Nước sông Bùi tràn qua đê, "rốn lũ" Chương Mỹ cuồn cuộn nước

NHÓM PV |

Hiện nước lũ tại thôn Lương Phúc, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) dâng cao hơn 1m so với ngày 10.9; tại huyện Chương Mỹ, nước lũ chảy cuồn cuộn qua đê sông Bùi.

Nước sông Bùi tràn qua đê

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 11.9, tại huyện Chương Mỹ, nước lũ dâng cao, chảy cuồn cuộn qua đê sông Bùi, gây ngập úng các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, khu vực này được gọi là rốn lũ ngoại thành Hà Nội.

Trên tuyến đường liên xã, có đoạn ngập sâu nửa mét. Nước chảy cuồn cuộn khiến nhiều xe cộ cố đi qua bị chết máy. Dọc đường các thôn, người dân chỉ có thể di chuyển bằng thuyền. Nhiều ngôi nhà nước ngập mái tầng 1, điện lưới trên địa bàn bị ngập đã bị cắt.

Mưa lớn kéo dài khiến nước sông Bùi tràn qua đê, nhiều nhà dân thuộc các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ)... lại ngập trắng, hàng nghìn người dân buộc phải di tản đến nơi an toàn. Ảnh: Cường Ngô
Mưa lớn kéo dài khiến nước sông Bùi tràn qua đê, nhiều nhà dân thuộc các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ)... lại ngập trắng, hàng nghìn người dân buộc phải di tản đến nơi an toàn. Ảnh: Cường Ngô

Trong đợt lũ lần này, gia đình bà Hồ Thị Định (63 tuổi) đã kịp di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn. Tuy nhiên, bà lo lắng về điều kiện sinh hoạt trong những ngày tới, nhất là thiếu nước sạch để sinh hoạt.

Theo ghi nhận, ngày 11.9, đê sông Bùi 1 và đê sông Bùi 2 bị ngập gần như toàn tuyến. Đây là lần thứ 2 trong năm nay, xã Nam Phương Tiến bị cô lập bởi nước lũ.

Cách đây hơn 1 tháng, nước lũ tràn về, gà vịt gần như chết sạch, người dân chưa khắc phục được hậu quả thì lần này, nước lũ lại ập về, nước dâng cao hơn, khiến cuộc sống của người dân càng thêm khốn khổ.

"Lần trước phải mất gần 20 ngày nước lũ mới rút, lần này nước lũ nặng hơn, ngập sâu hơn nên có thể hơn một tháng nước lũ mới rút hết hẳn. Một năm hai lần như thế này thì người dân chúng tôi còn làm ăn gì được nữa", anh Nguyễn Trung Kiên (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) xót xa.

14h30: Hà Nội phân luồng giao thông hàng loạt tuyến đường ngập

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hà Nội vừa ra thông báo phân luồng hàng loạt tuyến đường bị ảnh hưởng bởi nước lũ.

Theo Sở này, hiện nay, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc tiếp tục xảy ra mưa lớn, các nhà máy thủy điện phải xả lũ dẫn đến mực nước tại các sông trên địa bàn Thành phố Hà Nội dâng cao làm xảy ra tình trạng ngập, úng trên các tuyến đường bộ. Sở Giao thông Vận tải thông báo phương án phân luồng tổ chức giao thông, bảo đảm an toàn giao thông tại các vị trí bị ngập úng trên tuyến đường thuộc địa bàn huyện Thường Tín như sau:

Đường 427 (71 cũ), huyện Thường Tín ngập sâu cấm phương tiện đi lại từ 09h00’ ngày 11.9. Ảnh: Văn Đại
Đường 427 (71 cũ), huyện Thường Tín ngập sâu, cấm phương tiện đi lại từ 9h ngày 11.9. Ảnh: Văn Đại

Đường 427 (71 cũ) huyện Thường Tín, từ Km15+600 đến Km17+500 ngập sâu bình quân từ 50cm đến 70cm, không đảm bảo giao thông an toàn cho các phương tiện lưu thông. Cấm các phương tiện lưu thông qua đoạn tuyến. Các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua khu vực trên theo lộ trình:

- Các phương tiện có lộ trình từ Quốc lộ 1A đi dốc Vân La đến Km15+00 đường 427 (71 cũ) → đường Nhà máy bia Tiger → qua Trạm bơm xã Hồng Vân → đê sông Hồng.

- Các phương tiện đi từ đê Sông Hồng (dốc Vân La) ra Quốc lộ 1A đi theo hướng: dọc đê Sông Hồng → đường xã Tô Hiệu → Km200+030 Quốc lộ 1A.

Thời gian thực hiện từ 9h ngày 11.9.2024 cho đến khi có thông báo khác.

Bên cạnh đó, Sở GTVT cho biết, hiện nay tuyến đường 401 (đường tỉnh 296) từ Quốc lộ 3 đến cầu Vát hướng đi sang thị trấn Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã bị ngập sâu không đảm bảo điều kiện cho các phương tiện lưu thông.

Sở GTVT thông báo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông, hạn chế các phương tiện lưu thông trên đường 401 (đường tỉnh 296), Thành phố Hà Nội đi cầu Vát sang thị trấn Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Phương án điều chỉnh tổ chức giao thông: Cấm các phương tiện lưu thông trên đường 401 (đường tỉnh 296) từ ngã ba đường Quốc lộ 3 giao đường 401 (đường tỉnh 296) đến cầu Vát hướng đi sang thị trấn Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Phương án phân luồng: Các phương tiện có nhu cầu lưu thông qua đường 401 (đường tỉnh 296) để đi cầu Vát sang thị trấn Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang theo các hướng sau:

Qua cầu Vát → đường đê sông Cầu đi Bắc Phú → ra đường 3B hoặc đường Núi Đôi – Bắc Phú → thị trấn Sóc Sơn và ngược lại.

Đi cầu Xuân Cầm → nút giao Bắc Phú (QL3B) hoặc đường Núi Đôi – Bắc Phú đi thị trấn Sóc Sơn và ngược lại.

Thời gian thực hiện bắt đầu từ 12h00 ngày 11.9.2024 đến khi có thông báo thay thế.

12h30: Báo động lũ cấp 1 trên sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Ba Vì

Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (trạm thủy văn Trung Hà) hồi 10h20 ngày 11.9 là 15,06m (mực nước báo động 1 là 15,00m), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội lệnh báo động 1 trên sông Hồng địa phận huyện Ba Vì.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ba Vì, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh báo động 1.

11h50: Nước sông Hồng dâng cao, người dân được đưa đến nơi an toàn


11h45: Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tiếp tục hạn chế phương tiện

Một số điểm tại cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị ngập sâu cả hai chiều, cơ quan chức năng khuyến cáo các phương tiện hạn chế đi qua.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngập nước. Ảnh: Nam Khánh
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ngập nước. Ảnh: Nam Khánh

Sáng 11.9, tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tiếp tục ngập sâu, công tác cứu hộ sẽ rất khó khăn nếu xảy ra sự cố, nên các cơ quan, đơn vị liên quan khuyến cáo các xe hạn chế di chuyển qua điểm này.

Để đảm bảo an toàn khi lưu thông qua khu vực, các phương tiện nên chọn lộ trình như sau, phương tiện từ Hà Nội đi vào Quốc lộ 1A ra lại cao tốc ở nút giao Thường Tín. Phương tiện đi từ Hà Nam vào Hà Nội đi ra ở nút giao Vạn Điểm (Km204), nút giao Thường Tín (Km193).

11h35: Đưa người già, trẻ nhỏ vào trong đê tránh nước lũ dâng cao

Hiện nước lũ tại thôn Lương Phúc (xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã dâng cao hơn 1m so với thời điểm hôm qua (10.9).

Sáng 11.9, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Trung tá Đỗ Xuân Hiệu - Phó trưởng Công an xã Việt Long cho biết hiện mực nước lũ tại 3 xóm là xóm Đông, xóm Đoài và xóm Mom của thôn Lương Phúc đã cao hơn 1m so với cùng thời điểm ngày 10.9.

Cũng theo Trung tá Đỗ Xuân Hiệu, hiện lực lượng công an xã, an ninh thôn, dân quân tự vệ, đoàn thanh niên… đã phối hợp đưa một số người dân (chủ yếu là người già và trẻ nhỏ tại xóm Mom) vào trong đê để tránh trú.

Mực nước lũ khu vực ngoài đê Lương Phúc (xã Việt Long) trong sáng 10.9 (bên trái) và sáng 11.9 (bên phải). Ảnh: Hoài Anh
Mực nước lũ khu vực ngoài đê Lương Phúc (xã Việt Long) trong sáng 10.9 (bên trái) và sáng 11.9 (bên phải). Ảnh: Hoài Anh

Hiện Ủy ban nhân dân xã Việt Long đang lên kế hoạch triển khai các phương án di dời dân trong tình huống khẩn cấp.

Trao đổi nhanh với, ông Đoàn Hiệp - Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết huyện đang tập trung cao độ, chỉ đạo theo đúng Công điện của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và tình hình thực tế tại địa bàn đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản và vật nuôi.

Nước dâng cao
Nước dâng cao hơn 1m so với cùng thời điểm ngày 10.9. Ảnh: Đàm Huế
Đường ngập nước, người dân được cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: Đàm Huế
Đường ngập nước, người dân được cảnh báo nguy hiểm khi di chuyển qua khu vực này. Ảnh: Đàm Huế
Xã Việt Long chìm trong biển nước. Video: Đàm Huế

11h20: Miền Bắc có nơi mưa rất to trên 150mm

Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm qua và sáng nay (11.9), khu vực đồng bằng, Đông Bắc của Bắc Bộ, Hòa Bình và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa rất to; các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.

Lượng mưa tính từ 19h ngày 10.9 đến 8h ngày 11.9 có nơi trên 100mm như: Ba Sao (Hà Nam) 111,8mm, Quế Võ (Bắc Ninh) 109,6mm, Cao Sơn (Hòa Bình) 103,6mm, Yên Tĩnh (Nghệ An) 130,4mm, Cẩm Yên (Hà Tĩnh) 106,4mm…

Cơ quan khí tượng đã cập nhật thông tin dự báo diễn biến mưa ở các khu vực trong 24 giờ tới.

Hà Nội tiếp tục mưa lớn, một số nơi nguy cơ ngập lụt. Ảnh: Hữu Chánh
Hà Nội tiếp tục mưa lớn, một số nơi nguy cơ ngập lụt. Ảnh: Hữu Chánh

Khu vực đồng bằng, Đông Bắc của Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An trong ngày và đêm 11.9, dự báo có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 30 - 70mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Khu vực Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên của Bắc Bộ, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế trong ngày và đêm 11.9, dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15 - 30mm, cục bộ có nơi trên 80mm.

Khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều và tối 11.9, dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ chiều và tối 11.9, dự báo có mưa rào và dông, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, cục bộ có nơi trên 60mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, ngày và đêm 12.9, khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to.

Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét là cấp 1.

11h: Hà Nội hạn chế các phương tiện lưu thông trên tuyến đường 70

Sáng 11.9, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thông báo hạn chế các phương tiện lưu thông trên tuyến đường 70, đoạn qua UBND phường Phúc La và nút giao Phúc La - Cầu Bươu (quận Hà Đông, TP Hà Nội). Sở Giao thông Vận tải thông báo để các phương tiện chủ động lựa chọn lộ trình di chuyển cho phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông.

10h45: 126 trường học tại Hà Nội tạm dừng học trực tiếp

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tính đến 9h sáng 11.9, toàn thành phố hiện có 126 trường tạm dừng đón học sinh học tập trực tiếp tại trường do ảnh hưởng của mưa lớn.

So với hôm qua 10.9, số trường nghỉ học tăng gần 10 đơn vị. Hiện tại nhiều trường trên địa bàn thành phố đã thông báo chuyển từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến.

Tại quận Ba Đình, do ảnh hưởng của mưa lớn, hôm nay, 11.9, các trường thuộc phường Phúc Xá nằm ngoài đê sông Hồng gồm Trường Tiểu học Nghĩa Dũng, Trường THCS Phúc Xá chuyển dang dạy học trực tuyến; còn Trường Mẫu giáo số 8 (cũng thuộc phường Phúc Xá) tạm dừng đón trẻ.

Tỉ lệ học sinh đến trường đạt 93% (7% số học sinh không đến trường vì lý do sức khỏe, gia đình có việc riêng và không di chuyển đến trường do đường đi bị ngập nước).

Còn tại huyện Ba Vì, thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, ngoài 2 Trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở xã đảo Minh Châu dạy học trực tuyến hoàn toàn, có một số trường dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến như Trường Tiểu học Vật Lại, Trường Trung học cơ sở Tiên Phong...

9h50: Giá rau xanh tăng gần gấp đôi

Theo ghi nhận của PV Báo Lao Động ngày 11.9 tại một số chợ truyền thống tại khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm (Hà Nội), giá bán các loại thịt, cá không có nhiều biến động. Tuy nhiên, giá các loại rau xanh có chiều hướng tăng lên.

Đơn cử, tại chợ Mễ Trì Thượng giá rau cải ngọt từ 20.000 đồng/kg tăng lên 25.000 đồng/kg; rau dền tăng 2.000 đồng lên 17.000 đồng/mớ; bắp cải tăng 5.000 đồng lên 20.000-25.000 đồng/cái; cà chua 35.000 đồng/kg, rau muống tăng từ 8.000-10.000 đồng lên 20.000-25.000 đồng/mớ...

Ghi nhận của PV Lao Động thời điểm 5h30 chiều tối, các hàng rau ở khu vực chợ Mễ Trì Thượng đã hết hàng, chuẩn bị dọn đồ về. Ảnh: Tuyết Lan
Ghi nhận của PV Lao Động, giá rau xanh tăng cao nhưng các sạp hàng ở khu vực chợ Mễ Trì Thượng vẫn hết hàng sớm. Ảnh: Tuyết Lan

Theo chị Nguyễn Thị Liên - tiểu thương tại chợ Mễ Trì Thượng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), ngay từ những ngày trước bão, giá rau xanh đã tăng nhẹ do xu hướng tích trữ của người dân. Sau bão, nguồn cung khó khăn nên giá rau xanh tiếp tục tăng.

"Sau bão, trời mưa to gây ra ngập úng ở nhiều địa phương. Ảnh hưởng của bão lại thêm mưa to dẫn đến việc rau xanh dập hỏng ở nhiều nhà vườn nên việc vận chuyển và nhập hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Trong mấy ngày tới, giá rau nhập ở chợ đầu mối sẽ tăng vì nhiều nhà vườn bị thiệt hại hoa màu. Điều này dẫn đến giá thành của tiểu thương bán ở chợ như tôi cũng khó giảm vì sẽ bị lỗ vốn" - chị Liên cho biết.

9h30: Hà Nội sơ tán khẩn hàng nghìn dân

Lúc 23h30 ngày 10.9, mực nước lũ sông Hồng tại Long Biên lên 10,5m - mức báo động hai, Hà Nội phát cảnh báo đến 10 quận huyện.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ban bố lệnh báo động hai tại các quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Hình ảnh ngập lụt sáng nay (11.9) tại tuyến phố Tân Ấp và Nghĩa Dũng phường Phúc Xá. Ảnh: Nguyễn Dũng
Hình ảnh ngập lụt sáng nay (11.9) tại tuyến phố Tân Ấp và Nghĩa Dũng phường Phúc Xá. Ảnh: Nguyễn Dũng

Cơ quan khí tượng cảnh báo lũ sông Hồng dâng cao có thể gây ngập ven sông, vùng trũng thấp, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân khu vực ngập lụt.

Mức báo động một trên sông Hồng tại Long Biên (Hà Nội) là 9,5m; báo động hai là 10,5m; báo động ba là 11,5m. TP Hà Nội cho biết tính từ năm 2008 đến nay sông Hồng mới lên cao ở mức này nên người dân có thể chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chính quyền có thể bị động.

Trước tình trạng nước lũ sông Hồng lên mức báo động hai, ngay từ đêm 11.9, nhiều quận huyện của Thành phố Hà Nội đã di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

9h: Đóng toàn bộ cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình

Sáng 11.9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Hòa Bình.

Hình ảnh Thủy điện Hòa Bình xả lũ được PV ghi nhận chiều 10.9. Ảnh: Đặng Tình
Hình ảnh Thủy điện Hòa Bình xả lũ được PV ghi nhận chiều 10.9. Ảnh: Đặng Tình

Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 29.6.2024 của Chính phủ về việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai trong thời gian kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp và Công điện số 6738/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 11.9.2024 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lệnh Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy còn lại vào hồi 9h00 ngày 11.9.2024.

Để đảm bảo an toàn cho công trình và các hoạt động ven sông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố:

Thông báo đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông biết thông tin để chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp; không để người dân đến những khu vực có nguy cơ sạt lở, công trình đang thi công, tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Báo cáo kịp thời các tình huống bất thường về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Như vậy khi đóng nốt một cửa xả đáy còn lại vào 9h sáng nay, hồ thủy điện Hòa Bình chính thức đóng toàn bộ cửa xả đáy.

Không chỉ đóng cửa xả đáy thủy điện Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 08h00 ngày 11.9.2024.

Được biết hồi 06h00 ngày 11.9.2024, mực nước thượng lưu hồ Tuyên Quang ở cao trình 117,95m, lưu lượng đến hồ 3.280m3/s, lưu lượng xả 4.346m3/s.

Bộ cũng yêu cầu tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

8h25: Mưa lan rộng khắp Hà Nội

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 3 giờ qua, qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây đối lưu từ phía khu vực Bắc Ninh có xu hướng di chuyển và mở rộng về phía thành phố Hà Nội.

Dự báo Hà Nội tiếp tục mưa lớn hôm nay 11.9. Ảnh: Hữu Chánh
Dự báo Hà Nội tiếp tục mưa lớn hôm nay 11.9. Ảnh: Hữu Chánh

Trong bản tin mới nhất phát đi hồi 8h, cơ quan khí tượng cảnh báo, khoảng 20 phút đến 3 giờ tới, những ổ mây đối lưu này trước tiên gây mưa rào và dông cho khu vực Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, sau đó tiếp tục mở rộng lan sang các quận nội thành khác của thành phố Hà Nội như Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Long Biên... Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Những khu vực trọng tâm nguy cơ ngập lụt ở Hà Nội là bãi giữa, ven sông Hồng thuộc các quận: quận Tây Hồ, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm, quận Gia Lâm.

Về tình hình thủy văn, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, trong 12 đến 24 giờ tới, mực nước các trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình lên mức báo động 3 và trên báo động 3.

Mực nước lũ lên cao gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê kè ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu thuộc hệ thống đê, kè, công trình ven sông thuộc các tỉnh: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

8h20: Kiểm tra, phân loại tất cả các cây cầu ở Hà Nội

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa có văn bản về việc tổ chức triển khai thực hiện Công điện số 14/CĐ-UBND ngày 10.9 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về tăng cường công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn khai thác các công trình cầu trên địa bàn thành phố do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Theo đó, Sở Giao thông Vận tải đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, kiểm tra, phân loại xác định ngay các công trình cầu hiện hữu có nguy cơ mất an toàn giao thông (đặc biệt là cầu yếu, cầu tạm, cầu phao) thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp để quyết định ngay việc tạm dừng khai thác hoặc hạn chế phương tiện lưu thông qua cầu. Điều này nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, phương tiện cũng như bản thân công trình trong điều kiện chịu tác động ảnh hưởng sau cơn bão số 3 và thực trạng mực nước trên các tuyến sông đang dâng cao như hiện nay.

Đồng thời, cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời danh mục các công trình cầu tạm dừng khai thác hoặc hạn chế phương tiện lưu thông qua cầu để phối hợp đánh giá, lên phương án xử lý cũng như phối hợp tổ chức thông báo phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông phục vụ người dân đi lại.

Chủ động xử lý, báo cáo lực lượng chức năng trong việc trục vớt các vật trôi dạt trên sông có nguy cơ va xô, mắc kẹt vào các mố trụ cầu làm ảnh hưởng đến dòng chảy cũng như làm mất an toàn công trình.

Song song với việc tổng hợp danh mục đầu tư mới, cải tạo sửa chữa lớn sử dụng vốn đầu tư công, ưu tiên tổng hợp ngay danh mục các công trình cầu hiện hữu cần cải tạo sửa chữa ngay nhằm duy trì hoạt động gửi về Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính xong trước ngày 20.9 để báo cáo UBND TP Hà Nội.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm gây mất an toàn giao thông theo thẩm quyền trong đó tập trung xử lý các vi phạm về tải trọng phương tiện đối với các công trình cầu đang hạn chế tải trọng. Phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an toàn giao thông các công trình cầu vượt sông do Bộ Giao thông Vận tải quản lý trên địa bàn thành phố.

Phối hợp với Công an TP Hà Nội, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong công tác tổ chức phân luồng giao thông tại các cầu tạm dừng hoạt động khai thác trên địa bàn thành phố (nếu có).

Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường công tác tuần đường để kịp thời phát hiện các hư hỏng, dấu hiệu hư hỏng và các hành vi vi phạm gây hư hỏng, ảnh hưởng đến kết cấu công trình cầu trên các tuyến đường thuộc thẩm quyền quản lý, đặc biệt lưu ý đối với các công trình cầu lớn qua sông Hồng, sông Đáy, sông Cà Lồ (cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì...) để kịp thời báo cáo về Sở Giao thông Vận tải...

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Phụ huynh vùng rốn lũ Hà Nội khổ sở vì chuyện học của con

HỮU CHÁNH - KHÁNH AN |

Trong hơn 1 tháng, người dân vùng "rốn lũ" xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội) 2 lần chạy lụt, khổ sở vì không biết đưa con đi học như thế nào.

Xóm ở Hà Nội biến thành ốc đảo chỉ sau 1 đêm, nước ngập quá thắt lưng

KHÁNH AN - HỮU CHÁNH |

Chỉ sau một đêm, do mực nước sông Tích dâng cao cộng với nước sông Bùi ở báo động số 3, xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) biến thành ốc đảo.

Đường vùng ven Hà Nội hóa thành sông

HỮU CHÁNH - KHÁNH AN |

Tỉnh lộ 421B (đoạn qua xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội) ngập nặng, lực lượng chức năng đã chốt chặn, cấm các phương tiện di chuyển qua đây.

Tìm thấy 38 thi thể vụ sạt lở đẩy trôi xe, có nạn nhân cách 20km

Tân Văn |

38 thi thể trong các vụ sạt lởCao Bằng đã được tìm thấy.

Cô đồng bổ cau ở Hải Dương lĩnh 7 năm 3 tháng tù

Hoàng Khôi |

Ngày 12.9, Tòa án nhân dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã tuyên phạt bị cáo Trương Thị Hương 7 năm 3 tháng tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2 cá sấu nghi sổng chuồng trong mưa lũ ở Yên Bái giờ ra sao?

Bảo Nguyên |

2 con cá sấu tại phường Nam Cường, TP Yên Bái đã chết trong chuồng nuôi.

Cháy nhà trong hẻm nhỏ ở TPHCM, cứu 1 người thoát nạn

Minh Tâm |

TPHCM - Trưa 12.9, các chiến sĩ chữa cháy đã dập tắt đám cháy tại một nhà dân trong hẻm nhỏ ở Quận 12, một người phụ nữ được cứu thoát kịp thời.

Tranh luận giữa bà Harris và ông Trump có lượt xem kinh ngạc

Bùi Đức |

Hàng chục triệu người trên khắp thế giới theo dõi cuộc tranh luận giữa ông Donald Trump và bà Kamala Harris được phát sóng trực tiếp ngày 10.9.

Phụ huynh vùng rốn lũ Hà Nội khổ sở vì chuyện học của con

HỮU CHÁNH - KHÁNH AN |

Trong hơn 1 tháng, người dân vùng "rốn lũ" xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội) 2 lần chạy lụt, khổ sở vì không biết đưa con đi học như thế nào.

Xóm ở Hà Nội biến thành ốc đảo chỉ sau 1 đêm, nước ngập quá thắt lưng

KHÁNH AN - HỮU CHÁNH |

Chỉ sau một đêm, do mực nước sông Tích dâng cao cộng với nước sông Bùi ở báo động số 3, xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội) biến thành ốc đảo.

Đường vùng ven Hà Nội hóa thành sông

HỮU CHÁNH - KHÁNH AN |

Tỉnh lộ 421B (đoạn qua xã Cấn Hữu, Quốc Oai, Hà Nội) ngập nặng, lực lượng chức năng đã chốt chặn, cấm các phương tiện di chuyển qua đây.