Sài Gòn trước 1975:

Sắc luật 007/72 bóp nghẹt báo chí

Nguyễn Hoàng |

Báo đối lập bị tịch thu dài dài, chủ bút ra tòa như cơm bữa, nhưng chỉ bị “phạt miệng”, chứ không đóng một xu nào. Tịch thu thì cứ tịch thu, báo vẫn đến tay độc giả đều đều. Lí do hết sức đơn giản, báo chưa đưa đi kiểm duyệt đã phát hành rồi nên khi cảnh sát ập đến tòa soạn để lập biên bản tịch thu thì có một số tờ đã "cao chạy xa bay"… Không còn cách nào khác, chính quyền Sài Gòn ban hành một luật mới nhằm xóa sổ những tờ báo đối lập.
Sắc luật 007/72: Tiêu diệt báo đối lập

 

Bằng mọi cách, tịch thu, truy tố ra tòa theo Luật Báo chí 019/69, nhưng tất cả biện pháp xem chừng không hiệu quả. Ngày ấy, tờ Tin Sáng của dân biểu Ngô Công Đức - là một tờ công khai chống đối chính quyền Nguyễn Văn Thiệu - bị tịch thu nhiều nhất. Sau Tin Sáng là tờ Điện Tín, chủ nhiệm của tờ báo này là ông Hồng Sơn Đông - nghị sĩ Thượng nghị viện và chủ bút là ông Lý Quý Chung - dân biểu Hạ nghị viện của chính quyền Sài Gòn.

Trong khoảng thời gian từ tháng 12.1969 đến tháng 8.1972, tờ Điện Tín có đến 5.000 vụ “vi phạm luật báo chí”, coi như ngày nào cũng có vụ vi phạm, có nhiều số báo vi phạm cả chục vụ. Người đại diện cho tờ báo là tổng thư ký tòa soạn ra tòa như cơm bữa, bị “phạt miệng” triền miên… Hình như, những người có trách nhiệm của tờ Điện Tín thời ấy không đóng một đồng nào.

Như đã trình bày ở bài trước, cảnh sát bao vây cửa trước thì báo tuồn ra cửa sau. Cảnh sát bao vây cửa sau thì báo chuyển lên nóc nhà tuồn qua nhà bên cạnh. Phần nào bị tịch thu thì thua lỗ. Số bán được ra ngoài thì trang trải cho tiền giấy, tiền nhà in, công cán thợ thầy, nhà văn, phóng viên, kí giả… Dĩ nhiên, báo bị tịch thu nhiều thì chủ báo lâm vào cảnh nợ nần, thiếu trước hụt sau. Có một điều, cảnh sát càng bố ráp thì những người làm báo đối lập càng kiên trì. Tổng thống Thiệu càng lúc càng điên tiết hơn.

Để tiêu diệt những tờ báo đối lập, chính quyền Sài Gòn cho ban hành một luật báo chí mới gọi là Sắc luật 007/72. Sắc luật này được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký vào ngày 5.8.1972. Sắc luật 007/72 bắt buộc mỗi tờ nhật báo phải đóng kí quỹ 20 triệu đồng (lúc ấy tương đương 47.000USD), còn báo định kì (tuần báo, nguyệt san…) thì đóng kí quỹ 10 triệu đồng. Nếu chủ bút nào không nộp đủ số tiền đó, tờ báo bị rút giấy phép.

Luật có điều khoản ưu đãi đặc biệt cho những tờ báo thuộc các đảng phái được chính quyền cấp phái lai, tức cho phép hoạt động. Các đảng phái hợp pháp này, đương nhiên thân chính quyền, nhật báo của họ chỉ đóng phân nửa tiền kí quỹ là 10 triệu đồng. Các tờ báo có đủ tiền, đóng kí quỹ tại Tổng nha Ngân khố trong một trương mục có lãi. Trương mục này do chủ nhiệm, chủ bút, hoặc quản lí đứng tên, để bảo đảm cho việc thanh toán các “ngân hình án phí” và tiền bồi thường thiệt hại cho dân sự trong những bản án tuyên xử liên quan đến những vi phạm điều khoản luật này.

Ông Tổng giám đốc ngân khố, sau khi nhận được bản án, đương nhiên được khấu trừ số tiền kí quỹ của tờ báo có liên quan mà không cần một thủ tục nào khác. Số tiền kí quỹ phải luôn luôn đầy đủ theo luật định. Khi số tiền kí quỹ bị khấu trừ thì ngay sau khi nhận được thông báo của Tổng giám đốc ngân khố, tờ báo phải đóng thêm cho đủ số tiền kí quỹ trong thời hạn 15 ngày. Nếu không, tờ báo bị coi như tự đình bản hoặc cơ sở phát hành bị coi như tự ý ngưng hoạt động, nếu tiếp tục hoạt động sẽ bị truy tố. Ngoài ra, Sắc luật 007/72 còn quy định, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn.

Phiên tòa đặc biệt

Sau khi Sắc luật 007/72 được ban hành thì có 16 tờ báo ngày và 15 tờ báo định kì “tự đóng cửa”, trong đó những tờ đối lập ôn hòa như Đuốc Nhà Nam, Bút Thần… Báo đối lập công khai lúc bấy giờ chỉ còn duy nhất có một tờ, đó là tờ nhật báo Điện Tín. Chủ nhiệm kiêm chủ bút của tờ báo là nghị sĩ Hồng Sơn Đông, cùng chủ biên tờ báo này còn có dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, dân biểu Lý Quý Chung, cựu dân biểu Dương Văn Ba, nhà báo Trần Tấn Quốc, giáo sư Lý Chánh Trung… (là những chủ nhiệm, chủ bút, kí giả của các báo đối lập không có tiền đóng kí quỹ, phải ngưng hoạt động), là những cây bút đối lập uy tín hàng đầu của làng báo Sài Gòn thời ấy. Tiền đóng kí quỹ của báo Điện Tín do một chủ nhà in ở Sài Gòn hỗ trợ.

Chỉ mới sau 11 ngày, kể từ khi Sắc lệnh 007/72 được ban hành, ngày 16.8.1972, nhật báo Điện Tín có đăng một bản tin thống kê về trọng lượng và số bom mà các phi cơ Mỹ đã ném xuống Đông Dương và Việt Nam. Theo tài liệu mà bản tin viện dẫn, số lượng bom được sử dụng ở Đông Dương và Việt Nam nhiều hơn cả số lượng bom mà Mỹ sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Bộ nội vụ của chính quyền Sài Gòn yêu cầu công tố viên truy tố tờ Điện Tín. Tội danh trong vụ truy tố này là: ‘‘Phổ biến tin tức và tài liệu có thể phương hại đến an ninh quốc gia” (vi phạm Điều 28 đoạn a trong Sắc luật 007/72).

Sau đây là tường thuật phiên tòa do các báo lúc đó ghi lại: Phiên xử báo chí đầu tiên trước tòa theo Sắc luật 007/72 diễn ra lúc 9h sáng ngày thứ sáu 22.9.1972. Chủ nhiệm kiêm chủ bút Điện Tín là nghị sĩ Hồng Sơn Đông do có tư cách nghị sĩ nên được hưởng quyền bất khả xâm phạm, vì vậy bà quản lí của tờ báo phải thay mặt chủ nhiệm, bị coi là ‘‘chánh phạm”.

Câu hỏi đầu tiên của tòa là: ‘‘Quản lí nhật báo Điện Tín, bà có kiểm soát bài vở trước khi cho in không?”. Bà quản lý trả lời: ‘‘Tôi chỉ biết lo về tiền bạc cho tờ báo, không có thẩm quyền kiểm soát bài vở của tòa soạn”. Tòa mời đại diện Bộ Nội vụ ra xác nhận có yêu cầu truy tố nhật báo Điện Tín hay không. Vị đại diện Bộ Nội vụ cho rằng, số lượng bom phi cơ Mỹ dội xuống Việt Nam là con số quá lớn, nhật báo Điện Tín phổ biến con số đó gây hoang mang cho dư luận, làm phương hại cho an ninh quốc gia.

Tòa hỏi Bộ Nội vụ có con số nào để so sánh hoặc làm mức đo lường sự quá đáng, Bộ Nội vụ trả lời, không có. Tòa hỏi phía bị cáo xuất xứ tài liệu được đăng tải trên báo. Trái với dự đoán của những người có mặt, báo Điện Tín không dựa vào Điều 22 quy chế báo chí (được Sắc luật 007/72 thừa nhận) để từ chối trả lời về nguồn cung cấp thông tin. Luật sư Bùi Chánh Thời, thay mặt tờ báo, đã xuất trình bản chính tài liệu xuất xứ từ công trình nghiên cứu của Viện Đại học Cornell (Hoa Kỳ). Tòa hỏi ủy viên chính phủ có ý kiến gì. Vị này trả lời: ‘‘Tài liệu có thật nhưng phổ biến có hại cho an ninh quốc gia”.

Tranh luận trước tòa và biện hộ cho nhật báo Điện Tín, luật sư Bùi Chánh Thời nêu lên ba phản biện quan trọng:

1. Tranh luận vai trò của người quản lý: Ai cũng biết, trong một nhật báo, chịu trách nhiệm về bài vở là chủ nhiệm hay chủ bút. Đó là bàn về phương diện lí thuyết. Trong thực tế, thư kí tòa soạn đảm nhận công việc ấy. Không một nhật báo nào trên thế giới để người quản lí kiểm soát bài vở. Vai trò thuần túy của quản lí là điều hành tờ báo về mặt hành chính. Bắt người quản lí chịu trách nhiệm về bài vở là một điều vô lí.

2. Nguyên tắc cá biệt của hình phạt: Theo nguyên tắc tổng quát của luật hình thì chỉ có hành vi là bị trừng phạt. Cá nhân không có hành vi phạm tội thì không thể bị trừng phạt. Từ điểm này đi tới một nguyên tắc lớn hơn nữa là sự cá biệt của hình phạt. Viên quản lí nhật báo Điện Tín không có hành động phạm tội thì không thể bị coi là chánh phạm.

3. Yếu tố phổ biến: Biên bản của Bộ Nội vụ có ghi rõ là tịch thu báo Điện Tín trên máy in. Số báo đề ngày 16 tháng 8 năm 1972 nhưng bị tịch thu tất cả trong buổi chiều ngày 15 tháng 8 năm 1972. Như vậy không hề có yếu tố phổ biến để buộc tội nhật báo Điện Tín theo điều 28 đoạn a Sắc luật 007/72 (dùng báo chí để phổ biến).

Để kết luận, luật sư Bùi Chánh Thời yêu cầu tòa tha bổng cho nhật báo Điện Tín và chiếu Điều 20 Sắc luật 007/72, luật sư Thời xin phản tố trước tòa để đòi bồi thường 1 triệu đồng thiệt hại cho tờ báo. Sau khi nghe ủy viên chính phủ buộc tội gắt gao, tòa nghị án và trở ra tuyên án: Phạt bà quản lí tờ nhật báo Điện Tín 1 năm tù và 1 triệu đồng tiền vạ. Thật trớ trêu, tranh luận qua lại có vẻ như dân chủ nhưng thực sự tòa án vẫn nằm trong tay của chế độ Thiệu và khi tuyên án thì hoàn toàn theo sự áp đặt của chính quyền. Rõ ràng, Nguyễn Văn Thiệu muốn dẹp nốt tờ Điện Tín - tờ báo đối lập không coi chính quyền Sài Gòn ra gì.

Kỳ cuối: Khi kí giả đi… ăn mày

Nguyễn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

Thủ tướng Đức nêu điểm mạnh của tân Bộ trưởng Quốc phòng

Ngọc Vân |

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết kinh nghiệm dày dặn và “trái tim nhân hậu” của tân Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius khiến ông trở thành người phù hợp cho vai trò này.

Đà Nẵng: Mai nở muộn, chủ vườn nóng ruột lo mất tết

Nguyễn Linh |

Những ngày cận kề tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các chủ vườn mai trên địa bàn TP Đà Nẵng xót ruột vì thời tiết thất thường khiến mai nở muộn, sợ không trúng dịp tết.

Nhiều người trên thế giới tin tưởng sẽ giàu có hơn sau lạm phát

Quý An (theo Reuters) |

Có 2/5 số người được hỏi tin rằng họ sẽ giàu có hơn trong tương lai, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và lạm phát.