Toạ đàm “Doanh nghiệp với phúc lợi cho người lao động”

Nhóm PV |

14h chiều nay (14.12), toạ đàm Câu lạc bộ Doanh nghiệp vì người lao động với chủ đề “Doanh nghiệp với phúc lợi cho người lao động” diễn ra tại Cung Văn hóa Lao Động Hữu Nghị Việt Xô (Hà Nội).

16h30: Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đánh giá cao các ý kiến của đại biểu là chuyên gia, chủ sử dụng lao động, cán bộ công đoàn đưa ra trong buổi tọa đàm.

Ông Ngọ Duy Hiểu mong những người chủ doanh nghiệp sẽ chăm lo tốt hơn cho người lao động, coi mình như người cha chăm lo con người con trong gia đình.

“Cái mà chúng ta hướng tới là một xã hội tiến bộ, vì con người. Tôi khẳng định việc cải thiện chế độ phúc lợi cho người lao động là trách nhiệm của chủ sử dụng lao động” - ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cũng đánh giá các doanh nghiệp được tôn vinh trong bảng xếp hạng năm nay đều có những nội dung thực hiện phúc lợi rất phong phú, sáng tạo, có những công ty nghĩ đến vấn đề lâu dài cho người lao động. Ví dụ như công ty Samsung, có những khóa đào tạo cho người lao động sau khi họ không làm ở công ty của mình nữa. Những chính sách ấy hết sức nhân bản, vì con người.

Đúng như quan điểm của Đảng đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, cho tương lai và đầu tư có lãi nhất. Khi tăng lương cho người lao động là chuẩn bị một giai đoạn phát triển mới của doanh nghiệp. Ông Ngọ Duy Hiểu mong chủ sử dụng lao động cũng sẽ có quan điểm và thực hiện tốt những chính sách này. Bởi bất kỳ ở đâu, khi nào con người và thiên nhiên hài hòa, khi mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động hài hòa thì sẽ ổn định và hạnh phúc.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cũng cho rằng, nếu có điều gì xảy ra với doanh nghiệp thì những chia sẻ của người lao động, những giọt nước mắt chia sẻ của người lao động chính là điều thành công của doanh nghiệp.

16h20: Bà Vi Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động kiến nghị thêm tiêu chí “đào tạo” vào bộ tiêu chí đánh giá “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” vào năm sau.

Ngoài ra, bà Minh cũng đánh giá Bảng xếp hạng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động là một chương trình rất nhân văn. Tuy nhiên, bên cạnh việc nỗ lực phát triển sản xuất kinh doanh thì cũng phải cố gắng đưa ra những chương trình đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Từ đó, bà Minh bày tỏ mong muốn, thời gian tới khi Việt Nam sắp tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Những hiệp định này sẽ đưa những vấn đề lao động vào làm một trong những tiêu chí đánh giá sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Bà Minh đánh giá, giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động sẽ đồng hành và giúp doanh nghiệp vững vàng hơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

16h15: Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh thanh Bộ LĐTBXH, thành viên Hội đồng xếp hạng Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì Người lao động” 2018 cho biết rất vui mừng khi được nghe những chia sẻ của các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn về vấn đề thực hiện phúc lợi lao động tại doanh nghiệp mình.

“Đây là vấn đề vô cùng sát sườn cho người lao động. Tôi rất đồng tình với triết lý của hai doanh nghiệp lớn là Samsung, Changshin, đó là hướng đến việc chăm lo cho con người để doanh nghiệp phát triển bền vững”- ông Tùng cho biết.

Ông Nguyễn Tiến Tùng cũng đánh giá chất lượng của bảng xép hạng Doanh nghiệp vì người lao động đã nâng lên rất rõ rệt qua từng năm, hướng đến mục tiêu chăm lo tốt nhất cho người lao động, để người lao động coi doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai của mình.

Ông mong muốn, thông qua việc vinh danh tại bảng xếp hạng sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao chỗ đứng, vị thế của mình ở trong nước và tầm quốc tế.

Video phát biểu của ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH:

16h10: Bà Vũ Thị Liên Minh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên cho biết, Công ty này hiện chủ yếu đầu tư vào các Khu đô thị, dịch vụ nghĩa trang và bất động sản với lịch sử 25 năm.

Theo bà Minh, công ty đã đồng hành cùng chương trình Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động 4 năm liên tiếp.

Bà Minh cũng nhấn mạnh, Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới người lao động trong suốt thời gian qua.

Trong đó, công ty thực hiện việc đối thoại 2 chiều giữa lãnh đạo công ty và người lao động. Trong đó, ngoài các quy định theo luật, công ty cũng đặc biệt quan tâm tới những đề xuất của người lao động.

Công ty cũng đặc biệt quan tâm tới các lao động nữ. Các nữ nhân viên ốm, sinh con đều được hưởng trợ cấp, sinh con lần 1 sẽ được nhận 10 triệu đồng, sinh con lần 2 sẽ được trợ cấp 20 triệu đồng. Số tiền này sẽ được trao luôn, không phải mất thời gian chờ đợi.

ffd
Bà Vũ Thị Liên Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng

Ngoài ra, Công đoàn công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên cũng có những khoản trợ cấp cho các gia đình mà vợ hoặc chồng chưa có việc làm, với mức hỗ trợ từ 2 tới 3triệu/gia đình/tháng cho các con đi học. Nếu các cháu đỗ đại học sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng.

Với các lao động phải đi chữa bệnh dài ngày, công ty sẽ cấp toàn bộ số tiền cho người lao động đi chữa bệnh. Công ty cũng quan tâm tới việc hiếu của người lao động. Từ đó người lao động có trách nhiệm, gắn bó hơn với công ty.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Đầu tư Thái Nguyên cũng công bố khoản tiền thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, trong đó, người lao động trong công ty trung bình là khoảng 10 triệu đồng, cao nhất lên tới 30 triệu đồng vào dịp tết Dương lịch.

Thưởng Tết Nguyên đán trung bình khoảng 30 triệu đồng, cao nhất lên tới 60 triệu đồng.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Vũ Thị Tuyết Lan - Chủ tịch công đoàn Cty TNHH Công nghệ Cosmos1 (Phú Thọ) đã đưa ra những kinh nghiệm của mình trong việc thực hiện đối thoại chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi người lao động.

 
Bà Vũ Thị Tuyết Lan phát biểu. Ảnh: Sơn Tùng

“Chúng tôi có hòm thư góp ý, đón nhận tất cả các ý kiến của người lao động. Ngoài hòm thư, mỗi tháng chúng tôi cũng thực hiện những phiếu khảo sát theo từng chủ đề, như bữa ăn ca, chế độ tiền lương cho người lao động… Sau khi lấy ý kiến nhân viên, chúng tôi sẽ có những góp ý với chủ sử dụng lao động.

Dĩ nhiên trong điều kiện công ty có 1.400 nhân viên, để đáp ứng được 100% ý kiến của NLĐ sẽ rất khó, nhưng chúng tôi cố gắng kiến nghị chủ doanh nghiệp đáp ứng khoảng 70-80% mong muốn của NLĐ”- Chủ tịch công đoàn Cty TNHH Công nghệ Cosmos1 chia sẻ.

16h: Bà Hoàng Phương - Chủ tịch công đoàn Công ty dược phẩm Tâm Bình - cho biết, tại Tâm Bình cũng có rất nhiều chính sách chăm lo cho người lao động.

Tâm Bình
Bà Hoàng Phương phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng

Để phát triển bền vững, Tâm Bình thực hiện mọi quyền lợi, các chế độ bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi cho người lao động theo quy định pháp luật, thậm chí có chế độ cao hơn quy định. Bên cạnh đó, Công ty còn tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn và kĩ năng cho nhân viên.

Hằng năm, ngoài các khoản thưởng tết thì những ngày như mùng 8.3, Tết Thiếu nhi, doanh nghiệp cũng có những món quà để tặng lao động nữ, con em của người lao động. Đặc biệt, công ty còn tổ chức Ngày đàn ông cho nhân viên ở Tâm Bình vào ngày 3.8.

Vào cuối năm, ngoài thưởng tết, công ty còn có những món quà như tủ lạnh, xe máy, tivi cho các nhân viên xuất sắc.

Ngoài ra, Công ty cũng tổ chức các chuyến du lịch cho người lao động ở trong và ngoài nước.

15h35: Đại diện công ty Changshin Đồng Nai cho biết, giá trị cốt lõi của công ty là tin tưởng và tôn trọng con người.

Theo vị đại diện này, trước đây, Changshin tập trung nhiều vào vấn đề con người, hiện nay công ty tập trung vào việc coi con người là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Công ty Chansin tại Đồng Nai đã thành lập hơn 23 năm, hiện công ty có hơn 30.000 lao động, với mục tiêu trở thành một công ty hạnh phúc và người lao động của công ty cũng hạnh phúc.

Để hỗ trợ người lao động, công ty đã mở những siêu thị bán hàng với giá ưu đãi. Thời gian khoảng 2008 tới 2010, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhiều công ty phải cắt giảm bớt lao động. Tuy nhiên, Changshin vẫn giữ nguyên lao động, mặc dù đơn hàng bị giảm bớt, những công ty cùng BCH Công đoàn đưa ra chiến lược để duy trì nhà máy và không cắt giảm lao động.

Đại diện công ty Chansin. Ảnh: Sơn Tùng
Đại diện công ty Changshin Đồng Nai phát biểu. Ảnh: Sơn Tùng

Về phúc lợi cho người lao động, ngay từ năm 1999, công ty Changshin Đồng Nai đã mở những lớp riêng cho người lao động trình độ thấp để tiếp tục nuôi giấc mơ học lên cao hơn. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức chương trình mổ mắt từ thiện cho người thân và người lao động của công ty...

Nói về các chính sách cho công đoàn viên công ty, Phó Chủ tịch Công đoàn của Changshin cho biết, trong 23 năm qua, công đoàn công ty đã thực hiện nhiều chính sách dành cho người lao động, ví dụ như Chương trình “Mái ấm công đoàn” là một trong những vấn đề mà công ty tập trung thực hiện. Tới thời điểm này, công ty đã tài trợ một phần để xây được gần 200 căn nhà cho công đoàn viên.

Thời gian qua, Công ty Changshin đã thực hiện tốt Nghị quyết 7c của Tổng LĐLĐVN về bữa ăn ca cho người lao động. Ngoài bữa ăn ca theo quy định, công ty còn có thêm một suất sữa cho người lao động (có thể là sữa chua, sữa tươi, ...). Riêng về chương trình “Tết sum vầy”, từ năm 2010, công ty đã tới thăm những người không được về quê với gia đình. Từ đó, công ty tổ chức chương chình này và nâng cấp hàng năm.

Đặc biệt, Công ty còn thành lập “Hội tương trợ gia đình Changshin” từ năm 2012 để kêu gọi người lao động trong công ty quyên góp tiền cho con cái của người lao động qua đời để có tiền học tập. Thời điểm này, số tiền quyên góp mỗi người lao động của Changshin khi mất được khoảng 210 triệu đồng. Với những người bệnh nặng có thể gửi đơn lên, căn cứ vào loại bệnh để tiến hành vận động, tiền vận động được sẽ chia đều cho số người mắc bệnh. Hiện nay, số tiền này được khoảng 45 triệu đồng/người bị bệnh.

Công ty cũng mở những lớp học tình thương dạy cho con người lao động, ban đầu dạy tiếng Anh, Toán. Tới thời điểm này có 317 các cháu theo học miễn phí và hàng năm các cháu đều được tặng sách, vở khi vào năm học mới. Công ty Changshin có khoảng 80% lao động nữ, từ đó việc chăm sóc đối tượng này rất quan trọng. Xuất phát từ nhu cầu này, công ty đã mở những phòng khám sản khoa và các phòng vắt sữa cho cho các sản phụ; ...

15h: Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu đề nghị đại diện các doanh nghiệp chia sẻ, thảo luận về vấn đề thực hiện phúc lợi cho người lao động tại doanh nghiệp của mình.

Ông Park Sung Geun - Phó Tổng giám đốc HC-NS, đối ngoại Samsung Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam cho biết, thời gian qua, Samsung đã thực hiện rất nhiều chính sách để chăm lo cho người lao động Việt Nam.

“Triết lý kinh doanh của Samsung là coi trọng con người. Bởi chúng tôi quan niệm để làm được những sản phẩm tốt thì người lao động phải được làm việc trong môi trường tốt. Để làm được điều này, chúng tôi luôn đẩy mạnh sự đoàn kết, đồng lòng, người lao động coi nhau như người trong một gia đình để có sự đồng tâm nhất trí” - đại diện Samsung chia sẻ.

Với đặc thù là doanh nghiệp trong lĩnh vực IT, lắp ráp những phụ kiện nhỏ, công việc phù hợp với nhân viên nữ, nên hiện nay trong số nhân viên của Samsung có đến 75% là lao động nữ. Trong đó có khoảng 18.000 phụ nữ trong diện được hưởng chính sách liên quan đến việc mang thai và nuôi con nhỏ.

Với đặc thù này, Samsung đã thực hiện đẩy mạnh thực hiện việc tạo ra môi trường làm việc tốt nhất phù hợp với đối tượng lao động nữ.

Cụ thể, về chế độ cho nhân viên nữ mang thai, hiện Samsung đang thực hiện các chính sách: Nhân viên sản xuất nữ mang thai nếu có nguyện vọng có thể đăng ký nghỉ hưởng 50% lương từ tháng thứ nhất. Ngoài ra, Công ty xây dựng phòng Mommy room cho nhân viên mang thai và nuôi con nhỏ sử dụng. Thêm vào đó trong thời gian thai kỳ, nhân viên mang thai sẽ được cấp phát thuốc an thai định kỳ theo tháng và được sắp xếp làm công việc nhẹ nhàng dành riêng cho bà bầu (có ghế ngồi).

Ngoài ra, Samsung cũng có chính sách nghỉ việc riêng hưởng nguyên lương số ngày cao hơn luật (cụ thể nghỉ kết hôn, bố mẹ đẻ, bố mẹ vợ/chồng, vợ/chồng mất được nghỉ 5 ngày).

“Chúng tôi cũng bố trí những xe buýt để đưa đón nhân viên đi làm. Những nhân viên ở xa thì sẽ được sắp xếp ở trong ký túc xá sạch đẹp với trang thiết bị tiện nghi, hiện đại, có điều hòa, máy giặt, phòng chiếu phim, tòa phúc lợi có canteen, siêu thị, salon tóc, phòng tập Yoga, tập Gym … để người lao động có thể nghỉ ngơi”- đại diện Công ty Samsung chia sẻ.

Để giúp nhân viên thực hiện ước mơ vào đại học, Công ty Samsung cũng kết hợp với trường đại học ở Bắc Ninh tạo điều kiện cho nhân viên được học liên thông, nâng cao trình độ.

“Có rất nhiều khóa học mà người lao động có thể lựa chọn. Ví dụ như với đối tượng lao động nữ, chúng tôi mở những khóa học làm đẹp, để sau này lao động không còn làm việc ở công ty thì có cơ hội để chuyển đổi công việc hoặc tự mở những cơ sở về làm đẹp để có thu nhập phục vụ cuộc sống sau này...

Chúng tôi coi trọng việc liêm chính, nên với người lao động, chúng tôi không yêu cầu người lao động làm thêm quá nhiều, tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi.

Với những chính sách này, tỉ lệ người lao động nghỉ việc đã giảm, chất lượng lao động tăng lên đáng kể”- đại diện Công ty Samsung cho biết.

Samsung
Ông Park Sung Geun phát biểu. Ảnh: Sơn Tùng

Về tiền lương, thưởng lễ tết, đại diện Samsung tiết lộ, hiện công ty có nhiều khoản tiền thưởng khác trong năm ngoài tiền lương. Ví dụ như thưởng 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm. Với tết cổ truyền, công ty thưởng NLĐ tối thiểu 1 tháng lương, ngoài ra còn có những món quà để NLĐ để có thể mang về tặng gia đình trong dịp lễ, tết. Tính trung bình, hiện người lao động làm việc ở Samsung được thưởng thêm tương đương từ 3-5 tháng lương mỗi năm.

14h50: Ông Vũ Hồng Quang – Phó trưởng ban Chính sách Kinh tế xã hội, thi đua khen thưởng Tổng LĐLĐVN trình bày tham luận về thực trạng phúc lợi cho người lao động ở các doanh nghiệp và sự tham gia của tổ chức Công đoàn, nhằm nâng cao phúc lợi cho người lao động.

Trước khi trình bày tham luận của mình, ông Vũ Hồng Quang dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Trong phân xưởng máy có thể có đời sống mới không? Có lắm chứ! Trong một xưởng máy, một bên là chủ, một bên là thợ. Từ trước đến nay, chủ bao giờ cũng muốn nhiều lời, mà trả công ít. Thợ thì muốn làm việc ít mà được hưởng tiền công nhiều. Vì thế sinh xích mích, không lợi cho cả hai bên”.

Từ đó, Phó Ban Chính sách KT-XH Tổng LĐLĐVN cho rằng, việc quán triệt tư tưởng đó của Hồ Chủ tịch, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chính sách mới nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động; các chính sách bắt buộc để người sử dụng lao động phải bảo đảm tốt phúc lợi cho người lao động ngày được hoàn thiện.

Ngoài những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc chính sách với người lao động, ông Quang cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến phúc lợi cho người lao động, điển hình có doanh nghiệp nợ BHXH tới nhiều tỉ đồng.

Ông Vũ Hồng Quang
Ông Vũ Hồng Quang trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng

Theo ông Quang, từ năm 2016, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã ban hành nhiều văn bản cụ thể, thiết thực nhằm chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh việc chăm lo tốt nhất phúc lợi cho đoàn viên và người lao động. Cụ thể như Nghị quyết số 7c, năm 2016 về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”; Tổng LĐLĐVN đã đề xuất với Thủ tướng phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các KCN, KCX”; chương trình “Vì lợi ích đoàn viên” được khởi động từ đầu năm 2017; chương trình “Tết sum vầy”; chương trình “Mái ấm công đoàn”; ...

Ông Quang cho biết thêm, Tổng LĐLĐVN và các cấp công đoàn đã tổ chức đàm phán và ký kết các thỏa thuận hợp tác với 1.157 đối tác là các tập đoàn, tổng công ty và các doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi, góp phần tăng thêm lợi ích của trên 1,7 triệu lượt đoàn viên với số tiền 526 tỉ đồng. Điểm nhấn là thông qua những chương trình trên để thu hút người lao động tham gia công đoàn

Phó Ban Chính sách KT-XH cũng đưa ra một số giải pháp mà các cấp công đoàn cần thực hiện trong thời gian tới như: Đổi mới căn bản hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao. Đẩy mạnh Chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho đoàn viên công đoàn. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”...

Video ông Vũ Hồng Quang trình bày tham luận:

14h40: Bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn trình bày tham luận về phúc lợi cho người lao động.

Theo bà Phạm Thị Thu Lan, phúc lợi là quyền lợi về vật chất và tinh thần mà Nhà nước hay cơ quan/tổ chức/doanh nghiệp bảo đảm cho công nhân, viên chức và người lao động được hưởng. Xét ở nghĩa rộng, phúc lợi bao hàm cả tiền lương, điều kiện làm việc của người lao động, và tất cả các quyền lợi khác ngoài lương như BHXH, BHYT, tiền thưởng, các khoản trợ cấp, bữa ăn ca, an toàn vệ sinh lao động, du lịch, nghỉ mát, thể dục, thể thao, nhà trẻ, mẫu giáo cho con em của người lao động v.v.....

Từ đó, bà Lan nhấn mạnh, bản chất của phúc lợi là chia sẻ/phân phối lại chiếc bánh lợi nhuận thông qua các hình thức khác nhau. Việc thực hiện phúc lợi cho người lao động mang lại nhiều lợi ích như: Người lao động có động lực làm việc, từ đó dẫn tới tăng năng suất lao động. Người lao động yên tâm và gắn bó với công việc, từ đó giảm biến động lao động, giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo lao động mới và thời gian làm quen với công việc. Thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu, đóng góp phát triển bền vững.

Bà Phạm Thị Thu Lan phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng
Bà Phạm Thị Thu Lan trình bày tham luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng

Từ những vấn đề trên, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn đề xuất 2 cách đảm bảo phúc lợi cho người lao động gồm: Xây dựng pháp luật đảm bảo phúc lợi: là phương thức chủ yếu và duy nhất trong nền kinh tế kế hoạch tập trung. Thông qua đối thoại, thương lượng tập thể để xác lập phúc lợi cho người lao động.

Bà Phạm Thị Thu Lan nhấn mạnh việc xác lập phúc lợi cho người lao động thông qua thương lượng, đối thoại là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thương lượng có thể bị cản trở bằng các hành vi khác nhau, điển hình như việc phân biệt đối xử là hành vi nhắm vào cán bộ công đoàn và người lao động để họ không thể, không dám nói, không dám thương lượng với nhiều phương thức khác nhau. Thêm nữa, các doanh nghiệp còn bằng nhiều hình thức khác nhau để thao túng cán bộ công đoàn và người lao động trong việc ngăn cản thương lượng tập thể.

Từ đó, vị Phó Viện trường đề nghị các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật và tham gia thương lượng tập thể một cách thiện chí, không phân biệt đối xử, không can thiệp thao túng, thương lượng thực chất và bình đẳng với công đoàn và người lao động để đảm bảo phúc lợi trong các bản thỏa ước có chất lượng.

Video phát biểu của bà Phạm Thị Thu Lan – Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn:

14h30: Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - gửi lời cảm ơn tới đại diện các doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, chuyên gia đã đồng hành với Tổng LĐLĐVN trong thời gian qua trong vấn đề chăm sóc, đảm bảo phúc lợi cho NLĐ.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong khuôn khổ chương trình Bảng xếp hạng Doanh nghiệp vì người lao động năm 2018, Ban tổ chức chương trình đã thực hiện tọa đàm Câu lạc bộ Doanh nghiệp vì người lao động với chủ đề “Doanh nghiệp với phúc lợi cho người lao động”. Đây là một hoạt động nhằm chia sẻ thông tin, vấn đề lý luận rất cơ bản về vấn đề phúc lợi - vấn đề quan tâm của cả người lao động và chủ doanh nghiệp.

“Chúng tôi mong muốn chủ doanh nghiệp, người lao động, cán bộ công đoàn chia sẻ mô hình, kinh nghiệm đã làm tốt để chúng ta hướng tới việc doanh nghiệp mỗi ngày sẽ chăm lo tốt hơn cho người lao động. Dùng phúc lợi để thu hút được người lao động đến với doanh nghiệp của mình. Đây cũng là dịp để NLĐ nói lên tiếng nói của mình về vấn đề thực hiện phúc lợi cho người lao động của các doanh nghiệp”- Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu khẳng định.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Sơn Tùng

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Ngọ Duy Hiểu chỉ ra thực tế, bên cạnh những doanh nghiệp có thương hiệu lớn, công nghệ cao, đảm bảo đời sống cho người lao động thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp còn khó khăn, thực hiện việc chăm lo cho người lao động còn hạn chế.

Những vấn đề xã hội như quan hệ lao động ở nhiều đơn vị còn phức tạp, lao động nhảy việc, khan hiếm lao động ở một số lĩnh vực, là những vấn đề xã hội rất cần có sự quan tâm giải quyết. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN hy vọng trong buổi tọa đàm, các đại biểu sẽ dành tâm huyết và sự quan tâm, với kiến thức hiểu biết của mình để cùng chia sẻ, đặt ra những câu hỏi để chúng ta cùng trao đổi, hướng đến mục tiêu chăm lo tốt hơn phúc lợi cho người lao động.

Video Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại buổi tọa đàm:

Chương trình do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐTB&XH và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện và được tường thuật trực tiếp trên báo Lao Động điện tử (laodong.vn).

Toạ đàm sẽ do ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chủ trì; cùng sự tham gia của ông Nguyễn Tiến Tùng – Chánh Thanh tra Bộ LĐTB&XH; bà Vũ Thị Hồng Minh – Phó Giám đốc văn phòng giới sử dụng lao động.

Ngoài ra, toạ đàm còn có các chuyên gia về lao động; đại cùng đại diện LĐLĐ tỉnh, thành phố; Công đoàn ngành; Cán bộ công đoàn cơ sở; Công đoàn trên cơ sở; cùng đại diện 60 doanh nghiệp được xếp hạng Doanh nghiệp vì người lao động năm 2018 và một cố công nhân, lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp trên.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

60 DN được chọn vào BXH “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"

Thành Trung |

Sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao, 60 doanh nghiệp đã được chọn để vinh danh tại Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2018.

Vinh danh những doanh nghiệp phát triển vì người lao động

Đặng Tiến |

Chương trình Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” là một hoạt động ý nghĩa, Nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường làm việc, quan tâm chăm lo đời sống người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động và lợi ích xã hội nhằm tiến tới phát triển.

Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì Người lao động” 2018: Thống nhất chọn 94 DN tiêu biểu để xin ý kiến hiệp y

ĐẶNG TIẾN |

Sáng 9.10, Hội đồng xếp hạng Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì Người lao động” 2018 đã họp phiên thứ nhất do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu chủ trì với sự tham dự của đại diện Bộ LĐTBXH, VCCI, Tổng LĐLĐVN và báo Lao Động. Tại cuộc họp, hội đồng xếp hạng đã thống nhất chọn 94 doanh nghiệp tiêu biểu để xin ý kiến hiệp y của các ban ngành liên quan.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.

60 DN được chọn vào BXH “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động"

Thành Trung |

Sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao, 60 doanh nghiệp đã được chọn để vinh danh tại Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” năm 2018.

Vinh danh những doanh nghiệp phát triển vì người lao động

Đặng Tiến |

Chương trình Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” là một hoạt động ý nghĩa, Nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường làm việc, quan tâm chăm lo đời sống người lao động, xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, quyền lợi của người lao động và lợi ích xã hội nhằm tiến tới phát triển.

Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì Người lao động” 2018: Thống nhất chọn 94 DN tiêu biểu để xin ý kiến hiệp y

ĐẶNG TIẾN |

Sáng 9.10, Hội đồng xếp hạng Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì Người lao động” 2018 đã họp phiên thứ nhất do Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu chủ trì với sự tham dự của đại diện Bộ LĐTBXH, VCCI, Tổng LĐLĐVN và báo Lao Động. Tại cuộc họp, hội đồng xếp hạng đã thống nhất chọn 94 doanh nghiệp tiêu biểu để xin ý kiến hiệp y của các ban ngành liên quan.