Nghiệt ngã những mảnh đời nhiễm AIDS: Bài 2 - Bản nhạc sám hối

Mai Thắng |

“Giờ đây em biết đi về đâu, đời em đã nằm trong vực sâu, đời em sẽ như con thuyền không bến lênh đênh. Đời em biết đi về đâu, giọt nước mắt khóc cho đời sau, chắp tay nguyện cầu, xin cuộc đời hai chữ bình an...” - T, bệnh nhân có “H” ở giai đoạn cuối cầm đàn ghi ta hát. Lời bài hát xót xa khiến tất cả chúng tôi không cầm được nước mắt. T được các bệnh nhân ở đây gọi là “nhạc sĩ”.

Xin cuộc đời hai chữ bình an

Điều dưỡng viên Thu Thủy - người trực tiếp chăm sóc cho bệnh nhân HIV giai đoạn cuối dẫn chúng tôi đi thăm các bệnh nhân. Đoạn đường từ bếp ăn đến khoa Chăm sóc đặc biệt chưa đầy 100 mét. Song cái cảm giác tiếp xúc với những người có “H” vừa sợ, vừa thương cứ thôi thúc trong lòng. Thủy bảo: “Ngày nào chúng em cũng có mặt ở đây tắm, rửa và cho bệnh nhân ăn. Các anh cứ đến, họ rất hiền, thương lắm”.

Chúng tôi vừa bước chân nhanh qua cổng khoa Chăm sóc đặc biệt, một bệnh nhân trẻ chừng 25 tuổi chạy tới lễ phép chào: “Con chào các cha, các sơ”, rồi kêu vọng vào trong: “Ê. Mặc đồ vào nha. Có khách đến thăm”. Ắt thì các bệnh nhân đang cởi trần, mặc quần đùi ngồi trên hành lang vào mặc áo rồi ra cửa chờ đợi.

Qua phòng bệnh thứ nhất, chúng tôi dừng lại ở phòng bệnh thứ hai – nơi có bệnh nhân nặng nhất tên C (quê Hà Tĩnh) và bệnh nhân T cùng bốn bệnh nhân khác. Điều dưỡng viên Thủy gọi: “Các bệnh nhân tập trung lại đây nào. Hôm nay có đoàn từ thiện đến thăm và tặng quà”. Thủy giới thiệu: “Đây là anh T - ca sĩ, nhạc sĩ ở khoa này đấy. Người đang nằm kia là anh C - bệnh nhân nặng của khoa”. Để phá tan không khí căng thẳng và tạo sự thân tình, tôi nói to: “Bây giờ chúng ta vui văn nghệ nha. Mọi hát cho đoàn nghe nhé”. Tôi dứt lời, một bệnh nhân khác nói: “Thầy ơi, anh T là ca sĩ đó”.

Anh T - người có khuôn mặt xương xương khắc khổ, tay với cây đàn ghi ta. Chúng tôi im lặng. T cúi gằm mặt bấm phím đàn, rồi rướn cổ hát: “Tình đã hết rồi em quay về đây, về với gia đình bên bao người thương, mang theo bao nỗi đau. Giờ đây em biết đi về đâu, đời em đã nằm trong vực sâu, đời em sẽ như con thuyền không bến lênh đênh. Đời em biết đi về đâu, giọt nước mắt khóc cho đời sau, chắp tay nguyện cầu, xin cuộc đời hai chữ bình an…”. T khóc. Giọt nước mắt đục chảy tràn trên gò má sạm đen. Có lẽ đã lâu lắm rồi, T mới có cảm giác xúc động giãi bày nỗi lòng cay đắng của mình qua lời bài hát.

Sau giây phút xúc động, trấn tĩnh, tôi hỏi: “Anh nhiễm lâu chưa? Trong điều kiện nào?” T ngẩng mặt lên nhìn tôi, rồi nhìn C - người bạn thân cùng cảnh ngộ: “Hơn 22 năm rồi anh. Em nghiện ma túy khi đã có vợ con. Đến lúc em cai được thuốc thì vợ em bỏ đi. Em lại tiếp tục lao vào ma túy và nhiễm lúc nào không hay. Em có một đứa con gái, giờ nó ở với bà ngoại, cũng lớn rồi. Bài hát em vừa ca là em tự sáng tác đó. Mỗi lần buồn, em lấy đàn hát một mình, nghe một mình và khóc một mình. Đó là bản nhạc chuộc lỗi lầm của em. Em không sống được bao lâu nữa, khi chết em sẽ đem bài hát theo”, T chia sẻ.  

Điều dưỡng viên Thu Thủy (bìa phải) cùng đoàn từ thiện chụp ảnh chung với các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Ảnh: MAI THẮNG
Điều dưỡng viên Thu Thủy (bìa phải) cùng đoàn từ thiện chụp ảnh chung với các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Ảnh: MAI THẮNG

Lời trần tình qua “Cung đường đỏ”

Ở khoa chăm sóc đặc biệt, hỏi bệnh nhân C, ai cũng biết. Hiện tại, C là bệnh nhân nặng nhất, cả ngày chỉ nằm một chỗ, không vận động, không mặc quần vì những vết lở loét sâu nửa thân người phía dưới. Nghĩ tưởng những người như C sẽ chẳng bao giờ thổ lộ những “chiến tích lầm lạc một thời trai trẻ”, nhưng không, C chia sẻ như để trút gánh nặng trước “một chuyến đi xa” mà anh cho đó là tất yếu của một bệnh nhân có “H” giai đoạn cuối.

Hơn 10 năm trước, C là tài xế xe khách đường dài Bắc Nam. C không nhớ nổi bao lần cầm vô lăng, vượt qua bao chặng đường dài qua các tỉnh thành khắp cả nước, song những lần đi qua những “cung đường đỏ” và “ăn bánh trả tiền” thì không thể nào quên: “Lúc đó thanh niên trẻ khỏe, hành động thiếu suy nghĩ nên làm liều. Em “chơi” gái mại dâm không dùng bao cao su. Mà đâu phải mình em, cả mấy thằng lơ (phụ xe - PV) cũng thế. Không biết chúng nó có “dính” không, chứ em thì coi như “xong” rồi. Chừng hơn 2 năm sau thì em phát hiện bị nhiễm HIV. Lúc đó em tính lao đầu vào xe chết luôn, nhưng mấy thằng bạn ngăn lại. Cũng có lúc em có tư tưởng trả thù đời, nhưng rồi nghĩ lại, mình làm mình chịu chứ ai bắt mình đâu. Em sợ nhất là khi bạn bè biết em bị nhiễm, rồi cả ba mẹ nữa. Nhiều người nhìn em ghẻ lạnh, xa lánh, ngay cả người thân yêu nhất của em cũng nhìn em ái ngại. Em lên đến bệnh viện này là tự giải thoát cho mình, và cả gia đình người thân của em nữa...".

Có lẽ C không còn cảm xúc để khóc. Bởi hơn 10 năm ở bệnh viện Nhân Ái này, C đã khóc nhiều lần. Mỗi lần có bố mẹ, hoặc anh chị em từ Hà Tĩnh vào thăm, anh chỉ biết khóc và khuyên gia đình đừng vào thăm nữa. Bởi anh hiểu, khi gặp bố mẹ, anh, chị em ruột thịt chỉ thêm đau buồn. Vì thế với một người bệnh AIDS như anh, dù cái chết luôn cận kề, nhưng C vẫn yêu đời và bình tĩnh. “Mình buồn đau cũng chẳng được nữa anh ạ. Đành rằng lỗi lầm luôn dày xé trong tim em, nhưng nếu cứ sống về quá khứ thì giải quyết được gì chứ. Thôi, sống vui, chấp nhận những gì đang tồn tại cho thanh thản. Điều em mong nhất đừng ai coi thường, khinh rẻ bọn em là được rồi. Ở đây mọi sinh hoạt, ăn uống đều bệnh viện lo. Cuộc sống với chúng em như vậy là khá ổn. Bất cứ lúc nào em cũng sẵn sàng “ra đi”. Tư tưởng em xác định rồi...”, C chia sẻ từ đáy lòng.

"Căn nhà hạnh phúc"

Chỉ tay về phía sau dãy nhà bệnh nhân khoa Chăm sóc đặc biệt, điều dưỡng viên Thu Thủy bảo: “Phía bên kia bức tường là nhà hỏa táng. Khi các bệnh nhân có dấu hiệu qua đời, chúng tôi chuyển bệnh nhân đến đây và làm các thủ tục cần thiết. Trước lúc đó, bệnh nhân được tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo mới, ăn những gì mà họ yêu cầu. Dĩ nhiên, đa phần bệnh nhân không ăn được mà chỉ uống chút sữa, hoặc nhìn rồi khóc”.

Và cũng theo điều dưỡng viên Thủy, khi bệnh nhân có dấu hiệu hấp hối, bệnh viện báo cho người thân lên gặp mặt phút cuối cùng. Trước lúc nhắm mắt, có bệnh nhân kêu tiếng "mẹ ơi", có bệnh nhân gọi tên con, tên vợ hoặc khóc lóc thảm thiết như xám hối cuộc đời. “Lúc đó chúng tôi đứng vây quanh cùng những bệnh nhân khác. Tất cả đều khóc và cầu mong người bệnh ra đi vĩnh hằng bình an. Chứng kiến những phút đau lòng ấy, không thể cầm được nước mắt”, Thủy chia sẻ.

Sau khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng, các điều dưỡng viên thực hiện thủ tục cần thiết và chuyển xác bệnh nhân vào đài hỏa táng. Lúc cánh cửa đài hỏa táng đóng lại, cũng là lúc cảm xúc dâng trào nhất. Những bệnh nhân đứng bên ngoài ôm nhau khóc. Người đưa tay chào vĩnh biệt, người kêu tên bạn mình. Sau giây phút biệt ly đau buồn ấy, các bệnh nhân trở về phòng. Tuy trong thâm tâm suy nghĩ một lúc nào đó sẽ đến lượt mình, nhưng chẳng ai dám nói ra. Có bệnh nhân trước khi lìa đời viết thư gửi bố mẹ, hoặc vợ, con nhờ bệnh viện gửi lại. Nhiều điều bí mật trong những bức thư đó chỉ có người nhà bệnh nhân mới biết được.

Tro cốt của bệnh nhân sau hỏa táng được người thân gia đình nhận về. Nhiều bệnh nhân không có người đến nhận, tro cốt sẽ được chuyển đến “căn nhà hạnh phúc”. Đó là căn nhà đựng hàng trăm hũ tro cốt của người bệnh chết vì AIDS. Hỏi tại sao gọi những bệnh nhân AIDS cứ lén nhìn trộm đài hoàn vũ (lò thiêu người), điều dưỡng Thủy cho hay, đa phần bệnh nhân mong muốn được chết sớm để tránh đau đớn. Có những buổi chiều, bệnh nhân trèo lên tường lén nhìn lò thiêu rồi khóc nức nở. Giữa lằn ranh sự sống và cái chết đang đến gần, họ nghĩ về quãng đời đau khổ đã qua, về cái chết đang gặm nhấm. Dẫu thâm tâm ai cũng níu kéo, cũng muốn sống thật tốt những ngày cuối đời.

“Em sẽ hạnh phúc ở đài hoàn vũ. Cuộc sống ở đó sẽ không còn khổ đau, không nhìn thấy người thân yêu đau khổ về mình nữa. Ai cũng một lần chết, song cái chết của em nặng nề, đau đớn rất nhiều. Chỉ mong ba mẹ, người thân tha thứ cho em”- bệnh nhân T. trải lòng.

(Còn tiếp)

Mai Thắng
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.