Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Nhóm PV |

Để hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng công nghệ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung cũng như phát triển thẻ tín dụng nội địa nói riêng, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.

16h00: Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - phát biểu bế mạc hội thảo.

Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam. Ảnh: Tô Thế
Ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc NHNN Việt Nam. Ảnh: Tô Thế

Trong thời gian qua, NHNN đã chủ động xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt gắn với đảm bảo an ninh, an toàn. Chúng tôi cũng đã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử nghiên cứu, phát triển và cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện lợi, đem lại nhiều lợi ích, giá trị cho khách hàng, người dân, doanh nghiệp; qua đó, góp phần tích cực thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện tại Việt Nam. Đây là một trong các mục tiêu quan trọng của ngành ngân hàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28.10.2021.

Triển khai Quyết định số 1813/QĐ-TTg, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, ban hành và trình ban hành nhiều quy định kịp thời, phù hợp hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực thanh toán như: trình Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024, trong đó có nhiều quy định về đẩy mạnh TTKDTM; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 về hoạt động TTKDTM ngay mới gần đây; Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Các TCTD; Nghị định mới về TTKDTM (trong đó có Thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, Thông tư hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán, Thông tư hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán,...). Quy định về mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương tiện điện tử (eKYC), ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật (QR, thẻ chip,…) tăng cường chuẩn hóa, tăng tính liên thông trong ngành ngân hàng và giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.

Đồng thời, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt nói chung, thanh toán thẻ nói riêng, từ đó cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiện ích, an toàn bảo mật, nâng cao trải nghiệm, đem lại lợi ích lớn và thiết thực cho khách hàng.

Hội thảo đã được nghe các tham luận và ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp trong Hội thảo, với nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, đặc biệt các ý kiến phát biểu, thảo luận về lợi ích, tiềm năng phát triển thẻ tín dụng nội địa, kinh nghiệm triển khai, phát triển dịch vụ và tăng cường chấp nhận thẻ tín dụng nội địa, đồng thời đề xuất một số cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa an toàn, hiệu quả, hệ sinh thái thẻ tín dụng nội địa lành mạnh, bền vững… Các ý kiến trao đổi vừa qua đã giúp chúng ta thấy được những bài học, câu chuyện thực tiễn trong quá trình nghiên cứu, triển khai phát triển hoạt động thẻ nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng trong thời gian tới.

Như vậy, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD và các đơn vị liên quan tích cực triển khai có hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa; Triển khai tốt các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ ngân hàng tại Quyết định 2345/QĐ-NHNN để đảm bảo an toàn, phòng ngừa gian lận, lừa đảo, tăng cường lòng tin của người dùng khi sử dụng các phương tiện điện tử.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, an toàn, mở rộng hạ tầng, mạng lưới chấp nhận thanh toán; phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông nhằm tiếp cận và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen.

Để có được sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt như hiện nay, các đơn vị báo chí truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong thời gian tới, các đơn vị báo chí truyền thông, các ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước cùng chung tay, tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam.

Trước cặt câu hỏi: "Ngân hàng nhà nước đang triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Vậy xin phía Ngân hàng nhà nước cho biết hành lang pháp lí cho hoạt đọng thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thẻ tín dụng như thế nào?", ông Phạm Tiến Dũng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - cho biết:

“Ngày 15.5 Thủ tướng kí nghị định 52 thay thế 101. Dưới nghị định này, NHNN đang triển khai nhiều thông tư hướng dẫn kịp cho nghị định này. Trong đó, có thông tư về thẻ có nhiều điểm mới, ví dụ lo ngại câu chuyện về eKYC (phương pháp định danh xác thực khách hàng điện tử) thẻ. Chúng ta không ngăn cấm ai. Tuy nhiên, có thẻ CCCD gắn chip, ngân hàng xác thực được thì được mở thẻ eKYC, còn nếu không ra quầy giao dịch.

Hay trong dự thảo thông tư thẻ, có câu chuyện về điều kiện cho vay với những món vay tiêu dùng dưới 100 triệu đồng, theo luật tổ chức tín dụng mới có thay đổi. Nghị định có nhiều vấn đề, ví dụ lần đầu tiên trong nghị định chúng ta định nghĩa tiền điện tử.

Không còn khái niệm “vụ án tiền điện tử” nữa. Vì tiền điện tử là tiền pháp định của Việt Nam, định nghĩa dưới 1 số dạng. Khi chúng ta dùng tiền ảo, tài sản ảo chúng ta dùng thuật ngữ khác, không dùng “tiền điện tử” nữa. Đấy là 1 số điểm cần chia sẻ.

Chúng tôi đang rất tích cực để triển khai nghị định này. Hy vọng nghị định này thức đẩy, bên cạnh đó, đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ thanh toán.”

15h45: Ông Đàm Thế Thái - Giám đốc Trung tâm thẻ của HDBank: HDBank đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không tiền mặt

Trong bối cảnh công nghệ và số hóa phát triển mạnh mẽ, nhu cầu thanh toán tiện lợi, an toàn ngày càng gia tăng, HDBank đã và đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp thanh toán không tiền mặt theo định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, góp phần thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số và nâng tầm trải nghiệm khách hàng.

Theo ông Đàm Thế Thái, quá trình này đã mang lại những kết quả tích cực cho HDBank. Theo đó, thẻ tín dụng của HDBank đã có sự tăng trưởng vượt bậc: số lượng thẻ phát hành lũy kế tính đến nay tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái; tương ứng, số lượng giao dịch bán lẻ tăng 39% và doanh số giao dịch bán lẻ tăng tới 72%.

Một trong những sản phẩm và giải pháp điển hình trong thúc đẩy thanh toán không tiền mặt và HDBank đã triển khai thành công, tạo những bước đi mạnh mẽ và nổi bật trên thị trường là việc hợp tác chiến lược giữa HDBank và Petrolimex trong việc triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc.

Ông Đàm Thế Thái - Giám đốc Trung tâm thẻ của  HDBank. Ảnh: Tô Thế
Ông Đàm Thế Thái - Giám đốc Trung tâm thẻ của HDBank. Ảnh: Tô Thế

“HDBank đã thực hiện triển khai lắp đặt 5.300 máy POS cho 2.718 cửa hàng xăng dầu Petrolimex trên toàn quốc, phục vụ khách hàng đổ xăng không cần tiền mặt, tiết kiệm thời gian và an toàn. Ngoài ra, HDBank còn phát triển dòng Thẻ đồng thương hiệu HDBank Petrolimex - Siêu thẻ 4 trong 1 chính là chiếc Thẻ đầu tiên tại Châu Á Thái Bình Dương được tích hợp cùng lúc Thẻ tín dụng, Thẻ ghi nợ, Thẻ trả trước định danh và Petrolimex ID (tài khoản khách hàng thân thiết của Petrolimex).

Dòng thẻ tích hợp 4 trong 1 đánh dấu bước đột phá về công nghệ và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng của HDBank trong khu vực. Chỉ với một lần đăng ký mở thẻ trong thời gian chưa đến 5 phút và thực hiện ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào trên môi trường kỹ thuật số, khách hàng đã sở hữu đồng thời nhiều loại thẻ phổ biến và tiện dụng nhất hiện nay” - ông Đàm Thế Thái cho biết.

Theo Giám đốc Trung tâm thẻ HDBank, tính đến tháng 4.2024, số lượng thẻ HDBank Petrolimex 4 trong 1 phát hành lũy kế tăng 117% so với cùng kỳ; tổng số lượng giao dịch tăng 34% và doanh số giao dịch tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài Siêu Thẻ Quốc Dân 4 trong 1, thẻ tín dụng nội địa HDBank cũng đạt những con số ấn tượng như số lượng giao dịch tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái và doanh số giao dịch tăng 84%.

Ngân hàng HDBank luôn đa dạng hóa các dịch vụ chấp nhận thanh toán như đầu tư lắp đặt máy POS, SmartPOS, thanh toán bằng mã QR, cổng thanh toán trực tuyến. Sắp tới, HDBank sẽ ra mắt SoftPOS/Tap2Phone (giải pháp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, biến điện thoại thông minh thành máy POS chấp nhận thẻ qua hình thức chạm). Tính đến tháng 4.2024, máy POS của ngân hàng HDBank gần như đã phủ sóng cả nước với số lượng tăng gần 20%, từ đó số lượng giao dịch tăng 31% và doanh số giao dịch tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Với định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt trong thời kỳ công nghệ số, HDBank sẽ tiếp tục đẩy mạnh các dịch vụ chấp nhận thanh toán khác. Đặc biệt là ở các lĩnh vực như xăng dầu, bệnh viện, trường học, giao thông công cộng, sân bay và hàng không.

HDBank đã và đang đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng những công nghệ và giải pháp tiên tiến nhất để nâng cao chất lượng sản phẩm Thẻ, mang đến cho khách hàng trải nghiệm thanh toán an toàn, tiện lợi, cũng như góp phần thúc đẩy thị trường thanh toán không tiền mặt theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước” - ông Đàm Thế Thái khẳng định.

15h29: Ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - trình bày tham luận: Đề xuất cơ chế ưu đãi để đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa

Ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Ảnh: Tô Thế
Ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc Trung tâm thẻ, Khối Bán lẻ, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Ảnh: Tô Thế

Ông Nguyễn Tấn Pháp cho biết, việc đẩy mạnh phát triển thẻ TDNĐ tại thị trường Việt Nam chưa khả quan do vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định:

Thứ nhất, số lượng ngân hàng TMCP tham gia phát triển thẻ TDNĐ còn rất hạn chế, chỉ 15 tổ chức tín dụng, nên việc truyền thông, quảng cáo, các chương trình khuyến mại nhằm thu hút KH cũng chưa được chú trọng đẩy mạnh. Do vậy, người dân vẫn chưa tiếp cận được sản phẩm và những ưu điểm của sản phẩm, dẫn đến số lượng phát hành còn khiêm tốn so với thẻ tín dụng quốc tế.

Thứ hai, khó cạnh tranh với thẻ tín dụng quốc tế về phạm vi sử dụng, tính năng quốc tế cũng như các ưu đãi hấp dẫn từ Tổ chức thẻ quốc tế.

Thứ ba, do thói quen người tiêu dùng, họ có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm thẻ quốc tế hơn vì tính phổ biến và số đông.

Trong bối cảnh thị trường nhiều thách thức, VietinBank luôn cố gắng tiếp cận khách hàng, tư vấn sản phẩm và mang đến cho KH những ưu đãi tốt nhất nhằm thu hút khách hàng, thông qua: Triển khai các ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ thẻ: Giảm lãi suất cho các giao dịch qua thẻ TDNĐ; miễn/giảm phí thường niên trong năm đầu tiên, ưu đãi phí cho các năm tiếp theo để khuyến khích khách hàng duy trì sử dụng thẻ.

Áp dụng chính sách hoàn tiền cho các giao dịch mua sắm tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trang thương mại điện tử trong nước… Hợp tác với các đối tác lớn như các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch… để cung cấp nhiều hơn các chương trình khuyến mại, chiết khấu đến khách hàng khi sử dụng thẻ TDNĐ để thanh toán.

Xây dựng và vận hành hệ thống điểm thưởng phục vụ tích lũy điểm khi khách hàng chi tiêu thẻ để đổi quà hoặc nhận các ưu đãi dịch vụ hấp dẫn phù hợp xu thế thị trường từng thời kỳ.

Với vai trò là một ngân hàng phát hành, ngoài những nỗ lực, VietinBank mong muốn ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện của Chính phủ, NHNN, NAPAS đối với phát hành thẻ TDNĐ. Qua đây, VietinBank xin được đề xuất một số cơ chế ưu đãi để đẩy mạnh thẻ tín dụng trong thời gian tới như sau:

Đối với NAPAS, VietinBank mong muốn NAPAS ưu tiên đẩy mạnh ưu đãi cho các Tổ chức Tín dụng (TCTD) nhằm khuyến khích và đẩy mạnh phát hành thẻ TDNĐ, cụ thể:

Có cơ chế ưu đãi về phí xử lý giao dịch, phí chia sẻ giữa các Ngân hàng và tổ chức chuyển mạch sẽ là động lực giúp các Ngân hàng tập trung đẩy mạnh phát hành thẻ TDNĐ.

TCTD được hỗ trợ nguồn ngân sách từ NAPAS để triển khai các chương trình ưu đãi với khách hàng, các chương trình động lực, thi đua nội bộ một cách thường xuyên hơn.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, VietinBank mong muốn được Chính phủ, NHNN và các doanh nghiệp tiếp tục chung tay mở rộng hệ sinh thái sử dụng thẻ cho khách hàng như thanh toán giao thông, thanh toán hóa đơn định kỳ… kèm những ưu đãi hấp dẫn từ các đối tác nhằm thu hút hơn nữa khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán.

Chính phủ và NHNN có kế hoạch đẩy mạnh thực hiện triển khai ứng dụng các giải pháp công nghệ đối với công tác xác thực khách hàng trong cấp tín dụng, phát hành và quản lý thẻ. Tạo môi trường đồng bộ đồng thời có cơ chế ưu đãi cho TCTD đối với việc sử dụng các dữ liệu phục vụ chấm điểm khách hàng trong phát hành thẻ trực tuyến, từ đó giúp đảm bảo chất lượng cấp tín dụng và các TCTD mạnh dạn mở rộng đối tượng khách hàng, đẩy mạnh phát hành thẻ hơn nữa.

Việc thực hiện các đề xuất nêu trên nhằm thúc đẩy mạnh phát hành và sử dụng thẻ TDNĐ tại thị trường Việt Nam góp phần mang lại lợi ích cho cả khách hàng, ngân hàng và nền kinh tế.

Đẩy mạnh thẻ tín dụng nội địa có lợi ích to lớn đối với khách hàng, các ngân hàng và nền kinh tế.

Trong đó, đối với khách hàng:

Tiết kiệm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng như phí phát hành, phí thường niên do áp mức phí cạnh tranh so với thẻ TDQT; người dân được tiếp cận với những công nghệ thanh toán ngày càng hiện đại, tiện lợi và an toàn của mạng lưới thanh toán nội địa, đồng thời tận hưởng nhiều ưu đãi đa dạng và phong phú với nhiều kênh chi tiêu.

Đối với các ngân hàng, tiếp cận được lượng lớn khách hàng với dư địa thị trường tiềm năng, gia tăng thị phần từ việc phát hành và doanh số sử dụng thẻ TDNĐ; tiết giảm chi phí quá cao liên quan đến vận hành thẻ quốc tế cho tổ chức thẻ quốc tế.

Hoàn toàn chủ động và linh hoạt cải tiến sản phẩm thẻ TDNĐ cung cấp cho chính khách hàng tại thị trường nội địa Việt Nam. Từ đó cải thiện được hình ảnh và nâng cao vị thế của Ngân hàng trong mắt khách hàng.

Đối với vĩ mô nền kinh tế, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện và góp phần đẩy lùi tín dụng đen đồng thời làm giảm chi phí lưu thông tiền tệ.

Khẳng định được chủ quyền thanh toán quốc gia do thẻ TDNĐ là thương hiệu thẻ thuần Việt Nam, sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, sử dụng đồng tiền Việt Nam để kết nối và xử lý thanh toán an toàn, tin cậy và thông suốt.

15h20: Ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin: Tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật trong các ứng dụng ngân hàng

Việt Nam có hơn 100 triệu dân, khoảng 70 triệu người sử dụng Internet. Các đối tượng xấu lợi dụng sự bùng nổ của công nghệ thông tin, những tiện ích mà CNTT mang lại để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản giá trị cao.

Có nhiều cách thức lừa đảo khác nhau, nhưng mục tiêu cuối cùng hướng đến là về tài chính.

Năm 2023, chúng tôi ghi nhận gần 17.400 phản ánh liên quan đến lừa đảo trực tuyến từ người dùng Internet.

Quý I/2024, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam nhận hơn 4.100 phản ánh.

Hơn 60% người dùng truy cập từ điện thoại cá nhân khi bị lừa đảo trực tuyến.

Các phương thức liên quan đến lừa đảo: Tiếp cận nạn nhân (gọi điện, tin nhắn, thư điện tử, mạng xã hội,..) - sử dụng phương thức lừa đảo (link website lừa đảo độc hại, các ứng dụng, dẫn dụ vào các OTT để thao túng...) - chiếm đoạt tài sản

Vấn đề nhức nhối là rất khó để truy hồi dòng tiền khi đối tượng tấn công thực hiện hành vi chuyển tiền ra ngoài.

Chúng tôi đã thực hiện các phân tích, trong đó có khá nhiều các ngân hàng không vượt qua bài test trong bảo vệ dụng từ đầu đến cuối.

Có 17% các đối tượng ngân hàng hiện tại không vượt qua được các cơ chế bảo vệ. Còn lại có thể vượt qua, tùy các mức độ khác nhau.

Người dùng cài đặt 1 số ứng dụng, các đối tượng tấn công vào, đánh cắp thông tin của người dùng. Đây là điểm yếu trong bảo mật. Làm sao ngăn chặn, giảm thiểu rủi ro từ các hình thức lừa đảo gồm 4 trụ cột: Nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường tin cậy, ngăn ngừa lừa đảo, giảm thiểu tác động của lừa đảo.

Ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn. Ảnh: Tô Thế
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn. Ảnh: Tô Thế

Về nâng cao nhận thức, chúng tôi phát triển các bộ công cụ giúp người dân nhận diện lừa đảo trực tuyến; xây dựng chuỗi điểm tin hàng tuần với thông tin lừa đảo trực tuyến nổi bật.

Những phương thức này thay đổi hàng ngày, hàng tuần. Ngay khi có thông tin mới, các kẻ lừa đảo nhanh chóng cập nhật, rất nhiều người bị lừa đảo.

Về việc xây dựng môi trường an toàn, kẻ tấn công dẫn dụ người dùng vào 1 trang web lừa đảo, cài đặt ứng dụng... Các web này có giao diện giống tuyệt đối với giao diện của các ngân hàng. Người dùng vô thức thao tác trên các trang web giả mạo.

Ngân hàng cần phát hiện sớm các trường hợp, cảnh báo người dùng, ngăn chặn sớm các trường hợp này xảy ra.

Người dân vào trang web có thể phát hiện có tin tưởng.

Từ tháng 7, phối hợp với Bộ công an thực hiện chương trình, phần mềm phát hiện hành vi gian lận, web bất thường. Chúng tôi đang trong quá trình thử nghiệm hệ thống này.

Việc đảm bảo an toàn thông tin phía người dùng, chúng tôi khuyến nghị ngân hàng cần nâng cao bảo vệ ứng dụng đầu cuối, từng khách hàng của mình. Từ đó, phát hiện sớm các giao dịch có dấu hiệu, nguy cơ

Có cơ chế phát hiện sớm, nhanh các tài khoản có hành vi liên quan đến gian lận. Phần lớn các dòng tiền di chuyển qua các tài khoản khác nhau và sau đó ra nước ngoài.

Việc ngăn chặn sớm dòng thiền giảm thiểu tác động của kẻ lừa đảo đến với người dân, thu hồi dòng tiền.

Mỗi ngân hàng có 1 điểm yếu, nguy cơ khác nhau. Gần đây có nhiều cuộc tấn công vào khối tài chính, chứng khoán, điện tử. Ngay năm ngoái có 1 ngân hàng bị tấn công.

Chống lừa đảo trên không gian mạng cần sự vào cuộc của nhiều bộ phận, xoay quanh 4 trụ cột: Nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường tin cậy, ngăn ngừa lừa đảo, giảm thiểu tác động của lừa đảo.

15h10: PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam - trình bày tham luận: Giải pháp thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam

Kỷ nguyên công nghệ 4.0 và đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng thanh toán chi tiêu từ truyền thống bằng tiền mặt, sang hình thức thanh toán thẻ. Điều này cũng được thể hiện thông qua số liệu tăng trưởng sử dụng thẻ từ Ngân hàng nhà nước, trong vòng 5 năm (từ 2018 - 2022), số lượng thẻ tín dụng nội địa được phát hành có mức tăng trưởng bình quân là 29,6%, cao hơn thẻ quốc tế là 17,72%/năm.

Đến tháng 7.2023, có 15 NHTM đang phát hành thẻ tín dụng nội địa, tổng số lượng phát hành thẻ là hơn 800 thẻ, chiếm 7,8% tổng số lượng thẻ (cả thanh toán và tín dụng), tăng 42,5% so với cùng kỳ 2022). Điều này cho thấy sự nhận diện và sử dụng thẻ tín dụng trên thị trường có các tín hiệu khả quan.

PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam. Ảnh: Tô Thế
PGS.TS Đặng Ngọc Đức - Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Đại Nam. Ảnh: Tô Thế

PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết, hiện nay, sự chênh lệch về giá, phí thẻ tín dụng nội địa và quốc tế không có nhiều chênh lệch, đặc biệt là khi so sánh các đặc quyền, tiện ích vượt trội của thẻ tín dụng quốc tế so với thẻ tín dụng nội địa.

Hiện tại, ở Việt Nam, có 15 ngân hàng, theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước, đang phát hành thẻ tín dụng nội địa. Tuy nhiên, phần lớn các NHTM hiện đang thực hiện cam kết mở thẻ tín dụng nội địa và đồng ý thúc đẩy sản phẩm này, và chưa hình thành sản phẩm thực tế.

“Mặc dù đem lại nhiều thuận tiện hơn so với hình thức chi tiêu tiền mặt, người dân vẫn còn tâm lý dè chừng khi sử dụng sản phẩm thẻ tín dụng. Đầu tiên, thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn thiên về hình thức chi tiêu bằng tiền mặt, đặc biệt là các vùng ngoại ô, tỉnh, nơi công nghệ chưa có nhiều điều kiện tiếp cận với đời sống nhân dân.

Tâm lý của việc sợ tăng gánh nặng tài chính khi có nợ, hoặc chi tiêu mất kiểm soát do có thêm tiền thẻ tín dụng khiến không còn khả năng trả nợ cũng là một trong các lý do khiến giới trẻ hiện nay e dè sử dụng sản phẩm này” - PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết.

Phát triển dịch vụ thẻ tín dụng nội địa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người tiêu dùng, các doanh nghiệp, các NHTM và toàn bộ nên kinh tế Việt Nam trên tất cả các giác độ tiếp cận. Với tiềm năng và dư địa rất lớn, việc nghiên cứu và lựa chọn các giải pháp phát triển sử dụng thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam cần phải được các NHTM xác định là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên trong liên hệ với những cố gắng gia tăng dư nợ tiêu dùng nói riêng và đạt chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng dư nợ nói chung của năm 2024 cũng như những năm tiếp theo.

Kiến nghị những giải pháp thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng nội địa của các ngân hàng thương mại Việt Nam, PGS.TS Đặng Ngọc Đức cho biết cần tăng cường tiện ích cho người sử dụng thẻ; tăng cường hiểu biết về thẻ tín dụng (minh bạch); ứng dụng Fintech để giảm phí thẻ tín dụng.

“Theo kết quả phân tích chuyên sâu 26 người dùng, là những người trực tiếp đang sử dụng hoặc đã có kinh nghiêm sử dụng thẻ tín dụng, lợi ích của thẻ tín dụng là một trong những điểm cân nhắc khiến khách hàng quyết định lựa chọn mở và sử dụng dòng thẻ này. Đối với giá phí, việc miễn phí thường niên là một trong những điều khiến cho người dùng cảm thấy hài lòng.

Về tính năng của thẻ, người dùng mong muốn quản lý việc chi tiêu, cài đặt các hạn mức chi tiêu để không dùng tiền quá mức, và tính năng liên kết với các quỹ đầu tư, để có thể kiểm soát được nhu cầu đầu tư nhanh chóng, tiện lợi.

Về chính sách ưu đãi, người dùng đặc biệt quan tâm đến các chính sách hoàn tiền dựa trên các giao dịch chi tiêu, các ưu đãi được thiết kế riêng cho từng nhu cầu chi tiêu hàng ngày, đặc quyền về du lịch như phòng chờ sân bay, khách sạn. Ngoài ra, đối với người dùng là khách hàng trẻ, còn mong muốn được thể hiện cá tính riêng bằng việc thiết kế các thẻ độc bản cho mình” - PGS.TS Đặng Ngọc Đức kiến nghị.

Ngoài ra, theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, để gia tăng sử dụng thẻ tín dụng nội bộ của các NHTM một cách ổn định và thực sự có ý nghĩa, ngoài việc giảm thiểu các loại phí và khuyến khích người tiêu dùng, các NHTM cần tăng cường đầu tư, đẩy mạnh các giải pháp công nghệ và áp dụng Fintech để giảm thiểu cả chi phí tài chính, chi phí cơ hội và chi phí giao dịch cho người sử dụng thẻ.

Một điều quan trọng khác cần được coi là chiến lược trong dài hạn là phải củng cố và nâng cao uy tín của mỗi NHTM để thẻ phát hành ra có thể sẽ được chấp nhận thanh toán ngoài Việt Nam, trở thành thẻ quốc tế. Chỉ có như vậy, người tiêu dùng sử dụng thẻ do các NHTM Việt Nam phát hành ra mới có được những tiện ích như sử dụng thẻ tín dụng quốc tế.

“Để thực hiện những giải pháp được đề xuất trên đây, ngoài sự nỗ lực cố gắng của các NHTM cũng như các đơn vị cung cấp cơ sở hạ tầng dịch vụ thanh toán, thì sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng về tổ chức, giảm sát và hỗ trợ phát triển thẻ tín dụng nội địa mang tính quyết định.

Gỡ bỏ những rào cản để phát triển sử dụng thẻ tín dụng cần phải được đặt gắn với quá trình chuyển đổi số của ngành tài chính, phối hợp chặt chẽ với Chương trình tài chính toàn diện và dặt trong bối cảnh phát triển bền vững (ESG) của các NHTM Việt Nam” - PGS.TS Đặng Ngọc Đức khẳng định.

14h51: Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT: Thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng

Trên thị trường tài chính Việt Nam, các ngân hàng đang hướng về thị trường thẻ tín dụng là giải pháp thanh toán, tiêu dùng, thậm chí rút tiền mặt… mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, từ đó cũng thúc đẩy tình trạng lạm chi do chạy theo các chương trình khuyến mãi; rút tiền mặt từ thẻ và trả góp không kế hoạch, dẫn đến nợ xấu.

Ông Ngô Thành Huấn cũng dẫn chứng một chủ đề thẻ tín dụng trở nên nóng bỏng và xôn xao dư luận trong năm 2024 bắt nguồn từ sự vụ liên quan đến khoản nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, sau 11 năm bỗng chốc biến thành nghĩa vụ thanh toán khủng lên đến 8,8 tỉ đồng - tương ứng với giá trị tài sản bình quân của top 5% người giàu nhất Việt Nam, theo thống kê từ Cơ sở Dữ liệu Bất bình đẳng Thế giới.

Sự vụ dù được lãnh đạo của phía ngân hàng ngay lập tức làm rõ và xoa dịu trên truyền thông nhưng vẫn không thể ngăn được “trào lưu” kiểm kê và hủy hàng loạt thẻ tín dụng và kéo theo nhiều ngân hàng khác bị vạ lây trong thời gian ngắn.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Ảnh: Tô Thế
Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Ảnh: Tô Thế

Xét đến xu hướng hủy thẻ tín dụng khá nhiều sau câu chuyện bên trên, trước tiên cần hiểu thêm về thói quen chi tiêu cũng như cách nhìn nhận của người Việt về thẻ tín dụng. Có thể thấy rõ thế hệ 8X trở về trước vẫn giữ thói quen khá cẩn trọng trong việc chi tiêu, tính toán chi tiết để vén khéo túi tiền của gia đình. Cũng như trong bối cảnh 10 - 20 năm trở về trước khi các nhu cầu mua sắm, du lịch, giải trí vẫn chưa phong phú và đa dạng như hiện nay thì có thể giải thích phần nào cho việc thế hệ này vẫn khá hạn chế tương tác với thẻ tín dụng.

Như vậy, tác động ngắn hạn hủy thẻ theo dư âm của câu chuyện bên trên thật ra đang từ phân khúc người tiêu dùng trung niên là chủ yếu. Nó cũng chỉ khắc họa thêm cho một nguyên nhân cốt lõi sâu hơn, đó là sự thiếu hụt về dân trí tài chính của người Việt trong rất nhiều năm qua.

Nếu thật sự nhìn câu chuyện dân trí tài chính, chúng ta sẽ gần như có thể giải thích ngay cho việc chỉ mới hơn 4% dân số Việt Nam sở hữu thẻ tín dụng, trong khi các quốc gia lân cận như Thái Lan, con số này là 10%, Malaysia là 21%, Trung Quốc 21%, Singapore 49%...

Vẫn là câu chuyện của thị trường tài chính, tỉ lệ người dân Việt Nam có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ hoặc tham gia thị trường chứng khoán cũng ở mức thấp hơn so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia và thấp hơn rất nhiều so với các trung tâm tài chính như Singapore... Cụ thể hơn, trong các cuộc khảo sát dân trí tài chính do các tổ chức quốc tế thực hiện, chúng ta luôn đứng ở vị trí rất thấp.

Quay trở lại câu chuyện về thẻ tín dụng, rõ ràng chính hạn chế trong dân trí tài chính dẫn đến hiệu ứng tâm lý đám đông là tác nhân chính tạo ra việc hủy thẻ hàng loạt sau sự cố không đáng có, cũng như giải thích cho mức độ tiếp cận thẻ tín dụng còn quá thấp của thị trường Việt Nam, đặc biệt ở các tỉnh thành nhỏ, vùng sâu và ở phân khúc lao động phổ thông, công nhân.

Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ tín dụng hợp lý cũng cần được áp dụng để thật sự tối ưu về tài chính cho mỗi gia đình.

Thứ nhất, cần hiểu việc rút tiền mặt sẽ bị tính phí ngay lập tức chứ không miễn lãi và thường mức này cũng không nhỏ. Thứ hai, cần có kế hoạch chi tiêu để tránh bị thói quen lạm phát lối sống làm ảnh hưởng đến việc tích lũy tài chính dài hạn và kế hoạch thanh toán nợ thẻ để không bị quá hạn dẫn đến ảnh hưởng đánh giá tín dụng cho các khoản vay khác lớn hơn về sau. Thứ ba, cần nắm rõ cách tính lãi của thẻ tín dụng, không phải thanh toán tối thiểu là sẽ không bị tính lãi. Không kém phần quan trọng, bảo vệ thẻ cẩn thận và báo ngay khóa thẻ khi mất thẻ.

Cuối cùng, xét về giải pháp để phát triển thị phần thẻ tín dụng, nhất là thẻ tín dụng nội địa, tôi xin nêu vài góc nhìn:

Thứ nhất, thị phần tại các tỉnh thành nhỏ, khu công nghiệp, với đa số người dân kinh doanh tự do, lao động phổ thông, công nhân và giới văn phòng thu nhập tầm trung vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đây cũng là nhóm đối tượng dễ bị dính tín dụng đen, tỷ lệ tiếp cận sản phẩm tài chính thấp, cũng như là đối tượng chính cho chương trình tài chính toàn diện. Nên có những chương trình phổ cập về kiến thức tài chính cơ bản, thay vì chỉ tập trung nói về chức năng của thẻ. Cần có những chất liệu mang tính điều chỉnh tư duy của nhóm khách hàng này. Phối hợp với các cơ quan Đoàn Thanh Niên, Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ để sát sườn và triển khai tần suất dày hơn và có chiều sâu hơn.

Thứ hai, để triển khai việc nâng cao dân trí tài chính, ngay chính lực lượng cán bộ ngân hàng cũng phải được cập nhật kiến thức về tài chính cá nhân. Khi chính lực lượng “tiền tuyến” vẫn còn khá yếu và không đồng bộ trên diện rộng về bộ khung năng lực thì rất khó thay đổi thị trường và hỗ trợ người dân.

Thứ ba, thiết kế các nhóm phí thu, các chương trình ưu đãi linh hoạt hơn theo từng phân khúc về hành vi tiêu dùng, về thu nhập và địa bàn để tối ưu mức độ phủ khi triển khai thực tế.

Thứ tư, chuyên nghiệp và minh bạch trong các tư vấn về cách tính lãi, các điểm nên tránh khi dùng thẻ. Xu hướng của thị trường tài chính thế giới từ lâu đã chuyển đổi sang hướng khách hàng là trọng tâm (Client-centric), tuy nhiên thị trường tài chính Việt Nam vẫn rất nặng màu sản phẩm là chủ đạo (Product-push) với các áp lực về doanh số mà ít chú trọng đến giá trị và trải nghiệm của khách hàng.

Giải pháp thúc đẩy sử dụng thẻ tín dụng, có 3 giải pháp chính: Phổ cập tài chính cá nhân - quản lý chi tiêu, phổ cập kiến thức tài chính bên cạnh các hoạt động thúc đẩy sử dụng thẻ; hiểu đúng và đủ chức năng của thẻ tín dụng; minh bạch các điều khoản sử dụng thẻ…

14h30: Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc NAPAS - cho biết: Độ phủ thẻ tín dụng của Việt Nam còn khá khiêm tốn.

Thẻ tín dụng nội địa, bản chất các ngân hàng Việt Nam đã phát hành rất lâu, nhưng thẻ tín dụng nội địa dùng bộ chip do NHNN ban hành từ năm 2021.

Trong khoảng 3 năm phát triển, tốc độ phát hành thẻ tín dụng nội địa ở mức tương đối cao so với mặt bằng chung thị trường. Tuy nhiên so với dung lượng thị trường còn hết sức khiêm tốn.

Điều kiện phát hành sản phẩm là sản phẩm thuần Việt, và các ngân hàng là thành viên của NAPAS đã phát triển thẻ tín dụng với biểu phí rất đơn giản so với thẻ tín dụng của các tổ chức quốc tế có biểu phí rất phức tạp.

Thủ tục phát hành đơn giản, điều kiện ràng buộc gần như không có. Đây là điều kiện cho các ngân hàng phát hành thẻ tín dụng để người dân tiếp cận dễ dàng hơn, với chi phí hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế
Ông Nguyễn Quang Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) - trình bày tham luận. Ảnh: Tô Thế

NAPAS liên tục cập nhật ứng dụng các Công nghệ thanh toán mới cho thẻ Tín dụng nội địa nhằm phát huy hết tính tiện lợi trong việc sử dụng thẻ cho người dùng cuối.

NAPAS đang triển khai các giải pháp công nghệ mới cho phép khách hàng thanh toán thẻ thông qua các thiết bị di động; Số hóa thẻ và thanh toán trên thiết bị di động; Biến thiết bị di động thành thiết bị thanh toán; Cho phép tích hợp với phần mềm Đơn vị chấp nhận thanh toán (ĐVCNTT).

Chính sách phí: Tổ chức thanh toán thẻ (TCTTT) thỏa thuận về việc thu phí chiết khấu đối với ĐVCNT.

Việc chia sẻ phí giữa Tổ chức phát hành thẻ (TCPHT), Tổ chức thanh toán thẻ, Tổ chức chuyển mạch thẻ, Tổ chức bù trừ điện tử giao dịch thẻ, TCTQT do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật.

Không có quy định về mức trần/sàn đối với phí MDR và Chia sẻ.

Hầu hết các ngân hàng ký kết hợp đồng với 1 số đơn vị/đối tác để hợp tác phát triển dịch vụ.

Về gian lận giả mạo trong thanh toán thẻ: Gian lận giả mạo đối với giao dịch không xuất trình thẻ là hình thức gian lận chủ yếu trong hoạt động thanh toán thẻ nội địa tại thị trường Việt Nam.

Số lượng giao dịch tra soát gian lận giả mạo trong 4 tháng đầu năm đối với giao dịch không xuất trình thẻ (giao dịch thanh toán trực tuyến) chiếm tỷ lệ 95,47%, trong khi đối với giao dịch xuất trình thẻ (giao dịch ATM/POS) chỉ chiếm 4,53%.

Đối với giao dịch không xuất trình thẻ (giao dịch thanh toán trực tuyến thẻ nội địa) đều yêu cầu xác thực OTP. Do vậy các giao dịch gian lận giả mạo chủ yếu do chủ thẻ bị đối tượng lừa đảo lừa cung cấp các thông tin thanh toán (bao gồm cả thông tin thẻ và OTP).

Tỷ lệ giao dịch gian lận giả mạo thẻ nội địa hiện vẫn rất thấp so với tổng lượng giao dịch. Tuy nhiên các Ngân hàng vẫn phải xử lý các rủi ro tổn thất cho các giao dịch này mà chưa có quỹ để xử lý.

Tại một số quốc gia (tham khảo), Cơ quan nhà nước, NHTW có vai trò quan trọng và có các chính sách, quy định để thúc đẩy hoạt động thanh toán thẻ, đạt mục tiêu: Đảm bảo sự minh bạch, công bằng giữa các bên trong hoạt động thanh toán thẻ; Đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức phi ngân hàng có thể tham gia.

Chính sách phí áp dụng: Đề xuất NHNN xem xét ban hành khung trần/sàn đối với phí chia sẻ và MDR (nếu có), áp dụng với cả thẻ nội địa và thẻ quốc tế Nguyên tắc Chính sách phí cần phải đảm bảo cân bằng lợi ích của ngân hàng trong vai trò là TCPH và TCTT, và các bên tham gia.

Mức phí chia sẻ cần hợp lý để thúc đẩy việc phát hành thẻ của TCPH nhưng cũng cần đảm bảo mức MDR nằm trong khoảng chấp nhận được với TCTT, ĐVCNTT cũng như giải quyết được vấn đề ưu tiên thanh toán tiền mặt tại các ĐVCNTT do MDR chưa hợp lý (phí chia sẻ cao sẽ dẫn đến phí MDR cao) và cũng nhằm bảo vệ quyền lợi cho ĐVCNTT .

Đảm bảo hài hòa, công bằng giữa thẻ nội địa và thẻ quốc tế; giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát tốt chính sách phí

Để giải quyết các vướng mắc trong xử lý rủi ro liên quan đến các giao dịch gian lận, giả mạo trong thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thẻ nói riêng, NAPAS đề xuất cho phép các Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán được phép sử dụng một phần lợi nhuận trước thuế để trích lập quỹ dự phòng rủi ro trong thanh toán (tương tự như hoạt động cấp tín dụng).

Cho phép các tổ chức phi ngân hàng được tham gia cung cấp dịch vụ Merchant acquiring độc lập, trong đó:

Tổ chức phi ngân hàng được chủ động ký thỏa thuận thanh toán thẻ với ĐVCNTT; triển khai thiết bị chấp nhận thanh toán; quản lý rủi ro ĐVCNTT…

Về quyết toán với ĐVCNTT: Tổ chức phi ngân hàng chịu trách nhiệm quyết toán với ĐVCNTT; hoặc quyết toán với ĐVCNTT thông qua một ngân hàng.

Ngân hàng tham gia với vai trò ngân hàng quyết toán.

Thời gian tới, các Ngân hàng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát hành thẻ nội địa, đặc biệt thẻ tín dụng nội địa. Tiếp cận các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước để mở thẻ tín dụng nội địa và phối hợp cùng NAPAS để có các chương trình khuyến khích sử dụng thẻ tín dụng.

Về phía NAPAS, rà soát chặt chẽ và đánh giá tiềm năng việc chấp nhận thanh toán thẻ nội địa để đẩy mạnh hơn nữa việc chấp nhận thẻ nội địa ở các ĐVNCTT, giảm bớt gánh nặng chi phí cho thị trường NAPAS.

Phối hợp cùng các TCPH và TCTT để thúc đẩy phát hành/thanh toán thẻ nội địa nói chung và thẻ tín dụng nội địa nói riêng.

Tiếp tục hoàn thiện triển khai gia tăng các tiện ích đối với hệ sinh thái thẻ NAPAS: Tokenization, 3DS, Tap to pay, thanh toán QRPay từ nguồn thẻ tín dụng NAPAS... Cùng các ngân hàng phối với các Trung gian thanh toán, đơn vị phát triển mạng lưới để thúc đẩy mảng chấp nhận thanh toán thẻ.

Mục tiêu hướng tới là thúc đẩy thị trường thanh toán thẻ, tăng tính cạnh tranh của dịch vụ chấp nhận thanh toán; phù hợp với sự phát triển và yêu cầu của thị trường: các ngân hàng hiện tại cũng đang hợp tác với các đối tác để phát triển và mổ rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán tại ĐVCNTT nhỏ lẻ, tại các vùng mà mạng lưới ngân hàng chưa bao phủ.

14h15: Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - trình bày tham luận "Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thẻ tín dụng nội địa".

Một trong các nhiệm vụ quan trọng tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 ban hành theo Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phát triển, cung ứng đa dạng các sản phẩm thẻ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số hóa gắn với đảm bảo an toàn bảo mật và đem lại sự thuận tiện, giá cả dịch vụ hợp lý cho người sử dụng.

Triển khai Đề án 1813 nêu trên, thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu, ban hành hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho thanh toán điện tử, thẻ ngân hàng, như: trình ban hành Nghị định 52/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, ban hành Quyết định, chỉ thị của Thống đốc về đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lừa đảo, gian lận trong thanh toán (Chỉ thị 02, Quyết định 2345/QĐ-NHNN,…); ban hành các thông tư hướng dẫn về mở tài khoản/mở thẻ bằng eKYC. Các quy định pháp lý đã tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng các sản phẩm, dịch vụ, phương thức thanh toán mới an toàn, tiện lợi, trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp.

Ông
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tô Thế

Phát biểu tại toạ đàm, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN - cho biết, trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ thẻ ngân hàng cũng được các TCTD quan tâm phát triển, trong đó thẻ tín dụng là phương thức thanh toán đáp ứng đa dạng nhu cầu tiêu dùng, thanh toán của khách hàng.

Tính đến tháng 3.2024, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 150,6 triệu thẻ (tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2023), với hơn 106,7 triệu thẻ nội địa, 43,9 triệu thẻ quốc tế; trong đó có 27 ngân hàng đang triển khai mở thẻ bằng eKYC với hơn 15,3 triệu thẻ mở bằng eKYC đang lưu hành hoạt động.

“Đến hết tháng 3.2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa; số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3.2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%); Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỉ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).

Từ những kết quả trên, có thể thấy mặc dù số lượng thẻ tín dụng nội địa còn khiêm tốn nhưng tăng trưởng mạnh về số lượng, giá trị giao dịch là điểm sáng đáng ghi nhận về phát triển thẻ tín dụng nội địa trong năm vừa qua” - ông Lê Anh Dũng cho biết.

Theo ông Lê Anh Dũng, hiện nay, nước ta có hơn 900 nghìn thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân thì đây là tiềm năng lớn để các TCTD có thể khai thác, đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng nội địa. Ngoài ra, cơ cấu dân số trẻ, thu nhập người dân ngày càng tăng, xu hướng thương mại điện tử, hoạt động kinh tế số ngày càng thịnh hành thì thị trường thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tiềm năng phát triển nữa.

Bên cạnh tiềm năng lớn từ thị trường thẻ tín dụng, sản phẩm thẻ tín dụng nội địa còn nhiều tính năng, tiện ích, ưu đãi hấp dẫn không kém gì thẻ tín dụng quốc tế, có thể kể đến như: Thẻ tín dụng nội địa ứng dụng công nghệ hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa của NHNN và tiêu chuẩn quốc tế EMV có tính an toàn, bảo mật cao, hạn chế rủi ro, gian lận, giả mạo cho chủ thẻ; Thủ tục mở thẻ dễ dàng, chi phí phát hành và thanh toán thấp giúp đối tượng khách hàng có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý; Sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ, thanh toán giao thông công cộng nhanh chóng, thuận tiện…

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”. Ảnh: Tô Thế

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN để tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa thị trường thẻ tín dụng nội địa, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước, các thành viên thị trường cần triển khai một số giải pháp.

Một là, NHNN tiếp tục hoàn thiện và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động thẻ ngân hàng. Triển khai hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; hoàn thiện, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn Nghị định mới. Tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật hoạt động thanh toán, thẻ ngân hàng, đặc biệt là tổ chức triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN đạt kết quả tốt.

Hai là, chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến.

Ba là, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục phối hợp xây dựng hệ sinh thái thẻ chip nội địa đa ứng dụng, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, tiện ích, đảm bảo an toàn, bảo mật, kết hợp với các chính sách ưu đãi, khuyến mãi đối với khách hàng và đơn vị chấp nhận thanh toán để thu hút khách hàng mở và sử dụng thẻ tín dụng nội địa.

Bốn là, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cần phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính nghiên cứu, xây dựng cơ chế chia sẻ phí hợp lý để hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển bền vững thị trường thẻ tín dụng nội địa; chủ động xây dựng công cụ phát hiện, phòng ngừa gian lận thanh toán.

Năm là, NHNN, các thành viên thị trường tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính, trong đó có phương tiện về thẻ tín dụng nội địa, tập trung việc cung cấp đầy đủ thông tin, lợi ích, tính năng vượt trội, kỹ năng sử dụng, đảm bảo an toàn, bảo mật trong quá trình sử dụng.

14h07: Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam, Tổng Biên tập báo Lao Động - phát biểu khai mạc hội thảo.

Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển gửi lời cảm ơn tới các quý vị khách quý, các đại biểu đến tham dự Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt” do Báo Lao Động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hôm nay.

Tổng Biên tập
Ông Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao Động Việt Nam, Tổng Biên tập báo Lao Động - phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Tô Thế

Tổng Biên tập Báo Lao Động cho biết, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện là những chủ trương, chính sách lớn được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm.

Trong xu hướng đó, thẻ tín dụng vừa là phương tiện thanh toán tiện lợi, vừa là công cụ để người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng của ngân hàng. Đặc biệt, thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm tiện ích, an toàn bảo mật, hiệu quả chi phí nhắm đến phân khúc khách hàng thu nhập trung bình khá, góp phần phổ cập tài chính, hạn chế tín dụng đen.

Việt Nam là thị trường tiềm năng với gần 100 triệu dân. Việc tăng cường truyền thông để người dân hiểu đúng về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, về các kênh tín dụng an toàn, trong đó có thẻ tín dụng nội địa - loại thẻ thuần Việt, dành cho người Việt là vô cùng quan trọng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen, thực hiện chiến lược phổ cập tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Đây cũng là lý do hôm nay Báo Lao Động phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước và NAPAS tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”. Chúng tôi mong các vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà quản lý sẽ cùng đóng góp ý kiến, bàn luận, để tìm giải pháp phát huy tiềm năng, giá trị thẻ tín dụng nội địa, để người dân hiểu đúng và sử dụng các phương tiện thanh toán, trong đó có thẻ tín dụng một cách an toàn và hiệu quả.

Thay mặt Ban Tổ chức, Tổng Biên tập Báo Lao Động gửi lời cảm ơn Ngân hàng Nhà nước, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam, các tổ chức tín dụng đã đồng hành cùng Báo Lao Động tổ chức hội thảo lần này.

Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thúc đẩy tài chính toàn diện là những chủ trương, chính sách lớn, được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm. Quý I/2024, hoạt động TTKDTM tiếp tục đạt được những kết quả tích cực so với cùng kỳ. Hệ thống bù trừ, chuyển mạch giao dịch tài chính tăng 39,06% về số lượng và 20,64% về giá trị. Giao dịch TTKDTM tăng 56,57% về số lượng và 31,35% về giá trị; qua kênh internet tăng 48,81% về số lượng và 25,73% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 58,70% về số lượng và 33,12% về giá trị.

Trong xu hướng đó, thẻ tín dụng vừa là phương tiện thanh toán tiện lợi, vừa là công cụ để người dân tiếp cận dễ dàng với nguồn tín dụng của ngân hàng. Đặc biệt, thẻ tín dụng nội địa là sản phẩm tiện ích, an toàn bảo mật, hiệu quả chi phí nhắm đến phân khúc khách hàng thu nhập trung bình khá, góp phần phổ cập tài chính, hạn chế tín dụng đen.

Đến hết tháng 3.2024, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 3.2024 đạt trên 904,7 nghìn thẻ (tăng 18,37% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng thẻ tín dụng quốc tế là 9,53%). Giao dịch thẻ tín dụng nội địa trong 3 tháng đầu năm 2024 đạt 1,3 triệu giao dịch với giá trị đạt 10 nghìn tỉ đồng (tăng 75,43% về số lượng và 89,85% về giá trị, cao hơn mức tăng tương ứng của thẻ tín dụng quốc tế là 27,26% và 25,1%).

Để hoàn thiện về pháp lý và hạ tầng công nghệ thúc đẩy TTKDMT nói chung cũng như phát triển thẻ tín dụng nội địa nói riêng, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.

Hội thảo sẽ được truyền hình trực tiếp trên Lao Động điện tử (www.laodong.vn) và Fanpage của Báo Lao Động lúc 14h ngày 21.5.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Tiềm năng lớn để phát hành thẻ tín dụng nội địa

Đức Mạnh (thực hiện) |

Hiện nay, Việt Nam có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - đánh giá đây là một sản phẩm tiềm năng, góp phần vào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Phát huy thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt

Nhóm PV |

Việc phát huy hết tiềm năng và giá trị của thẻ tín dụng nội địa sẽ giúp người dân, đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. 14h ngày 21.5, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.

Tài chính thông minh: Tỉnh táo trước bẫy nợ nhờ hiểu đúng về thẻ tín dụng

Nhóm PV |

Chi tiêu quá đà vì thẻ tín dụng sẽ dẫn đến việc các bạn trẻ không còn cơ hội tiết kiệm để gia tăng tài sản trong tương lai, trong khi tuổi trẻ là giai đoạn vàng để tích lũy tài sản. Chuyên gia chương trình "Tài chính thông minh" đưa ra những lời khuyên để tỉnh táo trước bẫy nợ nhờ hiểu đúng về thẻ tín dụng.

Ôtô 16 chỗ bốc cháy ngùn ngụt trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Duy Tuấn |

Bình Thuận - Xe ôtô 16 chỗ limousine đang chạy trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, đoạn Bình Thuận thì bốc cháy, tài xế tấp xe vào làn khẩn cấp. Lửa bùng phát mạnh cháy rụi trơ khung xe.

Công an Điện Biên đính chính thông tin "chưa khám xét nơi ở, nơi làm việc của lãnh đạo tỉnh"

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Công an Điện Biên vừa có văn bản đính chính thông tin về việc "chưa thực hiện khám xét nơi ở, nơi làm việc" của bất kỳ lãnh đạo nào tại tỉnh Điện Biên.

Đại biểu Quốc hội nêu nghịch lý cứ sau đấu thầu, giá vàng lại tăng

PHẠM ĐÔNG - CAO NGUYÊN |

Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý là cứ sau đấu thầu, giá vàng lại tăng vì giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh bị đề nghị mức án 6 năm tù giam

Bảo Nguyên |

Tại phiên tòa xét xử sáng 23.5, đại diện Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Lào Cai đề nghị mức án từ 5-6 năm tù đối với cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh về tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Chủ tịch TP Nha Trang ký kháng cáo vụ thua kiện thu hồi đất diện vắng chủ

Hữu Long |

Khánh Hòa - Sau khi tòa sơ thẩm tuyên thua kiện, buộc hủy quyết định thu hồi đất thuộc diện vắng chủ, Chủ tịch UBND TP Nha Trang đã ký kháng cáo.

Tiềm năng lớn để phát hành thẻ tín dụng nội địa

Đức Mạnh (thực hiện) |

Hiện nay, Việt Nam có hơn 900.000 thẻ tín dụng nội địa với quy mô dân số 100 triệu dân. Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - đánh giá đây là một sản phẩm tiềm năng, góp phần vào phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Phát huy thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt

Nhóm PV |

Việc phát huy hết tiềm năng và giá trị của thẻ tín dụng nội địa sẽ giúp người dân, đặc biệt người dân thuộc nhóm khách hàng yếu thế tiếp cận được các kênh tín dụng chính thức, hạn chế tín dụng đen và gia tăng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. 14h ngày 21.5, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Phát huy tiềm năng thẻ tín dụng nội địa hướng tới xã hội không tiền mặt”.

Tài chính thông minh: Tỉnh táo trước bẫy nợ nhờ hiểu đúng về thẻ tín dụng

Nhóm PV |

Chi tiêu quá đà vì thẻ tín dụng sẽ dẫn đến việc các bạn trẻ không còn cơ hội tiết kiệm để gia tăng tài sản trong tương lai, trong khi tuổi trẻ là giai đoạn vàng để tích lũy tài sản. Chuyên gia chương trình "Tài chính thông minh" đưa ra những lời khuyên để tỉnh táo trước bẫy nợ nhờ hiểu đúng về thẻ tín dụng.