Trao đổi với phóng viên Lao Động sáng 28.5, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho biết: "Việc đưa thông tin đời tư nói chung, thông tin gia đình nói riêng lên mạng xã hội đều để lại những hệ lụy tâm lý dai dẳng về sau.
Xét ở góc độ xã hội, đưa thông tin đời tư gia đình lên mạng xã hội vô tình “vạch áo cho người xem lưng” những mâu thuẫn nội bộ cùng những hành vi ứng xử không thể tự giải quyết. Từ đó tạo môi trường phán xét tự do cho cộng đồng mạng".
Theo chuyên gia Ngô Hương Giang, "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, không ai có thể giúp bạn giải quyết mâu thuẫn gia đình bạn ngoại trừ bạn.
Việc đưa chuyện gia đình lên mạng xã hội ban đầu có thể nhằm mục đích “bóc phốt” từ một trong hai phía vợ hoặc chồng, hoặc các thành viên trong gia đình để tìm tiếng nói "an ủi", bảo vệ bản thân trước đối phương.
Song đa phần những vụ việc như vậy, chủ đích của người đưa thông tin lên mạng xã hội thường không đạt được hiệu quả. Ngược lại, đôi khi phải nhận phần đắng về mình.
Chuyên gia Ngô Hương Giang so sánh: "Cộng đồng mạng cũng giống như “cái chợ đời". Ở đó, người nói xuôi, người nói ngược, họ cổ vũ bạn để tạo drama cho xã hội xem bạn diễn kịch, nhưng khi vở kịch khép lại thì sự cô độc luôn là thứ sẽ tìm đến bạn.
Và cứ thế, bạn tạo ra drama cho “xã hội mạng” xem, cổ vũ, hò reo, nhưng hệ lụy từ sự tấn công ác ý và tổn thương tâm lý thì chỉ có bạn và người thân của bạn nhận lại".
Không chỉ người lớn mới chịu tổn thương mà trẻ con là nạn nhân trực tiếp trong những cuộc đấu tố của người lớn trên mạng xã hội.
Trong trường hợp gần đây, vợ của Decao vừa ôm con vừa livestream với tâm lý hoảng loạn. Chuyên gia Ngô Hương Giang nhận định: "Có thể cháu bé trong drama Lâm Minh và Decao còn quá nhỏ để nhận biết ngay vấn đề.
Song khi live tắt, bản ghi lại video live vẫn còn trôi nổi trên mạng xã hội. Một ngày nào đó khi con của họ lớn lên, gia nhập Internet và bắt gặp lại chuyện của ba mẹ trong quá khứ trên các nền tảng mạng xã hội, chắc chắn cháu bé sẽ bị ám ảnh, tổn thương.
Đó là còn chưa bàn tới việc, trong quá trình thực hiện livestream, sự kích động từ những cư dân mạng tiêu cực cũng có thể khiến tâm lý, tinh thần của Lâm Minh trở lên không kiểm soát, có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng cháu bé".
Về phía người gây nên những tổn thương, việc tương tác qua lại trên mạng xã hội cũng là điều không cần thiết.
Như lời xin lỗi của Decao chỉ mang tính chất xoa dịu dư luận và cứu lại "danh dự" cho bản thân nhưng cuối cùng lại phản tác dụng.
Từ những câu chuyện đã xảy ra, chuyên gia Ngô Hương Giang khuyên nhủ những ai là nạn nhân của bạo lực gia đình hãy cân nhắc thật kỹ trước khi chọn nơi này để "bóc phốt" hay xả giận.
Những xung đột nội bộ nên giải quyết bằng phương thức hòa giải.
Nếu không được, người bị bạo hành cần nhờ tới sự can thiệp của pháp luật.
Chỉ có pháp luật mới giúp người bị hại tìm được công lý, đền bù thỏa đáng về mặt thể chất lẫn tinh thần, sức khỏe, tính mạng kịp thời.