Nước lũ dâng cao, hơn 900 người dân ở Sóc Sơn bị cô lập

Đặng Tiến - Tất Thảo |

Hà Nội - Nước lũ dâng cao trên sông Cà Lồ khiến khu dân cư với 900 hộ dân thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội chìm trong nước, bị cô lập.

Sáng 10.9, ông Trịnh Văn Đàn (xóm Đông, thôn Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn) loay hoay chuyển đàn gà từ khu nhà đang bị ngập sâu trong nước ra ngoài khu vực an toàn. Cả đàn gà được trói chân, nằm trong thuyền để được “cứu hộ”.

“Nước vẫn còn lên, nên tôi phải tiếp tục chuyển gà, lợn ra khu vực chưa bị ngập. Tôi mới chuyển được đàn gà, chưa biết sẽ làm cách nào để chuyển lợn ra ngoài. Nếu không được ra ngoài, nguy cơ sẽ bị chết” - ông Đàn chia sẻ.

Nhiều nhà cao tầng tại đội 4 đã chuyển đồ đạc, gia súc lên tầng 1 để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, do nước tiếp tục dâng nên phải tiếp tục chuyển lên tầng trên.

Có mặt tại đây sáng 10.9, phóng viên Báo Lao Động ghi nhận, tại khu vực này, có cửa hàng, nhà ở đã bị ngập một nửa. Nhiều hộ dân có nhà ở khu vực cao hơn, hoặc nhà cao tầng là còn an toàn. Các con đường dân vào khu đều bị chìm sâu trong nước. Việc đi lại của người dân từ khu vực này ra ngoài xã phải dùng thuyền.

Người dân dùng thuyền để trở về nhà đang bị chìm sâu trong nước. Ảnh: Đặng Tiến - Tất Thảo
Người dân dùng thuyền để trở về nhà đang bị chìm sâu trong nước. Ảnh: Đặng Tiến - Tất Thảo

Ông Nguyễn Văn Toàn (người dân tại đội 4) cũng cho biết, ông đã chuyển hết đồ đạc lên tầng 2, nên không quá lo lắng sẽ bị hư hỏng, thiệt hại. Tuy nhiên, ông không thể vào trong nhà bằng đường bộ, muốn đi vào phải nhờ thuyền của người khác. “Tôi mong nước sẽ không tiếp tục dâng, vì nếu như vậy thiệt hại của người dân trong khu vực bị ngập sẽ nặng nề hơn” - ông Toàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hiểu, xóm Đông, làng Lương Phúc, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết, việc bị nước lũ cô lập thì người dân có thể khắc phục được, tuy nhiên khó khăn nhất là các cháu nhỏ phải đến trường hàng ngày. Bởi hiện không có phương tiện (đò) để đưa các cháu đi học, nhiều gia đình phải kết bè chuối không đảm bảo an toàn.

“Những năm trước khu vực này đều có nước dâng cao, nhưng năm nay nước dâng cao hơn và nhanh hơn” - ông Hiểu cho biết.

Cháu Nguyễn Thị Khánh Hà là học sinh lớp 8 Trường THCS Việt Long, sáng bố đẩy bè chuối đưa đi học và trưa cháu phải nhờ ông nội đưa bè ra đón.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Trung tá Đỗ Xuân Hiệu - Phó trưởng Công an xã Việt Long cho biết, từ 21h tối hôm qua (9.9) khi Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn TP Hà Nội phát lệnh báo động lũ cấp III, UBND xã Việt Long đã thành lập tổ công tác đến hỗ trợ người dân đưa tài sản lên tầng 2 và những nơi cao ráo.

Thôn Lương Phúc có 190 hộ dân với khoảng 900 nhân khẩu, hiện cả xóm đã bị nước bổ vây và cô lập. Hiện xóm Mom đã cắt điện, xóm Đông và xóm Đoài vẫn có điện sinh hoạt. Mọi hoạt động với bên ngoài phải dùng thuyền.

“Ngoài việc hỗ trợ người dân kê, cất đồ đạc, chính quyền cũng tuyên truyền bà con ăn chín, uống sôi đảm bảo an toàn vệ sinh, đề phòng dịch bệnh. Nếu nước tiếp tục dâng cao chính quyền sẽ yêu cầu và di dời người dân vào bên trong đê để đảm bảo an toàn tính mang và tài sản” - Trung tá Đỗ Xuân Hiệu cho biết.

Lực lượng công an hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc tránh nước lũ dâng. Ảnh: NVCC
Lực lượng công an hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc tránh nước lũ dâng. Ảnh: NVCC

Theo báo cáo nhanh vào lúc 7h ngày 10.9.2024 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Sóc Sơn, trên địa bàn huyện, diễn biến mực nước sông lên nhanh, khó lường: Sông Cầu: Báo động I lúc 23h40 ngày 8.9.2024 là 6,04m; báo động II lúc 9h00 ngày 9.9.2024 là 7,02m; báo động III lúc 22h40 ngày 9.9.2024: 8,02m. Đến 7h00 ngày 10.9.2024, mực nước sông 8,53m và tiếp tục có xu hướng lên chậm.

Sông Cà Lồ: Báo động I lúc 6h20 ngày 9.9.2024 là 6,02m; báo động II lúc 9h00 ngày 9.9.2024 là 7,03m. Đến 7h00 ngày 10.9.2024 mực nước sông là 7,73m tiếp tục có lên chậm.

Vẫn theo báo cáo, tổng số khu dân cư tập trung ngoài bờ bãi sông 25 điểm, khu; số hộ khoảng 3.015 hộ, nhân khẩu 15.673 người chịu ảnh hưởng ngập lụt. Theo đánh giá của Ban chỉ huy, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 đã gây mưa lũ lớn, ngập lụt, xả tràn các hồ chứa các tỉnh phía Bắc làm mực nước sông Công, sông Cầu, Tả Cà Lồ lên nhanh gây ngập lụt, nguy cơ sạt lở, đe dọa toàn đê, tính mạng và tài sản của nhà nước và nhân dân.

Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, chưa ghi nhận sự cố, thiệt hại do lũ sông gây ra; số hộ phải sơ tán, di chuyển đến thời điểm báo cáo 23 hộ, 87 nhân khẩu, không phải bố trí chỗ ở, sinh hoạt tạm. Diện tích vụ mùa ngập lụt ngoài bãi sông theo cấp báo động lũ thời điểm báo cáo 200/627ha. Hiện các lực lượng chức năng đang theo dõi, kiểm tra, sẵn sàng ứng phó, xử lý tình huống, sự cố theo quy định.

Đặng Tiến - Tất Thảo
TIN LIÊN QUAN

Hải Dương bố trí người phụ trách từng mét đê do nước lũ dâng

Mai Dung |

Sáng 10.9, UBND huyện Nam Sách, Hải Dương họp triển khai công tác ứng phó với lũ trên các sông sau bão số 3 trên địa bàn huyện.

Nước lũ dâng cao, Hải Dương di dời 800 người vùng xung yếu

Mai Dung |

Trong ngày 10.9, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) di dời 800 nhân khẩu thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát do nước lũ dâng cao.

Nước lũ dâng cao, ngập trắng vựa rau lớn của Thủ đô

CAO THƠM - HOÀNG LỘC |

Cánh đồng rau ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, bị ngập úng diện rộng, do tình trạng lũ ở các tỉnh đổ về sông, suối.

Vị trí sẽ lắp cầu phao sau sự cố sập cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Một chiếc cầu phao sẽ được lắp đặt trên sông Hồng đoạn qua khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, cách nơi cầu Phong Châu bị sập khoảng 400m.

Phê chuẩn ông Trần Hồng Thái giữ chức Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng

PHẠM ĐÔNG |

Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đối với ông Trần Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng.

380 tỉ đồng hỗ trợ đợt 1 cho 20 địa phương bị bão lũ

PHẠM ĐÔNG |

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cam kết sử dụng đúng mục đích, phân bổ kịp thời, công khai để số tiền tiếp nhận đến với nhân dân vùng bão lũ.

Nga phản công mạnh Ukraina ở Kursk

Thanh Hà |

Lực lượng Nga bắt đầu cuộc phản công đáng kể chống lại quân đội Ukraina ở tỉnh Kursk của Nga.

Trung Quốc giảm xả lũ thủy điện, bảo đảm xả ở mức nhỏ nhất

Thanh Hà |

Trung Quốc giảm khối lượng xả lũ tối đa ở đập thủy điện Ma Lù Thàng ở thượng nguồn sông Lô từ 250 m3/giây xuống 200 m3/giây.

Hải Dương bố trí người phụ trách từng mét đê do nước lũ dâng

Mai Dung |

Sáng 10.9, UBND huyện Nam Sách, Hải Dương họp triển khai công tác ứng phó với lũ trên các sông sau bão số 3 trên địa bàn huyện.

Nước lũ dâng cao, Hải Dương di dời 800 người vùng xung yếu

Mai Dung |

Trong ngày 10.9, huyện Nam Sách (tỉnh Hải Dương) di dời 800 nhân khẩu thôn Lấu Khê, xã Hiệp Cát do nước lũ dâng cao.

Nước lũ dâng cao, ngập trắng vựa rau lớn của Thủ đô

CAO THƠM - HOÀNG LỘC |

Cánh đồng rau ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội, bị ngập úng diện rộng, do tình trạng lũ ở các tỉnh đổ về sông, suối.