Trao đổi với phóng viên báo Lao Động ngày 9.12, một nữ giáo viên mầm non tư thục tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, chị chưa nhận được thông tin gì về thưởng Tết năm nay.
"Mọi năm, tôi được thưởng Tết bằng 1 tháng thu nhập, khoảng 10 triệu đồng. Năm nay chưa thấy chủ trường thông báo, nhưng chắc mức vẫn giống như năm trước", chị nói.
Hiệu trưởng của một trường mầm non tư thục trên địa bàn phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) cho biết, năm 2024, tiền thuê mặt bằng tăng giá gấp đôi, trong khi rất khó để tăng học phí nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu của nhà trường.
'"Do đó, thưởng Tết năm nay vẫn có, nhưng chắc chắn không được như các doanh nghiệp. Mức thưởng Tết của trường bằng 60-70% thu nhập thực nhận cộng với tiền thâm niên (200.000 đồng/năm). Như vậy, giáo viên nào càng làm lâu năm thì được thưởng Tết càng cao", nữ hiệu trưởng cho biết.
Theo nữ hiệu trưởng, dù chưa có thông báo chính thức, nhưng mức thưởng Tết cao nhất là khoảng 5-5,5 triệu đồng; còn mức thấp nhất là khoảng 3 triệu đồng.
Trong khi giáo viên mầm non tư thục có thưởng Tết - dù không nhiều, các giáo viên mầm non công lập không có thưởng Tết.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Phấn (tên nhân vật đã thay đổi, giáo viên mầm non công lập trên địa bàn thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) ngậm ngùi: "Chúng tôi làm gì có nguồn thưởng Tết".
Chị Phấn kể, thời điểm cuối năm, nghe những công nhân làm trong khu công nghiệp kể về thưởng Tết, chị "hơi buồn" có suy nghĩ ngành của mình bao giờ được thưởng Tết như vậy?
Nhưng chị tự nhủ, khi mình gắn bó với giáo dục công lập rồi thì phải chấp nhận điều đó, "có phải mỗi riêng mình không được thưởng Tết đâu, phải học cách chấp nhận điều đó".
Trao đổi với phóng viên ngày 9.12, ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho biết, giáo viên công lập thường không có thưởng Tết; pháp luật không có quy định "cứng" về điều này.
"Các trường học không phải đơn vị kinh doanh nên không có dôi dư, kinh phí để có thể thưởng Tết", ông Ân chia sẻ.
Theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, tại các trường mầm non, tiểu học công lập, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, thông thường Ủy ban nhân dân xã, huyện sẽ dành một khoản kinh phí của địa phương để hỗ trợ cho các đối tượng mà không có nguồn thu nhập ngoài lương, trong đó có giáo viên.
Ông Ân cho biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam luôn khuyến cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã, huyện đó dành một khoản kinh phí để hỗ trợ và động viên thầy cô ở các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Theo ông Ân, nhiều trường công lập cố gắng cân đối, tìm các nguồn thu bên ngoài để hỗ trợ giáo viên nhưng giáo viên ở đó đều không trông chờ vào thưởng Tết như các doanh nghiệp, các trường đại học lớn.
Ông Ân nêu thực tế, các trường đại học tự chủ, tự cân đối thu chi và cuối năm được quyền trích từ nguồn thu chi tự chủ đó để hỗ trợ tháng lương thứ 13,14; còn các trường công lập mầm non, tiểu học, cấp II, cấp III thì không có chuyện đó.
Nguồn thu của các trường này do Nhà nước cấp, dùng để trả lương, trả cho các hoạt động, không có khoản thưởng Tết cấp bao nhiêu là để trả lương, trả cho các hoạt động, không có khoản thưởng Tết...
Để chăm lo cho các giáo viên, năm nay, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 1 triệu đồng, trong đó không quá 700 nghìn đồng là tiền mặt và không quá 300.000 đồng là quà tặng.
Ngoài ra, Công đoàn Giáo dục Việt Nam còn huy động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ, tặng quà cho nhà giáo ở trường mầm non, tiểu học còn gặp khó khăn...