Chưa đánh giá được tính hiệu quả và an toàn
Trao đổi với phóng viên Lao Động, Giáo sư.Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thu Vân, nguyên Giám đốc Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1, Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vắcxin phòng bệnh cho người, Bộ Y tế cho biết: "Theo các thông tin tôi được biết, Nga chưa công bố các số liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, giai đoạn 2 và chưa thực hiện giai đoạn 3, điều này chưa tuân thủ đúng các quy trình phát triển và sản xuất một loại vaccine. Vì vậy, hiện chưa thể đánh giá được tính hiệu quả và tính an toàn của vaccine".
Nói về tính an toàn, Giáo sư Vân cho rằng vaccine COVID-19 của Nga cũng có thể không gây ra nhiều băn khoăn vì Nga có rất nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu các loại vaccine, và đây cũng là một loại vaccine truyền thống mà họ đã từng làm. Vấn đề an toàn được đặt ra, nhưng không đáng ngại. Tuy nhiên, về đáp ứng miễn dịch và hiệu quả của vaccine ra sao thì phải có kết quả từ số liệu mà họ công bố. Đặc biệt, giai đoạn 3 chưa thực hiện thì chưa thể đánh giá được hiệu quả của vaccine này.
Theo bà, để làm vaccine này, trên thế giới có rất nhiều cách tiếp cận khác nhau, mỗi cách đều có ưu điểm riêng, mỗi nhà sản xuất có một cách tiếp cận công nghệ khác nhau. Nhưng tựu chung lại, tất cả đều phải đánh giá qua thử nghiệm lâm sàng vì vaccine này quá mới. Đối với các loại vaccine cũ đã có những kết quả nghiên cứu trước đó thì chúng ta có thể có đối chứng nhưng hiện nay, chưa có cơ sở nào để so sánh vaccine tốt hay không tốt. Đây là cái khó của những loại vaccine đầu tiên, nếu được cấp phép.
Trên thế giới và tại Việt Nam, GS Vân cho hay, nhiều năm trước, đã từng có những loại vaccine được nghiên cứu và sản xuất bằng với thời gian mà Nga nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 như hiện nay, hoàn thành ở giai đoạn 1, giai đoạn 2 là đánh giá về tính an toàn và tính miễn dịch. Tuy nhiên, lúc đó thế giới và Việt Nam đều chưa có những quy định chặt chẽ về quá trình phát triển một loại vaccine như hiện nay.
"Hơn nữa, những loại vaccine đó đều là đi sau, thừa hưởng thành quả nghiên cứu của các nước khác trên thế giới, vaccine được đánh giá an toàn và hiệu quả, nên thời gian rút ngắn đi cũng không đáng ngại. Còn loại vaccine COVID-19 này là mới hoàn toàn, chưa ai hiểu vaccine này sẽ hoạt động như thế nào. Vì vậy, tôi cho rằng phải tìm hiểu thật kỹ"- GS Vân nói.
Tốc độ nghiên cứu vaccine COVID-19 ở Việt Nam cũng rất nhanh
Nói về triển vọng vaccine COVID-19 ở Việt Nam, GS Nguyễn Thu Vân cũng cho hay theo dự tính, khoảng cuối năm 2021, Việt Nam có thể sẽ có vaccine COVID-19.
"Tôi cho rằng, nếu Việt Nam thành công thì quãng thời gian như vậy là quá nhanh. Nếu theo đúng truyền thống, phải mất 5- 6 năm để cho ra một vaccine mới"- GS Vân nói.
Về vaccine của Việt Nam, theo GS Vân, hiện nay đơn vị IVAC cũng đã chuẩn bị sản xuất những lô thử nghiệm đầu tiên. Dù là những lô thử nghiệm nhưng vẫn phải tuân thủ đúng những quy định hiện nay đối với việc phát triển một loại vaccine là qua 3 giai đoạn.
Liên quan đến những thủ tục phê duyệt, lãnh đạo Bộ Y tế cũng đã có kế hoạch, có thể cắt bớt giai đoạn nhưng bằng cách kết hợp các giai đoạn, rút ngắn thủ tục hành chính. Các chuyên gia sẽ xem xét hồ sơ trong thời gian ngắn nhất để có được đăng ký sớm nhất nếu vaccine có hiệu quả.