Có phúc cho con biết lội

Phạm Anh Xuân |

Mỗi khi hè về, những cái chết của trẻ em bị đuối nước lại khiến chúng ta thắt lòng. Nhiều năm qua tôi vẫn băn khoăn: Tại sao một đất nước có rất nhiều biển hồ, sông suối, kênh rạch mà trẻ con lại thiếu kỹ năng bơi?

Chuồn chuồn cắn rốn tập bơi

Quê tôi vùng trung du, trước nhà có hai hồ nước lớn. Khi còn bé, có lẽ chỉ ngoại trừ ngày đông tháng giá là lũ trẻ chúng tôi không bơi lội. Còn lại - đặc biệt vào những ngày hè, “tắm ao” đã trở thành nếp sinh hoạt thường xuyên. Vì đó vừa là trò chơi đùa nghịch ngợm, vừa là cách người lớn cũng như trẻ con làm mát và làm sạch cơ thể sau những rơn chạy rông hoặc đi làm đồng, làm nương vỗ vã mồ hôi.

Cách bơi kiểu nhà quê chủ yếu là “bơi chó” - tức là bơi ngẩng đầu. Kỹ năng này hình thành là bởi thời gian khó thì lấy đâu ra kính bơi. Thêm nữa, kỹ năng bơi này cốt lõi là để chơi và đặc biệt là để tồn tại - vừa bơi vừa quan sát để không chết đuối trong nước, nhất là vào mùa lũ lụt.

Người nhà quê truyền đời nhau câu nói: Có phúc cho con biết lội. Ý muốn nói bơi là cực kỳ quan trọng - là “cái phúc” để con trẻ tồn tại trong điều kiện tự nhiên vốn nhiều rủi ro vì Việt Nam có nhiều biển hồ, sông ngòi, kênh rạch.

Cũng từ đòi hỏi rèn luyện kỹ năng bơi lội, trẻ con các vùng quê sinh ra lắm trò vui. Nào là trò “bật tôm”, trò “thả đỉa ba ba”, các trò thi bơi xa, thi lặn ngụp lâu... Nhưng vui nhất có lẽ là “cho chuồn chuồn cắn rốn” để biết bơi. Lũ trẻ rỉ tai nhau rằng nếu đứa nào chưa biết bơi thì đi bắt con chuồn chuồn rồi “cho chuồn chuồn cắn rốn” thì sẽ nhanh biết bơi - đặc biệt nếu cho chuồn chuồn ngô (loại chuồn chuồn rất to) cắn thì sẽ biết bơi nhanh hơn. Chỉ bằng cái trò đùa vui đơn giản ấy mà không biết bao nhiêu đứa trẻ “dính lừa”. Chúng đi bắt bằng được những con chuồn chuồn, thậm chí bắt được chuồn chuồn ngô sẽ xem đó là may mắn. Rồi cả đám trẻ tụ tập nhau bên bờ nước, cho chuồn chuồn cắn vào rốn đau điếng và coi đó như một “phép màu” rồi nhảy ùm xuống nước nghĩ rằng mình sẽ bơi được ngay. Tất nhiên đó chỉ là trò đùa vui vì sau đó chẳng có “phép màu” nào diễn ra.

Nhưng chính từ mong muốn “có phúc cho con biết lội” cùng sự hấp dẫn được đùa nghịch trong làn nước mà lũ trẻ chúng tôi thường được người lớn giúp hoặc tự tay chặt những cây chuối, lấy những cái can vứt xuống ao rồi bám vào đó mà tập bơi. Có khi người lớn dạy trẻ con, trẻ con dạy lẫn nhau, đứa biết bơi dạy đứa chưa biết. Cứ như vậy, các thế hệ người dân quê tôi hầu như ai cũng biết bơi, còn hai cái ao thì “ma nước” chẳng thể nào dìm được ai.

Kỹ năng sinh tồn

Thế nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: Tại sao bơi lội là “cái phúc”, là kỹ năng cực kỳ quan trọng và tối cần thiết cho trẻ con lại bị bỏ ngỏ - trong khi giáo dục thể chất lại là yêu cầu bắt buộc trong hệ thống giáo dục?

Tháng 9.2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức "Hội thảo trực tuyến thực trạng, giải pháp phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh". Tại Hội thảo này, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh: Một trong những nguyên nhân quan trọng cần được đánh giá, phân tích cụ thể. Đó là nhiều trẻ em, học sinh bị đuối nước do các em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Cũng tại Hội thảo này, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây là tỉ lệ cao gấp khoảng 10 lần so với các nước phát triển.

Con số này cũng đồng nghĩa rằng: Mỗi khi màn đêm buông xuống, ở Việt Nam lại có khoảng 6 đứa trẻ... không về nhà.

Tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh hiện nay là vấn đề thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình và tạo sự bất an trong toàn xã hội. Vì vậy, việc triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các Bộ, ngành liên quan và các địa phương, trong đó ngành Giáo dục đóng vai trò hết sức quan trọng - Báo cáo viết.

Còn nhớ năm 2005 khi tôi còn là phóng viên thể thao tham dự kỳ SeaGames tại Philippines, tôi có tìm hiểu về hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện này. Ban Tổ chức nước chủ nhà khi đó cho biết: Hệ thống trường học cùng các cung thể thao của Philippines đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của SeaGames - ngoại trừ môn bắn súng là phải mượn trường bắn của Hải quân Mỹ đồn trú tại đây. Thêm nữa khi tìm hiểu về hoạt động giáo dục thể chất của các quốc gia trên thế giới, tôi được biết: Bơi lội là bộ môn bắt buộc của giáo dục thể chất cho trẻ trong nhà trường.

Tại Việt Nam, trong kỳ sửa đổi Luật Thể dục, thể thao gần nhất; mặc dù rất nhiều ý kiến cho rằng: Cần quy định bơi là môn học chính khóa trong nhà trường hoặc như một tiêu chí bắt buộc khi học sinh ra trường. Thậm chí quan điểm này cũng được chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bởi Ủy ban này nhận thấy: Bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Thế nhưng khi thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 thì quy định này trong Luật lại tiếp tục bị bỏ ra ngoài vì lý do... khó khả thi.

Nói như vậy để thấy “khoảng trống phi lý” trong hoạt động giáo dục thể chất tại các trường học của Việt Nam - trong đó đặc biệt là kỹ năng bơi lội vẫn hoàn toàn bị xóa trắng.

Vậy liệu có giải pháp khả thi nào trong chính điều kiện hiện nay để có thể dạy bơi - kỹ năng sinh tồn cho trẻ trong trường học hoặc khi ra trường? Tôi cho rằng là có và không quá khó.

Như đã nói ở trên, Việt Nam có rất nhiều biển hồ, sông suối, kênh rạch. Đây chính là “nguồn lực tự nhiên” cùng với “nguồn lực nhân tạo” là hệ thống bể bơi, cung bơi lội - bao gồm cả hệ thống bể bơi của lực lượng quân đội. Tôi tin rằng chỉ cần phối hợp tổ chức và cơ cấu lại thì nguồn lực này sẽ trở nên dồi dào. Về nguồn lực con người, cùng với nguồn lực sẵn có là giáo viên thể chất của các trường thì từ trung ương đến địa phương đều có cán bộ thể chất, hệ thống huấn luyện viên, vận động viên - gồm cả nguồn huấn luyện viên bơi lội của quân đội.

Như vậy có thể thấy rằng, nếu các khớp nối này liên kết lại thì việc dạy bơi là hoàn toàn khả thi - hoặc chí ít là từng địa phương, từng khu vực tùy thuộc hoàn cảnh sẽ cải thiện đáng kể hoạt động này.

Rõ ràng là trẻ con có sinh tồn thì mới có phát triển; có mạnh mẽ về thể lực thì mới mong phát triển trí lực; có thể thao học đường và thể thao phong trào thì thể thao chuyên nghiệp, thể thao đỉnh cao và thể thao quân đội mới có nền tảng để nâng cao và phát triển.

Mấu chốt của bơi lội - kỹ năng sinh tồn ở trẻ có phát triển được hay không phụ thuộc chủ yếu vào ý thức trách nhiệm của người lớn mà thôi.

Phạm Anh Xuân
TIN LIÊN QUAN

Nỗi đau trẻ em bị đuối nước, làm sao để hạn chế?

Nguyễn Thị Loan - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam |

Trong tháng 4 và những ngày nghỉ lễ đầu tháng 5.2022, tại một số tỉnh thành ở nước ta đã xảy ra liên tiếp vụ đuối nước ở trẻ em. Điều này không chỉ mang nỗi đau đớn tột cùng cho gia đình của các nạn nhân, mà thực trạng này còn là nỗi lo lắng của toàn xã hội.

Mới vào hè liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước, nạn nhân chủ yếu là trẻ em

Phạm Đông |

Một tuần trở lại đây, dù mới chỉ vào đầu mùa hè nhưng trên cả nước đã liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân chủ yếu là trẻ em.

Thủ tướng ra công điện yêu cầu tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

FLC hẹn ít nhất 7 tháng nữa sẽ niêm yết cổ phiếu trở lại UPCOM

Đức Mạnh |

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCOM.

Chủ tịch Vietlott làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam

PHẠM ĐÔNG |

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Nỗi đau trẻ em bị đuối nước, làm sao để hạn chế?

Nguyễn Thị Loan - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam |

Trong tháng 4 và những ngày nghỉ lễ đầu tháng 5.2022, tại một số tỉnh thành ở nước ta đã xảy ra liên tiếp vụ đuối nước ở trẻ em. Điều này không chỉ mang nỗi đau đớn tột cùng cho gia đình của các nạn nhân, mà thực trạng này còn là nỗi lo lắng của toàn xã hội.

Mới vào hè liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước, nạn nhân chủ yếu là trẻ em

Phạm Đông |

Một tuần trở lại đây, dù mới chỉ vào đầu mùa hè nhưng trên cả nước đã liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước thương tâm, nạn nhân chủ yếu là trẻ em.

Thủ tướng ra công điện yêu cầu tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.