Mới đây, Sở Y tế TPHCM gửi Thường trực UBND thành phố (TP), đề xuất lập trung tâm mua sắm tập trung thuốc và thiết bị y tế trực thuộc UBND TPHCM, hoạt động song song Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản (Sở Tư pháp).
Vào năm 2014, để cung ứng thuốc và điều phối, vật tư y tế, trang thiết bị, thành phố từng có Trung tâm mua sắm hàng hoá và tài sản công của ngành Y tế (thuộc Sở Y tế). Tất cả hồ sơ phê duyệt, mời thầu, lựa chọn nhà thầu thuộc quyền của Sở Y tế TP.
Giai đoạn 2014-2016, trung tâm này tổ chức 6 gói thầu thuốc với hơn 5.600 mặt hàng trị giá 20.200 tỉ đồng; 9 gói thầu vật tư y tế với gần 4.200 mặt hàng trị giá hơn 2.800 tỉ đồng và 12 gói thầu trang thiết bị trị giá gần 370 tỉ đồng...
Ưu điểm của đấu thầu tập trung là công khai, minh bạch, hạn chế sai sót, giảm lãng phí, danh mục mua sắm và giá hợp lý, thống nhất. Song thời điểm đó, trung tâm chưa độc lập với cơ sở y tế nên khó đảm bảo tính khách quan. Nhân sự thực hiện chỉ 18 người so với nhu cầu là 30, hầu hết kiêm nhiệm... Đến tháng 10.2017, trung tâm này bị giải thể.
Từ đó đến nay, 78 đơn vị y tế công của thành phố tự mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng giá trị 14.000 tỉ đồng. Việc tự mua sắm giúp các đơn vị chủ động, song gặp nhiều hạn chế như: Phê duyệt danh mục mua sắm, họp hội đồng khoa học công nghệ chưa thực chất; thẩm định giá gói thầu chưa đầy đủ; giá trúng thầu chênh lệch nhiều so với giá nhập khẩu...
Sở Y tế cho rằng, quy trình mua sắm thuốc và trang thiết bị y tế đòi hỏi chuyên môn cao, nhưng các đơn vị thực hiện chưa am hiểu công tác đầu thầu. Các quy định, quy trình đấu thầu nhiều nhưng chưa rõ ràng khiến các đơn vị gặp khó trong xác định, kê khai giá, làm cho người thực hiện hoang mang, lo lắng. Do đó, việc quay lại đấu thầu tập trung như trước đây là điều cần thiết.