Dự án Quảng trường trung tâm huyện Phú Bình (Thái Nguyên), tổng diện tích hơn 4ha và thực hiện trong giai đoạn 2019-2024 với khối lượng giải phóng mặt bằng lớn. Đây cũng là một trong nhiều công trình xuất hiện trình trạng người dân tự ý cơi nới, xây dựng trái phép để chờ được đền bù.
Tại tổ dân phố Đình Cả 1 (thị trấn Hương Sơn, Phú Bình) xuất hiện tràn lan tình trạng xây dựng đón đền bù như những bức tường được xây, trát sơ sài, các công trình được cơi nới diện tích so với hiện trạng ban đầu. Mục đích để chờ đón đền bù, giải phóng mặt bằng.
Bà D.T.H là một trong số nhiều hộ dân vừa bị yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng nằm ngoài quy hoạch với mục đích đón đền bù. Bức tường trước nhà của bà H. được xây đúng theo kiểu "xếp gạch" lên rồi trát vôi vữa và có thể đổ bất cứ lúc nào.
Theo lý giải của bà H. thì việc xây dựng này với mục đích làm nhà cho người con trai ra ở riêng: "Gia đình tôi không biết khu vực này đã được quy hoạch làm dự án nên vẫn xây nhà, hiện đang làm đến tầng 1. Bây giờ các cơ quan chức năng yêu cầu tháo dỡ thì tôi chấp hành".Nhiều hộ dân khác thì vẽ tranh phong cảnh lên các bức tường nhà trong phòng ngủ, nhà bếp. Thậm chí có hộ dân xây cả bức tường rào rộng hàng chục m2 để vẽ trang, lát gạch trang trí sơ sài với mục đích sau này sẽ được kiểm đếm, đền bù.
Ông Dương Thế Hưng - Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn cho biết, trên địa bàn có 16 dự án đường giao thông, khu dân cư, công trình công ích đang triển khai. Thời gian gần đây ghi nhận nhiều trường hợp tự ý xây dựng, cơi nới công trình tại vị trí quy hoạch các dự án.
Theo ông Hưng, trước hết chính quyền sẽ lập biên bản, tuyên truyền vận động để người dân hiểu và tự tháo dỡ. Với những trường hợp cố tình xây dựng hoặc không tháo dỡ, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành cưỡng chế.
Trong khi đó, Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc được khởi công mới đây cũng đã xuất hiện tình trạng người dân tự ý cơi nới, xây dựng tại những vị trí tuyến đường đi qua để chờ đón đền bù.
Xã Cát Nê (Đại Từ) nơi tuyến đường đi qua dài 6km, 150 hộ bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi gần 20ha. Gần đây, một vài hộ dân sau khi nắm được thông tin về Dự án vẫn cố tình làm hàng rào sắt, cột bê tông, trồng cây, cơi nới nhà ở và công trình phụ bằng cách ốp đá lên tường các công trình.Mặc dù trước khi triển khai Dự án, các cơ quan chức năng đã ban hành thông báo thu hồi đất đối, thống kê đất đai, tài sản của các hộ dân, ghi hình hiện trạng toàn bộ tuyến nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra. Đa số việc thực hiện cơi nới các công trình thường diễn ra nhanh chóng vào ban đêm.
Ông Phạm Bình Công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc xây dựng đón đền bù ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thực hiện các dự án, làm "đội" vốn, gây lãng phí, thất thoát ngân sách. Gây ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư của địa phương.
Cũng theo ông Bình, có trường hợp chủ đầu tư là doanh nghiệp phải “buông” dự án bởi kinh phí giải phóng mặt bằng bị tăng lên quá nhiều so với dự toán ban đầu bởi người dân ồ ạt xây dựng đón đền bù. Khi đó, những công trình tự ý xây dựng không được đền bù, thiệt hại cuối cùng vẫn là người dân gánh chịu.
Ông Bình cho rằng: "Trong khi chờ khắc phục những bất cập của chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng thì việc vận động người dân chấp hành pháp luật vẫn là việc làm trước tiên. Chính quyền địa phương giữ phải sát sao nắm chắc địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng xây dựng đón đền bù".