Khan hiếm nên xuất hiện tình trạng đẩy giá
Ông Thỏa cho hay, qua khảo sát, theo dõi thị trường, có thể thấy nhu cầu của người dân có tăng lên và nguồn cung không đáp ứng kịp.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, số cao F0 tăng nhanh, số lượng nhiều. Đến 18h ngày 24.2, Sở Y tế Hà Nội đã công bố 8.864 ca COVID-19, tăng 1.445 ca. Trước đó, số ca mắc chỉ dao động 2.000-3.000 ca.
“Người dân có nhu cầu test sàng lọc tăng tương ứng. Bên cạnh số người mua kit test nhanh COVID-19 về sử dụng, còn có những người mua dự trữ cho gia đình” – ông Thoả nói.
Nhu cầu thị trường tăng nhanh, nguồn cung từ phía các doanh nghiệp, cửa hàng bán ra rất ít. Theo nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, như vậy nguồn cung đáp ứng không kịp nhu cầu, cung khan hiếm nên xuất hiện tình trạng có đầu cơ, găm hàng để đẩy giá cao hơn nữa nhằm thu lợi.
Cũng nhận định về thực trạng trên, PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính – cho biết, hiện nay dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số người mắc ngày còn tăng, đặc biệt tại Hà Nội.
“Thậm chí những người chưa mắc COVID-19 cũng mua. Vì vậy ngoài nhu cầu thực thì nhu cầu phòng ngừa ngày càng tăng. Cầu tăng mà cung có mức độ làm giá sẽ tăng. Lợi dụng những lúc này nhiều nơi trục lợi, bất chấp. Không ít cửa hàng đẩy giá cao, hoặc có mà vẫn găm hàng” – ông Long nhận định.
Trước tình trạng trên, theo chuyên gia này, các cơ quan chức năng phải vào cuộc nhanh chóng như Cục Quản lý giá, Quản lý thị trường, Bộ Y tế.
Trong hoàn cảnh này, điều quan trọng nhất phải đưa lượng cung ra thị trường. Những hàng hoá tồn, dự trữ phải đưa ra ngay lúc này.
"Kit test nhanh COVID-19 không phải thiếu trên toàn quốc, mà chỉ thiếu cục bộ, đặc biệt điểm nóng như Hà Nội hiện nay. Vấn đề này cần điều phối giữa các địa phương" - ông Long nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngoài việc phạt tiền, cần có chế tài đủ mạnh mới có sức răn đe với những đơn vị cố tình gom hàng, đẩy giá để trục lợi. Ngoài ra, cần có đường dây nóng để người dân phản ánh những bất cập đến cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, giải quyết.
Cơ quan chức năng cần làm gì?
Nhìn câu chuyện “sốt” kit test nhanh COVID-19, ông Nguyễn Tiến Thoả lại nhớ đến việc “cháy” khẩu trang y tế trước đây.
“Theo tôi, trách nhiệm quản lý đầu tiên thuộc về Bộ Y tế. Bộ Y tế phải “ra tay”, kiểm tra ngay việc cung ứng của các đơn vị đã được cấp phép sản xuất hay nhập khẩu. Xem sản lượng ra sao, bán ra thị trường như thế nào, trong kho ra sao. Hiện, việc bán ra ngoài thị trường có bình thường hay không, có sự móc nối bên ngoài bán cầm chừng, bán ít đẩy giá lên không. Đây là điều gốc rễ” – ông Thoả nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, cần tiến hành kiểm tra lại toàn bộ mạng lưới cung ứng. Từ đó, để xem xét có tình trạng đầu cơ, găm hàng hay không. Bình thường bán bao nhiêu, lúc đầu cơ găm hàng bán bao nhiêu cần làm rõ.
Về vấn đề giá, cần kiểm tra doanh nghiệp niêm yết giá bán ra ra sao. Những niêm yết giá đó có thay đổi hay không, việc thay đổi này có thông báo với đơn vị quản lý? Như vậy, mới có thể kết luận các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật quản lý giá hay không.
Nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng: “Để kiểm tra mạnh hơn các mặt hàng tăng giá đột xuất, buộc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh phải ra một quyết định, công bố kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định của Luật giá. Từ đó, có thể xem xét trong giai đoạn hiện nay có phải chi phí hình thành giá tăng hay không?”.
Nếu tăng hợp lý thì cần phải xem xét chấp nhận mức độ nào. Trường hợp tính toán các chi phí không đúng, không được phép tính vào giá, cộng yếu tố thị trường thì bán ở mức độ nào để xử lý mức giá cho phù hợp.
Luật giá có quy định trong trường hợp giá tăng đột biến mặt hàng nào đó thì có thể được quyền kiểm tra, kiểm soát và xử lý về giá. “Cứ để mặt hàng sốt, đột biến, bồng bềnh, trôi nổi, để cả xã hội bị điều tiết một cách vô lý không ổn” – ông Thoả nhấn mạnh.
Trao đổi về đề xuất của Bộ Y tế sớm đưa kit test xét nghiệm COVID-19 vào diện bình ổn giá, ông Thoả khẳng định: “Tôi không thích chuyện mặt hàng nào quản lý khó lại “hò” nhau đưa vào mặt hàng bình ổn giá. Luật cho phép mặt hàng tăng đột biến có thể kiểm tra yếu tố hình thành giá. Đây cũng đã là một biện pháp bình ổn giá”.
Theo ông Thoả, trong biện pháp bình ổn giá có biện pháp điều hoà cung cầu. Việc xảy ra cung - cầu bị “đứt” phải có trách nhiệm kiểm tra sản xuất, xuất nhập khẩu để điều tiết, xử lý.
“Nói như kiểu xoa dịu công luận bây giờ là giá “bùng” lên thì sẽ đưa vào mặt hàng bình ổn giá… Với tư tưởng đã là thị trường mà thấy khó quản lý là đẩy cho nhà nước quản lý thì không nên. Luật giá vẫn cho công cụ kiểm soát việc này" - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh.