì mật tâu về Trẫm sẽ chu cấp cho”. Đến tỉnh lị được hai tháng, ông túng bấn trong tiêu pha, mật tấu về, vua sai thị vệ đem cho hai chục bánh thuốc, trà, mỗi bánh ở trong có một nén bạc. Cũng trong năm đó, ông được thăng Thự tổng đốc Hải An (Hải Dương, Quảng Yên) và Binh bộ Tham tri.

Không chỉ là một quan văn với các chính tích về cai trị, Nguyễn Công Trứ còn lập được một số võ công đặc biệt. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), ở mạn Thượng du có Nông Văn Vân nổi lên đánh phá kịch liệt. Ông phụng chỉ làm Tham tán quân vụ, hiệp với Tổng đốc quân vụ đạo Tuyên Quang Lê Văn Đức chia đường đánh dẹp. Quan quân phải nhiều phen trèo non lội suối, dãi nắng dầm mưa, đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835) mới phá được sào huyệt của giặc và vây Nông Văn Vân vào một khu rừng, dùng phép hỏa công đốt chết, xác rơi xuống sườn núi, đóng hòm thủ cấp Nông Văn Vân đưa về Kinh. Cùng năm đó, ông được bổ Thượng thư Bộ Binh, Tổng đốc Hải Yên.

3. Yên ổn được vài ba năm, đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) Nguyễn Công Trứ bị giáng xuống Hữu Tham tri Bộ Binh. “Đại Nam thực lục” chép: “Trứ, trước kia đi Quảng Yên bắt giặc, làm việc không khéo, đến nay triệu về Kinh giao bộ Lại xét. Bộ xin theo lệ nịch chức, xử cách chức. Vua đặc cách đổi cho làm giáng xuống chức này...”. Qua năm Minh Mạng thứ 21 (1840), ông được sung Chủ khảo trường thi Hà Nội rồi thăng Thự Tả Đô ngự sử Viện Đô sát nhưng vẫn kiêm Hữu Tham tri Bộ Binh. Lúc trở về, nhân ở thành Trấn Tây (Cao Man) có giặc, quan quân đánh dẹp chưa yên, ông dâng sớ xin tòng chinh. Châu bản triều Nguyễn còn lưu bản Tấu của Nguyễn Công Trứ: “Thần nay đã 63 tuổi, sức lực tuy bất cập, nhưng nay thổ phỉ gây rối ở Trấn Tây. Địa thế của hạt ấy mênh mông, chia ra nhiều ngả, cần phải chia ra đánh dẹp. Vậy thần xin được đến Trấn Tây cùng các viên tướng đánh dẹp”. Vua y lời rồi chuẩn cho ông làm Tán lý Cơ vụ, đến Trấn Tây hiệp đồng cùng nhóm Phạm Văn Điển cầm quân đánh giặc. Khi vào từ biệt trước thềm để đi, vua dụ bảo rằng: “Bọn Phạm Văn Điển, Nguyễn Tiến Lâm, không lo là không mạnh, chỉ lo không có mưu, mà trong quân chỉ có văn viên tứ phẩm là Đinh Văn Huy, bàn bạc việc quân, sợ hoặc chưa trúng khớp. Khanh là nho tướng, việc quân lữ vốn đã quen thạo, cốt nên cùng nhau đắn đo cơ nghi, sớm được thành công lớn để xứng với uỷ nhiệm”.

Đến năm đầu niên hiệu Thiệu Trị (1841), Nguyễn Công Trứ cùng tướng quân Trương Minh Giảng đánh phá đồn giặc nhiều nơi, được thưởng quân công một cấp. Tháng hai năm ấy, ông được sung chức Tham tán Đại thần ở Trấn Tây. Tài liệu Châu bản triều Nguyễn cho biết: Sau vì tình thế khó khăn, quan quân Trấn Tây phải rút về tỉnh An Giang, ông bị cách chức hàm Thự tả Đô ngự sử kiêm Tham tri bộ Binh, giáng xuống làm Lang trung bộ Binh, quyền lĩnh chức Tuần phủ tỉnh An Giang. Ít lâu sau, nhân đánh tan được Lâm Sâm ở Sâm Đô, Phủ Lạc Hóa đều yên cả nên ông lại được khởi phục làm Thị lang bộ Binh, vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang. Ông được thăng Tham tri bộ Binh vào năm Thiệu Trị thứ ba (1843), vẫn lĩnh Tuần phủ An Giang. Vì bị vu cáo, năm sau đó ông lại bị cách chức và phát đi làm lính ở biên thùy tỉnh Quảng Ngãi. Lúc ông đến tỉnh Quảng Ngãi, vào chào các quan tỉnh để đợi lệnh phát đi đồn nào, ông mặc cái áo cộc màu chàm, đầu đội nón dấu, vai mang một ruột tượng gạo, bên hông đeo một cái dao tu trong một cái vỏ bằng gỗ. Quan tỉnh thấy vậy, ra dáng bất yên, muốn cho phép ông cởi đồ lính ra, nhưng ông nói: “Cứ xin để vậy, lúc làm đại tướng tôi không thấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục. Người ta ở địa vị nào, có nghĩa vụ đối với địa vị ấy, làm lính mà không mang đồ ấy thì sao gọi là lính được”.

4. Như vậy, việc bị cách tuột làm lính thú ở biên thùy là điểm tới đáy trong hoạn lộ của Nguyễn Công Trứ. Chỉ hai năm sau, theo Châu bản triều Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông được khởi phục làm Chủ sự bộ Hình quyền Viên ngoại lang, rồi lại đổi quyền Viên ngoại lang Đại lí tự; và sau đó một năm (1846), có chỉ cho ông tạm quyền Án sát Quảng Ngãi , được vài tháng bổ thụ Phủ thừa phủ Thừa Thiên, đến năm Thiệu trị thứ 7 thì được thăng Thự Phủ doãn Thừa Thiên. Khi ấy ông vừa 70 tuổi, lấy niên lệ xin về quê hưu trí, nhưng vua Thiệu Trị không cho. Sang năm đầu niên hiệu Tự Đức (1848), ông lại dâng sớ xin lần nữa. Vua nghĩ thương tình bậc lão thần, công trạng đã nhiều, tuổi tác lại cao, bèn chuẩn cho về hưu trí và cho thực thụ hàm Thừa Thiên Phủ doãn. Chính vì vậy, ông đã “tổng kết” lại cuộc đời mình trong bài hát nói “Bài ca ngất ngưởng” một cách ngông nghênh, thành thật, như chính bản chất con người ông:

“Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông,

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng.

Lúc bình Tây cầm cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên...”

Có thể nói, 28 năm trong cuộc đời làm quan của Nguyễn Công Trứ là những thăng trầm tiếp nối, được thăng thưởng quan tước nhiều lần vì lập được nhiều công lao và cũng nhiều lần bị giáng phạt nhưng lúc nào cũng giữ được chí khí, sống thanh liêm, ngay thẳng. Có lẽ vì vậy mà tuy không phải nhân vật quyền thế bậc nhất một thời nhưng ông là một trong số ít người được chính sử triều Nguyễn nhắc đến nhiều nhất. Ông còn là nhân vật của nhiều giai thoại đặc sắc lưu truyền trong dân gian và là người được nhân dân lập sinh từ (đền thờ sống) để ghi nhớ công lao. Đó là những vinh dự mà không phải nhân vật lịch sử nào cũng có được và giữ được.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều sử toát yếu, dẫn theo Đoàn Tử Huyến (chủ biên), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, NXB Nghệ An, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2008, trang 435.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập II, trang 476.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập II, trang 546.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tờ 112, tập 20.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tờ 40, tập 21.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập II, trang 573.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, các tờ 78, 100, 125, 199, tập 21.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập IV, trang 711.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập V, trang 520.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tờ 216, tập 80.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Minh Mạng, tờ 239, tập 80.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập V, trang 857.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập VI, trang 102.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 66, tập 10.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập VI, trang 236 – 237.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập VI, trang 499.

Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn của Uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, in trong Đoàn Tử Huyến (chủ biên), Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, NXB Nghệ An, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2008, trang 463.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Thiệu Trị, tờ 83, tập 36.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập VI, trang 1024.

Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tập VI, trang 1051.

HỒNG NHUNG (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.