Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn được quyết định giá bán lẻ
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Hải Âu Phát cho biết, từ hội nghị xây dựng Nghị định 83, 95 đến 80 về kinh doanh xăng dầu, dường như nội dung của các nghị định đều được xây dựng dựa trên lợi ích của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Điều này dẫn đến những hệ lụy như doanh nghiệp bán lẻ bị chèn ép chiết khấu, bị chiếm dụng chi phí và lợi ích không được phân phối theo đúng quy định; khiến cho thị trường xăng dầu hỗn loạn, bất công và dễ đứt gãy cục bộ.
Nguyên nhân cơ bản nhất đó là quyền và lợi ích của các khâu (gồm đầu mối, phân phối và bán lẻ) chưa được phân phối phù hợp, công bằng; quyền và lợi ích chỉ tập trung ở một thành phần kinh tế là các doanh nghiệp đầu mối.
Do vậy, ông Thắng đề nghị cho phép thương nhân đầu mối định giá bán buôn mức một; cho phép thương nhân phân phối định giá bán buôn mức hai và giá bán lẻ; cho phép doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quyết định giá bán lẻ.
"Còn trong trường hợp Nhà nước quy định giá bán lẻ, tôi đề nghị chi phí kinh doanh nội địa và lợi nhuận của cả 3 khâu là 3.000 đồng/lít - 5.000 đồng/lít và Nhà nước ban hành tỉ lệ phân chia 3 khâu cụ thể, rõ ràng, minh bạch bằng thông tư bổ sung thay thế cho Thông tư 103 hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, hoặc quy định cụ thể tại nghị định mới", ông Thắng nói.
Ông cũng đề nghị Nhà nước công khai xử lý nội dung kết luận thanh tra cuối năm 2023 về việc thương nhân đầu mối mua bán lòng vòng thu lợi bất chính hàng nghìn tỉ đồng.
Đồng thời rà soát và thu hồi giấy phép của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối không đủ điều kiện để kiện toàn hệ thống cung ứng, phân phối xăng dầu cả nước.
Tại dự thảo mới về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất thương nhân phân phối chỉ được nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối, không được mua hàng lẫn nhau. Trước đây, các thương nhân phân phối được mua hàng lẫn nhau, cơ quan thanh tra hồi đầu năm 2024 đã kết luận một số thương nhân phân phối mua bán lòng vòng, thu lợi bất chính.
Ông Hoàng Trung Dũng - một thương nhân phân phối cho rằng, quy định này đang hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
"Trước đây, chúng tôi được mua hàng của nhau, như vậy có độ mở trong hoạt động kinh doanh. Ở dự thảo mới này, chúng tôi chỉ được nhập hàng từ đầu mối, điều này hạn chế quyền của doanh nghiệp", ông Dũng nói và cho rằng, dự thảo đang xây dựng theo hướng có sự "phân biệt đối xử với các doanh nghiệp" khi doanh nghiệp đầu mối được nhập từ nhiều nguồn, mua hàng lẫn nhau nhưng thương nhân phân phối thì không.
Nhắc lại câu chuyện ở thời điểm 2022, nguồn cung xăng dầu gặp vấn đề, ông Dũng nói "chúng tôi gọi, hỏi đầu mối kiểu gì cũng không được, vậy lúc đó, chúng tôi nhập hàng ở đâu?".
Nhiều thương nhân đầu mối khác cũng cho rằng, không cho thương nhân phân phối mua hàng lẫn nhau là chưa phù hợp, quy định này không khuyến khích doanh nghiệp phát triển mà ngược lại, đang hạn chế.
Cần đưa công cụ bảo hiểm giá vào trong nghị định lần này
Kinh doanh xăng dầu thời gian qua có những bất ổn, theo PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho biết, một trong những nguyên nhân chính là do biến động giá thế giới.
"Biến động giá xăng dầu đã gây ra những tác động trực tiếp đến sự bất ổn của nền kinh tế, đẩy lạm phát gia tăng, đồng thời ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và đời sống người dân", ông Long nói và cho rằng, sự biến động trên đã nổi lên tính cấp thiết về các biện pháp phòng ngừa rủi ro.
Theo ông, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp xăng dầu nước ta chủ yếu là mua trực tiếp theo thời giá thế giới. Do vậy, sự biến động mạnh về giá thế giới gây rủi ro rất lớn tới doanh nghiệp.
Vì vậy, ông kiến nghị, cần đưa công cụ bảo hiểm giá vào trong nghị định lần này. Tức là, giao dịch dựa trên nguyên tắc thỏa thuận ấn định giá cố định cho giao dịch một lô hàng tại một thời điểm nhất định. Lúc đó, doanh nghiệp chỉ phải trả một khoản phí nhất định cho lô hàng mà không lo biến động giá thế giới tác động vào.
"Việc này không chỉ giúp bình ổn giá trong nước mà còn tránh rủi ro lớn cho doanh nghiệp", ông Long nhận định.