"Cha truyền con nối" nghệ thuật thêu cung đình

Bài và ảnh: Minh Ánh - hải nguyễn |

Trải qua nhiều thập niên cống hiến với nghề thêu truyền thống, Nghệ nhân Nhân dân Vũ Văn Giỏi trở thành “kho từ điển sống” về trang phục cung đình. Tiếp nối truyền thống của gia đình, ông Giỏi đang cống hiến cho nghệ thuật thêu phục dựng và nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề cho con trai của mình.

Cuối năm Âm lịch 2023, chúng tôi đến nhà nghệ nhân Vũ Văn Giỏi - người hồi sinh nghệ thuật thêu long bào ở Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội), mà không báo trước. Gặp lại ông Giỏi sau 9 năm, dấu ấn thời gian vương trên nét mặt ông khá rõ. Sự nhiệt tình đón tiếp báo chí cũng vơi cạn, nguyên nhân là do căn bệnh dạ dày đang giày vò ông mỗi ngày.

Chào hỏi và giới thiệu bản thân, ông Giỏi mời chúng tôi ngồi vào bàn trà nhỏ ở góc sân. Chỉ phút chốc, cậu con trai Vũ Đình Thi xuất hiện phía sau và ngồi bên cạnh cha mình. Nhìn hai cha con ông Giỏi ngồi cạnh nhau, rồi nghe anh Thi nói về công việc của gia đình những ngày cuối năm, lúc này tôi thấy anh Thi giống ông Giỏi cách đây 9 năm y đúc. Giống ở chỗ nét tươi cười, sự nhiệt huyết luôn thường trực trong ánh mắt.

Và thế rồi, sau 9 năm, chúng tôi cùng nhau bắt đầu tìm hiểu nét thêu tài hoa của gia đình ông Giỏi, nhưng khác xưa ở chỗ, người dẫn dắt câu chuyện là anh Thi - cậu con trai nối nghiệp cha.

“Ký ức trong con”

Ông Giỏi trước nay luôn là người làm gương cho con cháu trong gia đình bởi những khát khao và niềm đam mê cháy bỏng ông đã dành cho nghề thêu suốt 4 thập niên qua.

Trong trí nhớ của anh Thi, ký ức về những đêm bố thức khuya đọc sách sử, thêu long bào là ký ức sâu đậm và có ảnh hưởng đến anh nhất. Anh kể: Ngày đó, tư liệu về trang phục cung đình xưa rất ít và khó có thể tìm được. Những nguồn tư liệu trong hệ thống lịch sử không thể nghiên cứu một cách rõ ràng, ông Giỏi lại mày mò hỏi nhà nghiên cứu sử và cất công xin nguồn tư liệu trong, ngoài nước. Có những bản mẫu chỉ là ảnh đen trắng, hoa văn mờ theo năm tháng nhưng ông vẫn không từ bỏ hy vọng.

Bộ long bào theo nguyên bản trang phục của vua Đồng Khánh mặc, được gia đình anh Thi thực hiện trên chất liệu vải lụa Salam 4/4 sợi. Vải lụa bằng chất liệu tơ tằm tự nhiên từ làng lụa Vạn Phúc Hà Đông. Theo nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, người đã có công thực hiện lại những bộ long bào của các vị vua triều Nguyễn cho biết, bộ long bào đang được trưng bày tại gia đình ông có tuổi đời hơn 30 năm và là 1 trong 3 bộ hiện có ở Việt Nam. 2 bộ còn lại được trưng bày tại Bảo tàng Huế.
Bộ long bào theo nguyên bản trang phục của vua Đồng Khánh mặc, được gia đình anh Thi thực hiện trên chất liệu vải lụa Salam 4/4 sợi. Vải lụa bằng chất liệu tơ tằm tự nhiên từ làng lụa Vạn Phúc Hà Đông. Theo nghệ nhân Vũ Văn Giỏi, người đã có công thực hiện lại những bộ long bào của các vị vua triều Nguyễn cho biết, bộ long bào đang được trưng bày tại gia đình ông có tuổi đời hơn 30 năm và là 1 trong 3 bộ hiện có ở Việt Nam. 2 bộ còn lại được trưng bày tại Bảo tàng Huế.

Để phục chế trang phục cung đình, công đoạn khó nhất phải kể đến chính là phân tích kỹ các kích thước trang phục, số đo chuẩn mực của vua chúa, quý phi, thái hậu... Sau đó phải sắp đặt chi tiết hoa văn, họa tiết cho cân đối, hài hòa. Bởi vậy cần phỏng đoán, tính toán, suy luận và hỏi tư liệu, kết hợp việc tra trên sách và cả những cuốn nháp của các nhà sử học xưa.

“Sau một quá trình kéo dài nhiều tháng đi tìm lại các họa tiết cổ, bố mình bắt tay vào vẽ phác thảo trang phục. Đây là công đoạn quyết định sự hoàn hảo của bộ trang phục cung đình sau khi phục dựng lại.

Mỗi thời đại lại có thay đổi ít nhiều trong thiết kế, họa tiết, màu sắc, kỹ thuật thêu và chất liệu. Việc này đòi hỏi nghệ nhân phải tính toán, tìm hiểu rất chính xác vì hầu như không còn một nguyên mẫu trang phục nào được lưu giữ cho đến ngày hôm nay” - anh Thi kể.

Theo anh Thi, sau khi những ý tưởng và bản thảo thiết kế hoàn tất, công việc tiếp theo chính là chọn lựa vải và chỉ thêu phù hợp nhất. Anh phải tìm đến những làng nghề dệt trong cả nước để tìm chất liệu vải, gấm vóc ưng ý. Thậm chí, lúc thêu nếu không được ưng ý ông Giỏi cũng cắt bỏ.

Có khoảng thời gian, bố anh phải tìm đến các nghệ nhân làng khác để học cách nhuộm tự nhiên, không dùng hóa chất. Cũng có lúc, ông phải tự mò mẫm từ cách làm nồi nhuộm giữa trưa nắng, đun bếp bằng củi, làm sao cho màu không bị bay khi phơi...

“Cũng là trang phục cung đình, nhưng mỗi bộ ở những triều đại và người mặc khác nhau lại có những điểm khác biệt đòi hỏi nghệ nhân thêu phải rất tinh ý, có sự nghiên cứu sâu sắc. Cách thêu và lối thêu trên từng bộ trang phục cũng vô cùng quan trọng. Lối thêu phục chế khác hoàn toàn so với lối thêu hiện đại, hàng nghìn mũi chỉ đều phải tuân theo quy định của mỗi họa tiết, hoa văn” - anh Thi kể.

Anh Thi cho biết, ngày nay có công nghệ thêu bằng máy hiện đại, hàng trăm, hàng nghìn mũi kim đều tăm tắp nhưng việc phối màu và chi tiết thêu lại không thể mượt mà như thêu tay truyền thống.

Nhìn lại những bộ long bào cha làm, anh Thi nhớ lại khoảng thời gian ông Giỏi đã dày công hoàn thiện, khoảng thời gian phải tính bằng năm, thậm chí có khi lâu hơn.

Chi tiết rồng trên trang phục cung đình được ông Giỏi dày công nghiên cứu sử sách, tham vấn ý kiến chuyên gia.
Chi tiết rồng trên trang phục cung đình được ông Giỏi dày công nghiên cứu sử sách, tham vấn ý kiến chuyên gia.

Làng Đông Cứu ngày ấy, nhiều nhà làm nghề thêu long bào, nhưng hiếm có ai tỉ mẩn và đầu tư như ông Giỏi. Không làm những việc kỳ lạ, hẳn sẽ chẳng có cơ hội thành kỳ tài. Nhờ công phục dựng nghệ thuật thêu cung đình, cá nhân nghệ nhân Vũ Văn Giỏi được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú vào năm 2013 và nhận danh hiệu cao quý Nghệ nhân Nhân dân vào năm 2016.

Được biết, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi cùng nhóm thợ đã làm được hàng chục bộ trang phục cung đình, từ áo nhà vua tới áo hoàng hậu, thái tử, công chúa. Tiêu biểu trong số đó là các bộ long bào của vua Đồng Khánh, Bảo Đại, Tự Đức, hoàng thái tử, hoàng hậu... Những tác phẩm này hiện được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Viết tiếp đam mê của cha

Nghề thêu của gia đình ông Giỏi có truyền thống “cha truyền con nối”. Ông Giỏi là đời thứ 6 làm nghề thêu. Cả gia đình ông, ai nấy cũng đều có thể tham gia vào quá trình thêu các sản phẩm truyền thống. Hiện gia đình ông chủ yếu nhận may, thêu các sản phẩm trang phục cho hầu đồng, hoặc các sản phẩm tranh vải... ông Giỏi và vợ Nguyễn Thị Bé sẽ thực hiện các công đoạn vẽ phác hoạ, hay những phần công đoạn yêu cầu kỹ thuật cao vì hai người có trình cao nhất trong nhà.

Lớn lên trong gia đình có truyền thống lâu đời, anh Thi ý thức được rằng, nghề thêu và phục chế long bào không chỉ đơn giản là một nghề mưu sinh mà còn là một nét đẹp văn hóa.

Dù đã có thể làm hết tất cả các công đoạn và may được hoàn chỉnh những trang phục cung đình cầu kỳ nhất nhưng anh Thi vẫn luôn khiêm tốn, cho rằng bản thân vẫn cần phải học hỏi. Nay ngay cạnh tấm bảng đề tên “Nghệ nhân thêu Vũ Văn Giỏi”, anh Thi cũng đã có cho mình tấm bảng hiệu đề tên “Vũ Thi”.

Thêu khăn phủ diện nghi lễ hầu đồng.
Thêu khăn phủ diện nghi lễ hầu đồng.

Trong gian xưởng nhỏ mượn tạm căn bếp của gia đình, anh Thi miệt mài chia sẻ với chúng tôi về những câu chuyện của bố, những kỹ thuật may tỉ mỉ, kể cả hai cô “nhóc tì” của vợ chồng anh.

Anh Thi kể, ngay từ khi còn đỏ hỏn, hai bạn nhỏ nhà anh luôn được ông, bà nội bồng bế, ôm ấp trong lòng mỗi khi thêu thùa. “Khi thêu ai cũng ngồi bệt dưới đất, chỉ cần đặt hai bạn nhỏ vào lòng là các bạn đã ngủ ngon” - anh Thi kể - đồng thời cũng tiết lộ xưa anh cũng từng lớn lên như vậy.

Theo anh Vũ Đình Thi (thôn Đông Cứu) cho biết, nghề thêu đòi hỏi sự kiên nhẫn và tốn rất nhiều thời gian. Chỉ với một họa tiết hình tròn cỡ 3cm nhưng người thợ thủ công phải thêu hơn 1 nghìn mũi kim đủ các kích cỡ khác nhau.
Theo anh Vũ Đình Thi (thôn Đông Cứu) cho biết, nghề thêu đòi hỏi sự kiên nhẫn và tốn rất nhiều thời gian. Chỉ với một họa tiết hình tròn cỡ 3cm nhưng người thợ thủ công phải thêu hơn 1 nghìn mũi kim đủ các kích cỡ khác nhau.

Cả anh Thi và vợ là chị Nguyễn Thị Thu Huyền nay đều là những người thợ chính trong xưởng và đang viết tiếp những đam mê thêu trang phục truyền thống cùng với bố mẹ. Và sau này, anh Thi sẽ lại có những người con tự hào về công việc của bố như cách mà anh đã tự hào về bố của mình.

Tương truyền xưa kia, tiến sĩ Lê Công Hành (thế kỷ 15) sau khi học nghề thêu ở nước ngoài đã dạy cho người dân nhiều làng ở Thường Tín, nhưng mỗi làng ông truyền dạy một kỹ thuật riêng. Vì vậy, chỉ có làng thêu Đông Cứu mới biết được kỹ thuật thêu phục chế. Trải qua thăng trầm lịch sử, làng thêu Đông Cứu cũng có lúc lao đao, nhiều người phải làm các mặt hàng thêu khác để kiếm sống, tuy nhiên, vẫn có những người giữ được các kỹ thuật thêu cổ độc đáo đó.

Nhưng phải sau năm 1986, nghề thêu tại làng Đông Cứu mới được khôi phục nhờ tín ngưỡng dân gian trở nên phổ biến. Từ đó, nhiều người ở làng tham gia vào thêu đồ thờ, khăn chầu, áo ngự. Sau này làng trở nên nổi tiếng hơn với khách du lịch nhờ những sản phẩm phục chế Long bào kỳ công của ông Vũ Văn Giỏi. Trên thực tế, Việt Nam có nhiều làng nghề thêu nhưng sở dĩ thêu phục chế ở Đông Cứu được xem là di sản bởi những kỹ thuật đặc biệt trong nghề.

Bài và ảnh: Minh Ánh - hải nguyễn
TIN LIÊN QUAN

70 thí sinh Hoa hậu Hòa bình mặc áo dài, nghe nhã nhạc cung đình Huế

Anh Trang |

Top 70 thí sinh Miss Grand International (MGI) - Hoa hậu Hoà bình 2023 đến Huế trải nghiệm văn hoá đặc sắc của Việt Nam.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - nơi lưu giữ tinh hoa vương triều nhà Nguyễn

PHÚC ĐẠT |

Trải qua 100 năm hình thành (1923 - 2023) từ tên gọi Musée Khai Dinh - Bảo tàng Khải Định ban đầu cho đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ngày hôm nay, nơi đây đã trở thành một địa chỉ văn hóa, nơi lưu giữ những tinh hoa của vương triều nhà Nguyễn.

Nội dung và giá trị mỹ thuật độc đáo của tranh gương cung đình Huế

Tường Minh |

Huế - Chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế về cơ bản cũng gồm 3 loại chính là thơ ngự chế, vịnh cảnh đẹp và minh hoạ điển tích.

Khách Tây ăn Tết ở Việt Nam vui hơn đón Tết Dương lịch ở nhà

YẾN NHI - TUYẾT HỒNG |

Dịp Tết, các điểm du lịch ở trung tâm TP Hồ Chí Minh đón đông đảo du khách ăn uống, chụp ảnh, mua sắm đồ lưu niệm, ngồi xe bus hai tầng hoặc xích lô ngắm cảnh.

Công khai mua bán tiền lẻ ăn chênh lệch giá cao tại Phủ Tây Hồ

Hiệp Dương |

Nắm bắt được nhu cầu của người dân, dù là hành vi bị cấm, tuy nhiên bằng nhiều cách dịch vụ đổi tiền lẻ mới ăn chênh lệch vẫn diễn ra tại hầu hết các gian hàng tại Phủ Tây Hồ dịp đầu năm.

Gần 3.000 lái đò Tràng An làm việc hết công suất, người dân xếp hàng 2 giờ để lên thuyền

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Tại khu du lịch sinh thái Tràng An, hàng vạn du khách thập phương đã đổ về đây để tham quan khiến khu du lịch này rơi vào tình trạng quá tải.

Công thức tạo phim trăm tỉ, xô đổ mọi kỷ lục doanh thu của Trấn Thành

Mi Lan |

Trấn Thành bám sát hiện thực, kể những câu chuyện đậm tính đời sống, đặt nhân vật chính trong bối cảnh đầy va đập, xung đột điển hình.

Xếp hàng 30 phút để xin chữ ở Văn Miếu trong ngày nghỉ Tết cuối cùng

hồng diệp |

Sáng mùng 5 Tết, rất đông người dân xếp hàng chờ mua vé vào tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám để xin chữ ông đồ trong ngày nghỉ Tết cuối cùng.

70 thí sinh Hoa hậu Hòa bình mặc áo dài, nghe nhã nhạc cung đình Huế

Anh Trang |

Top 70 thí sinh Miss Grand International (MGI) - Hoa hậu Hoà bình 2023 đến Huế trải nghiệm văn hoá đặc sắc của Việt Nam.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - nơi lưu giữ tinh hoa vương triều nhà Nguyễn

PHÚC ĐẠT |

Trải qua 100 năm hình thành (1923 - 2023) từ tên gọi Musée Khai Dinh - Bảo tàng Khải Định ban đầu cho đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế ngày hôm nay, nơi đây đã trở thành một địa chỉ văn hóa, nơi lưu giữ những tinh hoa của vương triều nhà Nguyễn.

Nội dung và giá trị mỹ thuật độc đáo của tranh gương cung đình Huế

Tường Minh |

Huế - Chủ đề nội dung của tranh gương cung đình Huế về cơ bản cũng gồm 3 loại chính là thơ ngự chế, vịnh cảnh đẹp và minh hoạ điển tích.